Bùng nổ du lịch, Cù Lao Chàm chật vật với nước sạch

THÁI BÁ DŨNG 07/05/2019 22:05 GMT+7

TTCT - Toan tính mở một tuyến du lịch bằng tàu du lịch đi thẳng từ sông Hàn ra đảo Cù Lao Chàm của Đà Nẵng đã gây ra những mối lo ngại lớn. Một hòn đảo chưa tới 2.500 dân vốn đang chật vật xoay xở để đảm bảo sinh kế, nhu cầu thiết yếu cho người dân nay đứng trước nguy cơ phải “gánh” thêm áp lực mới.

Cù Lao Chàm hiện nay đã quá tải bởi du khách và cư dân địa phương khiến nguồn nước tại chỗ không đủ nhu cầu hằng ngày. Ảnh: B.D.
Cù Lao Chàm hiện nay đã quá tải bởi du khách và cư dân địa phương khiến nguồn nước tại chỗ không đủ nhu cầu hằng ngày. Ảnh: B.D.

“Chưa đặt đến vấn đề rác thải, ô nhiễm, cái chúng tôi đang lo là từng giọt nước trên đảo vốn đã quý giá nay sẽ bị san sẻ cho các hoạt động du lịch. 2.500 dân của chúng tôi lúc đó sẽ khát trầm trọng” - chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) Phạm Thị Mỹ Hương nói khi đứng trong những ngày nắng cháy bỏng rát của đảo.

“Dân sẽ rời đảo nếu thiếu nước”

Câu chuyện nước sạch đã được đặt ra từ năm 1999 - thời điểm mà Cù Lao Chàm bắt đầu nghĩ tới chuyện làm du lịch. Từ một hòn đảo chỉ vài ba trăm dân tại chỗ sinh sống, được tưới tắm bằng những giọt nước đầu nguồn quý giá chảy từ các ngọn núi xuống, nay Cù Lao Chàm đã là một cụm đảo với 2.500 dân.

Bức bí, nóng nực và chật chội tới mức có thời điểm người dân tại Cù Lao Chàm phải thốt lên rằng đảo đã không còn chỗ để đặt chân cho người.

Theo thống kê của UBND xã Tân Hiệp, hiện ngoài lượng dân tại chỗ với 2.500 người, mỗi ngày số người có mặt trên cụm đảo (cách phố cổ Hội An chỉ 25 phút canô) lên tới 3.000 người. Có thời điểm cả khách du lịch lẫn người dân vượt qua con số 8.000 người. Có người đến tức là phải có nước để xài.

Và nguồn nước duy nhất cho chừng ấy con người từ trước đến nay vẫn không thay đổi: 80.000m3 nước tại hồ nước sạch Bãi Bìm nằm phía sau trung tâm đảo Cù Lao Chàm. Hồ nước này được chính quyền cho xây dựng từ một mạch nước ngầm vào năm 2014, tới nay vẫn là nguồn sống duy nhất, cộng với một số khe suối nhỏ chảy ra từ các cánh rừng cùng hệ thống giếng cổ trên đảo.

Những ngày cuối tháng 4, dấu hiệu của một đợt thiếu nước “theo chu trình” lại bắt đầu đến với người dân xã đảo này. Bà Phạm Thị Mỹ Hương cho biết những ngày qua khi đi thăm các cơ sở kinh doanh, các homestay và nhà dân, đi đâu người dân cũng lo lắng về việc thiếu nước.

“Năm nào cứ tới thời điểm này cũng bắt đầu thiếu nước cục bộ. Khách du lịch ra đảo nhiều người thích thú khi thấy con người, cảnh đẹp hoang sơ, nhưng chuyện khách than phiền mà chúng tôi cũng lực bất tòng tâm là thiếu nước sạch để tắm rửa, ăn uống” - bà Hương nói.

Theo bà Hương, Cù Lao Chàm tới nay vẫn đặt ưu tiên lợi ích, sinh kế cũng như cuộc sống của người dân tại chỗ lên trên hết. Ông Nguyễn Sự - nguyên bí thư Thành ủy Hội An từ 1999-2002 - khi tính tới chuyện hướng dẫn người dân làm du lịch, đã đề nghị chính quyền, người dân ra một quy ước chung là “tuyệt đối giữ cho bằng được cây trên đảo.

Bởi người chỉ có thể sống khi có nước, mà nước thì chỉ có khi có cây, có rừng”. Quan điểm ấy đã được bà con tôn trọng, chung tay giữ gìn cho tới nay, hầu như không một cây sống nào trên hòn đảo này được chặt mà không có lý do. Điều đó giữ cho Cù Lao Chàm tới nay không thay đổi về lượng nước lưu trữ được trên mặt đất.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy những năm gần đây lượng nước ngầm trên đảo Cù Lao Chàm đang tụt rất mạnh. Nước ngầm hạ sâu khiến việc lấy nước càng khó khăn hơn, các mạch nước rỉ ra ở các khe suối, ở Bãi Bìm ngày một ít hơn. Trong khi đó nhu cầu của người dân không giảm mà tăng nhanh chóng, chủ yếu từ các hoạt động du lịch, từ lượng người ra đảo.

Tại cuộc làm việc của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khi ra đảo Cù Lao Chàm đầu năm 2018, vấn đề nước sạch cho đảo lại được đặt ra. Lãnh đạo xã Tân Hiệp cũng như UBND TP Hội An lúc đó đã đề nghị tỉnh sớm có quy hoạch cụ thể cho các hoạt động xây dựng, du lịch trên đảo. Mối lo trực diện nhất và khiến người dân, chính quyền đau đáu nhất là việc ngày càng có thêm các cơ sở du lịch “xí phần” trên đảo.

Khi nhìn câu chuyện một resort tiêu chuẩn 5 sao với hàng loạt phòng ốc hoành tráng đang được xây lên, một lãnh đạo TP Hội An lúc đó đã đề nghị lãnh đạo tỉnh phải có cách để giữ nước cho người dân, không để resort này bao chiếm nguồn nước của dân lâu nay đang vốn chật vật để chia nhau dùng hằng ngày.

“Nếu các cơ sở kinh doanh du lịch có quy mô, đón hàng trăm lượt người tới lưu trú lại trên đảo đi vào hoạt động thì sẽ “hút” cạn nước của dân. Lúc đó dân sẽ khát, không có nước thì bà con sẽ rời đảo. Lúc đó hậu quả không chỉ dừng lại ở việc du lịch, cư dân mà sẽ là câu chuyện an ninh quốc phòng” - một lãnh đạo Hội An nói.

Người dân, du khách lấy nước từ các giếng cổ trên đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: B.D.
Người dân, du khách lấy nước từ các giếng cổ trên đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: B.D.

Không điều tiết chính xác sẽ vỡ trận

Ông Nguyễn Sự là người đã có công rất lớn từ việc khởi xướng cho người dân Cù Lao Chàm làm du lịch để từ chỗ chỉ là một cộng đồng nhỏ sống lay lắt bằng nghề đi biển, nay dân ở Cù Lao Chàm đứng vào danh sách cư dân nông thôn có thu nhập cao nhất tỉnh Quảng Nam.

Ông Sự cho biết Cù Lao Chàm khá lên từ du lịch nhưng cũng sẽ chết nếu thiếu quản lý, thiếu tính toán khi làm du lịch mà để vỡ trận.

“Cái đáng lo nhất của việc để khách du lịch lên đảo quá đông, không chỉ là môi trường, áp lực quản lý hay công tác bảo tồn mà chính là nguồn nước. Hiện nay khách lên đảo mỗi ngày đăng ký cả mấy ngàn, thậm chí cả chục ngàn lượt nhưng số vé bán ra chỉ dừng lại ở con số 3.000, nếu bán qua số vé 3.001 cũng không được. Bởi vì con số đó đã được tính toán rất kỹ, sức chịu đựng của Cù Lao Chàm là có hạn, khách lên đảo nhiều thì nước đâu mà uống, mà tắm, mà dùng? Nếu khách quá đông thì bà con ở đó sẽ sống ra sao?” - ông Sự hỏi.

Cù Lao Chàm có 40 homestay, một số cơ quan hành chính như Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, UBND xã Tân Hiệp, một khu chợ tập trung. Tất cả đều sử dụng chung nguồn nước từ hồ Bãi Bìm. Vào những năm 2014, 2016, 2017, thời điểm tháng 4 đến tháng 7, người dân Cù Lao Chàm luôn thiếu nước sinh hoạt.

Nước từ hồ Bãi Bìm cạn gần tới đáy trong khi mạch nước ngầm ngày càng ít, các giếng cổ trở thành nơi lấy nước hiếm hoi cho bà con. Ông Mai Văn Thi, một người dân ở Cù Lao Chàm, cho biết vào mùa khô mỗi hộ đảo phải tìm cách dự trữ nước sạch để xài, gia đình có bao nhiêu bồn, chậu, bể... đều tranh thủ dự trữ nước. “Điều này trước đây chưa từng xảy ra” - ông Thi nói.

Để đủ nước cho dân dùng, chính quyền Hội An một mặt phải điều tiết người lên đảo, hạn chế các công trình, dự án mang tính lưu trú qua đêm trên đảo, một mặt phải đầu tư để duy trì hệ thống nước ngầm dẫn từ trên núi về.

Ông Trần Tấn Dũng, nguyên bí thư xã Tân Hiệp, cho biết hiện nay công trình dự trữ, hệ thống dẫn nước sạch ở hồ Bãi Bìm đang được gấp rút sửa sang để đảm bảo dẫn nước về cho các hộ gia đình. Người dân tại chỗ và các hộ kinh doanh cũng đã tự đầu tư máy bơm, khoan giếng, lắp đặt hệ thống dẫn nước từ các khe suối về sử dụng trong gia đình.■

Giữ rừng để giữ Cù Lao Chàm

Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết Cù Lao Chàm đã có bộ quy tắc chặt chẽ về việc cộng đồng chung tay giữ rừng, không một người dân nào tự tiện chặt phá cây xanh tự nhiên khi chưa được phép của chính quyền, các hoạt động xây dựng cũng được kiểm soát vô cùng chặt chẽ.

“Chúng tôi rất lo ngại trước việc một số công trình phục vụ du lịch trên đảo khi triển khai đã san ủi nhiều diện tích rừng tự nhiên. Đó là một tiền lệ vô cùng xấu, khiến người dân Cù Lao Chàm rất bức xúc bởi lâu nay dân không hề phá một cây rừng nào. Bà con đều hiểu rằng muốn giữ được đảo, giữ được cuộc sống hằng ngày của chính họ thì phải giữ được rừng. Rừng bị phá thì nước không còn” - một chuyên gia tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói.

“Lồng ấp trứng cho sinh vật biển”

Cù Lao Chàm cách TP Hội An (Quảng Nam) 18km về phía Biển Đông. Xã gồm 8 đảo với tổng diện tích 15km2. Đảo lớn nhất là Hòn Lao, đây cũng là đảo duy nhất có dân cư sinh sống.

Thu nhập chủ yếu của người dân đảo hiện nay là làm du lịch với trên 80% người dân sống dựa vào các hoạt động du lịch. Cù Lao Chàm hiện có 1.549ha rừng tự nhiên và 6.716ha mặt nước. UNESCO đã đưa Cù Lao Chàm vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển giống loài thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận