Các nước "Mùa xuân Ả Rập" chật vật tìm lại thời tăng trưởng

LÊ TẤN LƯỢC DỊCH 05/03/2014 21:03 GMT+7

TTCT - Tăng trưởng yếu, bội chi ngân sách, đồng tiền mất giá, ngành du lịch hồi phục vất vả, thất nghiệp tăng cao... Đó là tình hình ba năm sau khởi đầu của “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Tunisia, Ai Cập, Libya và Syria. Phóng viên người Lebanon Bachir El Khoury - tác giả nhiều bài viết kinh tế và chính trị về Lebanon, Syria và vùng Trung Đông - đã phản ảnh thực tế ở các quốc gia này.


Người dân xếp hàng mua bánh mì trước một tiệm bánh ở Al Qusayr (miền tây Syria) vào tháng 3-2012 - Ảnh: Reuters

Khởi đầu từ “Cách mạng hoa nhài” ở Tunisia và “Cách mạng 25-1” ở Ai Cập cùng hàng loạt cuộc biểu tình và nổi dậy của quần chúng khắp thế giới Ả Rập, sự quá độ về mặt chính trị ở các nước này kéo dài hơn và gian nan hơn dự kiến, làm ảnh hưởng đến những cải cách và phát triển kinh tế.

Đứng trước tình hình chính trị bất ổn, mục tiêu chuyển sang nền kinh tế sản xuất tốt hơn, có khả năng hấp thu nhiều lao động hơn trở nên xa vời.

Tunisia: nợ công tăng cao, dự trữ ngoại tệ giảm

Trong năm 2011, lần đầu tiên tăng trưởng GDP của nước này giảm còn 1,9%, trước khi tăng lên 3,6% trong năm 2012 và ổn định ở mức 3% trong năm 2013. Đây là tỉ lệ quá thấp so với thời cực thịnh trong thập niên gần đây nhất, khi tăng trưởng kinh tế đạt hơn 6% năm 2007.

Giá cả tăng cao, lạm phát từ 3% năm 2010 lên 6% năm 2013, tình hình có nguy cơ kéo dài khi giá điện và khí đốt có thể sẽ tăng 7%, theo luật tài chính vừa được chính phủ ban hành và bị các chuyên gia chỉ trích là chứa đầy mâu thuẫn và có nguy cơ khiến tầng lớp trung bình của xã hội nghèo hơn.

Thâm hụt cán cân vãng lai có thể lên đến 3,9 tỉ USD năm 2013, tức chiếm 8,5% GDP, so với mức 2,1 tỉ USD năm 2010, tương đương 4,8% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách dự kiến lên đến 7% GDP so với 1,1% năm 2010. Song song đó, nợ công tăng từ 26 tỉ dinar (15,7 tỉ USD) lên hơn 35 tỉ dinar (gần 22 tỉ USD) trong khoảng thời gian từ 2010-2013. Điểm tích cực duy nhất là tỉ lệ nợ so với GDP thấp hơn 50%, dù đã có tăng nhẹ (45% năm 2013 so với 40% năm 2010).

Trong lĩnh vực tiền tệ, ba năm qua đồng dinar của Tunisia bị tụt giá mạnh so với euro và USD, có lúc giảm đến 10% và 15%, khiến cán cân thương mại thâm hụt sâu khi hàng nhập khẩu ngày càng đắt đỏ và xuất khẩu không được hỗ trợ bởi đồng dinar yếu.

Cũng phải kể đến nguyên nhân sản xuất công nghiệp của Tunisia không chỉ lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu mà cả hàng bán thành phẩm hầu hết đều nhập khẩu, do đó tính cạnh tranh trong xuất khẩu giảm mạnh. Việc khu vực đồng euro bị khủng hoảng cũng tác động mạnh vì đây là đối tác thương mại hàng đầu của Tunisia. Dự trữ ngoại tệ của nước này hiện chỉ tương đương dưới 100 ngày nhập khẩu, so với gần 150 ngày năm 2010.

Năm 2012 và 2013, tỉ lệ thất nghiệp giảm nhẹ nhờ có chương trình tuyển dụng trong khu vực công nhưng vẫn còn cao, đặc biệt trong số dân có trình độ: hơn 30% số người có bằng đại học vẫn đang tìm việc làm, trong đó phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn (43% so với 20% nam giới).

Năm 2013, số du khách nước ngoài đến Tunisia đạt 6,3 triệu lượt khách, tăng 5% so với năm 2012, nhưng giảm 9,2% so với năm 2010.


Nguồn: IMF - Đồ họa: L.T.

Ai Cập: du lịch tìm cách gượng dậy

Trong lúc chính phủ đang soạn thảo một hiến pháp mới và chuẩn bị cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước này, cuộc đối đầu giữa nhóm Hồi giáo và phe quân đội dẫn đến vụ lật đổ tổng thống Morsi hồi tháng 6-2013. Dù tình hình vẫn chưa hết căng thẳng, nhưng đã xuất hiện vài dấu hiệu hồi phục.

Cuối tháng 8-2013, chính phủ chuyển tiếp do ông Hazem Beblawi, một nhà kinh tế tên tuổi và là cựu bộ trưởng tài chính, điều hành đã thông báo kế hoạch tái thiết trong chín tháng (từ năm 2014) trị giá 3,2 tỉ USD do nước ngoài tài trợ một phần. 

Song song đó, chính phủ đã giới thiệu một chương trình kinh tế và xã hội với các mục tiêu như tăng trưởng kinh tế đạt 3,5% (so với 1,8% năm 2013, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF), giảm thâm hụt công còn 10% GDP và tỉ lệ thất nghiệp còn 9%, trong đó tạo ra 800.000 việc làm mới.

Dù IMF cho rằng phải đến năm 2015 Ai Cập mới đạt tỉ lệ tăng trưởng 4%, nhưng con số này vẫn còn xa mức tối thiểu 6% để đảm bảo sự cân bằng kinh tế vĩ mô của đất nước. Trong khi đó, lạm phát có nguy cơ lại vượt ngưỡng 10% trong năm 2014. 

Cũng theo IMF, mức thâm hụt công của Ai Cập tương đương 14,7% GDP năm 2013, so với 10,7% năm 2012 và 8,3% năm 2010. Do đó, nợ công trên GDP tăng lên 90% năm 2013, so với 73% thời kỳ trước cách mạng.

Đồng bảng Ai Cập bị mất giá 11% so với USD trong thời gian từ tháng 12-2012 đến tháng 4-2013, so với mức 5,1% đầu năm 2011. Tháng 7-2013, thời điểm sau những cuộc biểu tình khổng lồ dẫn đến việc lật đổ ông Morsi, phải mất hơn 7 bảng để đổi 1 USD - mức thấp nhất - trước khi tỉ giá tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2013.

Nhờ chính sách thu hút đầu tư triển khai từ năm 2004, Ai Cập trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong thế giới Ả Rập, thu hút 73,1 tỉ USD năm 2010, theo ước tính của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (CNUCED). Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế thế giới cùng những bất ổn chính trị nội bộ khiến đầu tư nước ngoài ở Ai Cập giảm còn 2,8 tỉ USD năm 2012.

Tình trạng thất nghiệp, nhất là trong giới trẻ, vẫn không thuyên giảm. Hàng chục ngàn doanh nghiệp, theo ước tính lên đến 40.000, phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp chính thức là 13,3% vào tháng 6-2013, so với 9% năm 2010, trong khi các con số không chính thức cho rằng gần 20%, và hơn 40% ở lứa tuổi 20-24.

Năm 2010, du lịch Ai Cập đón 13,8 triệu du khách, mang về tổng thu nhập chiếm 11,3% GDP và sử dụng hơn 3 triệu lao động. Năm 2011, du lịch nước này mất hơn 2 triệu du khách, rồi 3 triệu năm 2012 (còn 10,9 triệu du khách). Một số điểm đến quan trọng như Louxor biến thành “thành phố ma” lúc căng thẳng tăng cao. Tuy nhiên, tình hình năm 2013 cải thiện hơn khi có 12,2 triệu du khách đến Ai Cập.

Cũng cần lưu ý rằng Ai Cập được các nước vùng Vịnh tài trợ để đổi lấy an ninh. Từ đầu mùa hè năm ngoái, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Kuwait đã hứa tài trợ 16 tỉ USD, trong đó có 3 tỉ dưới dạng hỗ trợ những dự án về y tế, giáo dục, nhà ở và năng lượng. Tính đến cuối tháng 10-2013, đã có phân nửa số lời hứa được thực hiện với việc Ai Cập và UAE ký một thỏa thuận trị giá 4,9 tỉ USD.

Nguồn: opep - Đồ họa: L.T.

Libya: vắng khu vực tư nhân, thất nghiệp cao

Libya đang sa lầy vào vòng xoáy bạo lực và hiện bị chia cắt thành năm khu vực do các nhóm dân quân bộ tộc quản lý, trong lúc chính quyền trung ương tìm cách lập lại trật tự thời kỳ hậu Gaddafi sau hàng loạt sự cố khiến việc cải cách kinh tế bị chậm trễ. Sản xuất dầu hỏa, lá phổi của nền kinh tế, chỉ mới rón rén trở lại thời kỳ trước cuộc nổi dậy tháng 2-2011.

Năm 2011, do đánh nhau liên miên, bị quốc tế trừng phạt và một số địa điểm sản xuất dầu hỏa bị phá hủy, Libya chỉ khai thác có 0,1 triệu thùng/ngày ở thời điểm cuối tháng 8-2011. Từ tháng 9-2012, sản lượng dầu hỏa mới đạt mức trước thời kỳ cách mạng với 1,6 triệu thùng/ngày, chiếm 65% GDP, 96% xuất khẩu và 98% nguồn thu của nhà nước.

Nhờ đó tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 25,5% trong năm 2013, một phần nhờ lệnh cấm vận tài chính được tháo dỡ và một số lĩnh vực hồi phục, chủ yếu trong xây dựng. Lạm phát giảm còn 3,6% so với 6,9% năm 2012 và 15,9% năm 2011 (đạt mức cao nhất 28% trong cuộc khủng hoảng). IMF ước tính năm nay lạm phát của Libya tăng trở lại 9,4%.

Năm 2011, xuất khẩu dầu hỏa sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính công, với mức thâm hụt trên GDP chiếm 15,4%, so với thặng dư hơn 8,9% năm 2010. Năm 2012, xuất khẩu dầu hỏa tăng trở lại giúp thặng dư ngân sách đạt 20,8% GDP, trong khi ngân sách năm 2013 không dự kiến thâm hụt lẫn thặng dư.

Dù vậy, chi tiêu trong lĩnh vực công tăng cao thách thức nền tài chính, rõ nhất là tổng chi tăng 48% GDP năm 2010 lên 57% năm 2011 và có thể đạt 67% năm 2013, theo IMF.

Một trong những trở ngại chính cho việc phát triển bền vững là việc thiếu vắng khu vực tư nhân tạo ra việc làm. Kinh tế Libya chủ yếu dựa vào dầu hỏa và chỉ sử dụng chưa tới 5% lực lượng lao động, trong khi khu vực công sử dụng đến 85% dân số ở độ tuổi lao động.

Trong thời gian xung đột, hoạt động ngân hàng bị gián đoạn và nhiều người lao động tha hương. Tỉ lệ thất nghiệp, ước tính chiếm hơn 25% dân số ở độ tuổi lao động, có nguy cơ tăng cao nếu những biện pháp cụ thể nhằm đa dạng hóa nền kinh tế không được thực hiện, theo cảnh báo của các chuyên gia.

Năm 2012, xuất khẩu dầu hỏa đạt thặng dư hơn 24 tỉ USD so với chưa tới 15 tỉ USD ở năm cuối cùng của chế độ Gaddafi. Tuy nhiên, dự kiến năm 2014 sẽ thâm hụt 4,4 tỉ USD do giá dầu trên thị trường thế giới dự báo giảm. Bộ Năng lượng Mỹ cho rằng giá một thùng dầu năm 2014 sẽ ở mức 104 USD, so với 109 USD năm 2013 và 112 USD năm 2012.

Libya là một trong những quốc gia hiếm hoi không bị nợ nên tránh được những rủi ro tài chính và nguy cơ sụp đổ nhà nước. Nhưng quốc gia này có nhiều lỗ hổng về cơ cấu. Hầu hết cơ sở hạ tầng (nhà ở, giao thông, viễn thông, giáo dục, y tế) có từ thập niên 1970, trong khi mức phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Libya có được. 

Đây là hậu quả của các chính sách kinh tế không phù hợp của thời kỳ Gaddafi và việc bị cô lập trong thời gian quốc tế trừng phạt (1986-2003).

Để có thể tiến hành các cải cách hướng đến việc đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển khu vực tư nhân, hiện đại hóa lĩnh vực tài chính..., nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều hơn và dành phần lớn ngân sách cho các dự án phát triển. Nhưng hiện nay, thời kỳ hậu Gaddafi, không hứa hẹn nhiều lắm.

Một cửa hàng bán vũ khí ở Aleppo (Syria) năm 2013 - Ảnh: Reuters

Syria: tổn thất hơn 100 tỉ USD

Đứng trước cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thế kỷ 21, Syria đang trải qua một trong những giai đoạn tụt dốc kinh tế nặng nề nhất từ khi giành được độc lập trong thập niên 1940. Gần 150.000 người bị giết, hàng triệu người di tản, đó là bảng tổng kết về con người. 

Tính đến cuối tháng 6-2013, tổn thất về kinh tế là 103 tỉ USD, tương đương 174% GDP đạt được trong năm 2010, theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chính sách của Syria (SCPR) hợp tác với hai cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Kinh tế Syria bị phi công nghiệp hóa sau khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc phá sản từ tháng 3-2011, nhiều địa điểm sản xuất bị phá hủy và tình trạng thất thoát vốn. Ngoài những tổn thất lên đến gần 98 tỉ USD, chi tiêu quân sự gia tăng cũng được xem là một dạng tổn thất gián tiếp và chiếm đến 5,5 tỉ USD kể từ khi bắt đầu xung đột.

Về mặt ngân sách, thâm hụt công chiếm hơn 30% GDP, so với chưa tới 3% năm 2010. Nợ công đạt mức 73% GDP do thâm hụt tăng cao và nhu cầu phải vay nợ nước ngoài. Năm 2013, Iran đã mở gói tín dụng 3,6 tỉ USD để mua các sản phẩm từ dầu hỏa của Syria nhằm chống lại lệnh cấm vận của phương Tây, và một gói tín dụng 1 tỉ USD tương tự.

Nợ của Syria, chiếm 23% GDP năm 2010, được xem là một trong những mức thấp nhất trên thế giới trước thời kỳ xung đột. Đồng bảng Syria tiếp tục mất giá, với tỉ giá hối đoái chính thức giảm 115% từ tháng 3-2011 đến tháng 6-2013. 

Trên thị trường chợ đen, 182 bảng Syria mới đổi được 1 USD vào tháng 6-2013, so với tỉ giá trung bình ba tháng trước đó là 107 bảng/USD. Chênh lệch giữa tỉ giá chính thức và chợ đen gần 80 bảng.

Về mặt xã hội, có không dưới 2,3 triệu việc làm mất đi, gây khó khăn cho cuộc sống của hơn 10 triệu người dân. Tỉ lệ thất nghiệp tăng hơn 50%, so với từ 9-15% trước cuộc khủng hoảng. Mất nhiều việc làm dẫn đến gia tăng tỉ lệ nghèo. Hiện có hơn phân nửa dân số (80% theo một số ước tính) sống dưới ngưỡng đói nghèo, trong đó 4,4 triệu người ở mức cực nghèo.

Trong lĩnh vực giáo dục, báo cáo của SCPR cho biết tỉ lệ học sinh bỏ học tăng lên gần 50% vào cuối quý 1-2013, trong khi hệ thống giáo dục mất đi gần 3.000 trường học. Hệ thống y tế cũng bị suy sụp. Số bác sĩ tương đương với số dân giảm từ 1/661 dân năm 2010 còn 1/4.041 cuối tháng 6-2013.

Song song đó, có khoảng 57 bệnh viện bị hư hại bởi các cuộc chiến và 37 bệnh viện không thể hoạt động được, trong khi 593 trung tâm chăm sóc ban đầu bị ảnh hưởng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận