Các vụ cháy từ Đông sang Tây: Lửa đến chân đừng nhảy

LÊ QUANG 29/03/2018 14:03 GMT+7

TTCT - Sau vụ cháy chung cư Carina (TPHCM) là liên tiếp những vụ cháy lớn nhỏ khác xảy ra ở nhiều nơi. Là do bà hỏa đang hồi bực bội, điều không may vẫn hay xảy ra hay đây chính là lúc nên nhìn lại những bất hạnh này dưới một góc nhìn nữa?

Ai cũng biết lời mắng vốn của các cụ dành cho bọn lười nhác ù lì: “Nước đến chân mới nhảy”. Đứa nào khôn lỏi thì láo toét vặn lại nếu ngược với nước là lửa thì đợi được chứ gì? 

Ấy đừng, cái chung cư Carina Plaza cao hơn tới hai chục tầng, nhảy đi đâu? Vậy thì lời các cụ vẫn thiêng lắm. Thiêng, vì ở xứ này mỗi ngày mọc lên một cơ số nhà cao tầng, nhưng đa số người ở trong đó chưa hề để ý cầu thang thoát hiểm hay bình cứu hỏa ở đâu.

16 năm sau vụ ITC

Nền văn minh lúa nước vốn không biết đến nhà 2-3 tầng, vì tre pheo nứa lá không đủ bền để chọc trời. Mà chẳng nói đến độ cao, ngay một thứ thô sơ như vài bậc thang cũng khiến người ta bỡ ngỡ. 

Mới ngày nào, khi đô thị ào ào cơn sốt xây dựng sau hòa bình, tôi lên thang nào cũng vấp vì mỗi bậc một độ cao khấp khểnh khác nhau như răng sún, mỗi nhà một kiểu uốn lượn, tay vịn thì lùn dưới hông. Nói dại mồm, quen thói chiều chiều uống mấy cốc bia cho mát thì... nên chọn căn hộ tầng trệt.

Huống hồ là nhà cao tầng, thang máy vun vút chóng mặt, nhanh hơn mọi gia tốc phát triển của văn hóa chung cư, vượt cả ý thức tự cứu mạng mình khi có biến. Chuyện hỏa hoạn như ở Carina Plaza rất hiếm, song đời người cũng chỉ mong không bị trải nghiệm lần nào. Gần hai chục mạng sống vĩnh viễn ra đi trong tích tắc, đau lắm chứ. Trận cháy ITC cũng có xa lắm đâu, sao trí nhớ con người đô thị đã mờ nhạt vậy?

Rồi các đơn vị chức trách sẽ họp hành, sẽ kiểm điểm, nhà đầu tư sẽ nghiên cứu, sẽ điều tra, nhiều nhà khoa học sẽ vạch ra nguyên nhân. Dự đoán là sẽ tìm ra được kẻ ẩu nào đó chặn đá vào cửa nên khói lửa mới lan được lên tầng trên. Rồi thì rất có thể người ta sẽ đấu thầu để thay công ty quản lý và bảo vệ mới...

Tại sao tôi lại bi quan vậy? Bởi vì tôi đã hai thứ tóc trên đầu, hành nghề kiến trúc sư đã lâu và bản thân cũng đang ở một căn hộ trên tầng 30 chót vót. Cứ vài hôm, cái còi báo cháy lại rú lên (ở Carina Plaza còi báo cháy còn không kêu) vì chập điện, hay chạy thử gì đó và thế là cư dân bây giờ chẳng thèm phản ứng khi có còi báo động nữa. 

Nhìn rộng ra ngoài xã hội còn ghê hơn. Có vài đứa trẻ rơi tọt xuống cống thì mới vội khắc phục, rút kinh nghiệm và đi kiếm cái nắp đậy lên. Từng xảy ra việc người đi xe máy bị dây điện thòng xuống ngoắc vào cổ... Tóm lại, chúng ta sống trong một khung cảnh đầy hiểm họa, vì mọi trách nhiệm thường đặt lên vai một quần thể to tướng tên là tập thể và cá nhân thì không mấy khi khóc cha chung.

Ngó sang Tây sang Tàu

Vâng, nhà cao tầng không nằm trong truyền thống xây dựng của ta, vậy ở nơi thủy tổ của nó mọi chuyện có tốt hơn không?

Do vụ Carina Plaza đang thời sự, chỉ xét riêng chuyện phòng cháy chữa cháy trong các chung cư thôi. Dễ hiểu là lửa không bốc nhanh trong nhà bêtông cốt sắt như nhà gỗ, vì vậy đại đa số nạn nhân chết hoặc bị tổn hại nặng do ngộ độc khói. 

Tôi đã đi ngắm khá nhiều nhà cao tầng ở ta và nhận ra hầu hết không có cửa sổ thoát khói ở diện tích công cộng (khoang thang). Khói cản tầm mắt khiến cư dân không tìm ra đường chạy nạn, các khí độc do cháy chất tổng hợp như hydrogen chloride (HCl) hay sulfur dioxide (SO2) làm cay mắt và carbon dioxide (CO2) làm người ta ngất đi trong vài phút. Vì thế ở các khoang thang nước ngoài luôn có biển dán ở bộ phận mở cửa thoát khói, ngày ngày đi qua vài bận sẽ tạo ra phản xạ khi cần.

Mỗi nhà cao tầng ở Đức được chia làm nhiều khối khép kín, chắn bởi cửa sắt khó cháy và bêtông chịu lửa, để lửa không lan rộng lên tầng trên hoặc trong nội bộ một tầng. Khi hỏa hoạn phát sinh, người ta chỉ việc tản cư người và chữa cháy một phần nhỏ của ngôi nhà. Những cái cửa sắt đặc biệt ấy được xếp hạng từ T30, T40 đến T180 và con số sau chữ T chỉ số phút mà cánh cửa ấy cản được lửa, nhưng sau đó vẫn phải đóng mở được dễ dàng! 

Đã ai thấy ở chung cư cao tầng Việt Nam một cái cửa chịu lửa như vậy chưa và nếu có, liệu cư dân có được hướng dẫn tử tế cách sử dụng?

Học sinh Đức sau ngày khai giảng thường có bài tập chạy khỏi nhà cháy, tương tự như vài tháng một lần đối với nhân viên các văn phòng ở nhà cao tầng. Họ không chỉ chạy lấy lệ, mà còn phải ký nhận đã được tập huấn các trường hợp động đất, hỏa hoạn... Âu cũng là một cách bảo hiểm cho ban quản lý hay chủ tòa nhà, nếu không muốn sập tiệm vì phải bồi thường khi có tai nạn.

Đó là chuyện ý thức của người dân, hệ thống luật pháp đối với công trình công cộng còn ngặt nghèo hơn nhiều. Ở Đức hiện đang có một vụ bê bối mà công ty chủ đầu tư do chính thống đốc bang Berlin làm chủ tịch hội đồng giám sát. Vị chính khách này đã qua thăm Việt Nam và tôi tháp tùng ông ta ngót một tuần. Do bệnh nghề nghiệp, tôi hỏi ông rất kỹ về công trình đầy nước mắt ấy. Nó cũng liên quan đến lửa và khói.

Sân bay BER bị hoãn ngày khánh thành vì hệ thống thoát khói có nhiều khiếm khuyết, bất chấp việc người đóng thuế Đức đang phải trả 1,3 triệu euro mỗi ngày vì sự trì hoãn này. Ảnh: Spiegel
Sân bay BER bị hoãn ngày khánh thành vì hệ thống thoát khói có nhiều khiếm khuyết, bất chấp việc người đóng thuế Đức đang phải trả 1,3 triệu euro mỗi ngày vì sự trì hoãn này. Ảnh: Spiegel

BER - Sân bay quốc tế lớn nhất châu Âu

Sân bay BER là một công trình đầy kỳ vọng của nước Đức sau khi tái thống nhất. Chả gì thì nước Đức cũng đợi ngót nửa thế kỷ, để rốt cuộc lại được mơ đến vị thế cường quốc. Và cường quốc ấy phải có một gương mặt sáng láng khi khách khứa năm châu đến thăm.

Thủ đô Berlin có tới ba phi trường, nay họ dự định đóng hai và mở rộng sân bay Schoenefeld thành BER. Mùa thu 2006, người ta làm lễ động thổ cho sân bay có đủ sức đón 35 triệu khách/năm vào lúc khai trương, dần dần mở rộng đến 55 triệu khách và hơn nữa. Theo kế hoạch, sân bay đi vào hoạt động vào tháng 6-2012.

Người Đức là một dân tộc chăm chỉ, khắc kỷ và chính xác, chả thế mà họ phát minh ra ôtô. Họ dường như chỉ sống để làm việc, trong khi các dân tộc khác chỉ làm việc để sống. Và tháng 6-2012 trong lịch công tác của người Đức không có nghĩa là tháng 7-2012 và cũng sẽ không là tháng 5-2012. Các hãng hàng không quốc tế từ Mỹ đến Ai Cập đã trả tiền đặt cọc để thuê văn phòng.

Để đỡ dài dòng kể lể: hôm nay ta đã vào năm 2018 mà chưa ai biết BER sẽ mở cửa khi nào. Đều đặn cứ nửa năm người ta tuyên bố hoãn, rồi thông báo mới, rồi xin lỗi, rồi lưỡng lự và lại hoãn. Nếu tôi không nhầm thì thời điểm khai trương mới nhất sẽ là năm 2020, nhưng thực ra chẳng ai biết chắc và cũng chẳng để ý. 

Cũng giống như còi báo cháy ở nhà chung cư của tôi, kêu mãi mà không cháy nên ít ai dỏng tai nghe, huống hồ mở cửa ngó ra hành lang. Mỗi sáng ngủ dậy, người đóng thuế Đức mất toi 1.335.973 euro cho công trường ngổn ngang đó. Chi phí xây dựng ban đầu 2 tỉ, hôm nay đã là 7,3 tỉ.

Và nguyên nhân chỉ là hệ thống thoát khói có nhiều khiếm khuyết từ thiết kế đến vận hành. Bây giờ không chỉ chỉnh sửa, mà còn phải dỡ các kết cấu khác ra làm lại. Bản thân tôi làm cho Đông Đức qua Tây Đức, học hỏi và chứng kiến đủ trò mà cũng không tin nổi. 

Tay thiết kế hệ thống thoát khói, giám đốc văn phòng kỹ sư tên là Alfredo di Mauro, té ra mới học trung cấp vẽ kỹ thuật! Khó hiểu vì sao hắn qua được chừng ấy vụ đấu thầu quốc tế để lọt vào dự án BER khổng lồ. Nhưng đời là thế, ra biển thì không sao, về ao lại chết đuối. 

Cũng phải bênh cho tay thợ vẽ trung cấp to gan kia đôi chút: hắn đã tham gia thiết kế nhiều công trình phòng cháy và thông khói, rồi sống lâu lên lão làng, hắn thuê một đống kỹ sư làm cho mình. Có ai ngờ ông chủ của nhóm kỹ sư lại không có bằng kỹ sư?

Mặt khác, trong giới xây dựng Đức có một luật bất thành văn tương tự hình thức “hồi tố” trong tư pháp. Nếu đang xây dựng dở mà thấy ban hành luật mới nghiêm hơn thì phải thiết kế lại cho phù hợp đòi hỏi mới. Do đó, công trình cứ kéo dài lê thê mãi. Vì tính mạng con người là tài sản quý nhất, không chỉ trên băngrôn treo đầy công trường.

Nghe chừng ấy chuyện về Berlin rồi, thật đau lòng khi quay lại Carina Plaza. ■

Những tháng âm lịch đầu tiên của năm Mậu Tuất là những tháng buồn vì nhiều sự kiện đau lòng.

Đau lòng vì cái bi kịch của Carina Plaza nằm ở một tầng sâu hơn, cùng chỗ với tai nạn xe cứu hỏa va chạm chết người ở Cầu Giẽ. Hôm nay người ta có thể chế ra tên lửa lên sao Hỏa, dùng computer điều khiển ôtô từ xa và trí thông minh nhân tạo mở màn cuộc cách mạng số với vô vàn khả năng khôn lường. Nhưng ở lát cắt quyết định vẫn là con người để lập trình, khởi động và kiểm tra máy tính, đưa ra quyết định đúng đắn. Hoặc sai, vì con người chứa đầy tiềm năng phạm lỗi. Người ta chỉ có thể nỗ lực hạn chế mức rủi ro và sai lầm, chứ không bao giờ xóa bỏ được hoàn toàn. Phải tự nhìn vào gương để thừa nhận yếu tố con người ở xã hội ta là mắt xích yếu nhất.

Một nội quy làm việc khoa học và tính toán kỹ lưỡng phỏng có ích gì khi người đi kiểm tra còi báo động uể oải hoãn lịch sang sau ngày định mệnh? Cửa chắn lửa sẽ vô dụng khi người trông xe đặt cục gạch chắn không cho cửa đóng lại, lấy gió lùa cho mát và thế là khói từ hầm xe có cơ bay lên tận tầng trên cùng. Luật giao thông rất có lý khi cho phép xe cứu hỏa đi vào mọi ngả đường để đến chỗ tai nạn sớm nhất, nhưng không thể ước lượng thay người lái xe độ nguy hiểm khi lao lên đường cao tốc, ngược chiều với những chiếc xe phóng vùn vụt và yên tâm là mình đã có đường riêng của mình...

Đã có một thời khá dài ta đổ mọi lỗi cho chiến tranh, như lời biện minh các mặt trái của xã hội. Hãy nhìn lại đi, hòa bình hơn bốn chục năm rồi đó. Nhưng anh A vẫn phi Mercedes với tâm thế, tư duy logic của người đi xe đạp và qua cái cửa kính xinh xắn của chiếc Lexus, chị B vẫn quẳng lon Coca rỗng ra đường, giữa thanh thiên bạch nhật vẫn đầy người thi hành công vụ nhận tờ bạc kẹp giữa các trang hồ sơ...

Cuộc sống là cái quý nhất, nó mà chấm dứt thì con Mercedes láng bóng hay căn nhà xinh xắn ven sông cũng vô nghĩa. Giữa xã hội còn đầy những Alfredo di Mauro thì khó tránh khỏi sẽ còn tiếp những Carina Plaza gặp nạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận