Cảnh báo ngập nước sớm để giảm thiệt hại

QUANG KHẢI 17/10/2018 20:10 GMT+7

TTCT - Dù ngập nước ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt... và tác động không nhỏ đến tâm lý các cư dân đô thị, nhưng nhiều năm qua chuyện này vẫn chưa được cảnh báo sớm để người dân có những giải pháp phòng, tránh.

Người dân khó khăn trong việc ứng phó với ngập vì còn thiếu thông tin cảnh báo về vấn đề này. Ảnh: Cương Trần
Người dân khó khăn trong việc ứng phó với ngập vì còn thiếu thông tin cảnh báo về vấn đề này. Ảnh: Cương Trần

 

Đến nay chưa có cơ quan chức năng nào nghiên cứu, thống kê về con số thiệt hại do ngập nước, ngoài số liệu khá chung chung từ kịch bản biến đổi khí hậu: nếu nước biển dâng 1m thì 21% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập, ảnh hưởng đời sống đến 7% dân số, thiệt hại kinh tế vô cùng to lớn...

Thiệt hại lớn

Vì vậy, khảo sát của nhóm tác giả Lê Hữu Lợi, Bùi Việt Hưng, khoa môi trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, về tình hình thiệt hại ngập nước do triều cường trên địa bàn TP.HCM phần nào hình dung ra những thiệt hại vì ngập gây ra. Khảo sát trên được thực hiện ở địa bàn quận 7 với nhiều nhóm đối tượng: người dân, hộ buôn bán, cơ sở sản xuất...

Do quá trình phát triển, đô thị hóa, quận 7 là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng ngập lụt vì triều cường như các tuyến đường: Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, Trần Xuân Soạn...

Trong năm, triều cường lớn chỉ xuất hiện vài tháng, thường bắt đầu khoảng tháng 9 đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Mỗi tháng đỉnh triều thường xuất hiện vào giữa và cuối tháng nhưng đã gây thiệt hại cho các hộ gia đình 12,9 triệu đồng/năm, hộ buôn bán là 13,4 triệu đồng/năm.

Tình trạng ngập nước gây kẹt xe, người dân phải nghỉ, trễ giờ làm việcẢnh: Cương Trần

 

Theo nhóm tác giả trên, những thiệt hại này bao gồm chi phí sửa chữa tường, nâng nền nhà, vật dụng trong gia đình, khám chữa bệnh... Đối với các cơ sở sản xuất, thiệt hại do ngập lên hàng chục triệu đồng do bị hư hại nguyên vật liệu, thiết bị sản xuất... Chưa kể tình trạng ngập nước gây kẹt xe, người dân phải nghỉ, trễ giờ làm việc, được tạm tính theo mức độ ngập từ 10-100cm, tương ứng thiệt hại 10-90 tỉ đồng/năm.

Qua khảo sát, nhóm tác giả kết luận: tình hình thiệt hại do ngập nước chiếm 0,38% tổng tài sản đối với hộ gia đình và 0,36% đối với tài sản hộ buôn bán. Thiệt hại gián tiếp liên quan đến việc gián đoạn hoạt động, khắc phục sau khi ngập... chiếm tới 4,3% tổng thu nhập đối với hộ buôn bán kinh doanh.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thể đánh giá hết được các thiệt hại gián tiếp khác về tinh thần của người dân vì ngập nước, kẹt xe, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, năng suất lao động... và ước lớn hơn gấp nhiều lần mức độ thiệt hại từ kết quả khảo sát đã được công bố trên.

Chưa thể đánh giá hết được các thiệt hại gián tiếp khác  của người dân vì ngập nướcẢnh: Cương Trần

 

Giải pháp: phòng trước khi chống

Để giảm thiệt hại do ngập nước, các đối tượng được khảo sát đều đề xuất chính quyền cần hỗ trợ kinh phí, ví dụ như tạo quỹ cho vay trả chậm với lãi suất thấp để người dân thực hiện các giải pháp chống ngập tại chỗ, góp phần ổn định chỗ ở, sản xuất buôn bán, kinh doanh.

Đồng thời thành lập đội ứng cứu nhanh về ngập nước chuyên trách cho từng địa bàn và mỗi nhà được cung cấp danh sách những đội này nhằm kịp thời hỗ trợ, xử lý tình hình ngập, hướng dẫn giao thông, ứng cứu tình huống khẩn cấp.

Hiện tại để đối phó tình trạng ngập nước, các hộ dân ở vùng ngập phải nâng nền nhà hoặc dùng bao cát, ván chặn trước cửa, kê dọn đồ đạc...

Người dân ở các vùng ngập cũng cho rằng cơ quan chức năng cần thông tin cho họ đầy đủ về thời điểm ngập, thời gian ngập bao lâu, mức độ ngập... Các thông tin này cần dự báo sớm và cập nhật thường xuyên nếu tình hình có thay đổi. Ngoài các phương tiện truyền thông, việc thông tin có thể chủ động thực hiện qua tin nhắn điện thoại, mạng xã hội... thay vì người dân phải chủ động tìm hiểu như hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho hay lãnh đạo UBND TP.HCM rất quan tâm đến việc thông tin, cảnh báo ngập cho người dân và trung tâm đang từng bước triển khai thực hiện.

Theo đó, thông qua website: https//chongngap.hochiminhcity.gov.vn/baongap, đơn vị này cung cấp tình hình thực tế ngập nước trên địa bàn thành phố mỗi khi có mưa hoặc triều cường. Với việc tích hợp 37 camera tại một số tuyến đường thường bị ngập: Trần Xuân Soạn (Q.7), Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Quốc Hương (Q.2)..., người dân có thể truy cập vào xem diễn biến thực tế tình hình ngập nước.

Ngoài ra, lực lượng tuần tra của trung tâm sẽ tuần tra khi có ngập nước do mưa, triều cường để cập nhật diễn biến lên web hoặc người dân cũng có thể chia sẻ thông tin về khu vực của mình ở website này.

Theo một cán bộ phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, đòi hỏi của người dân phải có thông tin cảnh báo ngập từ cơ quan chức năng để có giải pháp kịp thời là chính đáng. Hiện trung tâm đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống cảnh báo ngập theo hướng trên.

Tuy nhiên, theo vị này, để có thông tin cảnh báo người dân về khu vực họ đang sinh sống khi nào sẽ ngập, ngập mức độ nào là công việc cực kỳ phức tạp và đòi hỏi phải có thiết bị, kỹ thuật tiên tiến mới có thể dự báo chính xác.

“Bởi xác định khu vực nào đó ngập hay không, mức độ như thế nào phải xác định lượng mưa cụ thể. Ngoài ra còn phải biết hệ thống cống thoát nước to cỡ nào, dài bao nhiêu, hướng thoát nước đi đâu, tỉ lệ thấm nước khu vực đó... Từ các yếu tố trên sẽ chạy bài toán thủy lực mới ra con số cụ thể”, vị này nói.

Nhưng thực tế thì việc dự báo lưu lượng khó chính xác cho từng khu vực trước vài giờ mưa. Ngoài ra việc quản lý hệ thống cống thoát nước trên địa bàn thành phố hiện nay chưa thống nhất (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước và các quận huyện cùng quản lý), chưa được số hóa...

Trước mắt, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đã đề nghị Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho phép chia sẻ dữ liệu, hình ảnh từ hơn 100 camera do đơn vị này quản lý nhằm có thêm thông tin cung cấp cho người dân.

Thời gian qua Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM cũng đưa vào vận hành ứng dụng UDI Maps, đây là cổng thông tin hai chiều cung cấp tình trạng ngập úng tại một số khu vực trên địa bàn TP.HCM.

Thông qua ứng dụng, người dùng có thể biết được hiện trạng một số khu vực và cảnh báo về tình hình ngập đang hoặc có thể xảy ra. Ngoài việc cập nhật thông tin từ 29 camera, 13 trạm đo mưa và 5 trạm đo triều, người cài ứng dụng UDI Maps trên điện thoại di động còn được phát cảnh báo về những tuyến đường đang bị ngập để có thể chọn những tuyến đường khác đi, hạn chế ảnh hưởng ngập.

Vì sao không tích hợp thông tin trên website của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP và thông tin trên ứng dụng UDI Maps Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM để cung cấp thông tin cho người dân nhiều hơn?

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, ứng dụng UDI Maps là mã nguồn mở, trong khi website: https://chongngap.hochiminhcity.gov.vn/baongap được phát triển trên nền GIS nhằm đảm bảo tính bảo mật và an toàn hệ thống nên không thể tích hợp với nhau được.

Tuy nhiên trung tâm đang nghiên cứu một ứng dụng tương tự như UDI Maps để cung cấp thông tin cho người dân trong thời gian tới.■

Kết quả khảo sát thiệt hại do ngập đã được công khai tại hội thảo “Tác động của ngập lụt tới kinh tế - xã hội của TP.HCM và chiến lược tích hợp để nâng cao khả năng thích nghi và ứng phó” do Trung tâm Công nghệ môi trường TP.HCM tổ chức ngày 20-6-2018.

Theo nhóm tác giả Lê Hữu Lợi, Bùi Việt Hưng, đề tài khảo sát thiệt hại do ngập được thực hiện tại địa bàn Q.7 trong năm 2017. Nhóm khảo sát đã thực hiện 410 phiếu phỏng vấn trực tiếp người dân ở các tuyến đường thường xuyên bị ngập: Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn… Có tới 80% người được khảo sát cho rằng phải được tiếp cận, cung cấp thông tin ngập nước.

Nhắn tin báo ngập qua điện thoại di động

Ý kiến này được lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP phối hợp cùng các sở ngành nghiên cứu, triển khai. Ý kiến trên xuất phát từ phản ảnh của người dân về việc cần được thông tin về tình hình ngập nước trên địa bàn TP sau mỗi cơn mưa lớn, hoặc mưa kết hợp với triều cường để chủ động trong quá trình đi lại. Theo lãnh đạo UBND TP, trong khi chờ các dự án chống ngập lớn hoàn thành, cần có những giải pháp trước mắt nhằm giảm nhẹ ảnh hưởng, thiệt hại thấp nhất cho người dân. Một trong những giải pháp đó là thông báo bằng tin nhắn cho người dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận