​Câu chuyện một dòng kênh

QUỐC VIỆT 02/05/2015 19:05 GMT+7

“Bận xưa, ba má chỉ chèo xuồng ba lá buôn bán lặt vặt ba mớ cá lươn trên con kinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè này cũng nuôi đặng anh em tui ăn học tử tế, rồi dựng vợ gả chồng, sanh con đẻ cái đề huề. Bây giờ nhìn lại dòng kinh, tui nhớ hình ảnh đó ứa nước mắt”... Gần 30 năm trở lại TP.HCM, mong mỏi của ông lão Việt kiều Hà Minh Thái, 79 tuổi, là trở về chốn xưa bên bờ kênh Nhiêu Lộc.

Dòng kênh uốn lượn ở khu vực cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận với bờ kè được trồng cây xanh tạo bóng mát. Ảnh:Hữu Khoa

Một buổi sáng se lạnh đầu năm 2015, ước nguyện của ông Thái đã thành hiện thực. Vừa rời chuyến bay từ Pháp về Tân Sơn Nhất, ông Thái được con cháu chở thẳng đến bờ kênh Nhiêu Lộc.

TỪ THUỞ TRONG XANH...

Với nhiều cư dân Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sự hồi sinh dòng kênh này là bước ngoặt hạnh phúc, dù trước đó có người không muốn rời đi. Giờ đã an cư lạc nghiệp tại khu đô thị mới An Lạc, quận Bình Tân, bà Trần Thị Mỹ Hạnh vẫn nhớ: “Khi cải tạo kênh nước đen này, chúng tôi mừng lắm. Nhà tôi ở đoạn thượng nguồn chảy qua phường 4, quận Tân Bình nồng nặc mùi hôi thối. Đời mình khổ, chẳng lẽ con cháu cũng phải chịu? Sự đổi thay ban đầu xáo trộn một chút, nhưng rồi cuộc sống tốt hơn hẳn khi giã từ cái nhà sàn bệ rạc trên kênh”.

“Lạ quá. Ngó cái gì cũng thiệt lạ!” - ông Thái lẩm bẩm. Căn nhà sát mé kênh Nhiêu Lộc liền kề đường Phạm Văn Hai của gia đình ông suốt mấy đời ở quận Tân Bình không còn dấu vết.

Mé kênh cũ bên nhà ông đã trở thành con đường thẳng thớm. Đoạn bên trái dưới hạ lưu kênh cũng thay đổi hẳn. Những căn nhà ổ chuột trồi thụt dọc bờ kênh xưa đã biến mất, thay vào là hàng cây xanh và đường mới. Đôi bờ đất lỗ chỗ sụt lở từng ngập tràn rác rưởi cũng được kè bêtông sạch sẽ.

Ba mươi năm trước, ông Thái chia tay con cháu trong ngôi nhà giờ đã trở thành đường Hoàng Sa. Ký ức nơi xưa cũ của ông suốt 30 năm trên đất Pháp là khu nhà ổ chuột dọc bờ kênh, là hàng xóm lao động nghèo khó nhưng hào sảng...

Gia đình ông Thái quê ở Xuân Trường, Nam Định, vào Nam từ năm 1943, trước rất xa đợt di cư năm 1954. Ba má ông là dân buôn “gia truyền”, nhảy tàu vào Sài Gòn rồi định cư luôn bên bờ kênh.

Nhiều người thời nay quen gọi chung là kênh Nhiêu Lộc, nhưng thật ra cùng một con kênh lại chia thành hai tên: từ cầu Thị Nghè lên thượng nguồn Gò Vấp là kênh Nhiêu Lộc, đoạn cuối từ cầu này đổ ra sông Sài Gòn mang tên Thị Nghè.

Ông Thái nhớ đoạn kênh mình ở Tân Bình cuối thập niên 1940 và đầu 1950 vẫn rất sạch: “Người miền ngoài vào quen đào giếng sử dụng nhưng dân địa phương vẫn xài nước kinh. Tui còn nhỏ, đi học khát nước, xin nước khạp lấy từ kinh này để uống chẳng đau bụng gì hết trọi”.

Cư dân bên bờ kênh thời đó còn nguyên vẹn tập quán miền Nam là hay để hàng lu trước hiên nhà. Mùa mưa họ hứng nước trời để trữ xài. Mùa nắng, mấy cái lu này lại dành lắng nước kênh. “Tụi tui cứ chặt nửa trái dừa khô, dùi hai lỗ để xỏ cây tre làm tay cầm múc nước. Khách qua đường gặp cơn khát cứ tự tiện lấy gáo dừa múc nước lu uống, khỏi cần xin hỏi chủ nhà” - ông Thái nói.

Kênh Nhiêu Lộc một thuở xanh trong nửa đầu thế kỷ 20 gắn với tuổi thơ cùng bạn bè của ông Thái. Hết bơi lội lại câu cá, câu lươn.

“Bận đó tôm cá ở con kinh này vẫn còn nhiều quá xá binh thiên. Đi học về, tui với sắp bạn chỉ thả câu ở đoạn có mấy lùm dừa nước là dư cá ăn. Có bữa câu được con lươn bự gần bằng cổ tay, dài hơn cả thước, khoanh tròn bốn vòng bỏ trong giỏ đựng cá cũng chưa khít” - ông Thái chép miệng luyến tiếc thời kênh rạch còn giàu sản vật. Dân lao động nghèo tiền nhưng không ngán chuyện thiếu ăn.

Hồi đó, ba má ông chỉ sắm mỗi cái xuồng ba lá chèo tay đi buôn bán lặt vặt trên đoạn hạ nguồn Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng nuôi được bầy con. Ông Thái thi thoảng không đi học, theo ba má. Họ lấy đồ khô trên chợ Phú Nhuận, Ông Tạ xuống bán cho dân ven kênh, rồi đem sản vật dưới kênh lên bán lại dân trên chợ. Người ta thích tôm cá bắt được dưới kênh này, vừa mập lại vừa rẻ.

Kể cả ba cây trái dưới kênh mà gia đình ông Thái cũng kiếm được tiền: họ chở lá dừa nước lên cho dân trên bờ lợp nhà, loại lá dại mọc đầy hai bên bờ kênh. Đến giờ ông Thái còn nhớ kỷ niệm xa lắc: “Mùa hè tụi tui đi hái trái bình bát mọc bờ kinh. Một xuồng bình bát đổi được ba bao gạo cao cỡ đầu thằng nhóc. Ba má khỏi lo nồi cơm không có cái để bén lửa suốt hai tháng”.

... ĐẾN CHUYỂN MÀU NƯỚC ĐEN

Qua đợt di cư năm 1954 rồi sang những năm 1960, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bắt đầu chuyển đen nặng. Bà Trần Thị Hoán, hơn 80 tuổi, người từng trải thời gian dài ven kênh Nhiêu Lộc từ năm 1954-1975, kể: “Năm 1954, từ Ninh Bình tôi vào đây được vài năm thì thấy kênh thay đổi rõ.

Rác rưởi lềnh bềnh, nước chuyển màu đen. Mùa mưa còn tạm đỡ, mùa nắng kênh bốc mùi nồng nặc. Ban đầu cái mùi khó chịu đó còn đỡ, nhưng từ khoảng năm 1970 thì mùi đó đã thành nỗi ám ảnh mỗi ngày”.

Dòng kênh chuyển màu như phải mang cả gánh nặng chiến sự. Bà Hoán, ông Thái cứ sáng lại thấy mình có hàng xóm mới. Chạy nạn bom đạn, người tứ xứ dạt đến hai bờ kênh thuê nhà, chui rúc tạm bợ. Các khu nhà sàn ổ chuột bên bờ kênh ngày càng chen chúc dần, kéo theo sự xuống cấp môi trường và xã hội.

Bà Hoán kể: “Tự nhiên từ con kênh này xuất hiện thêm một nghề. Đó là nghề móc bọc. Người ta chèo xuồng, lặn lội dưới kênh nhặt nhạnh mấy thứ phế thải bán đong gạo được. Thỉnh thoảng họ còn tìm thấy cả bạc cắc của dân trên nhà sàn làm rớt”.

Trong Hồi ký không tên của mình, ông Lý Quý Chung, tức nhà báo Chánh Trinh, đã nhắc kỷ niệm về xóm nước đen này hồi năm 1964: “Nơi cuối cùng hai vợ chồng tôi thuê được là một căn phòng nhỏ khoảng 12 mét vuông, trong một căn nhà có một gác gỗ ở xóm lao động Cầu Chong (Tân Định).

Căn nhà này nằm sát kênh Nhiêu Lộc nước đen ngòm, bùn lầy, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Khi mới đến nơi này, tôi không thể tưởng tượng được rằng mình có thể ở lại đây... Nhưng kể cũng lạ, khi đã sống được ở nơi này rồi thì không còn ngửi thấy mùi hôi thối nữa. Cái mũi con người ta luôn phải thích nghi với môi trường sống một cách tài tình”.

Năm 1975 chiến sự kết thúc, nhưng dòng kênh vẫn không thể hồi sinh vì đời sống xã hội quá khó khăn. Dòng người đi kinh tế mới không trụ nổi, lũ lượt kéo nhau về chui rúc bên bờ Nhiêu Lộc tìm kế sinh nhai. Quay quắt trên những cây cọc cắm tạm bợ, người ta xả xuống kênh tất cả thứ phế thải. Nước kênh, nhất là từ đoạn quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình ngược lên thượng nguồn, chuyển màu đen hẳn.

Bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành nơi đi bộ tập thể dục. Ảnh: Hữu Khoa

ĐỔI THAY KỲ DIỆU

Ông Lê Văn Năm, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM, kể cuộc sống nghèo khổ và môi trường sống tồi tệ của người dân dọc theo dòng kênh đã trở thành nỗi bức xúc của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố. Định hướng cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đưa lên mức ưu tiên trong tám chương trình quy hoạch đô thị trọng điểm của thành phố.

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thực tế, trăn trở cảnh khổ của người dân đã phê duyệt chương trình này ngay từ năm 1993. Trong lần đến thăm TP.HCM năm 1995, Thủ tướng Đức Helmut Kohl cũng từng góp ý rất cụ thể rằng phải cải tạo dòng kênh này mới có thể phát triển được đời sống người dân thành phố.

Công cuộc cải tạo đô thị lưu vực này chia ra làm hai giai đoạn: từ năm 1993-1998 là dự án cải tạo kênh và chỉnh trang đô thị dọc kênh; từ năm 2002-2020 là dự án vệ sinh môi trường. “Không thể hình dung hết bao nhiêu khối lượng công việc khổng lồ đã thực hiện. Nó tác động trực tiếp gần 11.500 hộ dân với gần 69.000 con người và gián tiếp tới hơn cả triệu người” - ông Năm kể.

Sau khi được Hội đồng nhân dân khóa 5 TP.HCM thông qua, đại công trình cải tạo Nhiêu Lộc - Thị Nghè được chuẩn bị thực hiện. Từng quận được giao “định mức” di dời, tái định cư người dân ở trên và bên kênh trong giai đoạn đầy khó khăn và nhạy cảm nhất của dự án. Rồi hàng triệu mét khối bùn đất nạo vét chuyển về vùng trũng Cần Giờ.

Đoạn cạn hẹp trên thượng nguồn kênh ở quận Tân Bình được đặt cống hộp để mở đường. Phần lớn đoạn dưới dòng kênh được nạo vét, khơi thông, kè bờ kiên cố và mở rộng đường sá, dải xanh hai bờ. Đặc biệt, các dự án xử lý nước ô nhiễm cũng được thực hiện bằng các giếng thu, cống xả tràn, trạm bơm để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.

Bây giờ đi qua dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người ta thấy tán xanh mát rượi, thấy dòng nước có thể thả câu được. Nhưng không phải ai cũng nhớ dự án đã đối diện với nhiều khó khăn, thử thách nghiêm trọng suốt hai thập niên.

Một cựu cán bộ trong ban giải tỏa, di dời vẫn còn nhớ hình ảnh không quên: “Có lần tụi tui xuống thì gặp ông già ngồi ôm sẵn can xăng. Ông nói nếu buộc gia đình mình phải đi, sẽ tự thiêu. Lần khác, đoàn xuống đo đạc, tính mức đền bù thì bị mấy người dân cầm dao đuổi. Họ nói phải bước qua xác họ trước!”.

Nhắc kỷ niệm trên, vị cán bộ về hưu này vẫn trầm tư: “Có một số người hành động cực đoan nhưng nghĩ lại người dân cũng có cái lý, cái tình của mình. Sự đổi thay nào chẳng rất khó khăn, mà đây lại là đổi thay miếng cơm manh áo. Đó là bài học xương máu cho các dự án quy hoạch, giải tỏa sau này”.

Việc áp giá đền bù đã phải tính toán lại để giải tỏa căng thẳng. Ngay cả việc đưa người dân lên ở chung cư trên cao hay ra ngoại thành cũng phải hết sức cân nhắc, vì phần lớn họ đều là người nghèo, kiếm sống bằng buôn bán lặt vặt ngay nơi mình ở dưới đất. Thay đổi họ thế kia, liệu họ có sống được không, con cái họ rồi sẽ ra sao? Tương lai dự án là tốt đẹp nhưng thực tế hiện tại cũng không thể xem nhẹ ý nguyện của dân.

Vượt qua giai đoạn di dời dân cư hết sức nhạy cảm, nhiều gói dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại “chìm” trong giải pháp thi công trễ nải và quá kém cỏi của nhà thầu Trung Quốc yếu năng lực. Nó khiến vốn vay ODA đầu tư đội lên quá cao so với dự toán, làm gánh nặng trả nợ càng nặng nề hơn. Nó cũng làm khổ trực tiếp đến người dân với các công trình dở dang nằm lì năm này qua năm khác. Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh phải dẹp tiệm.

Các lá đơn kiện vô cùng phức tạp: không chỉ kiện kỹ thuật thi công làm hư hại nhà mình, nhiều người dân còn kiện thời gian thi công trễ nải, đào đắp ngổn ngang, “lô cốt” nằm lì trước nhà đã “bóp chết” công việc sản xuất, kinh doanh...

Tuy nhiên, đại công trường chỉnh trang Nhiêu Lộc - Thị Nghè rồi cũng đến ngày sạch, đẹp, xanh tươi. Nó đem lại kinh nghiệm vô cùng to lớn cho TP.HCM khi tiến hành hàng loạt dự án cải tạo kênh rạch về sau, như tâm sự của chính các cán bộ từng suốt hai thập niên lăn lộn với dự án đầy thử thách này: “Trên từng mét vuông đổi thay nào mà không có sự hi sinh và tiền thuế đẫm mồ hôi của người dân. Họ có quyền đòi hỏi được hưởng thụ môi trường sống tốt đẹp cho mình và cho cả các thế hệ con cháu mai sau”.

Bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành nơi đi bộ tập thể dục. ảnh: Hữu Khoa

Kênh Nhiêu Lộc - Thị nghè dài khoảng 10km, lưu vực 3.324ha. Năm 1992 trước khi dự án cải tạo được thực hiện, khoảng 900.000 người dân sống trên địa bàn này, chiếm 25% dân số thành phố lúc ấy. Khi thủy triều lên, nước sông Sài Gòn chỉ vào được 2,5km dưới hạ lưu, làm phần lớn kênh trên thượng lưu thường xuyên lềnh bềnh rác rưởi, hôi thối, ngập ngụa. Gần 70% dân cư ở trên và ven kênh là vãng lai, không có hộ khẩu, thiếu nhà vệ sinh và nước sạch... 

Nước kênh ô nhiễm từ những năm 1960

Ảnh tư liệu

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận