Chưa hết tranh cãi về tế bào gốc

TTCT - Tế bào gốc (TBG) có một lịch sử dài lâu và đầy biến động, bao gồm những khám phá gây kinh ngạc, những tranh cãi bất tận và cả xìcăngđan. Nghiên cứu TBG đã gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa về đạo đức, chủ yếu xuất phát từ phương pháp chiết xuất TBG phôi từ thai người.

 

 

Nhiều quốc gia cẩn trọng

Với phương pháp này, các nhà khoa học phải sử dụng trứng người để tạo phôi, sau đó phá hủy phôi để chiết xuất TBG. Các tổ chức Thiên Chúa giáo coi hành động này ngang với tội sát nhân bởi theo họ, phôi thai người là nguồn gốc của sự sống.

Phản ứng lại, những người ủng hộ nghiên cứu TBG cho rằng phôi thai không có giá trị ngang với cuộc sống con người, bởi phôi thai không thể tồn tại bên ngoài tử cung phụ nữ và cuộc sống của một con người chỉ bắt đầu khi thai nhi có nhịp tim đầu tiên (ở 5 tuần tuổi).

 Các nhà khoa học cũng khẳng định hoạt động thụ thai trong ống nghiệm tạo ra một số lượng phôi thai không sử dụng rất lớn, nếu không dùng để nghiên cứu khoa học thì sẽ là một sự lãng phí lớn. Nhiều người cũng cho rằng hoạt động phá thai là hợp pháp ở rất nhiều nước, phôi thai cũng sẽ bị phá hủy, do đó tại sao không sử dụng chúng cho mục đích khoa học.

Do những tranh cãi này, nhiều quốc gia trên thế giới có những chính sách khác nhau đối với nghiên cứu TBG phôi thai người. Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ireland, Nhật, Hàn Quốc, Úc... cấm sản xuất TBG phôi thai trong khi Phần Lan, Hi Lạp, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, New Zealand, các nước Nam Mỹ (trừ Brazil)... cho phép sản xuất.

Tại Mỹ, dưới thời cựu tổng thống George Bush, chính quyền Washington thắt chặt kiểm soát và hạn chế đầu tư vào hoạt động nghiên cứu TBG phôi thai. Tháng 3-2009, tân Tổng thống Barack Obama đã cho phép đầu tư quỹ liên bang vào hoạt động nghiên cứu TBG, tuy nhiên Washington vẫn còn nhiều hạn chế đối với việc nghiên cứu TBG phôi thai dẫn đến tình trạng phôi thai bị phá hủy. Một số bang cấm hoàn toàn nghiên cứu TBG phôi thai, một số bang khác lại hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu.

Các xìcăngđan

Lịch sử nghiên cứu TBG dính một vết nhơ không thể tẩy rửa vào năm 2004-2005.
 

 Giáo sư Hwang Woo Suk khi ra hầu tòa ở Seoul hồi tháng 10-2009 - Ảnh: Reuters

Tháng 2-2004, nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo Suk, ĐH Quốc gia Seoul (người vẫn được xem là một trong những chuyên gia tiên phong về nghiên cứu TBG và nhân bản vô tính) và nhóm nghiên cứu ở trường ĐH này tuyên bố sản xuất thành công TBG phôi thai từ phương pháp nhân bản vô tính. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Science số ra ngày 12-3.

Trước đó, sau tuyên bố gây bất ngờ (tháng 2-1999) về nhân bản vô tính thành công bò dù không đưa ra những bằng chứng khoa học cụ thể, ông Hwang đã được giới truyền thông Hàn Quốc tung hô, biến ông thành một “siêu sao khoa học”.

Năm 2005, tạp chí Time (Mỹ) xếp ông Hwang vào danh sách “Những người quan trọng của năm 2004” và đánh giá ông “đã chứng minh rằng nhân bản người không còn là chuyện khoa học viễn tưởng”.

Đến tháng 8-2005, nhóm nghiên cứu của ông Hwang tuyên bố nhân bản thành công chú chó Snuppy. Với những thành công đó, ông Hwang được chỉ định làm giám đốc Trung tâm TBG thế giới. 

Tuy nhiên, đến tháng 11-2005 nhà nghiên cứu Gerald Schatten thuộc ĐH Pittsburg (Mỹ), từng hợp tác với ông Hwang hai năm, gây ngạc nhiên khi tuyên bố ngừng cộng tác với ông Hwang với lý do nhóm ông Hwang có thể đã mua chuộc người hiến trứng. Khi đó, ông Roh Sung Il, một trong những cộng sự thân cận của ông Hwang, thừa nhận ông đã trả cho mỗi phụ nữ 1.400 USD để mua trứng của họ.

Hình tượng giáo sư Hwang trong lòng người dân Hàn Quốc chỉ sụp đổ hoàn toàn khi tháng 12-2005, ĐH Quốc gia Seoul phát hiện ông Hwang làm giả các kết quả nghiên cứu. Tạp chí Science đã rút lại các bài nghiên cứu của ông Hwang đăng vào năm 2004 và 2005. Cuối cùng, ông Hwang phải lãnh án tù treo 2 năm về tội tham nhũng, vi phạm đạo đức khoa học. Vụ lừa đảo của ông Hwang đã khiến niềm tin cả thế giới vào nghiên cứu TBG vơi đi rất nhiều.

“TBG từ nhau thai trẻ sơ sinh dù có thể tạo ra một số loại tế bào nhưng chúng không tạo ra não, máu, tim, cơ... như những gì các bệnh viện và phòng khám thổi phồng - bác sĩ Weissman thuộc Viện nghiên cứu TBG ĐH Stanford ở California, Mỹ, khẳng định - Họ sẵn sàng lấy đi hàng nghìn đến hàng chục nghìn USD của các bậc cha mẹ cho một liệu pháp chữa trị vô ích, cướp đi của gia đình đó số tiền cần thiết để chữa bệnh khi con của họ mắc bệnh. Đó là hành vi sai trái”.

Gần đây các nhà khoa học Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo về cái mà họ gọi là “các trò lừa đảo liên quan đến TBG”. Tháng 2-2010, bác sĩ Irving Weissman cảnh báo việc các bệnh viện đề nghị lập ngân hàng giữ TBG từ nhau thai của trẻ sơ sinh để sử dụng sau này khi trưởng thành là “hành vi lừa đảo”.

 Rất nhiều bệnh viện, phòng khám các nước thuyết phục cha mẹ các trẻ sơ sinh gìn giữ TBG từ nhau thai để chữa bệnh cho con cái khi chúng mắc bệnh. Ví dụ ở Thái Lan, các bậc cha mẹ sẵn sàng trả 3.600 USD để giữ TBG của con mình trong các ngân hàng. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận