Cách hiểu kết quả xét nghiệm kháng thể

YÊN LAM 10/08/2020 05:08 GMT+7

TTCT - Xét nghiệm kháng thể không phát hiện sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 và rất dễ có kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.

Ảnh: Patient Powers
Ảnh: Patient Powers

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) dành một trang thông tin chi tiết dưới dạng hỏi đáp, giúp bệnh nhân và người dân hiểu chính xác về xét nghiệm kháng thể, với lưu ý nhấn mạnh rằng phương pháp này không được dùng để chẩn đoán bệnh COVID-19.

Cụ thể, FDA cho rằng “xét nghiệm kháng thể không phát hiện sự hiện diện của virus SARS-CoV-2. Xét nghiệm có thể cho kết quả âm tính ngay cả khi bệnh nhân đã bị nhiễm (trong người có virus rồi nhưng kháng thể chưa kịp hình thành để phản ứng), hoặc có thể cho kết quả dương tính giả (có phát hiện kháng thể, nhưng là kháng thể do cơ thể sinh ra để chống lại một dạng virus corona khác chứ không phải SARS-CoV-2). Vì thế không nên dùng xét nghiệm này để đánh giá bạn có đang bị nhiễm hay có khả năng lây cho người khác không”.

Nếu không nên dùng xét nghiệm kháng thể thì xét nghiệm nào mới phù hợp? Câu trả lời là xét nghiệm phân tử và kháng nguyên. FDA cũng trả lời các câu hỏi cụ thể hơn về cách hiểu kết quả dương tính hay âm tính của xét nghiệm kháng thể trong máu.

Nếu kết quả xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 của một người có kết quả dương tính, có khả năng người đó gần đây hoặc từng mắc COVID-19. Ngoài ra vẫn có khả năng kết quả này là sai, nghĩa là dương tính giả. Dương tính giả xảy ra khi (1) xét nghiệm kháng thể phát hiện các dạng virus corona khác với SARS-CoV-2, chẳng hạn virus gây cảm thông thường; (2) khi xét nghiệm được làm trên một quần thể không có quá nhiều ca nhiễm. Theo FDA, các xét nghiệm kháng thể hiệu quả nhất khi tiến hành trên quần thể với tỉ lệ nhiễm cao.

Kết quả dương tính khi xét nghiệm kháng thể có đồng nghĩa với việc đã miễn dịch với COVID-19? Chưa chắc. Theo FDA, vẫn chưa rõ có kháng thể SARS-CoV-2 có thể bảo vệ ta không bị nhiễm lần nữa không và nó cũng không thể hiện liệu ta có khả năng lây cho người khác không.

Trong khi đó, kết quả âm tính khi xét nghiệm kháng thể, tức không phát hiện kháng thể SARS-CoV-2, nghĩa là (1) ta chưa mắc COVID-19 trước đó; hoặc (2) ta từng mắc COVID-19 nhưng không hình thành hoặc chưa hình thành kháng thể mà xét nghiệm có thể phát hiện; hoặc (3) kết quả sai hay âm tính giả. Âm tính giả xảy ra khi xét nghiệm không phát hiện kháng thể, mặc dù cơ thể có thể đã có kháng thể với SARS-CoV-2.

Những trường hợp kể trên cho thấy kết quả xét nghiệm kháng thể âm tính không thể hiện chắc chắn bạn không có hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2. Chẳng hạn nếu làm xét nghiệm quá sớm sau khi bị nhiễm virus, kết quả có thể âm tính vì cơ thể cần có thời gian mới sinh ra kháng thể. Theo FDA, vẫn chưa biết lượng kháng thể theo thời gian có giảm đến mức không phát hiện được không.■

Các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh cần hiểu đúng kết quả xét nghiệm phết mũi họng, hiện phổ biến ở Mỹ và các nước. Theo Washington Post, các chuyên gia lưu ý rằng kết quả âm tính từ một xét nghiệm chưa phải là “giấy bảo chứng” để ta yên tâm thăm bạn bè, người thân. Bản chất của COVID-19 là người mắc chỉ cần có triệu chứng sau một thời gian và mỗi người lại bị con virus này ảnh hưởng theo một cách khác nhau, thành ra kết quả xét nghiệm “chỉ là lát cắt hiện tại thay vì một lời khẳng định dứt khoát”.

Khi đã vào cơ thể người, SARS-CoV-2 cần thời gian để sinh sôi, đạt đến lượng đủ lớn để xét nghiệm phết có thể phát hiện. Vấn đề là khoảng thời gian này không đồng nhất cho tất cả mọi người, mà dao động 2 - 14 ngày. “Tưởng tượng bạn nhiễm virus hôm nay và ngày mai mới đi xét nghiệm - giáo sư sinh học Đại học Washington nói - Chúng tôi có đủ lý do để tin rằng bạn sẽ có kết quả âm tính dù đã bị nhiễm”.

Tương tự, theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Lucy Wilson - hiện là giáo sư Đại học Maryland Baltim, xét nghiệm phết mũi họng chỉ cho người ta biết họ có bị nhiễm virus corona chủng mới vào đúng ngày lấy mẫu làm xét nghiệm không. Trung bình, một người có thể sẽ có triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính khoảng 5 ngày tính từ khi bị phơi nhiễm.

“Giống như xét nghiệm thử thai vậy. Xét nghiệm thử thai chỉ có thể phát hiện một số hormon nhất định sau một số ngày hoặc tuần nhất định” - Wilson giải thích. “Nếu bạn có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 nhưng chưa có triệu chứng nào, hãy tự cách ly 14 ngày và trao đổi với cơ quan y tế về việc có nên đi làm xét nghiệm hay không” - chuyên gia này khuyên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận