​Tiểu luận của Cao Huy Thuần: Bướm bay

CAO HUY THUẦN 16/02/2015 21:02 GMT+7

TTCT - Em chưa quen của tôi, Chợt tôi thấy cần bắt đầu thư cuối năm này bằng một kỷ niệm của tôi hồi nhỏ. Bất kỳ người lớn nào cũng đã từng là trẻ con: chân lý này không ai cãi lại được. Vậy thì chuyện người lớn của tôi cũng phải bắt đầu bằng chuyện trẻ con.

Bướm monarch (Ảnh: tác giả cung cấp)

Hình ảnh đẹp nhất về mùa xuân quê hương

Hồi nhỏ, tôi bắt chước mấy đứa con gái học cùng lớp bắt bướm ép vào vở. Tôi dành quyển vở đẹp nhất của tôi để ép xác bướm. Bướm vàng, bướm nâu, bướm đen, bướm hoa, đủ mọi nhan sắc. Tôi hãnh diện về tài bắt bướm và nghệ thuật ép bướm của mình lắm, chưa kể nhờ tài năng kiệt xuất đó mà lắm đứa con gái lân la đến làm thân để xin bướm. Bướm trong vườn tôi chết tiệt cũng vì chúng nó. Ngay cả vườn cải hoa vàng cũng không rủ rê được một con bướm xuân.

Thế rồi một đêm kia, bỗng tôi nằm mơ thấy bướm! Tôi đuổi theo một con bướm hoa rất lạ, chưa từng thấy, nó cứ vờn trước mắt tôi rồi mất hút, rồi lại hiện về, như trêu ghẹo, như mời mọc, như dẫn đường. Tôi đuổi theo nó hụt hơi, và lạ thật, cứ mỗi khi gặp hàng rào thì tôi tự nhiên cất mình lên không, y hệt như bướm bay qua hàng giậu. Bay một hồi, hai tay của tôi bỗng hóa thành hai cánh.

Hình như con bướm thấy thế nên nó bay tuốt lên không, tôi bay theo, bay đến tận mây, ở đó hiện ra một khu vườn đầy hoa và bướm. Tôi tưởng tôi vớ được nó, bỗng hai đám mây đen bay đến khép tôi lại như hai cánh cửa, tôi càng vùng vẫy, càng giãy giụa, cửa càng kẹp cứng, thở không được. Tôi chết, xác tôi rơi từ trên mây xuống đất, nằm cứng đờ trên quyển vở ép bướm của tôi.

Toát mồ hôi, tôi tự hỏi không biết phải chăng lũ bướm trong vở tôi có hồn. Thuở đó, tôi rất mê một truyện ngắn của Nhất Linh, kể về một chuyến xe lửa đêm kỳ lạ. Xe đêm chở ông quan lớn nhất thời thuộc địa là quan toàn quyền. Người lái xe lửa được chọn tất nhiên phải là người đầy kinh nghiệm, nhưng không ai biết anh ấy lãnh nhiệm vụ mà lòng quặn đau vì vợ anh sắp mất, có thể chết trong đêm. 

Mấy ngày trước đó trời mưa to, nước lũ dâng cao, đe dọa đường sá, cầu cống. Thời tiết xấu, nhiệm vụ cao, anh phải cẩn thận hết mức, nhưng lòng anh hoang mang. 

Đến một lúc nào đó bỗng anh thấy trước mắt mơ hồ một bóng người trong sương đêm, một người đàn bà, dang hai tay ra bảo anh ngừng lại. Anh nghe văng vẳng bên tai: “Dừng lại, dừng lại!”. 

Bất giác anh hãm xe, xe ngừng, lính tráng nhảy xuống, anh không biết cắt nghĩa thế nào, cứ chỉ tay về đằng trước. Đằng trước, nước lũ đã đánh sập cầu!

Tất nhiên, quan lớn bắt tay anh, khen ngợi anh, cảm ơn anh hết lời. Ai biết đâu anh chỉ nghĩ đến vợ. Từ cầu trở về xe, tình cờ anh thấy một con bướm đêm mắc kẹt trước đèn pha, đang giãy giụa trước ánh sáng. 

Anh chợt hiểu: hình bóng người đàn bà là do đấy mà ra! Về lại nhà hôm sau, vợ anh đã mất, mất đúng ngay lúc anh hãm phanh. Ai dang tay bảo anh dừng lại? Con bướm hay là hồn vợ anh?

Tôi bị cái truyện ngắn ấy ám ảnh hay hồn của bướm nhập vào giấc mơ của tôi? Tỉnh giấc khi trời vừa sáng, tôi lấy quyển vở đem ra vườn đốt. Lạ thật, hình như bướm có hồn thật em ạ, vì từ sau ngày ấy bướm trở về lại trong vườn nhà tôi, bướm bay vườn cải hoa vàng, hình ảnh đẹp nhất mà tôi còn giữ về mùa xuân trên quê hương xa cách.

Cuộc trùng phùng mùa xuân

Em biết tại sao tôi kể chuyện bướm với em trong thư này không? Vì tôi đang viết thư cho em trên một địa danh nổi tiếng có tên là Michoacan bên xứ Mexico. Tôi đi du lịch em ạ. Hay nói cho nên thơ hơn, tôi đang đuổi theo một con bướm, không phải để ép đâu, mà để xem nó bay, nó bay thế nào mà vượt được cả hàng ngàn cây số.

Em có tin được không, một cánh bướm mong manh như vậy mà bay từ miền nam nước Canada xuyên qua nước Mỹ để đến tận Mexico này, cách xa hơn 4.000 cây số, tính ra trung bình chừng 30 cây số mỗi ngày. Bướm có bao giờ bay thẳng đâu? Thoắt bên phải, thoắt bên trái, gió ngược cánh mỏng vẫn lướt như gió xuôi. 

Chuyện lạ kỳ như vậy làm sao không quyến rũ tôi, vốn từng là đứa bé có duyên nợ với bướm? Con bướm này màu vàng ối, vân đen, có tên là bướm monarch, tôi tạm dịch là bướm chúa, vì monarch là vua. Tôi không biết tại sao nó có tên vua chúa như thế.

Nhưng thôi, gác chuyện đó qua một bên, chẳng nên thơ gì, vì bướm đâu có thích làm vua, làm chúa, có phe phái, có lãnh đạo? Nó chỉ mang trong mình tất cả kỳ lạ của thiên nhiên mà chính nó cũng không cần biết. Mùa nóng, bướm chúa ung dung chọn quê hương trên xứ ấm để hưởng mặt trời và làm nhiệm vụ sản phụ. 

Giống như mọi loài bướm khác, phần đông bướm chúa không sống quá vài tuần. Mỗi mùa xuân và mùa hè, từ ba đến năm thế hệ mẹ truyền con nối kế tiếp nhau ra đời. Đến thế hệ cuối cùng, khai sinh vào cuối hè, chuyện lạ xảy ra: bướm tuyên bố di cư.

 “Là dân xứ nóng, không chịu nổi mùa đông, chúng tôi dứt áo ra đi, nam tiến!”. Cả một thế hệ hợp đàn viễn du qua Mexico, tập trung trên vùng Michoacan này, tránh đông, dưỡng sức, duy trì năng lượng để quy cố hương khi mùa xuân đến.

"Bướm đâu có thích làm vua, làm chúa, có phe phái, có lãnh đạo? Nó chỉ mang trong mình tất cả kỳ lạ của thiên nhiên mà chính nó cũng không cần biết."

Như vậy, trong suốt năm tháng, hàng triệu con bướm chúa dừng cánh trên các cây thông chung thủy đợi chờ trên đồi núi Michoacan. Đời bướm không quá vài tuần, làm sao bướm chúa ở thế hệ di tản này sống đến tám tháng?

Thì tôi đã nói: thiên nhiên kỳ lạ lắm, con người không hiểu hết đâu. Khi đi, chỉ một thế hệ cùng đi và cùng hưởng thọ tám mùa trăng. Khi về, đâu phải thế hệ ấy về! Hết con đến cháu, hết cháu đến chắt, lần lượt năm đời tiếp cánh nhau trên đường bay mới trùng phùng được với mùa xuân.

Mà mùa xuân thì rất lạ kỳ: chỉ mới chớm hơi ấm đầu mùa là tim ai cũng rung động. Cho nên các nàng bướm lại hăng hái làm nhiệm vụ ấy. Các nàng cứ bay mà vẫn cứ sinh nở. Chạm hơi xuân là con cái đầy đàn. 

Hay hơn nữa, các cô chuyển bụng đồng thời với một giống cây cũng chuyển bụng để sinh lá non. Cây ấy là milkweed. Lá ấy là nơi các cô chọn để lâm sàng. Lá ấy cũng là thức ăn duy nhất của lũ nhộng. Mà cũng là khí giới để chúng tự bảo vệ: chim chóc hay bất cứ con gì có xương sống đều biết, hễ động đến nhộng là lá nhả thuốc độc trắng như sữa.

Cứ thế, bướm bay đi bay về mỗi năm hai lần, khi đi thì sống dai, khi về thì chết vội, xác để dọc đường, tuổi để cho con.

Chưa hết, làm sao cháu chắt biết đường của cố sơ mà bay đi bay về? Thế mà chúng bay theo cùng một đường ấy, nghỉ đêm trên cùng một cây ấy, tụ họp nhau trên cùng những cây khuynh diệp ấy, những cây thông ấy, mà tổ tiên chúng đã từng đàn đúm. 

Các nhà khoa học bí. Có người nói cho đỡ bí: vị trí của mặt trời dẫn đường cho chúng. Người khác muốn mình có lý hơn: chúng nó có điện từ trong mình.

Tôi bị lôi cuốn bởi giả thuyết thứ ba dù đúng hay không: bướm cháu bướm chắt cứ bay về theo xác mà nội ngoại cố sơ của chúng để lại trên đường bay. Em thấy chưa, bướm có hồn thật mà! 

Cũng vì vậy mà tôi chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của người hướng dẫn du lịch: không được lượm xác bướm chết trên khắp lãnh địa của chúng. Hồn thiêng liêng nên xác cũng thiêng liêng dù là xác bướm, tôi học bài học ấy quá trễ

Có bao nhiêu bướm di cư như vậy đến Michoacan? Từ 100-200 triệu. Em cứ thử tưởng tượng: hàng ngàn cánh bướm bay trên đầu em rồi bay lên các ngọn cây, vàng ối không gian. Không chừng chúng có thể quắp em cùng bay lên cây. 

Quang cảnh kỳ vĩ như vậy nên Unesco mới phong tặng Michoacan danh vị di sản thế giới. Du khách đến đây cả trăm ngàn người mỗi năm, vào tháng 2 đến tháng 4, chỉ để chiêm ngưỡng bướm bay.

Thiên nhiên thương tổn

Nhưng mà, em đã quen của tôi ơi, thiên nhiên của chúng ta đang bị hủy diệt lần hồi, từ núi rừng, đất đai, cây cỏ, không khí, cho đến con bướm chúa và lãnh địa mùa đông của nó. 

Nếu rừng bị phá, khí hậu thay đổi, nếu mùa xuân đến sớm quá hoặc chậm quá, làm lộc non của cây milkweed nẩy ra sớm quá hoặc trễ quá, không trùng hợp với thời gian sinh nở của bướm thì ôi thôi, lá một đường bướm một nẻo, sinh nở vào đâu, lương thực lấy đâu?

Nếu con người đầu độc đất đai bằng những thứ phân bón chỉ nhắm hiệu quả tức thời, bất cần tai họa mai sau, nếu tất cả cây cỏ khác, kể cả milkweed, đều bị chết hết vì thứ phân bón ấy của đại công ty Monsanto, chỉ còn đậu nành và bắp đã bị biến đổi gen trải dài mênh mông vô tận như ở miền trung tây của Mỹ thì nhộng đành phải tuyệt thực thôi, vì chúng nó đâu phải sinh ra để nhậu bắp và đậu nành?

Kén bướm monarch (Ảnh: tác giả cung cấp)

Tôi đến Michoacan vào tháng 2, hồ hởi làm một trong số 150.000 du khách hằng năm đến hành hương tại bướm địa này, vũ trang bằng những ống kính và máy ảnh tối tân nhất của thời đại. 

Ngồi trên máy bay từ Paris suốt 12 giờ, quanh co thêm hai giờ nữa trên đường trường giữa những ruộng bắp không thơm mùi bắp, để leo đến tận đỉnh núi, rồi đổi xe theo người hướng dẫn đi thêm một giờ nữa để đến một trong những sào huyệt của bướm di cư cao hơn 3.000m. 

Xui quá, lao động hết mình như vậy mà hôm đó trời ẩm, mây xám, dân địa phương than phiền vừa như để biện minh cho thời tiết, vừa như để san sẻ nỗi lòng: “Năm nay bướm đến trễ quá, không chừng có ngày chẳng bướm nào đến nữa”.

Trong số du khách cùng đi với tôi có người mê bướm đến nỗi trước đó đã đến Monterey, bang California của Mỹ, từ hồi tháng 10 để xem chỗ dừng cánh của bướm trên những cây khuynh diệp quanh bờ biển Thái Bình.

Trên đường leo núi, ồ đây rồi, lác đác đã thấy vài cánh bướm mở đường. Ở giây phút thiêng liêng ấy, chúng tôi được lệnh phải im lặng, nén thở, nhẹ gót, tuyệt đối không được làm rộn bướm, thô bạo một chút là bướm bị hại cả đời. 

Tôi vừa rón rén vừa tưởng như mình đang rình mò bắt bướm thời xưa. Một sợi dây thừng căng ra, giới hạn bước chân của du khách.

Nhìn lên cao, sừng sững những cây thông vạm vỡ, nhưng bướm đâu không thấy bay? Bỗng có tiếng xì xào: “Kìa kìa, bướm kia kìa!”. Ống nhòm chuyển từ tay người này qua tay người khác. 

Nhưng bướm không vỗ cánh, chúng dán vào nhau trên thân cây như lá khô, màu vàng không phô ra như mọi người chờ đợi, cánh bướm lẩn vào màu bạc của thân cây, nhạt thếch. Vài con bay xuống đất. Lập tức máy ảnh nháy lia lịa. 

Nhưng bướm rơi xuống đất thì chỉ còn là xác. Mà xác bướm thì em biết rồi, tôi đã cáo phó với chính lòng tôi.

Khách du thất vọng trở về khách sạn, hẹn nhau ngày mai sẽ đi thăm một sào huyệt khác, hi vọng trời sẽ nắng lên. Tôi nói với người bạn Mỹ mới làm quen: “Tại vì bắp và đậu nành của bạn đấy. Tại vì phân bón Monsanto. Tại vì bướm đã nhiễm độc trước khi đến đất hứa. Bạn biết không, công ty ấy đã sản xuất ra chất độc da cam, triệt cả rừng của chúng tôi”. 

Anh bạn Mỹ cười nhẹ nhàng: “Công ty ấy đến nước của bạn mang theo bắp đã mất giấy khai sinh nguyên thủy”. Tôi im. Trước khi lấy máy bay, tôi đã nghe một nhà sinh vật học cảnh cáo: “Hệ sinh thái của bướm rất mong manh. Chỉ cần vài cây thông bị đốn là đủ làm thay đổi khí hậu cần thiết cho việc di cư của chúng”.

Du khách xung quanh tôi giận lắm. Không phải giận con bướm đâu. Giận con người đã làm thương tổn thiên nhiên. Con người quá thông minh để khám phá thiên nhiên. Nhưng con người chỉ muốn đô hộ thiên nhiên. Con người chỉ muốn vắt sữa thiên nhiên, hút máu thiên nhiên. Con người cuồng bạo trước mầu nhiệm. Con người không biết đọc lời kinh chép trên cánh bướm.

Em đã quen và thương mến của tôi, tôi không tin có thiên đường em ạ. Nhưng tôi tin có một cô bé Alice và một Wonderland. Tôi thấy bướm bay rực rỡ trên đất Thần Tiên ấy. Tôi thấy cô Alice đang vẫy tay gọi tôi. Tôi bay vào. Cánh cửa khép lại. Tôi rơi xuống đất, khô như một xác bướm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận