Bầu cử sơ bộ: Nước Pháp cũng muốn thay đổi

DANH ĐỨC 26/11/2016 21:11 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên, các đảng phái cánh hữu và trung dung ở Pháp “tập hợp” với nhau để chọn ra một ứng cử viên duy nhất đại diện trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 năm tới. Việc tổ chức và tham gia vòng sơ bộ này phản ánh một nhu cầu “thay khác” chính trị ở Pháp.

Cảnh sát Pháp liên tục xuống đường trong năm qua đòi được thừa nhận và bảo vệ. Đây là một chủ đề tranh cử của ứng cử viên François Fillon. “Cảnh sát và hiến binh phải “được” tập trung tinh thần cho nhiệm vụ của mình…” (diễn văn ngày 18-11)
Cảnh sát Pháp liên tục xuống đường trong năm qua đòi được thừa nhận và bảo vệ. Đây là một chủ đề tranh cử của ứng cử viên François Fillon. “Cảnh sát và hiến binh phải “được” tập trung tinh thần cho nhiệm vụ của mình…” (Diễn văn ngày 18-11)

Đến 7g tối chủ nhật 20-11-2016, tại 10.000 phòng phiếu trên nước Pháp đã có 4.139.089 người đi bỏ phiếu chọn ứng cử viên chung cho các đảng cánh hữu và trung dung ở Pháp. Nếu so với cuộc bỏ phiếu vòng sơ bộ của Đảng Xã hội Pháp năm 2011 với 2,66 triệu người tham gia, thì sự tham gia của công chúng vào vòng sơ bộ cánh hữu năm nay là nhiều hơn.

Ai tham gia?

Tên gọi chính thức của cuộc bỏ phiếu này - “vòng sơ bộ mở của cánh hữu và trung dung” - phản ánh khá đúng thực chất của cuộc bầu cử.

“Mở” trong ý nghĩa bất cứ người dân Pháp nào có tên trong danh sách đăng ký cử tri, cũng có thể tham gia bỏ phiếu với điều kiện duy nhất là ký tên vào bản hiến chương “đổi khác chính trị”, theo đó họ sẽ tỏ rõ “chia sẻ các giá trị cộng hòa của cánh hữu và trung dung, đồng thời dấn thân vào sự thay thế chính trị nhằm mang tới thành công cho việc khôi phục nước Pháp”.

Nghĩa là không cần phải là đảng viên để có thể tham gia bỏ phiếu, mà chỉ cần cùng ấp ủ những giá trị của nền cộng hòa và ước ao đổi khác nền chính trị của nước Pháp.

Độ mở của cuộc bỏ phiếu và sự dấn thân của người tham gia bỏ phiếu được thể hiện một cách cụ thể qua yêu cầu: để được bỏ phiếu, các cử tri phải đóng 2 euro.

Đóng tiền để được bỏ phiếu là điều “xưa nay hiếm” khi chuyện đi bầu cử là miễn phí, được ngân sách bao từ A-Z, thậm chí tham dự còn được quà đem về... mà đôi khi vẫn không thu hút được đủ cử tri.

Đóng 2 euro mỗi vòng bỏ phiếu là để đóng góp vào chi phí tổ chức, để được chọn ứng cử viên của mình. Tuy không là món tiền lớn, bằng giá một tách cà phê đen ở Pháp, nhưng lại chính là hiện thân của sự dấn thân tham gia.

4 triệu người tự nguyện tham gia bỏ phiếu vòng sơ bộ này, tức cứ 10 cử tri chính thức trong các cuộc bầu cử chính thức thì có một người, không nhất thiết là đảng viên các đảng cánh hữu, đã tự nguyện ra khỏi nhà để đi bỏ phiếu.

Hình thức bầu cử sơ bộ mở này được coi là sự khác biệt cơ bản giữa nền dân chủ của Pháp với Mỹ - nơi mà đại hội hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ quy tụ một số đại biểu đảng viên "cốt cán". Sự huy động quần chúng đông đảo như thế phản ánh mong muốn “thay khác” (alternative) của những người tham gia bỏ phiếu, thay thế và đổi khác chứ không chỉ là “luân phiên thế chỗ”.

Con số 4 triệu cử tri tham gia vòng sơ bộ của phe cánh hữu và trung dung cũng nêu ra thách thức với cánh tả, vốn tổ chức vòng sơ bộ sau, dự kiến vào ngày 22-1-2017 (vòng 1) và 29-1-2017 (vòng 2). Liệu Đảng Xã hội và các đồng minh trong Liên minh bình dân sẽ thu hút được bao nhiêu người tham gia?

Ai tổ chức?

Khi mà cử tri đóng tiền để được bỏ phiếu chứ không được “bao cấp”, tất nhiên việc tổ chức bỏ phiếu cũng là tự túc, không có sự tham dự của chính quyền. Các đảng Những người cộng hòa (LR), Dân chủ - Thiên Chúa giáo (PCD), Trung tâm quốc gia chính trị độc lập và nông dân (CNIP) nhất trí cùng đứng ra tổ chức cuộc bỏ phiếu này nhằm chỉ định ứng cử viên chung cho cuộc bầu cử năm 2017.

Riêng Đảng Những người cộng hòa để được tham gia ứng cử, mỗi ứng viên còn phải được hậu thuẫn tối thiểu bởi 250 đại biểu dân cử các cấp thuộc ít nhất 30 “tỉnh”, trong đó phải có ít nhất 20 đại biểu quốc hội, và tối thiểu 2.500 đảng viên có đóng đảng phí trong ít nhất 15 “tỉnh”.

Sau khi nhất trí về thủ tục ứng cử, ba đảng trên đã nhất trí bầu ra một Cơ quan điều phối cao cấp phụ trách vòng sơ bộ (HAP) có nhiệm vụ tổ chức, giám sát, kiểm tra, xem xét các khiếu nại, tuyên bố kết quả cũng như công bố cẩm nang hướng dẫn bỏ phiếu, gồm năm thành viên của HAP là những giáo sư luật và thẩm phán cao cấp... - tức những người có kinh nghiệm bầu cử.

Một ủy ban tổ chức cũng đã được bầu ra gồm 15 thành viên ở cấp quốc gia, ở các địa phương sẽ tự bầu ra.

Ai "thay khác" ai?

Việc triệu người tự nguyện tham gia bỏ phiếu và ký hiến chương “thay khác” nêu trên cho thấy yêu cầu “mở” hệ thống chính trị ở Pháp thoát khỏi những sáo mòn cũ - một lời kêu gọi đang xuất hiện khắp nơi trên toàn cầu. “Mở” đầu tiên là nhu cầu luân phiên giữa cánh hữu và cánh tả.

Đây là một tiến trình đã bắt đầu từ sau năm 1981, khi cánh tả lên nắm chính quyền sau cuộc bầu cử năm 1981 với ứng cử viên François Mitterrand thuộc Đảng Xã hội, kết thúc quá trình cầm quyền kéo dài quá lâu của cánh hữu sau 10 năm dài dưới trào của De Gaulle “đậm đặc” đến mức hình thành một phái mang tên vị tướng giải phóng nước Pháp này (phái Gaulliste) qua các trào Pompidou, Valéry Giscard d’Estaing.

Rồi thì cánh tả nắm chính quyền trong suốt 14 năm qua hai nhiệm kỳ của tổng thống Mitterrand cũng đã làm dấy lên những chán ngán mong muốn có một sự “thay khác”. Chiến thắng của ứng cử viên cánh hữu Jacques Chirac, cũng hai nhiệm kỳ bảy năm, đã đưa cánh hữu lên nắm quyền.

Chưa hết nhiệm kỳ bảy năm thứ nhất, đến tháng 9-2000 tổng thổng Chirac đã phải đồng ý tổ chức trưng cầu ý dân về vệc rút ngắn nhiệm kỳ từ bảy năm còn năm năm, 73,21% cử tri bỏ phiếu đã đồng ý rút ngắn còn năm năm, và thế là qua nhiệm kỳ sau tổng thống Chirac chỉ còn nắm quyền có năm năm.

Chính việc sửa đổi thời gian của nhiệm kỳ tổng thống bảy năm, một định chế đã kéo dài suốt 129 năm, từ năm 1873 dưới trào tổng thống Mac Mahon, kết thúc vào năm 2002 dưới trào tổng thống Chirac đã là một ý muốn “thay khác” đầu tiên rồi.

Nhu cầu “thay khác” này đã lộ ra khi mà trong cả hai chính quyền Mitterrand và Chirac từng có lúc tổng thống phải “chung sống” với thủ tướng thuộc đảng đối lập do đảng này chiếm đa số quốc hội.

Nay, các đảng cánh hữu và trung dung căng khẩu hiệu “thay khác” trong hiến chương của mình vào cuối nhiệm kỳ năm năm sắp hết của Tổng thống cánh tả François Hollande cũng là điều dễ hiểu.

Phải chăng có một nhu cầu “thay khác” không chỉ từ phía phe đối lập mà còn cả trong nội bộ Đảng Xã hội cầm quyền khi ngày càng có những tiếng bấc tiếng chì trong đảng mong muốn ông Hollande đừng tái tranh cử, khi một cựu bộ trưởng kinh tế trong nội các của đương kim Thủ tướng Manuel Valls là Emmanuel Macron, một “ngôi sao rất đang lên” trên các kết quả thăm dò dư luận về phía cánh tả.

Ông Macron hôm 16-11 đã tuyên bố sẽ ra tranh cử cho dù Tổng thống Hollande cũng có ra tranh cử hay không. Phải chăng nhu cầu “thay khác” đã là hết sức nóng bỏng cho cả hai cánh?

“Thay khác" cái gì?

Kết quả vòng 1 cho thấy cựu thủ tướng trào Sarkozy là ông François Fillon đã vượt lên trên cả sáu ứng cử viên khác.

Ông Fillon đã nhận được 1.826.926 phiếu bầu chọn, tức 44,1% tổng số phiếu trong một cuộc bầu cử gồm bảy ứng cử viên, qua mặt cả cựu sếp Sarkozy (chỉ được 854.493 phiếu, tức 20,6%) hay cựu thủ tướng Alain Juppé (chỉ 1.181.022 phiếu, tức 28,5%) cho thấy nhu cầu “thay khác” không đi lại con đường mà các ông này đã đi, mà theo “đường cày” ông François Fillon đã vạch ra.

Tất nhiên, đó cũng chính là sự cự tuyệt con đường mà đương kim Tổng thống François Hollande bên Đảng Xã hội đối nghịch đã đi trong bốn năm rưỡi qua.

“Đường cày” mà ông Fillon đã vạch ra được ông mô tả như sau trong bài diễn văn vận động tranh cử cuối cùng hôm 18-11, hai ngày trước cuộc bỏ phiếu tại Cung Hội nghị ở Paris: “Ở khắp nơi mà tôi đã đối thoại, tôi cảm nhận được mong muốn xây dựng một sự “thay khác” thực sự từ các đồng bào của tôi...

Cùng với tất cả cử tri cánh hữu và trung dung, chúng ta đấu tranh để đặt dấu chấm hết cho nhiệm kỳ 5 năm thất bại này, và nhân tiện để dứt điểm luôn tất cả các ý tưởng sai lầm đã ngăn không cho chúng ta hiện đại hóa thực sự đất nước chúng ta trong suốt 30 năm qua”.

Có thể thấy, ông Fillon phủ định toàn bộ các chính phủ cánh tả lẫn cánh hữu trong suốt 30 năm qua chứ không chỉ mỗi nhiệm kỳ sắp hết hiện tại, mà theo ông, “François Hollande để lại cho chúng ta một nước Pháp nay tất toán “đóng cửa” cả kinh tế lẫn tinh thần... Tình trạng khẩn cấp là ở mọi nơi...”.

Vậy con đường của ông Fillon thì sao? Ông giải thích: “Hãy để chúng tôi làm việc, hãy để chúng tôi thành đạt, hãy để yên cho chúng tôi, đó là điều hàng ngàn người Pháp đã nói với tôi trong ba năm qua khi tôi xây dựng chương trình hành động của tôi.

Người dân đâu có mỏi mệt, mà là cái hệ thống bị mòn hoàn toàn, cộng thêm cả núi quy định, chuẩn mực, nghi kỵ hút cạn kiệt mọi ý chí. Bệnh quan liêu xâm chiếm cuộc sống của chúng ta.

Tất cả đều bị đóng khung, san bằng, nghiền nát thông qua bởi một thứ logic tai hại: thà là tà tà thủ tục giấy tờ còn tốt hơn là táo bạo; thà để mặc nạn thất nghiệp cùng bộ luật lao động dày 3.000 trang còn hơn là linh động trong công ăn việc làm; thà chịu trận công đoàn còn hơn là trưng cầu ý kiến trong công ty; thà để hoang cả cánh đồng còn hơn là làm chui vài sào đất; thà siết chặt hành chính còn hơn là trao/nhận trách nhiệm; ra một thông tư còn hơn là để tự do sáng kiến.

Không được đâu: thà là liều lĩnh còn hơn là cứ giống hệt nhau trong sự tồi tàn. Đó là tất cả những gì mà người làm công ăn lương cùng các nhân viên nhà nước nói với tôi và tôi tin là đúng. Tôi muốn thay cái hệ thống đó...”.

Nếu ông Fillon thắng ở vòng 2 trước đối thủ Alain Juppé, thì điều đó có nghĩa là “đường cày” mà ông vạch ra đã được bên cánh hữu và trung dung chọn để làm công việc “thay khác”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận