Chỉ một con sâu làm rầu nồi canh

DANH ĐỨC 07/05/2013 23:05 GMT+7

TTCT - Gần một năm sau ngày ông François Hollande đắc cử tổng thống, thăm dò dư luận của BVA cho thấy chỉ còn có 24% người Pháp hài lòng với ông này, trong khi 73% không hài lòng.

Tại sao dân chúng lại mau “chán ngán” ông Hollande và Đảng Xã hội?

Phóng to
Edwy Plenel, giám đốc báo mạng Mediapart, người đã quyết định đăng hồ sơ vụ Bộ trưởng ngân sách Jérôme Cahuzac có tài khoản “chui” ở Thụy Sĩ từ cuối năm ngoái - Ảnh: Reuters

Sự tồn vong của một chính phủ không dựa trên sự vững mạnh của bộ máy quân đội, cảnh sát và an ninh mà trên tiếng tăm hay tai tiếng của chính phủ đó.

Là người từng hiện thân cho sự đắc thắng của ước mơ công bằng xã hội tối chủ nhật 6-5-2012, chỉ trong vòng một năm Tổng thống Hollande từ 52% số phiếu bầu nay chỉ còn 24% số ý kiến hài lòng, bắt nguồn từ vụ tai tiếng của ông Jérôme Cahuzac, (phó) bộ trưởng (Ministre délégué, chức vụ giữa bộ trưởng và quốc vụ khanh ở Pháp) đặc trách ngân sách, bị báo chí phanh phui từ tháng 12 năm ngoái.

Tất nhiên ông Hollande cũng đã không bao che, song mãi đến giữa tháng 3 năm nay mới loan báo bãi nhiệm ông này. Sau vụ trên, ông ra lệnh cho nội các kê khai tài sản, song đã muộn màng.

Từ một tài khoản "chui"...

“Nếu ông Cahuzac đã được bổ nhiệm, đó là do quá trình nghề nghiệp và chính trị cá nhân ông đã cơ bản không được những nhà lãnh đạo Đảng Xã hội xem là bất bình thường”

MEDIAPART

Cách đây đúng năm tháng, tờ báo mạng Mediapart bắt đầu tung hồ sơ tố cáo bộ trưởng Cahuzac có tài khoản “chui” ở Thụy Sĩ, chính xác là Ngân hàng UBS, cho đến đầu năm 2010 thì đóng tài khoản, sau đó chuyển tiền qua Singapore. Tất nhiên ông Cahuzac bác bỏ tố cáo này. Chấn động công luận. Cả hai phe cánh tả, cánh hữu trong chính trường yêu cầu cả hai bên “nguyên cáo” và “bị cáo” cung cấp chứng cứ.

Ngày hôm sau, Mediapart đưa lên mạng một băng ghi âm (có chất lượng không tốt lắm) thể hiện điều gọi là một cuộc trao đổi vào năm 2000 giữa ông Cahuzac và Hervé Dreyfus, chuyên gia quản lý tài sản của ông Cahuzac.

Trước cái gọi là “tang vật” này, guồng máy chính trị Pháp chuyển động, bắt đầu từ bộ máy giám sát cao nhất là quốc hội vốn hoạt động toàn thời gian. Cùng ngày, dân biểu Daniel Fasquelle lôi vụ này ra trước hạ viện, “xét hỏi” ông Cahuzac. Ông này quả quyết “chưa từng có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, bây giờ cũng như trước kia”.

Được Điện Elysée (dinh tổng thống) và Điện Matignon (phủ thủ tướng) cùng các bộ trưởng đồng sự hậu thuẫn, ông Cahuzac kiện Mediapart về tội vu cáo. Ngày 7-12, tức ba ngày sau khi sự vụ bùng nổ, biện lý cuộc (đóng vai trò kiểm sát) Tòa thượng thẩm Paris mở cuộc điều tra ban đầu theo yêu cầu của nguyên đơn là Bộ trưởng Cahuzac.

Guồng máy giám sát không ngừng hoạt động và hoạt động độc lập. Một tuần sau (14-12), thuế vụ yêu cầu công dân Jérôme Cahuzac ký tờ khai cam đoan không có tài khoản “chui” ở nước ngoài, song công dân này đã không đáp ứng yêu cầu. Đến đây sự vụ chuyển hướng, nhất là qua ngày hôm sau (15-12) cựu trưởng đoàn luật sư Tòa án Angen, kiêm cựu thị trưởng thành phố Villeneuve-sur-Lot là ông Michel Gonelle xác nhận nội dung băng ghi âm “cáo buộc” là thật và tự nguyện đứng ra làm nhân chứng.

Đến ngày 29-12-2012, giám đốc Mediapart là Edwy Plenel nộp đơn yêu cầu biện lý cuộc Tòa thượng thẩm Paris mở cuộc điều tra về vụ này. Mười ngày sau, tố cáo “rửa tiền” này được chính thức thụ lý và được giao cho Cục Bài trừ tội phạm thuế điều tra.

Sau khi tư pháp vào cuộc, hành pháp buộc phải ra tay: bộ trưởng kinh tế, tài chính yêu cầu Chính phủ Thụy Sĩ cho biết công dân Jérôme Cahuzac có tài khoản ở Ngân hàng UBS hay không. Tất nhiên trả lời từ phía Thụy Sĩ được bảo mật, song Mediapart cho rằng nếu chỉ dò tên ông Cahuzac ở Ngân hàng UBS là chưa đủ, phải dò ở tất cả 377 ngân hàng đóng đô tại Thụy Sĩ.

Đến ngày 19-3-2013, biện lý cuộc Tòa Paris điều tra công dân Cahuzac về một cáo buộc khác: ông này, nguyên là bác sĩ giải phẫu và giám đốc một bệnh viện tư, đã từng nhận “lại quả” của các hãng dược phẩm cho thuốc men được bảo hiểm y tế chi trả. Trước diễn biến mới này, Tổng thống Hollande phải lên tiếng cho mãn nhiệm Bộ trưởng Cahuzac theo yêu cầu của ông này.

Cuối cùng thì hôm 2-4-2013, ông Cahuzac đành phải thừa nhận từng gửi 600.000 euro trong một tài khoản ở nước ngoài từ... hơn chục năm qua: “Hôm nay tôi đã gặp hai biện lý (Roger Le Loire và Renaud Van Ruymbeke) thừa nhận sự tồn tại của tài khoản đó và đã báo cho họ rằng tôi đã đưa ra những chỉ thị cần thiết để toàn bộ số dư tài khoản đó..., khoảng 600.000 euro, được hồi hương về tài khoản của tôi ở Paris”.

Ông Cahuzac cũng đã xin lỗi tổng thống cùng thủ tướng vì đã gây tai hại cho chính phủ: “Tôi đã bị cuốn hút trong vòng xoáy của dối trá và tự đánh lừa mình. Giờ đây sự hối hận tàn phá tôi. Khi nghĩ rằng tôi sẽ có thể tránh phải đối diện với một quá khứ mà tôi đã muốn coi như “chìm xuồng”, quả là một lỗi lầm không kể xiết” (1).

...Đến nguy cơ làm bùng nổ xã hội

Đúng là lỗi lầm của ông Cahuzac đã gây tác hại đến thanh danh chính phủ của Đảng Xã hội không kể xiết. Trong nội bộ Đảng Xã hội có người cật vấn: “Câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra một cách tập thể là: Cahuzac đã gia nhập Đảng Xã hội để làm gì? Điều đó nói lên gì về đảng của chúng ta? Thế nhưng câu hỏi đó sẽ chẳng được đặt ra vì là quá nguy hiểm cho cả đảng”... Có người thành thật nhìn nhận vấn đề: “Người ta nói với chúng ta rằng đây chỉ là lỗi của một cá nhân. Song không phải vậy, đó là thất bại của cả một hệ thống, hệ thống của chúng ta!” (2).

Mediapart không “đóng đinh” Cahuzac, mà những người lãnh đạo chính phủ. Theo tờ báo mạng này, vấn đề không chỉ ở chỗ chính phủ Hollande đã kiên trì che chắn cùng duy trì bằng mọi giá Jérôme Cahuzac trong suốt gần bốn tháng, tính từ khi Mediapart tiết lộ bí mật về tài khoản giấu giếm của ông này, mà là đã bổ nhiệm ông Jérôme Cahuzac vào chính phủ...: “(Làm thế nào có thể) tưởng tượng được rằng tổng thống và thủ tướng lại đã có thể giao gánh nặng tài chính quốc gia, ngay giữa thời khủng hoảng, cho một nhân vật mà họ “mù tịt” về quá trình bản thân, về những gắn bó cá nhân cũng như phong cách hành nghề.

Tự thân việc chọn một người đã thường xuyên lăn lóc trong ngành y, ở ranh giới lĩnh vực công với lĩnh vực tư, tức ở một vị trí mà tự bản chất đã là xung đột lợi ích, đã tạo nên nguy cơ làm mất uy tín chính phủ, nhất là lẽ ra những mảng tối trong quá trình đó phải được đưa ra trước công luận” (3).

Mediapart nghiêm khắc phê phán thói quen xem là bình thường việc lẫn lộn giữa “công chuyện công” và “công chuyện tư”, nhất là dưới trào chính phủ trước (của cánh hữu) đã được đẩy lên đến đỉnh điểm, dẫn đến sự cộng sinh ngày càng gia tăng giữa những người làm chính trị với giới doanh nghiệp. Chính vì thế mà, theo Mediapart, “nếu ông Cahuzac đã được bổ nhiệm, đó là do quá trình nghề nghiệp và chính trị cá nhân ông đã cơ bản không được những nhà lãnh đạo Đảng Xã hội xem là bất bình thường”.

Ngày 6-5 năm ngoái, ông Hollande đã đắc cử với gần 52% số phiếu, bây giờ chỉ còn 24% ý kiến hài lòng! Một cuộc thăm dò khác, của Ifop, công bố hôm 27-4 cho thấy 70% dân chúng Pháp e rằng trong ngắn hạn sẽ xảy ra một vụ “bùng nổ xã hội”.

Tất nhiên đây chỉ là một phản ánh dư luận. Nhưng nếu so với các thăm dò tương tự trước đó, thực hiện năm 1998 và 2009 khi xã hội Pháp rất đảo điên, tỉ lệ ý kiến “e rằng sẽ có bùng nổ xã hội” mới chỉ là 64% và 66%, ngay chính nhật báo Libération thân thiết Đảng Xã hội cũng đăng lại (4).

Làm thế nào có thể tin được một chính sách cắt giảm ngân sách ở khoản này chứ không ở khoản kia, khi bộ trưởng ngân sách có một quá trình “làm ăn” nhớp nhúa?

____________

(1) http://www.jerome-cahuzac.com
(2) http://www.lemonde.fr/politique/article/2013/04/06/desir-veut-rassurer-des-militants-qui-demandent-pourquoi-cahuzac-a-adhere-au-ps_3155238_823448.html
(3) http://blogs.mediapart.fr/blog/thomas-clerget/080413/la-premiere-faute-politique-de-mm-hollande-et-ayrault-cest-davoir-nomme-jerome-cahuzac-au-gouver
(4) http://www.liberation.fr/societe/2013/04/27/la-france-pourrait-connaitre-une-explosion-sociale-estiment-70-des-francais_899484

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận