Căn bệnh nặng của giáo dục

NGUYỄN KHẮC PHÊ (Huế) 30/11/2003 04:11 GMT+7

TTCN - Vấn đề đáng “báo động đỏ” trước hết của xã hội hiện nay (chứ không chỉ đối với ngành giáo dục) là phải bằng mọi biện pháp chống lại sự giả dối, gian trá, đề cao tính trung thực như là tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét một con người. Riêng với ngành giáo dục, dù đau đến mấy cũng phải chữa, để các thế hệ con em chúng ta thật sự nên người. Cuộc “đại phẫu” đau đớn này chỉ có thể được thực hiện nếu các cấp lãnh đạo và toàn xã hội ủng hộ.


Ảnh - Đoàn Đức Minh

Câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Hãy thử đặt câu hỏi: vì sao “bệnh thành tích”, lối sống dối trá lại có thể bám dai dẳng trong cơ thể chúng ta như thế? Cốt lõi chính là vấn đề sử dụng con người. 

Khi người tài thật sự được trọng dụng và có điều kiện phát huy hết khả năng của mình, khi việc tuyển dụng và đề bạt cán bộ có cơ chế, có biện pháp kiểm tra năng lực một cách công khai, loại bỏ những thế lực ngầm tạo ra tệ nạn “chạy chức” thì những kẻ “học giả” do “bệnh thành tích” và tệ dối trá sản sinh ra sẽ bị loại trừ.

Cho dù lớp “học giả” và các thế lực ngầm vẫn luôn muốn duy trì lề lối cũ, xu thế thời đại và thị trường lao động ngày càng rộng mở (thành phố Thượng Hải đã tuyển rất nhiều chuyên gia giỏi của nước ngoài vào giữ những cương vị quan trọng tại nhiều xí nghiệp) buộc chúng ta phải thay đổi cách học, cách dạy, cách chọn người.

Có một chuyên gia giáo dục nước ngoài, ông Erkki Lehto - hiệu trưởng Trường trung học quốc tế Parola ở hạt Hattula thuộc thành phố Hameelina (nước Cộng hòa Phần Lan) - nhận xét: Học sinh Việt Nam thông minh, chăm chỉ, lễ phép, học giỏi. 

Tuy nhiên, khi tham gia học tập theo chương trình của chúng tôi, các em có gặp khó khăn vì cách giáo dục và đánh giá ở đất nước chúng tôi và các bạn không giống nhau. Sự khác biệt đó được thể hiện rõ ngay trong quan điểm giáo dục của mỗi nước.

Chính quan điểm giáo dục đó sẽ qui định thành nội dung trong sách giáo khoa, thành các yêu cầu khi thực hiện phương pháp giảng dạy... Sự khác biệt đó chính là: ở đất nước các bạn (VN), khi dạy, các bạn yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi "tại sao?". Còn ở đất nước chúng tôi, khi dạy, chúng tôi yêu cầu học sinh phải trả lời cho được câu hỏi "vấn đề ấy được giải quyết như thế nào?"

Chúng ta nghĩ gì về nhận xét này? Hiệu quả của lối giải quyết vấn đề bằng cách trả lời “tại sao?” và “như thế nào?” khác nhau ra sao? 

Không phải tự nhiên UNICEF đã lập một bảng tổng sắp về chất lượng giáo dục của 24 nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới thì Phần Lan là một trong ba nước dẫn đầu (Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan - theo AFP). Đặc biệt, học sinh Phần Lan được đánh giá là những người năng động, dễ tham gia và hòa nhập cuộc sống.

Nếu hiểu rằng để trả lời câu hỏi “tại sao?” người học sẽ sa vào giáo khoa, còn để trả lời câu hỏi “như thế nào?” người học sẽ hiểu bản chất sự việc thông qua thực tiễn cuộc sống và cách ứng dụng kiến thức, thì chúng ta phải làm gì?

Một trong những điều cốt lõi của nền giáo dục mọi thời đại là gìn giữ, nuôi dưỡng lòng tự trọng và sự trung thực. Có lòng tự trọng người ta sẽ không làm càn làm bậy cho dù nghèo đói. Có sự trung thực con người sẽ không dối trên gạt dưới, lòn cúi, nịnh hót. Sẽ không có “tệ nạn dối trá”, “chạy tội”, “chạy chức” và cũng sẽ không có nạn “bằng giả”, “chất lượng giả”... Mà khi chúng ta nói tới việc chạy chỗ, chạy tội thì gián tiếp nói rằng “có chỗ để chạy”!

Người có lòng tự trọng và trung thực sẽ không đề bạt những người không có thực tài. Người có được hai đức tính này sẽ không bao giờ dám nhận lấy những trách nhiệm mà mình thật sự không có khả năng đảm nhiệm.

Người có lòng tự trọng, lòng trung thực dám nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm đấu tranh với chính mình, không né tránh đổ tội cho người khác. Từ chỗ dám đấu tranh với chính mình mà mạnh dạn đấu tranh với người khác để bảo vệ lẽ phải.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận