Chợ mới, chuyện cũ

MINH TỰ - TRƯỜNG TRUNG 16/01/2016 22:01 GMT+7

TTCT - Những ngôi chợ nhỏ, tên tuổi lạ lẫm không làm ai chú ý, nằm rải rác khắp các tỉnh, huyện trong nước lại có thể là một vấn đề phản ánh những trục trặc bất thường và đáng tiếc trong việc lập kế hoạch, quy hoạch và đối thoại với dân. Nó đồng thời nêu lại một vấn đề kinh tế còn gây rất nhiều tranh cãi về việc chuyển đổi các khu chợ truyền thống thành các khu chợ và trung tâm thương mại hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch UBND TP Huế - đối thoại với người dân buôn bán ở chợ Phú Hậu ngay trước trụ sở UBND tỉnh-NGUYÊN LINH
Ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch UBND TP Huế - đối thoại với người dân buôn bán ở chợ Phú Hậu ngay trước trụ sở UBND tỉnh-NGUYÊN LINH


Hơn một tháng trước, hình ảnh những tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu (Huế) quỳ gối giơ biển phản đối di dời sang chợ mới còn chưa hết nóng thì ngay sau đó là những tin tức về hàng ngàn người dân ở Ninh Hiệp (Hà Nội) bãi thị, cho con nghỉ học để gây sức ép phản đối việc di dời chợ được lan truyền.

Thời điểm này, những “điểm nóng” đó đã ít nhiều hạ nhiệt, một số thỏa thuận tạm thời giữa chính quyền và các tiểu thương đã được đưa ra, nhưng vẫn còn câu hỏi vì sao việc di dời chợ và phản đối di dời chợ lại diễn ra nhiều và đầy khúc mắc như vậy.

3 lần đối thoại

Chợ Phú Hậu là chợ đầu mối rau, hoa quả lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, có gần ngàn hộ gồm tiểu thương buôn bán sỉ và hàng trăm hộ dân nghèo bám chợ (thường gọi là buôn bán “rong bạ”, không có lô quầy cố định) kiếm sống qua ngày.

Chợ nằm trong khu vực thấp trũng và là một điểm nóng về ô nhiễm và mất trật tự. Ngày 27-3-2014, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy phép đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư Phú Hậu xây dựng chợ đầu mối mới có diện tích 12.000m2, cách vị trí chợ cũ khoảng 500m, tổng kinh phí đầu tư 23 tỉ đồng.

Ngày 22-9-2015, UBND TP Huế ra thông báo cho tiểu thương về việc di dời sang chợ mới, hạn định từ ngày 10 đến 20-10-2015 và lập tức bị phản đối. Ngày 28-9-2015, hàng trăm tiểu thương và người buôn bán “rong bạ” kéo đến trụ sở UBND tỉnh đề nghị được gặp lãnh đạo tỉnh để nêu nguyện vọng, cho biết lý do phản đối vì “quy định của Bộ Công thương là chỉ cải tạo chợ cũ mà chính quyền lại cho doanh nghiệp xây chợ mới để thu phí, giá thuê lô ở chợ mới cao, diện tích lô lại nhỏ (chỉ 6m2)”.

Trong lần đối thoại thứ nhất, ông Ngô Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Huế, giải thích việc xây dựng chợ mới “theo đúng quy hoạch của tỉnh” và việc tỉnh cấp phép cho Công ty cổ phần đầu tư Phú Hậu đầu tư xây dựng chợ mới là “đúng chủ trương xã hội hóa”.

Ông cũng khẳng định mọi tiểu thương kinh doanh ở chợ cũ sẽ được bố trí lô ở chợ mới, bố trí khu vực cho những hộ buôn bán “rong bạ” và đề nghị nhà đầu tư mở rộng diện tích lô quầy.

Hai tháng sau, ngày 24-11-2015 chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành cùng các cơ quan chức năng đối thoại lần thứ hai với tiểu thương. Ông tiếp tục khẳng định việc xây dựng chợ mới là “đúng chủ trương và quy hoạch” và giải quyết thêm các điều kiện của tiểu thương (Nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất xây chợ mới trong 40 năm thì người dân cũng được thuê lô trong 40 năm, yêu cầu chủ chợ mới chỉ thu tiền thuê lô theo thời gian 1-2 năm để giãn thời gian đóng cho tiểu thương).

Mọi việc tưởng như đã đạt được đồng thuận, nhưng khi chính quyền đến đóng cửa chợ cũ thì nhiều tiểu thương lại kéo ra phản đối. Ngày 2-12-2015, ông Nguyễn Văn Thành tiếp tục lần đối thoại thứ ba với các tiểu thương, giữ nguyên những cam kết của lần đối thoại thứ hai và kết thúc bằng lời hứa danh dự: “Nếu không thực hiện cam kết, tôi không xứng đáng làm chủ tịch TP Huế!”.

Chợ Kế Xuyên mới đi vào hoạt động từ bốn tháng nay nhưng vẫn lèo tèo người buôn bán -TRƯỜNG TRUNG
Chợ Kế Xuyên mới đi vào hoạt động từ bốn tháng nay nhưng vẫn lèo tèo người buôn bán -TRƯỜNG TRUNG

 

Từ chối ngôi chợ 22 tỉ đồng

Còn ở chợ Kế Xuyên (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), bốn tháng qua mặc dù đã đăng ký và nộp tiền vào chợ mới nhưng nhiều hộ tiểu thương ở đây vẫn không đồng ý di dời. Chợ Kế Xuyên được xây mới cách chợ cũ chừng 500m.

Có mặt tại chợ mới, phóng viên TTCT ghi nhận được chỉ vài kiôt có hoạt động tại khu vực chính với khoảng 20 tiểu thương, không gian chợ vắng tanh. “Tui chấp hành chủ trương của Nhà nước dời xuống đây sớm nhất, nhưng buôn bán ế ẩm vì không có khách. Tình trạng này kéo dài thêm một tháng nữa là coi như mất tết. Mình xuống đây nghịch ý đa số tiểu thương nên chừ quay lại chợ cũ đâu có được” - ông Đào Văn Quý, kinh doanh hàng giải khát, buồn rười rượi kể.

Trong khi đó chỉ cách một con đường, chợ cũ vẫn tấp nập mua bán.

Chợ Kế Xuyên cũ được xây dựng từ trước năm 1975. Do chợ liên tục xuống cấp và ô nhiễm nên năm 2006, chính quyền xã đề nghị xây mới và được tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương năm 2012, ra thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án vào năm 2013.

Nhưng chợ xây xong tiểu thương phản ứng quyết liệt, không chịu di dời vì nhiều lý do: chợ mới chỉ cách trường tiểu học 60m, gây ồn ào ảnh hưởng đến việc học, vào chợ mới chỉ có con đường độc đạo gây mất an toàn giao thông. Các tiểu thương còn cho rằng chính quyền huyện Thăng Bình “lợi dụng việc di dời chợ để thu hồi đất lúa xây dựng khu dân cư trái phép”.

“Thời điểm đổ đất xây dựng, chúng tôi hỏi doanh nghiệp thì họ nói huyện Thăng Bình có quyết định thu hồi đất vào tháng 11-2013. Việc thu hồi đất lúa và chuyển đổi mục đích sử dụng với diện tích lớn như vậy phải do cấp tỉnh quyết định, song tận tháng 9-2014 tỉnh mới ra quyết định hợp thức hóa văn bản của huyện.

Và trên hết là những người trực tiếp bị ảnh hưởng nhưng chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi hay tin xây chợ mới, trước giờ không nghe chính quyền thông báo và lấy ý kiến về việc di dời chợ” - ông Ngô Văn Minh, một tiểu thương ở đây, nói.

Ông cho biết tháng 9-2014, tỉnh Quảng Nam mới có quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty TNHH MTV Tân Phương Toàn thực hiện dự án xây chợ và khu dân cư xung quanh, nhưng vào tháng 4-2014 công ty này đã đổ đất thực hiện dự án. Ngoài ra vẫn là những bức xúc lớn liên quan tới việc áp giá thuê mặt bằng kinh doanh trong chợ mới quá chênh lệch so với chợ cũ.

Chợ đầu mối Phú Hậu mới xây dựng -Gia Hưng
Chợ đầu mối Phú Hậu mới xây dựng -Gia Hưng

 

Đối thoại đi sau

Sau những cuộc phản đối đầy bức xúc, sau những cuộc đối thoại căng thẳng, sự việc đã bày ra rõ ràng hơn. Việc xây dựng những khu chợ mới rộng rãi, sạch sẽ, đúng quy cách là điều cả người mua lẫn người bán, cả chính quyền lẫn tiểu thương đều mong muốn. Nhưng vì sao đối thoại nhiều vẫn không giải quyết được vấn đề?

Trả lời TTCT, chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành thừa nhận “công tác tuyên truyền, giải thích của các cơ quan chức năng TP chưa thực hiện rộng rãi, cách giải thích không phù hợp cho từng nhóm đối tượng” và “việc công bố quy hoạch chợ mới không rõ nên người dân không hiểu về quy hoạch”.

Ông Thành khẳng định “không có gì sai trong xây dựng chính sách”, nhưng chính sách ban đầu đã không tính toán hết những khó khăn của dân: “Chúng tôi đã yêu cầu nhà đầu tư điều chỉnh cách thu tiền thuê lô quầy, thời gian hợp đồng và miễn hai tháng phí đầu tiên ngay trong thời điểm tết”. Điều này cho thấy nếu tiểu thương không đấu tranh quyết liệt thì chính sách ban đầu ấy đã có hiệu lực.

Trong lần đối thoại đầu tiên, đại diện các hộ kinh doanh, ông Nguyễn Văn Thảo khẳng định chính quyền “chưa bao giờ họp phổ biến và lấy ý kiến về việc xây dựng chợ mới với tiểu thương”. Chủ tịch TP dẫu cho biết chủ đầu tư “có nhận được trăm tờ phiếu thu thập ý kiến của tiểu thương về việc xây dựng chợ mới” song cũng nhìn nhận “có sự ách tắc trong việc tiếp cận thông tin của người dân, nhất là nhóm buôn bán rong bạ”.

Với ông Thành, bài học mà ông nói đã rút ra được từ vụ chợ Phú Hậu là “phải công khai, minh bạch thông tin” ngay từ đầu.

Chợ quê cũng có mâu thuẫn lợi ích nhóm?

Còn theo ông Ngô Thành Công - phó chủ tịch UBND xã Bình Trung, chợ Kế Xuyên đã quá xuống cấp nên “không đảm bảo các tiêu chí chợ nông thôn mới”. Ông Công cho biết “sau khi tiểu thương có kiến nghị”, UBND huyện Thăng Bình đã có công văn giải đáp gửi đến họ.

Theo đó, địa điểm xây chợ Kế Xuyên mới nằm trên diện tích đất lúa 5% do xã quản lý, việc sử dụng đất lúa để xây dựng chợ và khu dân cư xung quanh chợ đã được tỉnh Quảng Nam thống nhất theo thông báo có từ năm 2012, các quyết định thu hồi đất của huyện, tỉnh và giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng Quảng Nam cấp. “Xã đã làm hết cách” - ông khẳng định.

Trong khi đó, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Nam cũng có công văn giải thích rõ lý do thu hồi và giao đất cho Công ty TNHH MTV Tân Phương Toàn (tháng 9-2014) trước khi có quyết định phê duyệt công trình, dự án (tháng 11-2014) là vì thời điểm đầu tư xây dựng và đất đai đối với dự án chợ Kế Xuyên, Luật đất đai 2013 chưa có hiệu lực thi hành.

“Thủ tục đăng ký công trình, dự án theo Luật đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Ngày 5-8-2014, Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Nam có công văn đề nghị các huyện, TP đăng ký danh mục công trình, dự án. Sau đó huyện Thăng Bình có tờ trình đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất khu vực chợ Kế Xuyên mới.

Trên cơ sở đó, tháng 11-2014 tỉnh Quảng Nam phê duyệt danh mục công trình trên địa bàn từ tháng 7 đến tháng 12-2014. Như vậy thời điểm tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất dự án chợ Kế Xuyên phù hợp với quyết định phê duyệt danh mục công trình trên địa bàn từ tháng 7 đến tháng 12-2014 (trong đó có chợ Kế Xuyên)” - công văn giải thích.

Ông Hồng Quốc Cường, chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cũng cho biết sau những phản đối, huyện nhiều lần tổ chức đối thoại và gửi văn bản giải thích đến các tiểu thương nhưng đôi bên vẫn chưa đi đến thống nhất. “Đầu tháng 12, HĐND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lắng nghe bức xúc của bà con tiểu thương chợ Kế Xuyên. Huyện sẽ chờ HĐND tỉnh có ý kiến rồi mới tính tiếp” - ông Cường nói.

Chuyện tiểu thương bãi thị vì phản đối di dời sang chợ mới liên tục xảy ra tại Quảng Nam và TP Đà Nẵng trong các năm qua. Năm 2013, hơn 500 tiểu thương đang kinh doanh tại khu D Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Đà Nẵng nhiều lần kéo nhau đến Sở Công thương TP phản đối.

Cuối tháng 11-2014, tiểu thương chợ Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng kéo lên trụ sở UBND TP Tam Kỳ phản ảnh cách sắp xếp chợ mới không hợp lý, gây ra cảnh ế ẩm khiến tiểu thương bức xúc. Mới đây nhất, tháng 11-2015 hơn 200 tiểu thương chợ Lệ Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng bãi thị để phản đối, không đồng ý di dời sang chợ tạm để bàn giao đất thi công chợ mới.

Theo ông Nguyễn Quang Lâm - trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương Quảng Nam, việc quy hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh nằm trong quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh do sở là cơ quan quản lý, thực hiện (theo quyết định số 14 của UBND tỉnh Quảng Nam).

Tuy nhiên, Sở Công thương chỉ làm nhiệm vụ quy hoạch và quản lý thiết kế, toàn bộ việc phân lô, bố trí tiểu thương, các kế hoạch giải tỏa di dời, đối thoại lấy ý kiến về việc chợ mới do các cơ quan cấp huyện, xã thực hiện theo tiêu chuẩn cấp chợ được phân cấp. “Lấy ý kiến tiểu thương đã là quy định rồi. Nhưng hễ cứ đến thời điểm dời chợ là kiểu chi cũng có vài cuộc đối thoại xung quanh vấn đề giá thành thuê kiôt, vị trí kiôt và mâu thuẫn nhóm lợi ích ở chợ cũ với chợ mới” - ông Lâm than thở.■

- Ngày 1-12-2015, hàng trăm tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối Phú Hậu (Huế) ra đường phản đối quyết định di dời chợ.

- Ngày 21-12-2015, tiểu thương ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối chính quyền cho xây trung tâm thương mại trên bãi giữ xe, vốn là nơi tập kết hàng của chợ đầu mối bán vải lớn nhất Hà Nội. Trước đó, UBND TP Hà Nội đồng ý cho một đơn vị tư nhân làm chủ đầu tư dự án xây dựng chợ và khu dịch vụ thương mại tổng hợp trên diện tích khoảng 5.873m2, dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

- Ngày 29-12-2015, hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) tập trung trước cổng trụ sở UBND tỉnh để phản đối quyết định di chuyển chợ truyền thống thị trấn Đồng Đăng ra trung tâm thương mại Đồng Đăng, cho rằng khi xây dựng và di chuyển chợ không minh bạch, chưa tạo đồng thuận của nhân dân. Chợ Đồng Đăng là khu chợ dân sinh truyền thống, có tuổi đời khoảng 120 năm, là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa bà con dân tộc Tày, Nùng trong vùng. Chợ có khoảng 500 gian hàng, không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là nơi gắn liền nhiều sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

- Ngày 2-11-2015, gần 300 tiểu thương chợ Lệ Trạch (thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bãi thị, không đồng ý di dời vì nhiều vấn đề họ kiến nghị vẫn chưa được giải thích rõ ràng.

- Ngày 14-11-2015, tiểu thương chợ cũ Di Linh (Lâm Đồng) phản đối di dời sang chợ mới.

- Ngày 16-1-2015, tiểu thương chợ trung tâm Hải Hà cũ ở thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) phản đối rời chợ cũ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận