Châu Âu và sách lược mới với Đông Nam Á

NHẬT ĐĂNG 22/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Dường như châu Âu đã tìm thấy lời giải cho bài toán hóc búa về vấn đề Biển Đông, một điểm nóng trong căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung vốn lâu nay đẩy lục địa già vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành quyết định thành lập tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin. Tổ công tác được kỳ vọng giữ vai trò quan trọng cho các nỗ lực xúc tiến, vận động viện trợ vắc xin cho công tác tiêm phòng, vượt qua đại dịch COVID-19.

Bayern là chiếc tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông sau 19 năm, vào năm 2021. Ảnh: DPA

 

Từ vắc xin

Trên thực tế, nỗ lực ngoại giao vắc xin của Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành công trong thời gian qua. Trong một thông báo ngày 12-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng tải trên Twitter thông tin Pháp quyết định chia sẻ cho Việt Nam 670.000 liều vắc xin AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX. 

Theo Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, số vắc xin này sẽ được vận chuyển và bàn giao cho Việt Nam dự kiến vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới.

Pháp là một trong số nhiều quốc gia châu Âu tuyên bố viện trợ vắc xin cho Việt Nam thông qua COVAX, bên cạnh Hungary, Anh hay Cộng hòa Czech.

Ngoài mối quan hệ song phương với Việt Nam, việc hỗ trợ vắc xin COVID-19 cũng là cam kết của các nước châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng với Việt Nam cũng như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Trong khu vực châu Á, Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Indonesia được phía Pháp hỗ trợ khẩn cấp vắc xin đợt này.

Ngày 6-8, tại Hội nghị trực tuyến bộ trưởng ngoại giao ASEAN - EU, thuộc khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các hội nghị liên quan, EU cho biết đã cung cấp 33 triệu liều vắc xin COVID-19 cho ASEAN, đồng thời sẽ tiếp tục cung ứng vắc xin cho Đông Nam Á. 

Đến nay, EU đã đóng góp hơn 3 tỉ euro qua cơ chế COVAX hỗ trợ vắc xin cho các nước thu nhập thấp và trung bình.

Câu chuyện về vắc xin và COVID-19 tiếp tục phản ánh chiều hướng tốt đẹp trong quan hệ EU - ASEAN, nay đã chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. 

Mối quan hệ giữa EU và ASEAN càng được thúc đẩy trong bối cảnh hai bên tìm thấy lợi ích song trùng trong chính sách đối ngoại, cụ thể ở việc đa dạng hóa hợp tác nhằm giảm lệ thuộc vào hai cường quốc kinh tế thế giới đang cạnh tranh quyết liệt như Mỹ và Trung Quốc.

Tới địa chính trị

Trong diễn biến liên quan, AMM-54 cũng là thời điểm trao quy chế Đối tác đối thoại (Dialogue Partner) đầy đủ của ASEAN cho Vương quốc Anh. 

Với ASEAN, đây là sự kiện thể hiện sự tích cực và rộng mở trong quan hệ đối ngoại của khối. Trong khi đó trên website chính phủ, Anh mô tả ASEAN là một nhóm 10 thành viên có sức ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chiến lược của EU và Anh với khu vực này đòi hỏi họ phải tham gia sâu hơn vào một điểm nóng an ninh: Biển Đông.

Trong cuộc họp với ASEAN tại AMM-54, các nước ASEAN và EU nêu rõ tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. 

Đặc biệt, một lần nữa đại diện các bên nhắc lại vai trò của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong giải quyết tranh chấp.

Bản thân EU và Anh cũng trong giai đoạn tái định vị vai trò trong trật tự mới, đặc biệt sau sự kiện Anh rời EU (Brexit). 

Cả EU và Anh đều xem ASEAN là một phần quan trọng trong chiến lược của họ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, song song là chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng và nhu cầu củng cố hòa bình, ổn định cho Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của các nước liên quan.

Nói cách khác, để đảm bảo an ninh, châu Âu cần góp phần duy trì một trật tự dựa trên luật lệ. Các điểm nóng an ninh tiềm ẩn khả năng đe dọa trật tự ấy như ở Biển Đông vì vậy càng thu hút sự tập trung của châu Âu hơn.

Hiện nay, Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được ASEAN và Trung Quốc xem là giải pháp cho việc xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Châu Âu sẽ tìm thấy chìa khóa cho sự đóng góp của mình vào trật tự dựa trên luật pháp quốc tế trong thái độ của họ đối với COC cũng như vấn đề Biển Đông nói chung.

Tại AMM-54 và trong các tuyên bố trước đó, châu Âu đã bày tỏ quan điểm về tầm quan trọng của UNCLOS 1982 đối với vấn đề Biển Đông, và đây được xem là một thành công của Việt Nam cũng như ASEAN nói chung. 

Tuy nhiên đàm phán COC lại rất ít tiến triển, đặc biệt những khó khăn do dịch bệnh gây ra trong hai năm qua.

Theo nhà nghiên cứu Ấn Độ Pooja Bhatt (Đại học Jawaharlal Nehru), cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều muốn xây dựng COC, nhưng theo các điều khoản và mục tiêu khác nhau. 

Điều này dẫn tới việc COC ít khả năng sớm có bứt phá do không ai đánh đổi việc tuân thủ thời gian đàm phán nghiêm ngặt để có một kết quả kém lợi thế hơn đối phương. 

“Với ASEAN, việc giữ Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán tiếp diễn bất chấp một số rào cản và các diễn biến quân sự căng thẳng, bản thân nó đã là một kỳ tích”, bà nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Seta Makoto, phó giáo sư luật quốc tế tại Đại học Yokohama (Nhật Bản), điểm lạc quan nhất là việc các thành viên ASEAN chào đón sự trở lại của những đàm phán xung quanh “văn bản dự thảo đàm phán duy nhất cho COC” (Single Draft COC Negotiating), được nêu trong tuyên bố chung ở AMM-54. 

Dù vậy, khó khăn chính trong việc đạt đồng thuận là các bên có sự hiểu biết khác nhau về luật pháp lẫn thực tế. “Các quốc gia và bên liên quan phải giữ quan điểm trao đổi, kể cả khi việc tìm kiếm cơ sở cho một sự thỏa hiệp diễn ra chậm và dần dần”, ông nói.

Nếu thành công của AMM-54 nằm ở vấn đề UNCLOS 1982 được nhất trí, thì trở ngại là bởi Trung Quốc có cách diễn giải khác về câu chuyện này. Một trong những mấu chốt khác gây khó cho COC là việc có hay không sự góp mặt từ “các thế lực bên ngoài”. 

Về điểm này, châu Âu dường như đã phát một tín hiệu quan trọng có thể làm thay đổi bức tranh COC và Biển Đông.

Tuần trước, lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển. Điều này nhấn mạnh an ninh Biển Đông hay các vùng biển khác nay được xem là câu chuyện cả thế giới cần quan tâm.

Phát biểu tại sự kiện trên, Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định tầm quan trọng của an ninh biển trên toàn cầu, và nhấn mạnh đây là “bài kiểm tra lớn cho chủ nghĩa đa phương”, đòi hỏi cách tiếp cận đa phương, huy động quốc tế lớn hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tiến sĩ Seta lưu ý Bộ trưởng Le Drian đã đề cập rõ ràng tới Biển Đông bên cạnh Địa Trung Hải, vốn gần hơn và có tầm quan trọng về mặt chính trị cao hơn với các nước châu Âu.

Ông Seta cũng cho rằng đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận của châu Âu. Trước đây, quan điểm của họ về chính sách đối ngoại, đặc biệt với Trung Quốc, chưa thống nhất. 

Tuy nhiên trong năm nay, Anh, Pháp và Đức đã điều tàu tới Biển Đông, điều cho thấy ít nhất ba nước trên quan tâm tới trật tự dựa trên luật lệ cho đại dương, và xem các hoạt động của Trung Quốc là “có vấn đề” đối với trật tự ấy.

“Vì Biển Đông quan trọng với giao thông hàng hải toàn cầu, kết quả đàm phán COC sẽ liên quan tới các nước châu Âu”, ông nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Mặc dù vậy, theo nhà nghiên cứu Bhatt, dù các nước Anh, Pháp và Đức muốn tái can dự vào khu vực, hiện nay họ sẽ chọn lựa giải pháp nơi các cơ chế đa phương, chứ không phải can thiệp về mặt quân sự. 

“Xét việc Trung Quốc rất dè dặt với chuyện bên thứ ba tham gia giải quyết tranh chấp liên quan tới yêu sách chủ quyền đa phương và song phương ở Biển Đông, thật khó để thấy bất kỳ sự can dự nào của các nước châu Âu vào đàm phán COC". 

"Tuy nhiên, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) thực sự cung cấp dư địa cho sự tham gia của các nước bên ngoài khu vực, chứ không chỉ các nước thành viên của TAC trong khu vực nếu họ tham gia trực tiếp vào các tranh chấp”, bà nói. ■

2:

EU hiện là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào ASEAN với tổng số vốn 7,6 tỉ USD, và tổng kim ngạch thương mại đạt 258 tỉ USD trong năm 2020.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận