Chống suy giảm kinh tế

ÔNG TRẦN ĐÌNH THIÊN 06/12/2008 20:12 GMT+7

TTCT - Phiên họp Chính phủ đầu tuần này đã xác định nền kinh tế đất nước đang suy giảm, tốc độ tăng trưởng chậm lại. Ý kiến của các chuyên gia kinh tế về những giải pháp cấp bách để ngăn chặn đà suy giảm này.



Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên: Không nên chỉ “kích” vào doanh nghiệp nhà nước

* Thưa ông, Chính phủ đã xác định năm nhóm giải pháp trọng tâm để ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Dự kiến Chính phủ sẽ dành khoảng 1 tỉ USD cho giải pháp này. Ông nghĩ sao?

Những dấu hiệu của suy giảm kinh tế:

Năm tháng liên tiếp kể từ tháng 7-2008, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bị giảm sút. Khó khăn trong sản xuất công nghiệp hiện nay là thiếu vốn và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mặt hàng vật tư quan trọng bị tồn đọng lớn như sắt, thép, ximăng, phân bón... Ngành xây dựng cũng liên tục tăng trưởng âm trong nhiều tháng qua và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. 

Trong nước, giá lương thực và hầu hết nông sản đều giảm 30-50%, tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. 

Về du lịch, lượng khách quốc tế đến VN trong tháng 11 ước đạt 310.000 lượt người, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước... Công suất sử dụng phòng khách sạn cao cấp giảm còn 50-60% (trước đây tỉ lệ này là 90-95%). 

Kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm trong những tháng gần đây, tháng 11 ước đạt 4,8 tỉ USD, giảm 4,8% so với tháng 10-2008. Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn cả về thị trường và giá xuất khẩu giảm. So với thời điểm giá lên cao nhất, hiện nay giá gạo chỉ còn bằng khoảng 1/3, giá các loại nông sản khác giảm 30-50%, nhiều đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ, EU, Nhật như: dệt may, hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ... đều giảm 20-30%. Hàng thủy sản xuất khẩu vào Nga lại ứ đọng do không có khả năng thanh toán. Nhiều hợp đồng xuất khẩu bị hoãn hoặc phải lùi thời gian sang năm sau. Việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới gặp nhiều khó khăn. 

Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm qua, chỉ số VN-Index đang dao động trong khoảng trên 300 điểm.

- Chúng ta cần những giải pháp kích cầu mới, không mang tính bao cấp, không nên chỉ “kích” vào những doanh nghiệp nhà nước. Các gói tiền đi theo giải pháp kích cầu phải đặt ra những điều kiện về hiệu quả cụ thể chứ không thể vô điều kiện. 

Chính phủ nên kích cầu để giải quyết những điểm ách tắc mà lâu nay làm mãi không xong. Như thế vừa kích thích được nhu cầu vừa giải quyết được nút thắt của nền kinh tế. Điều này chỉ có thể thành công khi kích cầu công khai, có hiệu quả. 

Về các biện pháp cứu doanh nghiệp, theo tôi, không nên chỉ dừng ở cung cấp tín dụng mà cần mang tính “mồi”. 

Ví dụ tạo hạ tầng tốt, tạo các khu công nghiệp, nhà xưởng để doanh nghiệp đến sản xuất đôi khi còn tốt hơn cho họ vay tiền, tự làm họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn về thủ tục xin đất, thuê đất, đăng ký vào khu công nghiệp...

* Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nhanh chóng đề xuất các loại thuế có thể được miễn, giảm, giãn để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh? 

- Giảm thuế cho đồng bào khó khăn, bớt gánh nặng cho người lao động là nên làm. Nhưng giảm thuế cho doanh nghiệp thì phải cân nhắc. Thực chất giảm thuế là biện pháp kích thích giảm giá, tăng sản xuất. 

Nhưng kinh nghiệm cho thấy giảm thuế không trực tiếp dẫn đến giảm giá. Giảm thuế nghĩa là cung cấp lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích đó có thành lợi ích cho xã hội không chúng ta còn phải chờ.

* Vậy trong bối cảnh hiện nay, theo ông, việc cần làm nhất là gì để chống suy giảm kinh tế?

- Là cải cách, tháo gỡ các nút thắt của nền kinh tế. Bên cạnh đó, bài học khi khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997-1998 diễn ra, chúng ta đã cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước. 

Lần này cũng là cơ hội để đánh giá hiệu quả, tìm ra những điểm yếu để chấn chỉnh, lành mạnh hóa hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty lớn. 

* Hiện nay đang có tâm lý tìm mọi cách hút FDI như một lối ra cho khó khăn?

- FDI có thể giúp gỡ bỏ những khó khăn trước mắt về nguồn vốn, về việc làm nhưng bên cạnh dòng FDI tốt, có những dự án FDI xấu.

FDI vào VN có nhiều loại, thường chúng ta có thể biết đích của nó là nhằm vào cái gì, như giá nhân công rẻ, như nhằm vào thị trường trên 80 triệu dân nhưng cũng có dự án khổng lồ như thép, có thể họ tận dụng môi trường pháp lý của VN để tận dụng năng lượng điện giá rẻ, thậm chí cả cơ hội phát thải chất độc hại với chi phí thấp. 

Vì vậy, FDI nói chung đều cần cân nhắc và lựa chọn, nếu không nó có thể khiến sự phát triển chậm lại, thậm chí gây thiệt hại. 

Bởi trong khi năng lực cung ứng điện, nguyên liệu, phụ tùng, hạ tầng còn thiếu, hàng loạt dự án FDI vào tranh điện, tranh tài nguyên, gây ô nhiễm thì hoạt động của những dự án này sẽ làm đình trệ hàng loạt nhà máy đang hoạt động hiệu quả khác. 

Thêm một anh có thể tăng một ít thuế, một ít việc làm nhưng lại khiến cả trăm anh khác ngưng trệ thì thiệt nhiều hơn lợi.

Chúng ta cần những dự án vừa phải nhưng tạo được sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp trong nước phát triển công nghiệp phụ trợ, hội nhập hơn là những dự án nhiều tiền nhưng chiếm quá nhiều đất, gây ô nhiễm và vấn nạn môi trường lâu dài. 

Chỉ khi FDI vừa phát huy được sản xuất trong nước, phát huy được ưu thế của công nghệ nước ngoài, kéo doanh nghiệp trong nước lên, khi đó cơ hội của nhà đầu tư nước ngoài cũng là cơ hội của VN, hai bên đều có lợi, không phải là chụp giật. 

Chúng ta cần cân nhắc kỹ lợi hại từng dự án. Không nên cấp phép theo tư duy vốn càng cao, càng ưu tiên.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: Giảm lãi suất để hỗ trợ xuất khẩu

Mặc dù trong năm 2009 tổng thống mới của Mỹ sẽ vào cuộc với nhiều gương mặt sáng giá trong “đội hình” kinh tế, tuy nhiên suy thoái kinh tế Mỹ sẽ khó phục hồi nhanh, ít nhất là trong năm 2009. 

Vì bên cạnh Mỹ thì EU và một số nền kinh tế hàng đầu tại châu Á như Nhật Bản, Hong Kong, Singapore đều chính thức tuyên bố rơi vào suy thoái khi tăng trưởng âm liên tục trong hai quý gần đây. 

Hiện nay xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 24% tổng sản lượng xuất khẩu của VN, khi người dân Mỹ tiếp tục thắt chặt tiêu dùng thì kim ngạch xuất khẩu, thâm hụt thương mại của nước ta sẽ trầm trọng hơn. 

Xuất khẩu bị tác động mạnh, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, muốn tăng khả năng cạnh tranh thì họ cần được hỗ trợ đầy đủ và kịp thời. Đây là lúc các bộ ngành và hiệp hội phải ngồi lại để bàn bạc, mổ xẻ kỹ những giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu.

“Đường sá ta chỉ có thế, điện chỉ có thế mà tiếp nhận những dự án thép khổng lồ, một dự án có thể tiêu thụ điện bằng cả một tỉnh thì hại có thể nhiều hơn lợi”

Một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu là giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. 

Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh lãi suất cơ bản, tuy nhiên theo tôi, như vậy vẫn chưa đáp ứng được, vì lãi suất cơ bản của VN hiện nay (10%) vẫn cao hơn nhiều nước như Mỹ là 1%, EU 3%, Nhật 0,3%, Trung Quốc 6,6%... 

Lãi suất cho vay ở VN hiện nay phổ biến khoảng 14%, trong khi đó lãi suất cho vay trên thị trường tài chính quốc tế khoảng 5-6%, như vậy rõ ràng các doanh nghiệp xuất khẩu của VN gặp bất lợi hơn khi cạnh tranh.

Về chính sách thuế, bên cạnh việc dự kiến giảm, giãn và hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ nên nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng vì đây là biện pháp kích cầu khá hữu hiệu. 

Một vấn đề rất đặc thù VN nữa là Chính phủ cần thúc đẩy cải cách hành chính để doanh nghiệp và người dân giảm được chi phí quan hệ, chi phí từ sự nhũng nhiễu.

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội: Kích cầu không có nghĩa là đầu tư tùy tiện

Trong số các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2009, kích cầu đầu tư và tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Để giải quyết hiệu quả nhiệm vụ này cần chú ý các điểm sau:

Thứ nhất, thực hiện kích cầu đầu tư không có nghĩa là đầu tư tùy tiện, bất chấp hiệu quả mà cần tập trung đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt, các dự án góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế, các dự án thúc đẩy chuyển dịch và cải thiện cơ cấu, sức cạnh tranh kinh tế theo hướng phát triển bền vững... 

Ưu tiên các dự án có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao hoặc tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các dự án có ý nghĩa tổng hợp cả kinh tế - xã hội và môi trường... 

Theo tinh thần đó, cần đặc biệt khuyến khích các dự án phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp, cải thiện căn bản quỹ nhà ở xã hội. 

Cần đột phá về nhận thức và tổ chức để có thể biến các thách thức, khó khăn kinh tế năm 2009 thành cơ hội và là năm đánh dấu bước ngoặt trong phát triển thị trường nhà ở xã hội nói riêng, cải thiện căn bản an sinh và bình đẳng xã hội về nhà ở nói chung của VN...

Thứ hai, để kích cầu tiêu dùng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm mạnh giá hàng tiêu dùng, điều chỉnh tăng lương, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng. 

Đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí. 

Khuyến khích các hoạt động đào tạo chuyển đổi nghề và triển khai các chương trình tạo việc làm mới trong xã hội từ các quỹ phù hợp. Quan tâm hỗ trợ hợp lý, trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều khi Nhà nước điều chỉnh tăng giá...

Thứ ba, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ kích cầu đầu tư và tiêu dùng như: theo dõi chặt chẽ, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là những biến động về tình hình kinh tế, tài chính thế giới, chủ động xây dựng các phương án ứng phó, hạn chế tác động bất lợi của khủng hoảng từ bên ngoài đến hệ thống tài chính, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. 

Linh hoạt trong điều hành lãi suất và tỉ giá, chủ động kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng và cơ cấu tín dụng phù hợp để tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả chi tiêu công ngay từ việc duyệt kế hoạch đầu tư năm 2009, triệt để tiết kiệm chi. Hoàn thiện khung pháp luật về hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhất là hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước về xây dựng, đấu thầu, đất đai, ngân sách nhà nước. 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo ra bước tiến mới về chất trong chống tham nhũng, trong đó có tham nhũng trong công tác cán bộ.


Ảnh hưởng của khủng hoảng Mỹ đối với Việt Nam

Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến VN đang và sẽ lớn hơn so với một số nhận định chủ quan đã đưa ra...

1. Cuộc khủng hoảng trực tiếp làm giảm sút nguồn thu ngoại tệ do khả năng suy giảm xuất khẩu hàng VN vào thị trường Mỹ. 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của VN trong tháng 9-2008 giảm khoảng 100 triệu USD so với tháng 8-2008, từ 920 triệu USD xuống còn 820 triệu USD, mặc dù năm nay VN đã vượt Ấn Độ để trở thành nhà xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.

2. Cuộc khủng hoảng làm giảm sút mạnh nguồn kiều hối từ Mỹ và cả từ các nước khác có chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng này, do thu nhập của cộng đồng người VN tại Mỹ và các nước đó bị giảm sút.

3. Khi đồng USD mất giá thì sự tác động tiêu cực đến đồng tiền VN có thể sẽ đến cả từ hai phía gắn với một trong hai khả năng sau: một mặt, VND sẽ bị lên giá so với USD, nếu VN chủ trương giữ vững sự ổn định tỉ giá chính thức của đồng tiền VN trong tương quan với USD. 

Khi đó, hàng xuất khẩu VN càng trở nên đắt đỏ và khó cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, đồng nghĩa với sự sụt giảm tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu và tăng thâm hụt thương mại với các hệ lụy khác kèm theo... 

Ngược lại, VND sẽ tăng nguy cơ mất giá theo đồng USD, nếu VN chủ trương điều chỉnh tỉ giá danh nghĩa của VND một cách mềm dẻo theo yêu cầu và tín hiệu thị trường cùng với tốc độ mất giá của USD. 

Khi đó, áp lực phá giá VND sẽ gia tăng, đồng nghĩa với gia tăng sức ép lạm phát trong nước - điều khá nhạy cảm trong bối cảnh hiện tại của nước ta.

4. Dòng FDI đăng ký và thực hiện ở VN trong thời gian tới có thể sẽ ít hơn dự liệu và so với xu thế năm 2008, do các nhà đầu tư nước ngoài gặp những khó khăn về tài chính, thị trường sẽ thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư mới, hoặc giải ngân, mở rộng các khoản đầu tư đang triển khai.

5. Cuộc khủng hoảng gây tác động đến thị trường chứng khoán ở ba khía cạnh: gây tâm lý lo ngại chung, làm giảm dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp VN - đang hoặc sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán - gặp khó khăn trong kinh doanh, làm giảm sút lợi nhuận, kéo theo giảm sút thị giá chứng khoán của mình, tức giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán với các nhà đầu tư...


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận