Chủ nhân Nobel kinh tế 2015: Người xây cầu nối giữa lý thuyết và số liệu

TRẦN VINH DỰ 19/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - Giáo sư Angus Deaton, 69 tuổi, một người gốc Anh, đang làm việc tại ĐH Princeton (Hoa Kỳ) là một đại thụ trong làng kinh tế học với các công trình lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô đến kinh tế học phát triển.

Giáo sư Angus Deaton -Reuters
Giáo sư Angus Deaton -Reuters

Ủy ban Nobel ví ông như một người xây những cây cầu nối giữa nghiên cứu lý thuyết và số liệu thực của nền kinh tế. Để hiểu được tầm quan trọng của ông, chúng ta phải lùi lại một bước và tìm hiểu về những cái khó của kinh tế học.

Hai cái khó của kinh tế học

Kinh tế học khởi nguồn từ những khái niệm mang tính triết học, ví dụ lý thuyết về bàn tay vô hình của Adam Smith. Những lý thuyết sơ khai này đặt nền móng về cách tư duy kinh tế. Nhưng vào thời đó, giữa sự đẹp đẽ và logic của lý thuyết với dữ liệu thực tế từ nền kinh tế không có bất kỳ mối liên hệ chặt chẽ nào.

Qua thời gian, các nhà kinh tế học một mặt tiếp tục phát triển các lý thuyết mới, một mặt tìm kiếm các phương pháp để kiểm chứng tính xác thực của các lý thuyết này trong thực tế. Cả hai việc này đều hết sức khó khăn.

Trên phương diện phát triển lý thuyết, kinh tế học nghiên cứu về hành vi của con người. Ví dụ, nếu bày ra trước mặt một người một loạt lựa chọn (chẳng hạn mua món hàng nào ở chợ), thì làm sao biết được người ấy sẽ chọn món hàng gì?

Để làm được việc này, kinh tế học luôn phải đưa ra các giả định: chẳng hạn đó phải là người biết suy tính, quyết định dựa trên sự tính toán chứ không bốc đồng hoặc cảm tính, người đó có đủ thông tin hay không, ví dụ về chất lượng các sản phẩm khác nhau, có biết thu nhập về sau này của mình để điều tiết chi tiêu hiện tại với chi tiêu trong tương lai hay không?...

Phải dựa trên rất nhiều giả định như thế, một nhà kinh tế lý thuyết mới “chế” ra một mô hình lý thuyết để giải thích và phỏng đoán hành vi của một người tiêu dùng.

Câu chuyện của một cá nhân đã vậy, câu chuyện của nhiều cá nhân sẽ phức tạp hơn, chưa kể câu chuyện của cả một nền kinh tế, hoặc giữa các nền kinh tế. Các giả định trong các mô hình kinh tế “lớn”/“vĩ mô” (macroeconomic models) như vậy có thể nói là trùng trùng điệp điệp.

Khổ một nỗi là khi giả định càng nhiều thì nhà kinh tế càng tự “trói” mình vào một khung lý thuyết hẹp. Một khung lý thuyết hẹp sẽ không áp dụng để giải thích được nhiều. Và hẹp quá nhiều khi bị vênh so với thực tế.

Ví dụ giả định con người quá duy lý, quá thông minh (tính toán được cả cho hiện tại và tương lai khi tiêu dùng) thì sẽ khó giải thích tại sao nhiều người lại cờ bạc, lại dùng chất kích thích, hoặc thậm chí lại tự tử. Nhưng nếu giả định ít, tức là phát triển các mô hình dựa trên ít giả định, thì lại rất khó.

Trên phương diện phát triển các phương pháp kiểm chứng thực nghiệm, việc kiểm chứng là cực kỳ quan trọng, vì tư duy lý thuyết thuần túy có thể sản sinh ra các mô hình lý thuyết đẹp đẽ nhưng hoàn toàn vô giá trị trong thực tiễn. Cái khó của kinh tế học là các lý thuyết kinh tế không thể đem thí nghiệm để kiểm chứng giống như vật lý hay hóa học.

Kiểm chứng các lý thuyết kinh tế chỉ có thể thực hiện được dựa trên việc thu thập và phân tích các số liệu kinh tế - xã hội. Các số liệu này lại thường không có sẵn theo cách mà các nhà kinh tế muốn, chúng lại có nhiều dạng, nhiều kiểu khác nhau.

Vì thế, vai trò của các nhà kinh tế định lượng rất quan trọng ở chỗ họ phải phát minh ra các phương pháp tính toán khác nhau cho các dạng số liệu khác nhau. Các mô hình định lượng mạnh là các mô hình khắc phục được những điểm yếu của số liệu và có thể áp dụng rộng rãi được để dùng kiểm chứng nhiều mô hình lý thuyết.

Hai cái khó này của kinh tế học khiến cho sau nhiều thập kỷ phát triển, kinh tế học vẫn chưa thật sự “khoa học” giống như các ngành khoa học “cứng” như vật lý hay hóa học. Tuy nhiên, sự đóng góp của kinh tế học cũng đã tạo bước tiến ngoạn mục trong việc quản lý nền kinh tế và xã hội. 

Nói một cách đơn giản, trước khi có lý thuyết kinh tế, các nhà quản lý kinh tế giống như mù. Khi có lý thuyết kinh tế, họ bắt đầu có phương pháp tư duy, tuy nhiên, chưa cụ thể thành con số để quyết định. Khi kinh tế học đi vào định lượng, họ mới có được cách tính toán ra con số cụ thể cho từng quyết định chính sách của mình. 

Dẫu chưa hoàn hảo, nhưng từ chỗ không có phương pháp tư duy đến có phương pháp tư duy, từ chỗ tư duy trừu tượng đến chỗ có cách tính ra từng con số cụ thể, thật sự là một cuộc cách mạng rất lớn về quản trị kinh tế và xã hội.

Hệ phương trình về nhu cầu và kinh tế vi mô

Giáo sư Deaton là một nhà kinh tế làm được cả hai việc, vừa là một nhà kinh tế học lý thuyết, vừa là một nhà kinh tế học định lượng, với các công trình nghiên cứu xuất sắc trên cả hai lĩnh vực này. Lĩnh vực nghiên cứu của ông cũng đa dạng: vừa kinh tế vĩ mô, vừa kinh tế vi mô, vừa kinh tế phát triển.

Đầu tiên phải kể đến đóng góp của ông trong kinh tế vi mô. Khi một chính phủ quyết định tăng/giảm thuế VAT của một loại hàng hóa nào đấy (ví dụ lương thực) hay thuế thu nhập cho một nhóm người nào đó (ví dụ nhà giàu), một chính phủ hiện đại sẽ phải dựa vào phân tích kinh tế định lượng để xem chính sách của họ ảnh hưởng thế nào đến tiêu dùng của hàng loạt hàng hóa khác, nhóm xã hội nào sẽ được, nhóm nào sẽ mất.

Để làm được việc này, họ phải dựa vào các mô hình định lượng dùng để ước tính một hệ phương trình gồm nhiều nhu cầu tiêu dùng của nhiều hàng hóa khác nhau trong xã hội.

Trước Deaton đã có các mô hình để làm điều này, vấn đề là các mô hình này không đủ tốt. Các nhà kinh tế sau đó phát hiện ra rằng các mô hình định lượng thời đó vừa không phỏng đoán chính xác nhu cầu thay đổi thế nào theo giá cả và thu nhập, vừa không thật sự nhất quán với giả định lý thuyết rằng người tiêu dùng là các cá nhân duy lý.

Deaton phê phán các mô hình này là chúng bị đóng khung trong các giả định quá chặt chẽ, vì thế không phản ánh đúng sự sinh động trong hành vi tiêu dùng của cá nhân. Phê phán thì dễ, nhưng phát minh ra mô hình mới tốt hơn thì khó. Deaton và Muellbauer đã làm được việc này với phát minh ra một mô hình tính toán mới có tên Almost Ideal Demand System năm 1980.

Bangkok, Thailand 

 Tiêu dùng, thu nhập, và kinh tế vĩ mô

Đóng góp quan trọng thứ hai của giáo sư Deaton xoay quanh một khái niệm mang tên ông là “nghịch lý Deaton”. Trong kinh tế vĩ mô có một lý thuyết quan trọng do các nhà kinh tế lỗi lạc Milton Friedman và Franco Modigliani phát minh ra liên quan đến tiêu dùng và đầu tư.

Theo lý thuyết này, người dân quyết định tiêu dùng và tiết kiệm bao nhiêu phụ thuộc vào thu nhập hiện tại và sự biến động của thu nhập tương lai. Lý thuyết này cho rằng người ta muốn “là phẳng” (smooth out) tiêu dùng và tiết kiệm theo thời gian. Vì vậy khi người ta kỳ vọng thu nhập tương lai tăng, người ta sẽ tiêu dùng ở hiện tại nhiều hơn (và ngược lại).

Dùng khái niệm “người tiêu dùng đại diện” (coi toàn bộ nền kinh tế giống như một người tiêu dùng đại diện cho tất cả người tiêu dùng trong xã hội), lý thuyết này cho rằng tổng thể nền kinh tế cũng sẽ phản ứng tương tự với thu nhập kỳ vọng trong tương lai.

Tuy nhiên, Deaton đã phát hiện ra một vấn đề rất lớn là: nếu lý thuyết này đúng thì có nghĩa là tiêu dùng phải biến động mạnh hơn thu nhập. Lý do là nếu thu nhập tại một thời điểm tăng, một phần của nó sẽ chuyển thành tiết kiệm (và vì thế đầu tư cho tương lai), khiến cho thu nhập tại các thời điểm khác trong tương lai cũng tăng.

Và vì người tiêu dùng đại diện hiểu được điều này, anh ta sẽ tiêu dùng một phần thu nhập tăng thêm trong tương lai này ngay trong hôm nay. Như thế nghĩa là mức tăng trong tiêu dùng hiện tại phải mạnh hơn mức tăng trong thu nhập hiện tại.

Nói cách khác, nếu lý thuyết này đúng, tiêu dùng phải biến động mạnh hơn thu nhập. Tuy nhiên, số liệu thực tế của nền kinh tế lại không phải vậy mà cho thấy là tiêu dùng biến động ít hơn thu nhập. Sự mâu thuẫn này sau đó được gọi là “nghịch lý Deaton” trong kinh tế học.

Deaton đồng thời chỉ ra cách giải quyết nghịch lý này, giúp chúng ta hiểu hơn về số liệu kinh tế vĩ mô. Ông đề ra phương pháp nghiên cứu mới, cho rằng phải nghiên cứu hành vi tiêu dùng của các cá nhân trước.

Biến động thu nhập của các cá nhân rất khác so với biến động thu nhập trung bình của cả nền kinh tế. Trong bất cứ giai đoạn nào, luôn có những người có thu nhập tăng và có những người có thu nhập giảm.

Dựa trên phân tích từ các cá nhân trước khi tổng hợp lại để có con số cho toàn bộ nền kinh tế, đồng thời đưa vào câu chuyện thực tế là nhiều người muốn tăng chi tiêu khi kỳ vọng thu nhập trong tương lai tăng nhưng không thể làm được vì khó đi vay thêm để tiêu, ông đã chỉ ra rằng về mặt cá nhân, biến động tiêu dùng (hoặc đúng hơn là biến động tiêu dùng muốn thực hiện) có thể lớn hơn biến động thu nhập, nhưng khi tổng hợp lại trên toàn bộ nền kinh tế, biến động tiêu dùng lại thấp hơn biến động trong thu nhập. Vì thế, nghịch lý Deaton được giải quyết.

Từ phương pháp nghiên cứu kinh tế vĩ mô mới của ông, theo Ủy ban Nobel, kinh tế học vĩ mô đã phải lột xác về phương pháp tiếp cận. Nếu trước đây người ta luôn bắt đầu từ các số liệu tổng hợp cho cả nền kinh tế, thì giờ đây họ luôn phải bắt đầu từ các số liệu cá nhân, sau đó, một cách cẩn trọng, tổng hợp các hành vi cá nhân lại để có bức tranh tổng thể của cả nền kinh tế.■

Trong vài thập kỷ trở lại đây, Deaton đã có những nghiên cứu đột phá về tiêu dùng và nghèo đói tại các nước đang phát triển, dựa trên hai phương pháp mà ông đã phát minh ra từ trước - hệ phương trình các nhu cầu và tiêu dùng cá nhân theo thời gian. 

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có những kho dữ liệu khổng lồ về chi tiêu của hộ gia đình đối với các hàng hóa khác nhau, vì số liệu về tiêu dùng ở các nước đang phát triển có độ tin cao hơn số liệu về thu nhập. 

Các số liệu này có thể dùng để đo mức nghèo khổ và các chỉ số về nghèo khổ. Nhờ các đóng góp mang tính khai phá của ông, kinh tế học phát triển đã chuyển từ các nghiên cứu lý thuyết thuần túy sang các nghiên cứu dựa vào số liệu thu thập được từ các hộ gia đình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận