Chặn đà sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài

TTCT - Dù có nhiều đóng góp cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội của VN năm 2011 nhưng sự sụt giảm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và không có tăng trưởng trong vốn FDI thực hiện (11 tỉ USD - tương đương năm 2010 và thấp hơn năm 2008) đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ...

Phóng to
Lãnh đạo dự án Hồ Tràm Strip (4,2 tỉ USD) giới thiệu tiến độ thực hiện dự án hồi đầu tháng 12-2011 - Ảnh: L.N.M.

Không tăng, thậm chí số vốn FDI của những dự án bị thu hồi giấy phép còn nhiều hơn số vốn đăng ký mới có thể được xem là những đặc điểm nổi bật trong thu hút vốn FDI của năm 2011. Năm qua, FDI đóng góp vào GDP khoảng 19%, riêng vốn thực hiện 11 tỉ USD, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đâu là thực, đâu là ảo?

Sự sụt giảm thu hút vốn FDI mới (vốn đăng ký) và không có tăng trưởng trong vốn FDI thực hiện (11 tỉ USD - tương đương năm 2010 và thấp hơn năm 2008) được nhìn nhận là một hiện tượng không bình thường.

Phân tích đầy đủ hiện tượng này để tìm ra nguyên nhân, đi đến cách giải quyết các tồn tại trong hoạt động và quản lý FDI, xác định rõ vai trò, vị trí của FDI trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khi các nguồn vốn đầu tư khác nhau bị thu hẹp... là một đòi hỏi cấp thiết trong điều hành kinh tế hiện nay.

Vốn FDI thực hiện đã không có tăng trưởng trong các năm gần đây, thậm chí năm ngoái còn thấp hơn mức đã đạt được năm 2008 (11,5 tỉ USD). Khiếm khuyết của công tác thống kê đối với nguồn vốn này là mới chỉ thống kê được tổng số vốn thực hiện mà chưa phân được thực tế đầu tư theo ngành và địa phương. Do vậy, chưa thể đánh giá đúng thực trạng và năng lực hấp thụ vốn FDI của từng ngành, từng địa phương. Cũng vì thế rất khó cho việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp thích hợp trong việc giải ngân nguồn vốn này.

Mức vốn đăng ký chưa giải ngân đến thời điểm hiện nay là 140 tỉ USD, một con số quá lớn trong khi chưa có báo cáo, phân tích thấu đáo nào cho việc này. Tỉ trọng vốn FDI thực hiện trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011 cũng không tăng so với năm 2010, thậm chí còn thấp hơn mức đạt năm 2008. Đóng góp của FDI vào GDP cũng không có tăng trưởng lớn, chỉ khoảng 2% từ năm 2006 đến năm 2011 (năm 2006 khoảng 17%, năm 2011 dự kiến 19%).

Có thể nói cơ quan quản lý nhà nước chưa có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn FDI đăng ký. Chẳng hạn với 140 tỉ USD vốn đăng ký chưa giải ngân như nêu trên và với mức vốn giải ngân bình quân hiện nay trên 10 tỉ USD/năm cho thấy sẽ cần nhiều năm sau mới giải ngân hết số vốn đã đăng ký, chưa kể số vốn các dự án mới tiếp tục đăng ký đầu tư vào VN trong các năm tới.

Vậy đâu là “thực”, đâu là “ảo” trong số vốn đăng ký nêu trên và thực tế khả năng hấp thụ vốn FDI của nền kinh tế là bao nhiêu? Định hướng thu hút FDI giai đoạn tới sẽ tập trung vào chất lượng, vậy số lượng bao nhiêu là thích hợp?

Phóng to

Vốn vào nông nghiệp ngày càng nhỏ

Về cơ cấu đầu tư theo ngành, vốn đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục yếu kém và ngày càng thấp. Năm 2011 đã giảm xuống chỉ còn 1% trong tổng vốn đầu tư đăng ký - mức thấp nhất từ trước đến nay. Đầu tư vào bất động sản (BĐS) cũng không tăng trưởng ổn định và không phù hợp với thị trường. Trong năm 2011, đầu tư vào BĐS giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, chỉ đạt 845 triệu USD.

Trong các năm trước, đặc biệt năm 2007-2008, khi vốn FDI đăng ký đầu tư vào BĐS tăng vọt với nhiều dự án có quy mô lớn - một vài tỉ USD/dự án - đã gây nên quan ngại trong dư luận xã hội. Nhưng thực tế đến nay nhiều dự án đó đã không có khả năng triển khai, một số đã bị rút giấy phép, đặt câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với Nhà nước do sự đánh giá sai thị trường, năng lực đầu tư của họ đã gây lãng phí về nguồn lực đất đai và các chi phí liên quan, làm mất cân đối trong đầu tư và phát triển của địa phương nơi đăng ký đầu tư.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước về FDI đã không thẩm tra kỹ dự án trước khi cấp phép, nóng vội trong thu hút FDI vào địa phương mình quản lý dẫn đến việc buộc phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của môi trường đầu tư VN.

Đề cập đến điểm yếu trong thu hút FDI của VN, nhiều chuyên gia nước ngoài nói rằng VN có tiến bộ nhưng thực tế là các nước cạnh tranh với VN đang đi nhanh hơn. Năm nay, vấn đề thủ tục hành chính và nạn tham nhũng tiếp tục là tâm điểm trong báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh 2011 tại Diễn đàn doanh nghiệp VN với đánh giá ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư VN. Tại diễn đàn này, đại diện Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) đưa ra đề nghị: “VN không chỉ cần cam kết thực hiện cải cách hành chính trên toàn quốc mà đồng thời cũng cần cam kết tăng cường các tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, công chức tại tất cả các cấp...”.

Với hơn hai thập kỷ (kể từ năm 1987 khi Luật đầu tư nước ngoài được ban hành) VN thật sự triển khai việc thu hút FDI để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng đến nay vẫn thấy những tồn tại nêu trên, cho thấy vai trò và vị trí của FDI trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ chưa được xác định rõ. Nhiều địa phương chạy theo các dự án “tỉ đô” nhưng không có giải pháp quản lý, hỗ trợ triển khai dẫn đến việc buộc phải thu hồi giấy phép đã cấp, vừa làm xấu môi trường đầu tư VN vừa gây thất thoát, lãng phí tài nguyên và làm mất cân đối kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cả ngoài nước và trong nước đều bị thu hẹp, nhất thiết phải nhanh chóng có giải pháp bởi không có đầu tư sẽ không có phát triển. Tuy dòng FDI toàn cầu có giảm sút, nhưng với số vốn đăng ký hiện có chưa được thực hiện, và dự báo số vốn FDI mới có khả năng đổ vào VN trong giai đoạn tới vẫn có thể đạt 10-15 tỉ USD/năm (nếu môi trường đầu tư tại VN tiếp tục được cải thiện, con số này còn cao hơn), việc định vị rõ vai trò, vị trí của FDI trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội VN giai đoạn tới trong quy hoạch cụ thể, cũng như trong các quan điểm và lập trường của các cấp ngành sẽ có vai trò hết sức quan trọng tác động đến kết quả thu hút FDI giai đoạn tới.

Trong năm 2012, để hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án hiện có vượt qua các khó khăn do biến động của kinh tế toàn cầu, cơ quan quản lý nhà nước về FDI cần tìm mọi giải pháp tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, dự án FDI triển khai. Trước mắt, theo tôi, đối với các dự án chậm triển khai, chưa vội rút giấy phép để làm xấu thêm tình hình, thay vào đó là tìm các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, trong trường hợp cần thiết điều chỉnh lại quy mô, mục tiêu của dự án phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và thị trường để dự án có thể phát triển.

Việc định vị vai trò, vị trí của FDI trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới trong đề án đánh giá thực trạng FDI và định hướng chính sách, giải pháp nâng cấp FDI giai đoạn 2011-2020 cần được xác định là một nội dung quan trọng. Xác định rõ được vị trí của vốn FDI sẽ giúp hoạch định một chiến lược thu hút nhất quán, tăng cường khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư tại VN và duy trì được mức thu hút FDI tăng trưởng ổn định phù hợp với yêu cầu phát triển hằng năm của nền kinh tế.

Vốn và tỉ trọng trên Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Chỉ tiêu

Ðơn vị

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Vốn đăng ký

Tỉ USD

12

21

71

22

18

14,7

Vốn thực hiện

Tỉ USD

4,1

8,0

11,5

10,0

11

11

Tỉ lệ % vốn FDI thực hiện/ tổng vốn đầu tư toàn xã hội

%

16,3

16,0

29,8

25,7

25,8

Ước 25,0

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận