Cần một lớp doanh nhân dày dạn

LƯU VĨ LÂN 30/10/2012 21:10 GMT+7

TTCT - Các cuộc tranh luận trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Obama và ứng viên tổng thống Mitt Romney hiện nay nhắc nhớ đến thời điểm này bốn năm trước, khi đó ứng viên John McCain đã đề nghị ứng viên Obama hoãn cuộc tranh cử tổng thống để quay về Washington đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ vừa bùng nổ.

Ông Obama từ chối và trả lời: tổng thống phải giải quyết cùng lúc nhiều việc nên không nhất thiết phải dừng cuộc đua. 

Bốn năm sau, cuộc khủng hoảng đó chưa kết thúc, vẫn đang là trọng tâm của cuộc tranh luận giữa ông Obama với ông Romney và đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động thay đổi chân dung của cả nhân loại.

Những năm qua ở Việt Nam, dòng tiền đã chảy rất nhiều vào lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Thuận Thắng

Nhắc lại chi tiết này để thấy rằng chúng ta, những người đương thời với cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay, đang có một trải nghiệm hiếm có: tham dự một cuộc khủng hoảng kinh tế lạ lùng, nặng nề và kéo dài chưa từng thấy suốt cả thế kỷ qua. 

Và không gì quý giá hơn là học được từ trải nghiệm này và rút ra bài học kinh doanh thích ứng với tình hình tương lai.

Quá khứ nhắc nhớ

Tạp chí hàng đầu về kinh tế The Economist đặt câu hỏi: Các trường đại học dạy kinh doanh phải làm gì để cải tiến chất lượng, để các thạc sĩ quản trị kinh doanh tốt nghiệp đối phó tốt hơn sau cuộc khủng hoảng này? 

Và câu trả lời là: Hãy dạy thêm các chứng chỉ về lịch sử. Vì những nhà kinh doanh tương lai cần biết rằng lịch sử kinh tế là một chuỗi bị các khủng hoảng và thảm họa ngắt quãng, rằng sau bùng phát là nổ tung.

Cuộc khủng hoảng này có thể sẽ ít gây ngạc nhiên hơn nếu những người học thạc sĩ quản trị kinh doanh được dạy rằng từ năm 1970 đến nay có ít nhất 124 vụ khủng hoảng gây ra bởi “tác nhân ngân hàng” trên toàn cầu và hầu hết đều bắt đầu bằng sự bùng phát giá nhà và giá chứng khoán, nguồn vốn khổng lồ chảy vào thị trường và nợ công gia tăng...

Họ cũng cần phải đọc lại cuốn sách cũ xưa đến 2.000 năm là Kinh thánh để thấy Chúa Giêsu đã đuổi những kẻ buôn tiền ra khỏi đền thờ như thế nào. 

Ở thời đương đại, các tập đoàn tài chính luôn bị nghi ngờ ngay cả tại các nước tư bản hàng đầu (phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” là một điển hình) và những dấu hiệu thôn tính ngân hàng gây hậu quả sâu xa vào xã hội không chỉ diễn ra tại Việt Nam trong năm 2012 này, mà đã từng thấy trong vụ án Nguyễn Tấn Đời với Tín Nghĩa Ngân Hàng tại miền Nam trước năm 1975.

Lớp doanh nhân “già rơ” hơn


GS John Graham - Ảnh: faculty.fuqua.duke.edu

Giáo sư John Graham của Đại học Duke có một quan sát: các lãnh đạo doanh nghiệp sống qua thời suy thoái có khuynh hướng điều hành doanh nghiệp ít dựa vào vay nợ (nhưng mức nợ lại tăng lên khi các lãnh đạo này về hưu). 

Rõ ràng có sự khác nhau trong não trạng của doanh nhân trưởng thành từ các hoàn cảnh đối nghịch nhau. 

Chuyện này ở Việt Nam dường như diễn biến không đúng quy luật.

Năm 1999, một nhà báo nước ngoài có nhận xét gây bất ngờ: “Tất cả triệu phú đôla của Việt Nam hiện nay hầu hết đều từng biết đói khổ là gì”.

Xem xét 5.700 ông chủ của các công ty từng thuộc danh sách S&P 1500, cho thấy những nhà quản lý sống qua thời khó khăn luôn có chính sách điều hành theo hướng ngăn chặn rủi ro, ít vay nợ hơn và bảo thủ hơn trong quản lý. 

Họ kiểm tra chi phí kỹ hơn, tiêu ít tiền hơn cho nghiên cứu phát triển, dĩ nhiên lợi nhuận họ đem lại cũng khiêm tốn hơn.

Giáo sư John Graham của Đại học Duke có một quan sát tương tự: các lãnh đạo doanh nghiệp sống qua thời suy thoái có khuynh hướng điều hành doanh nghiệp ít dựa vào vay nợ (nhưng mức nợ lại tăng lên khi các lãnh đạo này về hưu). 

Rõ ràng có sự khác nhau trong não trạng của doanh nhân trưởng thành từ các hoàn cảnh đối nghịch nhau. Chuyện này ở Việt Nam dường như diễn biến không đúng quy luật.

Năm 1999, một nhà báo nước ngoài có nhận xét gây bất ngờ: “Tất cả triệu phú đôla của Việt Nam hiện nay hầu hết đều từng biết đói khổ là gì”. 

Khác với người giàu ở các xứ phát triển, những người giàu ở nước ta lúc đó hầu hết đều sống qua hoặc trưởng thành từ thời hậu chiến, thời bao cấp đói kém, hầu hết đều làm giàu từ tay không mà lên, chẳng mấy người có tài sản từ đời trước để lại.

Sau đó khi kinh tế bùng nổ trong những năm 2000, có một thế hệ doanh nhân khác xuất hiện. Thế hệ này lại quá no đủ, ra đời trong các gia đình bắt đầu tích lũy, lớn lên lúc thời bao cấp vừa kết thúc nên không biết mùi... đau khổ. 

Ngay sau đó thời mở cửa, rất nhiều người được du học nước ngoài... Do đó, thế hệ doanh nhân trẻ này hầu hết chỉ thấy những mặt màu hồng của kinh tế - kinh doanh. 

Họ thừa những văn minh mà cha mẹ họ thiếu và thiếu những đau khổ mà cha mẹ họ có thừa. Hai thế hệ lại quá bận rộn khi kinh tế đang bùng nổ nên kinh nghiệm và kiến thức này chưa kịp bổ sung cho nhau.

Và một quy luật khác thường đã diễn ra, cả hai thế hệ doanh nhân này đều lạc quan và đều mạo hiểm như nhau, ít người có thái độ bảo thủ trong làm ăn như nghiên cứu trên. 

Những năm 2005, 2006 tôi có cơ hội làm việc với thế hệ doanh nhân trẻ khoảng 30 tuổi này, họ lịch lãm, sành điệu, nói tiếng Anh chuẩn, dùng điện thoại Vertus (thương hiệu oách nhất thời ấy), đi BMW, nói chuyện các thương vụ làm ăn với thái độ quá tự tin... 

Khi được nhắc chừng, các bạn thường đáp lại bằng tiếng cười tỏ ra khoan dung với thế hệ già bị dấu ấn bao cấp làm hoảng loạn, nghi ngờ.

Còn thế hệ xuất thân từ khó khăn thì sao? Cũng trong năm 2007, khi thế giới đã bắt đầu cảnh báo kinh tế Mỹ đang tìm cách “soft landing”(hạ cánh êm) thay vì “crashing”(lâm nạn), một doanh nhân của thế hệ ấy chỉ cười ruồi khi nghe trình bày. 

Sau năm 2008, 2009, nhiều người vẫn thản nhiên bỏ tiền thêm vào các dự án địa ốc với lập luận: “Tôi vừa đi một vòng châu Âu, châu Á, Trung Đông về đây, thấy nhà cửa đô thị huy hoàng, người ta làm ăn tưng bừng mà sao ông cứ bi quan thế”.

Giờ đây trong cơn bĩ cực này, các thế hệ ấy bắt đầu ngồi lại vừa “băng bó vết thương” vừa trao đổi những bài học kinh nghiệm để dần tạo ra một truyền thống kinh doanh chín muồi hơn.

Sáng tạo - “nhiên liệu” để tăng trưởng

Trong hồi ký của mình về một đoạn đời dài 20 năm góp phần điều hành kinh tế Mỹ và tạo sức ảnh hưởng lên toàn cầu suốt giai đoạn thịnh vượng kéo dài từ năm 1987-2006, ông Alain Greenspain, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhận xét: một yếu tố quan trọng tạo ra đợt bùng nổ kinh tế này là sự kiện sụp đổ của khối Đông Âu và Liên Xô hồi năm 1990. 

Khi ấy một nguồn lực của cải, tài nguyên, nhân lực rất lớn của Liên Xô và mấy chục nước khối Đông Âu cũ, cộng với các nước Trung Á tách ra khỏi Liên Xô được giải phóng khỏi sự trì trệ cũ đã tham gia mạnh vào thị trường toàn cầu.

Các nền kinh tế mới nổi từ cuộc chuyển mình hồi thập niên 1980, sau 20 năm đã lớn mạnh một cách đáng nể, trong đó đứng đầu là Trung Quốc rồi Ấn Độ... (đã diễn ra một cuộc tái điều chỉnh kinh tế toàn cầu hồi những năm 1980 với sự lớn mạnh của Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore...).

Về kỹ thuật, với nhiều đột phá khác nhau, nhưng chính sự ra đời và phổ biến công nghệ thông tin đã làm thay đổi thế giới về nhiều mặt và tạo ra một nguồn của cải to lớn (riêng Bill Gates đã tích lũy khối tài sản 80 tỉ USD mà ngành này đã tạo ra). 

Nước Mỹ suốt thời gian này dẫn đầu thế giới về sự thịnh vượng và là động lực chính lôi kéo tăng trưởng toàn cầu.

Thời cơ này xem ra chưa thấy tín hiệu trong những năm sắp tới đây. Nhà kinh tế nhiều tai tiếng nhưng rất tài ba là ông Dominique Strauss Kahn nhận xét lúc còn là tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế: “Tôi cho rằng khuôn mẫu tăng trưởng chúng ta có trước khủng hoảng đã bị phá hủy". 

"Sự tăng trưởng đó dựa trên trục: một nước Mỹ giàu có tiêu dùng và phần còn lại của thế giới bán hàng cho nó đã không còn bền vững. Và hiện nay chúng ta không biết động lực tăng trưởng nào sẽ thay thế cho động lực cũ ấy”.

Còn nhà kinh tế hàng đầu Nouriel Roubini lưỡng lự khi bị đặt câu hỏi “Đâu là nhiên liệu để thúc đẩy cỗ máy tăng trưởng sắp tới?” đã trả lời: “Đây là một câu hỏi quá khó!”.

Tiền bạc toàn thế giới đang cạn kiệt, sức mua khó tăng. Nước ta sắp tới chắc khó có nguồn tiền nào dồi dào từ địa ốc, chứng khoán, đầu tư... để làm nhiên liệu cho cỗ máy tăng trưởng nữa. 

Trong một tương lai như thế, tài năng kinh doanh của giới doanh nhân mới thật sự lộ rõ, vì bản chất của kinh doanh chính là sáng tạo ra giá trị mới từ một nguồn tài nguyên ít ỏi, là tìm ra giải pháp cho những bế tắc, là tăng gấp đôi sản phẩm với cùng một sức lực bỏ ra... 

Còn các kiểu làm ra tiền khi mọi thứ dễ dãi, nguồn tiền thừa thãi, dựa vào mối quan hệ để tăng lợi thế... chỉ được gọi là đầu cơ.

Chúng ta chờ đợi sự xuất hiện của các tài năng “già rơ” hơn trong thương trường để khôi phục sự tươi mới cho kinh tế Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận