BRICS: Từ ước mơ đến hiện thực

DANH ĐỨC 01/10/2011 22:10 GMT+7

TTCT - Cuộc họp của nhóm BRICS, gồm các nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, hôm 22-9 vừa qua tại Washington (Mỹ) đã không đi đến một thỏa thuận chung về việc cứu nợ khối châu Âu như trông đợi của khối này. Trong thực tế, BRICs có “cứu thế” được không và tại sao?

Phóng to
Bộ trưởng tài chính Brazil Guido Mantega (bìa trái) phát biểu tại cuộc họp của nhóm BRICS ở Washington ngày 22-9 - Ảnh: Reuters

Sở dĩ đã có một sự mong đợi BRICS cứu giúp châu Âu như thế là do trước đó Bộ trưởng tài chính Guido Mantega của Brazil đã đề xuất nhóm này sẽ tung tiền ra để cứu nợ châu Âu.

Đề xuất được đưa ra trước cuộc họp của nhóm BRICS bên lề cuộc họp thường kỳ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nên càng thêm sức hấp dẫn nơi dư luận về một nhóm “tai to mặt lớn” mới trên tấm bản đồ kinh tế - chính trị thế giới vào lúc WB-IMF cùng nhóm G7 (thành lập năm 1975, gồm bảy cường quốc kinh tế lúc đó là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada) đã kiệt sức do cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ và châu Âu.

Anh hào thế giới

Đề xuất giải cứu của Brazil càng gây sốc khi thu nhập bình quân đầu người năm ngoái của quốc gia Mỹ Latin này mới chỉ được 10.710 USD, kém thu nhập bình quân đầu người của Ý (33.866 USD) những ba lần (số liệu của WB do Wikipedia trích lại trong List of countries by GDP (nominal) per capita). Thậm chí, thu nhập đầu người của Trung Quốc năm ngoái mới chỉ 4.393 USD. Chẳng qua các nước này đã biết tích lũy thu nhập thay vì phung phí, ngoại tệ dự trữ của các nước này lên đến 4.450 tỉ USD (1).

Báo cáo tháng 6 năm nay của Goldman Sachs ghi nhận: “Những năm gần đây, các nước BRICS đã tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trên bảng xếp hạng quy mô các nền kinh tế. Trung Quốc qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới. Brazil qua mặt Tây Ban Nha và cả Ý để trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới, và nay đang tiến sát gần Anh. Ấn Độ và Nga qua mặt Tây Ban Nha để xếp hạng 9 và 11. Những thay đổi này còn nhanh hơn chúng tôi đã dự kiến.

Việc các nước BRICS lên ngôi trong bảng xếp hạng vừa do đã có thành tích tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn khủng hoảng này, vừa do tiền tệ các nước này có tỉ giá ngày càng mạnh hơn. Ở Trung Quốc và Ấn Độ chủ yếu là do tăng trưởng mạnh, còn ở Brazil đồng real tăng giá những 50% trong tài khóa 2009-2010. Ở Nga thì mạnh đều cả hai mặt”.

Quan ngại chung, bận tâm riêng

Nhóm BRIC hiển thị trong thực tế lần đầu tiên vào tháng 6-2009 khi lãnh đạo bốn nước họp thượng đỉnh lần đầu tại Yekaterinburg (Nga), qua năm sau tại Brasília (Brazil), và năm nay lãnh đạo năm nước họp tại Tam Á (Trung Quốc) để bàn về các vấn đề mà các nước này quan tâm hằng năm.

Từ ba năm nay, những mối quan tâm hàng đầu của nhóm này (2) là làm sao đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm ra khỏi tình trạng độc tôn của “tờ giấy xanh” của Mỹ, cũng như làm sao cho các định chế tài chính quốc tế, nhất là WB, được phân bổ quyền lực thích hợp hơn với thực tế mới là các nước như BRICS đang nắm tiền bạc ngày càng nhiều hơn. Ngoài các cuộc gặp thượng đỉnh mang tính định hướng chung, còn có những cuộc gặp cấp bộ trưởng tài chính mang nặng tính kỹ thuật cụ thể, như cuộc gặp tuần trước ở Washington bên lề cuộc họp WB-IMF.

Cuộc gặp đó cho thấy các nước BRICS vẫn chưa chung một bầu trời với nhau cho lắm, mỗi nước đều giữ những góc trời riêng. Tỉ như việc các nước BRICs đã không nhất trí với nhau về đề xuất của Brazil nhằm giải cứu các nước châu Âu. Thứ trưởng tài chính Nga Sergei Storchak đã bác bỏ đề xuất của Brazil: “Vào lúc này, thật bất khả thi và không cần thiết để cho các nước đang phát triển nhanh nhất thế giới cùng chung sức trợ giúp khu vực đồng euro” (3).

Reuters bình luận rằng thật ra sáng kiến trên nhằm phục vụ lợi ích riêng của nhóm BRICS, đó chính là tạo thanh thế cho các nước này đang nhân dịp châu Âu khủng hoảng nợ muốn tự “lăngxê” nhằm tìm kiếm một cơ hội chen chân vào vũ đài chính trị - kinh tế thế giới (4).

Thật ra, mỗi nước vẫn còn đeo đuổi những mục tiêu cùng lợi ích riêng của mình. Tỉ như nước Nga vẫn đang ra sức giải cứu các nước láng giềng là Armenia và Kyrgyzstan, mới tháng 6 năm nay đã chi ra một gói giải cứu lên đến 3 tỉ USD cho Belarus... Còn Brazil thì tham vọng chính trị càng lớn, trong đó lớn nhất là tham vọng “rửa mày, rửa mặt” sau khi đã từng là con nợ cách đây hai thập niên. Trung Quốc năm ngoái vẫn luôn “đơn cả” hứa hẹn giải cứu châu Âu...

Khi chưa toàn tâm toàn ý, BRICS vẫn chưa trở thành một trung tâm quyền lực mới, cho dù từng nền kinh tế có thể đã là một tấm gương tăng trưởng trong tiết kiệm.

Nguồn gốc nhóm BRIC

Từ ngữ nhóm BRIC xuất hiện từ một báo cáo của kinh tế gia trưởng Jim O’Neill của tổ chức phân tích tài chính kinh tế Goldman Sachs công bố vào năm 2001 (5), lấy chữ cái đầu của tên bốn nước Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) ráp lại thành BRIC. Bốn nước này không chỉ vừa phát triển kinh tế nhanh, mạnh, mà còn có ưu thế là đất rộng, người đông, nên tỉ trọng kinh tế càng lớn so với các nước khác ít dân hơn.

Trong thực tế, BRIC vào năm 2001 chiếm 25% diện tích đất đai thế giới, 40% dân số thế giới, và tổng GDP lên đến 18.486 tỉ USD. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thống lĩnh thị trường hàng hóa và dịch vụ thế giới, trong khi Brazil với tài nguyên quặng sắt và đậu nành dồi dào, Nga vốn là nước sản xuất khí đốt hạng nhất thế giới và sản xuất dầu đứng hạng 8 thế giới sẽ chế ngự thị trường nguyên liệu thô cả trong công nghiệp và công nghiệp thực phẩm.

Tất nhiên, không thể không kể đến một thế mạnh khác khó so bì của các nước này là hiệu quả của các chính sách kinh tế và cải cách kinh tế của chính phủ các nước này, tỉ như thành tích chế ngự lạm phát của Brazil (đọc thêm bài hồ sơ trong số này). Tháng 1 năm nay, BRIC mở cửa đón thêm Nam Phi vào, tên BRIC thêm chữ cái S của South Africa (Nam Phi) trở thành BRICS.

Tháng 6-2009, nhân cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của BRIC, Jim O'Neill trả lời phỏng vấn của CNN về việc khai sinh ra từ ngữ và khái niệm BRIC như sau: “Lúc đó tôi đang tìm kiếm một chủ đề và một ý tưởng mới thì xảy ra vụ 11-9. Qua vụ việc kinh hoàng này, còn có một thông điệp ngầm là làn sóng toàn cầu hóa vẫn cứ tiếp tục, ngày càng phức tạp hơn, thế giới sẽ không thể vận động trơn tru nếu không có những nhân tố mới, ngoài nhân tố Mỹ.

Điểm chung để xếp bốn nước đó với nhau là các nước ấy đông người, nước ít dân nhất là Nga cũng đã là 140 triệu người. Bằng thương mại và toàn cầu hóa, một khi các nước này làm chủ được các thay đổi năng suất (đầu người) sẽ tăng sản lượng quốc gia nhờ dân số đông”.

__________

(1) Brazilian rescue plan sparks surprise, September 16 2011, Financial Times
(2)
http://news.bbc.co.uk/go/pr/fr/-/2/hi/business/8102216.stm
(3) Russia: BRIC joint aid to eurozone impossible, unneeded, Reuters 22-9-2011
(4) Can Brics aid eurozone? Sep 18 2011, Reuters
(5) “Building better global economic BRICs”, Jim O'Neill, 2001

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận