"Cảm xúc riêng sẽ bền lâu hơn sự thông thái sách vở"

PHAN XUÂN LOAN 21/11/2013 09:11 GMT+7

TTCT - Tổng thống Nga V. Putin đã kết thúc tốt đẹp cuộc làm việc một ngày ở Việt Nam (12-11), chuyến thăm thứ ba kể từ năm 2006 đến nay. TTCT trò chuyện với nhà sử học Petr Tsvetov, cựu giám đốc Trung tâm văn hóa khoa học Nga tại TP.HCM thập niên 1980-1990, về một mối “ngoại giao nhân dân”.


Nhà sử học Petr Tsvetov - Ảnh nhân vật cung cấp


Giờ là lúc bắt tay thực hiện

* Tổng thống Nga đã hoàn tất chuyến công du thứ ba tới Việt Nam, đoàn của tổng thống đã ký kết 17 văn kiện hợp tác trong một chuyến đi nâng quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Ông kỳ vọng gì về những quan hệ được vun đắp sau chuyến đi này?

- Chuyến thăm thứ ba của V. Putin tới Việt Nam trước hết sẽ được đánh dấu bằng những đột phá mới. Cũng như những lần trước vậy, khi cuộc gặp lần này là một trong những kết quả đó. Trong tất cả các lĩnh vực quan hệ truyền thống của chúng ta - năng lượng, hợp tác kỹ thuật quân sự, đào tạo cán bộ, các thỏa thuận quan trọng mới đã được ký kết...

 “... Nhất định phải ghi nhớ về những trang sử chung, về những gì gắn bó chúng ta”

    V. Putin

Tôi muốn nhấn mạnh vào sự kiện là trong cuộc gặp lần này các vấn đề quan trọng về giáo dục, khoa học và văn hóa đã được đặt ra. Ngay sự kiện hai nhà lãnh đạo hiện diện tại lễ khai mạc Những ngày văn hóa Nga đã nói lên nhiều điều. Tôi muốn thêm vào đó các thỏa thuận đạt được về việc thành lập các đại học, mở rộng đào tạo chuyên gia cho nền kinh tế, quân đội và hạm đội của Việt Nam...

Những văn kiện hợp tác đã được ký kết. Giờ là lúc bắt tay thực hiện.

* Bỏ qua những ký kết quan trọng về kinh tế, năng lượng, quân sự..., tôi muốn đề cập tới khía cạnh hợp tác nhân văn. Từ sau các chuyến thăm tổng thống, Việt Nam và Nga đã xây dựng Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học hai nước, đặt các cơ quan đại diện của “Thế giới Nga” ở Việt Nam. Tôi đã đến làm việc vài lần ở “Thế giới Nga” tại TP.HCM và thấy không thể so sánh với không khí của Trung tâm văn hóa khoa học Nga thập niên 1980, 1990, nơi người ta có thể xem triển lãm tranh, gặp gỡ các nhà khoa học, trí thức Nga... Ông nghĩ có thể làm thêm những gì để thúc đẩy tiềm năng hiện có?

- Tôi chia sẻ mối quan tâm của chị liên quan đến lĩnh vực hợp tác nhân văn, nay chúng không đa dạng và rộng khắp như từng có hồi thập niên 1980 và đầu 1990, kể cả không được ở cấp độ như các lãnh đạo của chúng ta đã từng thỏa thuận. Tôi nghĩ lỗi ở đây nằm ở mắt xích bậc trung những người thừa hành - tức những thứ trưởng, các lãnh đạo ban bệ, những người lẽ ra phải đưa vào đời sống những thỏa thuận đạt được của các nguyên thủ.

Để nói rõ hơn, tôi xin dẫn một thí dụ về một trung tâm mà tất cả chúng ta đều cần nó: Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga. Tầm quan trọng của các nghiên cứu của trung tâm này không dưới một lần đã được các lãnh đạo Nga đề cập...

* Vâng, Tổng thống Nga V. Putin cũng đã nhắc đến trung tâm này trong bài viết gửi tới báo giới Việt Nam ngay trước chuyến đi...

- Đúng vậy, ông V. Putin cũng đã nhắc đến. Thế nhưng phía Nga từ năm này qua năm khác đã không tài trợ đủ phương tiện cho công việc của trung tâm, và như thế, đã không hoàn thành phần trách nhiệm của mình. Lỗi ở đây là các cơ quan tài chính Nga có nhiệm vụ phân bổ nguồn lực, và cả của giám đốc các viện khoa học lẽ ra phải góp phần việc của mình vào công việc của Trung tâm nhiệt đới.

Còn nhận xét của chị về cơ quan đại diện “Thế giới Nga” ở TP.HCM, theo tôi, cảm nhận đó cho thấy tổ chức này còn trẻ, chưa có truyền thống hoạt động. Sau một thời gian tôi hi vọng tập thể ở đó sẽ có kinh nghiệm, nhận ra được không chỉ nhiệm vụ trước mắt họ, mà còn hiểu được cách thức làm việc ở Việt Nam, nhất là cách làm việc với giới trẻ.

* Thú thật là tôi vẫn nghĩ chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác về văn hóa. Thí dụ với nhiều người Việt, ký ức về Nga dường như dừng lại ở Chiều Matxcơva, Đàn sếu bay... Còn sau đó? Có vẻ chúng tôi biết rất ít về (các nhà văn trẻ, đương đại) Prilepin, Dubova trong khi lại nghe nhiều hơn về Pussy Riot hay Navalyi (các nhóm, chính khách đối lập Nga)...

- Tại sao ở Việt Nam có thể người ta biết đến nhóm côn đồ Pussy Riot nhiều hơn nhà văn Prilepin, dĩ nhiên đó là điều đáng buồn. Nhưng ở đây có lỗi của các phương tiện truyền thông hai nước. Các hãng tin Nga, do lỗi của những người lãnh đạo, hiện diện khá yếu ớt trong khoảng không thông tin VN và vì thế đa số thông tin và bình luận các nhà báo VN thường lấy từ những hãng tin phương Tây.

Còn với Mỹ và Tây Âu, những kẻ chỉ trích Chính phủ Nga như Navalnyi hay Pussy Riot dĩ nhiên hấp dẫn hơn (vì ở đó nhiều xìcăngđan hơn) những nhà văn Nga thông minh. Bởi không phải ai cũng đọc sách... Tôi cũng muốn nhắc về việc sử dụng nguồn tin đầu tiên, tại chỗ và đọc các hãng tin Nga.

Như tôi, khi viết về Việt Nam, nhất định tôi phải dùng nguồn của Việt Nam, đó chính là một trong những con đường tốt nhất cho sự hiểu biết lẫn nhau...

* Nhân đây, ông có thể giới thiệu những công trình mới của ông về Việt Nam?

- Đã gần 40 năm tôi viết các bài báo về lịch sử Việt Nam, số các bài báo không thể đếm được. Cũng như không tính được hết những bài báo tôi viết cho các báo Nga, mà trước tiên là tờ Sự Thật.

Công trình lao động quan trọng nhất của mình tôi cho là các chương về lịch sử đương đại Việt Nam trong sách giáo khoa sử cho các đại học Nga. Bởi theo những nội dung này mà hiểu biết của giới trẻ Nga về Việt Nam hình thành, về lịch sử anh hùng của Việt Nam nửa sau thế kỷ 20.

Sắp tới sẽ là những công trình tập thể mà tôi tham gia viết một số chương. Đó là Tuyển tập Việt Nga về lịch sử quan hệ hai nước và Bộ lịch sử Việt Nam sáu tập. Tôi nóng lòng chờ phản hồi của độc giả khi hai công trình này được ấn hành.

Đã có nền tảng ngoại giao nhân dân

* Trong phương hướng hợp tác hai nước sắp tới, có việc Nga hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam các chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân. Đây là một lĩnh vực hợp tác tương đối mới...

- Điện hạt nhân đã phát triển ở đất nước chúng tôi hơn 60 năm rồi. Hiện nay các nhà máy điện hạt nhân làm ra 16% năng lượng điện toàn Nga. Các chuyên gia của chúng tôi cho rằng các nhà máy điện hạt nhân nguy hiểm cho sức khỏe con người hơn là các nhà máy nhiệt điện hay thủy điện, nhưng dẫu sao chúng cũng đóng một vai trò quan trọng như một nguồn điện cho công nghiệp và các nhu cầu tiêu dùng của dân chúng...

* Trong quan hệ giữa các nước, ngoại giao nhân dân chiếm một phần quan trọng. Sẽ là mất mát lớn vô cùng nếu lớp người gắn bó với Việt Nam như ông sẽ già đi mà chúng tôi không kịp gầy dựng được mối thiện cảm đó với lớp người trẻ hơn. Và có thể, ngược lại, người trẻ Nga không biết nhiều về Việt Nam. Ông có lấy làm tiếc?

- Tôi không cho là cần phục hồi, nối lại hay phát triển lần nữa mối ngoại giao nhân dân. Bởi nó đang tồn tại. Hội hữu nghị Nga - Việt đang hoạt động, xã hội Nga biết đến nó, cả tổng thống và thủ tướng Nga đều biết. Còn mạnh hơn thế là vị trí của Hội hữu nghị Việt - Nga...

Điều duy nhất tôi mong muốn là lôi cuốn được nhiều hơn vào hàng ngũ của hai hội những người trẻ tuổi. Cũng buồn khi thấy các hoạt động của chúng ta thường chủ yếu chỉ có những người trạc tuổi già hơn tôi tham dự.

Tôi cảm ơn về những lời tốt đẹp chị dành cho thế hệ chúng tôi. Nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý với chị rằng lớp trẻ Nga hôm nay biết về Việt Nam ít hơn thế hệ chúng tôi. Vâng, hiện ở các trường đại học Nga số chuyên gia tiếng Việt có ít hơn trước đây. Vì vậy, so với thời thanh niên của chúng tôi, trong giới trẻ Nga hiện nay có ít hơn những người am hiểu lịch sử, ngôn ngữ, văn học Việt Nam.

Nhưng ngược lại có nhiều người trẻ hơn từ nước Nga tới Việt Nam với tư cách là du khách. Trong số 200.000 du khách Nga đến Việt Nam năm nay, 90% trẻ hơn tôi. Mà những cảm xúc riêng tư đôi khi đọng lại trong ký ức bền lâu hơn sự thông thái sách vở. Vì vậy trong giới trẻ Nga hiện nay không ít người biết và yêu mến Việt Nam.

* Tôi biết ông nói điều này không phải vì... ngoại giao, bởi hai con trai của ông cũng hướng Đông?

- Cả hai con trai tôi thuở nhỏ sống ở Việt Nam và hiện nay mỗi năm đều trở sang Việt Nam du lịch. Chúng quá yêu thương đất nước này! Cả hai đều tốt nghiệp Đại học quốc gia Matxcơva về quan hệ quốc tế. Pavel là chuyên gia về Iran, đã có ba năm làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Tehran.

Còn con trai thứ của tôi Anton đã tốt nghiệp đại học khoa tiếng Việt, bảo vệ luận án thạc sĩ về các vấn đề biển Đông. Cậu muốn sang Việt Nam làm việc. Cậu có tiếp tục con đường của tôi không? Tôi chẳng biết nữa, nhưng dường như cậu ấy có những mối quan tâm rộng lớn hơn so với tôi.

Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm rằng để phát huy hơn nữa mối ngoại giao nhân dân, cần sử dụng nhiều hơn những hình thái thu hút giới trẻ, như tổ chức trao đổi các nhóm du khách trẻ hai nước qua các hội hữu nghị, tổ chức các cuộc tranh tài thể thao hay thực hiện cầu truyền hình với sự tham gia của các ngôi sao ca nhạc. Và tài trợ cho việc tổ chức những hoạt động này có thể tìm ở những xí nghiệp liên doanh Nga - Việt...

* Cảm ơn ông đã dành cho TTCT cuộc trao đổi.

Từng là nhà báo của Sự Thật, nhưng lần đầu tiên Petr Tsvetov đến Việt Nam là một chuyến đi thực địa vào tháng 12-1977, khi ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học Việt Nam mà vẫn cảm thấy cần phải gặp các nhà khoa học lỗi lạc Việt Nam như các giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Văn Giàu, Phan Gia Bền, Phạm Xuân Nam...

Từ đó đến nay, Petr Tsvetov đã có gần 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam với hơn 30 chuyến bay đi, về giữa hai đất nước. Hiện ông là cố vấn cao cấp của Cơ quan đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận