Bức tranh bán lẻ được vẽ lại ra sao?

NHƯ BÌNH - NGỌC AN 10/12/2016 02:12 GMT+7

TTCT - Sau những thương vụ mua bán, sáp nhập hàng tỉ USD của các nhà bán lẻ ngoại tại thị trường Việt Nam, người ta lại chứng kiến hàng chục triệu USD đổ vào các kênh mua sắm trực tuyến...

Người tiêu dùng đô thị ngày càng thích chọn mua thực phẩm ở kênh siêu thị vì tin vào khả năng “lọc” thực phẩm bẩn-Quang Định
Người tiêu dùng đô thị ngày càng thích chọn mua thực phẩm ở kênh siêu thị vì tin vào khả năng “lọc” thực phẩm bẩn ở đây-Quang Định

Mặc dù không còn nằm trong tốp 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhưng Việt Nam vẫn được xem là một trong những thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng bán lẻ sẽ đạt 11,9%, quy mô thị trường sẽ ở mức 179 tỉ USD và bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 45%, so với tỉ lệ 25% hiện nay.

Thói quen đi chợ thay đổi

Ở TP.HCM, nếu hỏi siêu thị đã làm thay đổi khu vực nào nhiều nhất, sẽ không ít người ngạc nhiên khi có quan điểm cho rằng đó là Gò Vấp.

Chị Lưu Phương, ngụ P.7, Q.Gò Vấp, nói khu vực này giờ giống như thủ phủ của siêu thị vậy. Quanh khu vực này, trong bán kính khoảng 2km có tổng cộng 9 siêu thị, chưa kể ra ngõ là gặp cửa hàng tiện lợi.

Chị và nhiều người ở đây thay đổi hẳn cách đi chợ lúc nào không biết. Từ nhiều năm nay, chị Phương đã chuyển thói quen đi chợ sang mua thực phẩm trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. “Thi thoảng lắm tôi mới mua thực phẩm tươi sống ở chợ vì e ngại chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là thịt heo và rau củ” - chị Phương nói.

Sự thay đổi này một phần vì giá cả trong siêu thị ổn định hơn, không lo nói thách và có nhiều lựa chọn. Còn anh Đào Anh Tú, ngụ P.5, Q.Gò Vấp, nói dạo gần đây anh thường chọn mua đồ dùng cá nhân như bàn chải, dầu gội, mì gói... ở một cửa hàng tiện lợi gần nhà.

Trên hai con đường gần nhà anh đã có bốn cửa hàng tiện lợi như vậy, chưa kể hai siêu thị lớn vừa được khai trương hồi năm ngoái. Trong đó có hai cửa hàng của hai thương hiệu khác nhau chỉ cách một số nhà.

“Điều thú vị là trong cửa hàng tiện lợi này tôi còn mua được những thứ như rau sạch, thịt, cá tươi... mà tôi từng nghĩ làm gì có trong các cửa hàng hiện đại. Tiện cho đàn ông chúng tôi, vốn không thích lội chợ...” - anh Tú cho biết.

Chợ truyền thống vẫn tồn tại theo năm tháng, nhưng thói quen đi chợ của thế hệ 8X, 9X không giống lớp “cha anh” là một thực tế. Điều quan trọng hơn trong mắt các nhà bán lẻ là lớp người tiêu dùng trẻ này thích sự thoải mái, tiện lợi và không ngần ngại móc ví chi tiêu.

Theo dự báo của hai tổ chức nghiên cứu thị trường PricewaterhouseCoopers và Economist Intelligence Unit, tiêu dùng cá nhân hộ gia đình Việt Nam tăng bình quân hằng năm khoảng 10,5% giai đoạn 2015-2018. Đặc biệt, dự báo mức tiêu thụ thực phẩm Việt Nam giai đoạn 2011-2016 sẽ tiếp tục tăng 5,15%, ước đạt 29,5 tỉ USD.

Trong đó tiêu thụ bình quân theo đầu người tăng 4,3%. Với mức tăng trưởng cao như vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ luôn có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và các thương vụ mua bán, sáp nhập được dự báo sẽ diễn ra tấp nập hơn.

Thói quen mua sắm của nhiều người đã thay đổi khi tính tiện nghi, giá cả hợp lí ở siêu thị được cải thiện. Quang Định

Những khoản đầu tư lớn

Tập đoàn Central Group (Thái Lan) sau khi thâu tóm hệ thống siêu thị Big C công bố đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng cấp 13 trung tâm bán lẻ Big C. Với khoản tiền này, trong vòng 5 năm tập đoàn Thái Lan sẽ đầu tư thêm các trung tâm thương mại mới để nâng gấp đôi đại siêu thị Big C so với con số hiện hữu, đồng thời nâng cấp các điểm bán Big C hiện hữu trở thành các trung tâm thương mại.

Aeon, nhà bán lẻ đến từ Nhật, thì không ngừng mở rộng hiện diện qua hoạt động mở chuỗi cửa hàng tiện lợi bên cạnh hai trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam. Hàng hóa Nhật vào Việt Nam còn đang được hỗ trợ bởi hệ thống cửa hàng tiện lợi như Ministop, FamilyMart…

Bắt đầu nhảy vào thị trường cách đây hai năm, ông chủ của VinMart là Tập đoàn Vingroup đã bạo tay chi hàng trăm tỉ đồng để thâu tóm toàn bộ chuỗi OceanMart, Maximark, Alphanam và Vinatexmart.

Đến nay, VinMart đã sở hữu trong tay 27 siêu thị, 500 cửa hàng tiện lợi VinMart+, 10 trung tâm thương mại, 55 siêu thị điện máy VinPro. Trong khi đó, Saigon Co.op vẫn tập trung vào thế mạnh mặt bằng bán lẻ của mình, song song với mở điểm bán, hệ thống này sắp ra một mô hình mới để có thể len lỏi sâu vào trong khu dân cư.

Nếu như Co.opFood là cửa hàng tiện lợi thiên về hàng thực phẩm tươi sống thì mô hình mới là những cửa hàng tạp hóa chuyên bán hàng thực phẩm công nghệ, hàng khô được nâng cấp dịch vụ, chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại hơn.

Nhiều người tiêu dùng cho biết họ tin tưởng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hơn ở các kênh bán lẻ hiện đại. Quang Định

Thị trường mở và tiếp tục mở

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - giám đốc Trung tâm WTO, Việt Nam đã mở cửa lĩnh vực phân phối từ năm 2009. Theo lộ trình mở cửa này, kể từ đầu năm 2015, các doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài được tham gia thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam mà không bị khống chế tỉ lệ liên doanh như trước đây.

“Trong suốt nhiều năm liền, thị trường bán lẻ Việt Nam liên tục đứng vào bảng xếp hạng 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất thế giới. Cho nên những diễn biến trên thị trường hiện nay đã được dự báo từ nhiều năm trước. Cuộc cạnh tranh đã bộc lộ nhiều yếu kém của bán lẻ truyền thống cũng như của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam” - bà Trang nói.

Dẫn chứng về sự thay đổi từ sự thâm nhập của hàng loạt nhà bán lẻ Thái Lan tại Việt Nam, TS Ngô Tuấn Anh, Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết nếu như năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 7,1 tỉ USD hàng Thái Lan thì con số này tăng lên 8,3 tỉ USD trong năm 2015.

“Tốc độ thâm nhập và mở rộng của bán lẻ ngoại ngày càng gia tăng đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa cũng như nhà sản xuất. ” - TS Tuấn Anh nhận định.

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong cơ cấu doanh số bán lẻ, kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, ngoài nhà nước chiếm 86% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 4%. Tuy các doanh nghiệp bán lẻ ngoại chỉ có khoảng 100 điểm bán trong tổng số các siêu thị trên cả nước, nhưng doanh số bán ra tại một điểm có quy mô lớn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi 7-8 lần so với một điểm của siêu thị nội.

Trong khi đó, với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU sau 5 năm (tức vào năm 2023, sau khi EVFTA có hiệu lực từ năm 2018), Việt Nam sẽ bỏ quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với các doanh nghiệp bán lẻ đến từ các nước trong EU, nghĩa là có thể mở cơ sở bán lẻ ở bất cứ đâu. Bà Trang cũng lưu ý Việt Nam chỉ gỡ bỏ ràng buộc này với những đối tác là thành viên nằm trong hiệp định. ■

Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện nơi này đang tiếp tục hoàn chỉnh đề án quy hoạch ngành thương mại bán lẻ thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nội đẩy mạnh phát triển hàng Việt Nam, nâng cao năng lực các thương hiệu bán lẻ trong nước. Theo một cán bộ xây dựng đề án này, đề án sẽ không tập trung quá nhiều vào số lượng siêu thị, trung tâm thương mại mà mục tiêu chính là làm sao phát triển chuỗi thương mại trong nước, bao gồm cả truyền thống và hiện đại, để hàng Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận