Chủ quyền quốc gia: Ảo ảnh và hiện thực

HẢI MINH 07/06/2018 22:06 GMT+7

TTCT - Những nỗ lực cá nhân không mệt mỏi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã góp phần quan trọng vào việc cứu vãn cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un. Nhưng vấn đề Triều Tiên, như nhiều câu chuyện khác trong quan hệ quốc tế, một lần nữa cho thấy ảo ảnh rằng mọi quốc gia đều có “quyền tự quyết”.

Bên nhau - sơn dầu trên vải toan, tranh của Sun Mu (2012). Ảnh: nknews.org
Bên nhau - sơn dầu trên vải toan, tranh của Sun Mu (2012). Ảnh: nknews.org

Thứ sáu tuần trước (25-5), Nga - quốc gia có lẽ là ít liên quan trực tiếp nhất tới vấn đề Triều Tiên trong “sáu bên đàm phán” về việc giải trừ hạt nhân ở bán đảo này (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc) - đã nêu điều kiện của họ. Tổng thống Vladimir Putin nói với Hãng tin RT rằng việc “phi hạt nhân hóa CHDCND Triều Tiên” phải liên quan tới “đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của CHDCND Triều Tiên”.

Vận mệnh tương quan

Cũng từ tiền đề “chủ quyền” đó, Tom Plate - giáo sư về châu Á - Thái Bình Dương ở Đại học Loyola Marymount, Los Angeles - viết trên South China Morning Post: “Số phận của bán đảo kết nối với ý chí chính trị và tâm trạng của những kẻ ngoại cuộc.

Nhưng họ có thể không có ích gì mấy. Láng giềng Nhật Bản đầy vấn đề với một lịch sử dài chiếm đóng Triều Tiên. Nga luôn có lợi ích ở đây, nhưng ông Vladimir Putin còn quá nhiều mối bận tâm ở nơi khác và không muốn ngáng đường Trung Quốc. Từ quan điểm của Mỹ, lòng tin không lay chuyển là Trung Quốc to lớn có thể bảo ban được Bình Nhưỡng nhỏ bé”.

Tới nay, Hàn Quốc đã tỏ ra tích cực nhất trong quá trình hòa giải, với một tổng thống có quan điểm ôn hòa và đầy nỗ lực Moon Jae In. Ngay cả tuần trước nữa, khi ông Trump tuyên bố hủy cuộc gặp với ông Kim Jong Un, Tổng thống Moon đã không buông xuôi với cuộc gặp bất ngờ nhà lãnh đạo Triều Tiên hôm thứ bảy, 19-5.

Ông đã bị đồng minh Trump “chơi gác” nhưng ông không giận dỗi, không phiền lòng và quan trọng nhất là không bỏ cuộc, với kiểu tư duy Á Đông hết sức thích hợp cho những tình huống thế này.

The Atlantic ngày 27-5 kể lại lời tâm sự của một cố vấn cấp cao giấu tên của ông Moon: “Lịch sử loài người phải tuân theo thiên mệnh. Đây là thời của hòa bình, là mệnh lệnh của tự nhiên. Và ông Moon Jae In đang tuân theo thiên mệnh đó”.

Tức là ý chí của nước nhỏ sẽ phải chịu sự ràng buộc của ý chí từ nước lớn, nhưng ý chí từ nước lớn sẽ phải tuân theo “thiên mệnh”, hay khoa học hơn là những đòi hỏi của tình thế. Tất cả càng khiến chủ quyền là một ảo ảnh dễ tan biến.

Tới giờ, ý chí của ông Moon đã đóng vai trò rất lớn. Là con của một người di cư từ miền bắc và cựu chánh văn phòng của “tổng thống Ánh dương” Roh Moo Hyun, ông quyết tâm không lặp lại những sai lầm của Roh. Vì các nỗ lực dàn hòa với Triều Tiên, ông Roh từng công khai bất đồng và gây mất lòng Hoa Kỳ, chủ động gặp thượng đỉnh nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong Il (cha của ông Kim Jong Un và cả hai ông Kim Jong Il và Roh nay đều đã qua đời).

Chính sách của chính quyền Trump với Triều Tiên tới trước những ngày tháng 4 và tháng 5 vừa qua, nếu có gì khác với các chính quyền Mỹ trước kia, chỉ là cứng rắn hơn mà thôi. “Một số người thân cận với ông ấy (ông Moon) năm ngoái từng nói chính vì áp lực và các lệnh cấm vận của ông Trump mà quan hệ liên Triều bế tắc. Chúng ta tốt hơn là nên phớt lờ ông ấy! - Kim Hyun Wook, giáo sư Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, nói với The Atlantic - Nhưng Tổng thống Moon đã không nghe họ. Ông ấy nói: Không thể làm thế. Chúng ta phải giữ vững mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn và tiến hành hòa giải liên Triều đồng thời”. Một lần nữa, sự khuất phục trước ý chí của siêu cường - chứ không phải chống lại - đã mở ra cơ hội.

Một cánh én sẽ làm nên mùa xuân?

Ông Moon thật ra đã bày tỏ nguyện vọng và ý hướng rõ ràng trong bài phát biểu nổi tiếng của ông ở Berlin hồi tháng 7-2017, khi ông nói quá trình thống nhất nước Đức có thể lặp lại ở Triều Tiên - Hàn Quốc.

Nhưng bài diễn văn đó hoàn toàn bị phớt lờ ở Washington, nhất là khi mới vài ngày trước đó Nhà Trắng đã nhìn nhận Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp với “Hoa Kỳ bản thổ”, sau khi Bình Nhưỡng lần đầu tiên thử thành công tên lửa liên lục địa. Suốt mùa hè và mùa thu năm ngoái, Triều Tiên thử nghiệm các tên lửa tầm xa và loại bom hạt nhân mạnh nhất của họ, ông Trump dọa sẽ đổ xuống đầu Triều Tiên “bão lửa và cuồng nộ”, trong khi giới quân sự Mỹ tuyên bố “để ngỏ mọi khả năng”, tức bao gồm cả việc tấn công phủ đầu.

Kẹt giữa hai làn đạn, Hàn Quốc không chờ đợi và buông xuôi. Thời khắc xoay chuyển được cho là vào tháng 11-2017, Tổng thống Moon bất ngờ xuất hiện ở một doanh trại quân đội Mỹ tại Hàn Quốc khi ông Trump đang có mặt ở đó vào bữa trưa để ủy lạo binh sĩ nhân chuyến thăm nước này. Rồi sau đó ông Moon đã ngay lập tức đồng ý và thúc đẩy khi ông Trump vừa úp mở ý định tới thăm khu phi quân sự. “Hôm sau, tổng thống của chúng tôi đã tới khu phi quân sự, đợi Tổng thống Trump từ 5h tới tận 9h sáng - cố vấn đối ngoại và an ninh quốc gia của ông Moon, Chung In Moon, kể lại - Nhưng chiếc trực thăng của ông Trump không đáp được vì sương mù”.

Ngay cả thế, cử chỉ đó có lẽ đã góp phần quyết định cứu vãn cục diện. Câu chuyện đó cho thấy sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế được rao giảng và thể hiện qua những hình ảnh tiếp tân trên truyền hình chỉ là huyễn hoặc. Vấn đề cuối cùng là ý chí của con người, không phải ý chí của quốc gia nào cả. Ông Moon thực sự đã làm tất cả những gì có thể, trong phận sự một đồng minh yếu thế hơn, để cứu vãn nền hòa bình sống còn với cả dân tộc Triều Tiên, chứ không chỉ là một lá bài trong trò chơi địa chính trị của Mỹ.

Ông thậm chí đã đi tới chỗ “hành động như một người phát ngôn cho CHDCND Triều Tiên” và diễn giải lập trường của Bình Nhưỡng “qua thứ lăng kính sáng sủa nhất”, theo bình luận của Han Sung Joo - cựu bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc. Ông Han nói chính quyền Hàn Quốc hoàn toàn ý thức khả năng ông Kim Jong Un đơn giản chỉ muốn giảm nhẹ gánh nặng cấm vận và đòi viện trợ, chứ không có ý định giải giáp gì cả, nhưng Seoul không vì vậy mà ngưng các nỗ lực.

Trong khi ông Chung In Moon đã ca ngợi các tuyên bố vào tháng 4 của lãnh đạo hai miền Triều Tiên về “một thời đại hòa bình mới” và “không còn chiến tranh” trên bán đảo, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chun Yung Woo coi những lời hứa đó, cùng với cam kết về các dự án kinh tế, là vội vàng. Với tuyên bố đó, Kim Jong Un “sẽ tin rằng ông ta đã được bảo đảm trong cuộc gặp thượng đỉnh với Trump” - Chun nói.

Trong khả năng của mình, Seoul đã gửi đi tín hiệu nếu Trump trở lại với các lệnh cấm vận hay kế hoạch hành động quân sự sau một cuộc gặp thượng đỉnh thất bại với Kim Jong Un, ông “sẽ không nhận được sự ủng hộ của Hàn Quốc nữa” - Chun bình luận.

Chung In Moon tóm tắt thật hay tình thế của Hàn Quốc lúc này: “Chúng tôi đều biết chúng tôi muốn gì từ Triều Tiên. Nhưng chúng tôi không biết Triều Tiên muốn gì và Trump có thể trao gì cho họ”. Với ông, đó là “những biến còn lại trong phương trình này”. Rất nhiều diễn biến đã không diễn ra theo ý Hàn Quốc, cho thấy những hạn chế trong sự kiểm soát của họ với một quy trình ngoại giao - đàm phán đã được hoạch định rất tỉ mỉ.

Nhưng những biến số có thể khiến chúng ta lại ngạc nhiên một lần nữa. Cuộc gặp thượng đỉnh được chờ đợi ở Singapore giờ nhiều khả năng sẽ vẫn diễn ra, trong khi ông Moon, với tất cả nỗ lực và ý thức về giới hạn của Hàn Quốc, vẫn là một hằng số.

Phát biểu đầy tự tin hôm chủ nhật (27-5) về những trao đổi tương lai giữa Mỹ và hai miền Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc đã gửi gắm rất nhiều hi vọng, những mong ngóng lớn lao mà trước nó, ngay cả quyền lực của người lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới cũng trở nên hết sức nhỏ bé: “Phi hạt nhân hóa và hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên là điều không thể từ bỏ hay trì hoãn nữa. Đó là một sứ mệnh lịch sử”.■

Ngay cả các siêu cường cũng không có nhiều quyền tự do hành động như nhiều người tưởng, và như đôi khi chính họ vẫn tưởng. Mỹ đang thoái lui trong vai trò cảnh sát toàn cầu (hay sen đầm quốc tế?). Châu Âu đang đứng trước nguy cơ tan rã. Các cường quốc đang nổi lên và đang trở lại - Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ… - ưa thích thứ chủ quyền tuyệt đối kiểu Thomas Hobbes và chính sách không can thiệp kiểu hệ thống Westphalia.

Nhưng chẳng ai được vừa ý. Với tư duy “nước Mỹ trên hết” của ông Trump, Hoa Kỳ - với tất cả lợi thế về địa lý, tài nguyên và kinh tế của nó - đã không thể rút lui khỏi việc duy trì trật tự thế giới như tổng thống của họ tuyên bố. Sự tương thuộc - và không thể tránh khỏi: phụ thuộc, toàn cầu là một thực tế không thể trốn tránh với ngay cả một siêu cường như Mỹ - lại càng đúng với những nước nhỏ hơn, yếu ớt hơn và nghèo nàn hơn. Độc lập và chủ quyền đã luôn là một khát vọng lớn, nhất là với các dân tộc thuộc địa, nhưng nhiều khả năng những điều đó đã luôn là một ảo ảnh với mọi nhà nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận