​Bút danh: Cuộc chiến không hồi kết

ĐỨC HOÀNG 10/02/2015 02:02 GMT+7

TTCT - Xét về tầm vóc, Facebook không thể so sánh với Google. Nhưng có một cuộc chiến mà Google đã chấp nhận bỏ cuộc, còn Facebook vẫn đang “chơi đến cùng”. Nó được gọi là “cuộc chiến bút danh” (nymwar) - cuộc chiến phản ánh một mâu thuẫn mang tính thời đại của kỷ nguyên Internet.

Ảnh: techspot.com

Thế nào là thật?

Cu Trí hơi cảm thấy bất an khi đi trên đường về nhà: chiếc điện thoại đặt trước vôlăng không thông báo tin nhắn mới từ Facebook, điều rất bất thường với một người có gần 2 vạn người theo dõi (followers) như anh.

Anh về nhà, mở Facebook ra và phát hiện điều mình không mong muốn nhất đã đến: Facebook đã tự đăng xuất tài khoản của Trí, và khi đăng nhập lại, yêu cầu anh nhập “tên thật”. 

Bằng một cơ chế nào đó, họ xác định rằng anh đang không dùng “tên thật”. Anh đành khai tên “Hoàng Minh Trí” - tên trên giấy khai sinh.

Vấn đề của những người như Cu Trí là họ đã sống hoàn toàn bằng biệt danh, hay bút danh từ rất lâu. Anh viết báo, phản biện xã hội, ra sách, gây dựng các cộng đồng nghệ thuật, quyên góp tiền từ thiện bằng tên Cu Trí. Bạn bè và độc giả nhận diện anh bằng tên Cu Trí. Chính Cu Trí, chứ không phải “Hoàng Minh Trí” mới là cái tên đủ uy tín để quyên góp từ thiện hay phản biện xã hội.

Nhưng với chính sách của Facebook thì “Cu Trí” phải “chết”.

Chính sách của Facebook định nghĩa rằng “tên thật” là tên được ghi trong các giấy tờ hành chính: chứng minh thư, hộ chiếu, hóa đơn hoặc hợp đồng. Trong hơn một năm trở lại đây, Facebook ép rất nhiều người dùng phải quay lại tên trên giấy tờ.

Đây là một quy định ngặt nghèo và bỏ qua hoàn toàn thứ đã tồn tại suốt lịch sử sáng tạo của con người: bút danh hay nghệ danh (pseudonym).

Đối với rất nhiều người, bút danh quan trọng hơn tên thật của họ. Và nó mới phản ánh phần đời “thật” họ đã sống. Đơn cử, dưới chính sách này, nếu Lỗ Tấn dùng Facebook, ông sẽ phải đăng ký tên là “Chu Thụ Nhân”, còn Tô Hoài sẽ tương tác với độc giả bằng tên “Nguyễn Sen”.

Có một mâu thuẫn lớn giữa chính sách của những nhà cung cấp dịch vụ và nhu cầu thực tế. Và mâu thuẫn ấy là tiền đề cho một cuộc chiến: nymwar - từ kết hợp giữa “pseudonym” (bút danh) và “war” (chiến tranh).

Rất nhiều người đã buộc phải quay lại với cái tên trên giấy khai sinh dù đó không hề là cái tên mà họ vẫn dùng. Trong nhóm này, nổi bật lên có những người chuyển giới.

Những nghệ sĩ chuyển giới hoàn toàn tồn tại với ngoại hình, lối sống và cái tên mà họ đã lựa chọn. Cái tên khai sinh chỉ còn ý nghĩa với các nhà quản lý. Họ có thể là một “cô” ca sĩ nổi tiếng được nhiều người mến mộ. Nhưng với Facebook, họ buộc phải dùng tên cũ và là một “gã” lạ hoắc nào đó khán giả không biết đến.

Facebook đã khóa và xóa tài khoản của rất nhiều nghệ sĩ chuyển giới nổi tiếng vì họ không dùng “tên thật”. Ca sĩ Bebe Sweetbriar, một trong những gương mặt nổi bật của phong trào đòi quyền cho người đồng tính và phòng chống HIV/AIDS tại Mỹ, bị khóa tài khoản vì đáng ra tên “cô” phải là... Kevin, một cái tên đàn ông.

Hay diễn viên Heklina - người đã xuất hiện trên hàng trăm sân khấu lớn nhỏ khắp nước Mỹ, đóng hàng chục bộ phim - vẫn không thoát khỏi cảnh bị Facebook “cấm cửa” vì “cô” vốn không thể mang một cái tên phụ nữ như mình chọn lựa.

Việc chính sách của Facebook động chạm đến một cộng đồng yếm thế như những người chuyển giới đã tạo ra làn sóng giận dữ cao độ. Tháng 10-2014, giám đốc phát triển sản phẩm của Facebook Chris Cox đã phải lên tiếng xin lỗi.

“Chúng tôi hiểu rằng chính sách này đang trở nên đau đớn thế nào. Chúng tôi nợ các bạn một dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn khi dùng Facebook và sẽ sửa chữa chính sách này...”.

Lời xin lỗi đó đã khiến nhiều tờ báo và người dùng “việt vị” khi nhận định rằng hãng này sẽ sớm thay đổi chính sách “tên thật” hà khắc. Nhưng cho đến nay, vài tháng trôi qua, không thấy có thay đổi gì nhiều. Thậm chí chính sách của Facebook còn tạo ra một xìcăngđan mới, không liên quan đến bút danh: một số thổ dân Mỹ đã bị khóa tài khoản vì cái tên “lạ” mà Facebook cho rằng đó là tên giả.

Đơn cử như vợ chồng Shane Creepingbear - một nhân viên giáo dục tại Ohio. Họ của anh có nghĩa đen là “gấu đang bò”, có vẻ rất giống biệt danh vui, nhưng thật ra là tên do tổ tiên da đỏ của anh để lại. Họ bị Facebook “thanh trừng” không thương tiếc. Hẳn nhiều người dân tộc thiểu số tại Việt Nam cần cảnh giác khi tiếp cận với Facebook những năm sau, khi họ có thể tên là Nokia, Samsung...

Cái lý của Facebook

Có một điều không thể quên khi nhắc đến “cuộc chiến bút danh”: gã khổng lồ Google đã bỏ cuộc trước sức ép từ cộng đồng.

Google cũng từng rất hăng hái trong công cuộc “tìm và diệt” những người mà hãng này tin rằng dùng tên giả trên mạng xã hội Google+. Giống với Facebook, họ từng khóa tài khoản của rất nhiều nhân vật nổi tiếng, bao gồm ca sĩ, nhà báo, diễn viên. 

Ở đỉnh điểm, họ khóa cả tài khoản của Blake Ross - cha đẻ của trình duyệt Mozilla Firefox và giám đốc phát triển sản phẩm của Facebook - một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất kỷ nguyên Internet.

Việc khóa tài khoản của Ross nhanh chóng biến Google thành trò hề vì làm người ta liên tưởng đến việc họ đang cạnh tranh với cả Firefox lẫn Facebook.

Tới tháng 7-2014, Google bãi bỏ chính sách yêu cầu tên thật khi tham gia mạng xã hội của họ mà không giải thích gì thêm. Người ta nhận xét: Google đã thua trong “nymwar”.

Cái lý của những người muốn sử dụng bút danh khi tham gia mạng xã hội đã tồn tại từ ngàn đời, như những nhà văn từ xa xưa sử dụng bút danh - sẽ rất mất thời gian để lý giải lợi ích của việc sử dụng một bút danh và điều đó cũng không cần thiết.

Ai cũng có quyền tự đặt cho mình một cái tên, chứ không phải cái tên mà cha mẹ đã chọn hộ. Nhưng cái lý của các nhà cung cấp dịch vụ khi từ chối bút danh - nghệ danh là gì?

Facebook tuyên bố rằng họ muốn môi trường của mình chỉ “dành cho những người thật”. Nhà sáng lập Mark Zuckerberg cho rằng việc sử dụng bút danh trên mạng là một sự “thiếu chính trực”. Tương tự, Google khi còn ban hành chính sách tên thật cũng nhiều lần khẳng định việc sử dụng tên thật tăng độ tin cậy của thông tin mà người đó cung cấp.

Hãy trả tên cho tôi

Nhà thơ Salman Rushdie, người đã được nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ, đã phải lên tiếng chửi Facebook năm 2011. Ông bị Facebook ép đổi tên thành Ahmed Rushdie, cái tên khai sinh không ai biết đến. 

“Họ vừa đổi tên Facebook tôi thành Ahmed Rushdie khi cả thế giới biết tên tôi là Salman. Lũ óc ngắn. Mark Zuckerberg? Anh có nghe không?” - ông tức giận. 

Vài ngày sau, ông lại réo: “Cậu trốn đâu rồi, Mark? Ra đây và trả tên cho tôi”. Facebook sau đó tự trả lại tên cho Salman mà không đưa ra lời giải thích nào. 

Có lẽ ngay cả các tay súng Al Qaeda, vốn đang đưa nhà thơ vào danh sách ám sát, cũng sẽ không thể nhận ra Ahmed Rushdie là ai.

Trên thực tế, có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng tên giả có thể làm tăng nguy cơ gây hại của một người trên mạng xã hội: nó khiến người đó không phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói.

Lời nói có thể gây hại - như trong các trường hợp lừa đảo, xúc phạm nhân phẩm hay bạo hành. Thậm chí năm 2011 Bộ Tư pháp Mỹ từng đòi Quốc hội phải cho họ quyền được khởi tố những người sử dụng danh tính giả trên mạng với mục đích xấu.

Năm 2006, cái chết của cô bé 13 tuổi Megan Meier đã gây chấn động nước Mỹ. Vì cho rằng con mình bị bạn nói xấu, bà Lori Drew, một phụ huynh trong lớp của Megan, đã lập nên một tài khoản trên mạng MySpace với tên giả “Josh Evans” - đóng giả là một cậu bé 16 tuổi.

Sau khi lân la tán tỉnh Megan, bà này liên tục có những lời lẽ tiêu cực và kích động cô bé. Tháng 10-2006, người ta tìm thấy xác của Megan treo cổ trong phòng riêng. Lori Drew sau đó bị khởi tố nhưng không đủ chế tài để xử.

Năm 2009, bà này được tuyên trắng án. Vụ án này gây phẫn nộ cao trong dư luận Mỹ và được đặt tên là vụ “Drew chống lại nước Mỹ”.

Những vụ án như vụ Lori Drew cho thấy việc sử dụng tên giả trên Facebook có thể gây hại lớn đến thế nào, và thường được đưa ra trong những cuộc luận chiến về “nymwar”.

Việc gây hại ai đó bằng tên giả rất dễ dàng. Đầu năm nay, một người đàn ông nghèo tên Kumar ở Pakistan đã phải chạy lên tận thủ đô Karachi xin được bảo vệ, vì ai đó đã lập nên một trang Facebook giả của một chính trị gia, buông những lời lẽ kích động và... cho số điện thoại của Kumar. Cả gia đình Kumar bị khủng bố và dọa giết, cho dù đến cái máy tính nhà ông cũng chẳng có.

Có lẽ người ta sẽ không bao giờ phân định được đúng - sai trong câu chuyện của những cái tên trên mạng Internet (hay gọi là “danh tính online”). Và cuộc chiến bút danh, cho dù chỉ được quyết định bởi một cái gật hay lắc của Mark Zuckerberg, có lẽ sẽ còn diễn tiến rất lâu nữa...

 

Nguồn:

http://en.wikipedia.org/wiki/United_States_v._Lori_Drew

http://www.businessinsider.com/google-plus-Facebook-product-director-blake-ross-2011-8

http://www.trueactivist.com/native-americans-get-Facebook-pages-removed-on-columbus-day-for-fake-names/

http://www.mercurynews.com/business/ci_26536780/san-francisco-supervisor-calls-Facebook-drag-queens-meet

https://www.Facebook.com/chris.cox/posts/10101301777354543

http://dragaholic.com/2014/09/senora-oso-lady-bear-responds-Facebook-name-change-controversy/

http://topnews360.tmcnet.com/news/2011/11/17/5938952.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận