“Chúng tôi bắt đầu bằng sự tự túc của bản thân”

ANH NGUYỄN TRÍCH DỊCH 29/03/2015 18:03 GMT+7

Năm 1994, khi phỏng vấn ông Lý Quang Diệu ở Istana, văn phòng làm việc của cả thủ tướng và tổng thống Singapore, nhà báo Mỹ gốc Ấn Fareed Zakaria nhận xét: ”Ông Lý Quang Diệu không giống bất cứ chính trị gia nào mà tôi đã gặp. Không có cười đùa, không hài hước, không sự xởi lởi. Ông ta nhìn thẳng vào tôi, khuôn mặt không biểu cảm nhưng ánh nhìn thì rất quyết liệt... Sau 30 giây lúng túng, tôi hiểu rằng sẽ không có tán gẫu gì hết”.

 

 Cuộc chia sẻ của ông Lý với Fareed Zakaria trên Foreign Affairs cách đây 20 năm vẫn cho ta thấy những tư duy sắc sảo của chính trị gia hàng đầu châu Á suốt thế kỷ 20 này. 

Mô hình châu Á

FZ: Ông không coi nước Mỹ như là mô hình cho các nước khác.

- Lý Quang Diệu: Là một người Đông Á nhìn vào nước Mỹ, tôi thấy cả những nét hấp dẫn và không hấp dẫn. Ví dụ, tôi thích mối quan hệ tự do, thoải mái và mở giữa mọi người bất chấp địa vị xã hội, sắc tộc và tôn giáo.

Và những điều tôi luôn ngưỡng mộ nước Mỹ là độ cởi mở nhất định trong tranh luận cái gì là tốt, là xấu đối với xã hội; trách nhiệm giải trình của quan chức, không có kiểu bí mật và dọa dẫm như một số chế độ.

Nhưng nhìn tổng thể, tôi thấy có những điều không chấp nhận được trong xã hội này: súng ống, thuốc phiện, tội phạm bạo lực, người vô gia cư, các hành vi lố lăng ngoài đường, nói tóm lại là xã hội đổ vỡ. Sự mở rộng quyền tự do cá nhân thích hành động hay phá phách thế nào tùy ý gây ra tổn thất với trật tự xã hội.

Ở phương Đông, mục đích chính luôn là trật tự xã hội ổn định để mọi người có thể hưởng tự do của mình. Sự tự do này chỉ tồn tại trong xã hội ổn định chứ không phải ở đất nước của tranh cãi và vô chính phủ.

Để tôi cho anh ví dụ cho thấy sự khác biệt tổng thể giữa Mỹ và Singapore. Mỹ có vấn đề thuốc phiện nghiêm trọng. Giải quyết nó thế nào? Mỹ đi vòng quanh thế giới giúp các tổ chức chống thuốc phiện để tìm cách ngăn chặn những người cung cấp. Họ chi tiền cho trực thăng, các chất diệt cây... và khi bị đối đầu, họ bắt sống tổng thống Panama rồi mang về xét xử ở Florida.

Singapore không có lựa chọn đó. Chúng tôi chẳng thể đến Myanmar rồi bắt ông trùm ở đó. Điều chúng tôi làm là cho phép hải quan và cảnh sát nếu thấy ai đó nghi ngờ phê thuốc là lập tức yêu cầu anh ta thử nước tiểu. Nếu nước tiểu dương tính, anh ta phải đi cai nghiện ngay. Ở Mỹ, anh làm vậy thì bị coi là xâm phạm quyền tự do cá nhân và bị kiện ngay tức khắc.

Quyền cá nhân ở Mỹ được coi là bất khả xâm phạm. Nhưng chẳng ai quan tâm khi quân đội đến và bắt tổng thống của một nước khác rồi đưa đến Florida và ném ông ta vào tù. Tôi chẳng thể nào hiểu được.

Công bằng mà nói, 25 năm trước ông ngưỡng mộ nước Mỹ. Vậy theo ông, chuyện gì đã xấu đi?

- Đúng, mọi thứ thay đổi. Tôi mạo muội nói đó là sự xói mòn cơ sở đạo đức của xã hội và sự mất đi trách nhiệm cá nhân. Truyền thống tự do, tri thức phát triển sau Chiến tranh thế giới II cho rằng con người đã đến trạng thái hoàn hảo mà mọi thứ sẽ tốt hơn nếu con người thích làm gì thì làm.

Thực tế chuyện đó không đúng. Có những điều cơ bản về con người sẽ không bao giờ thay đổi. Con người cần những ý thức đạo đức nhất định về đúng và sai. Có những thứ là xấu xa. Anh đơn giản là xấu xa, dễ làm những việc xấu và phải chặn anh không làm những việc xấu vậy.

Người phương Tây từ bỏ những nền tảng đạo đức của xã hội, tin rằng mọi vấn đề có thể giải quyết bằng một chính phủ tốt - đây là điều phương Đông chúng tôi không bao giờ tin...

Có mô hình nào khả dĩ cho phát triển cả về chính trị và kinh tế? Có cái gọi là mô hình châu Á?

- Tôi không nghĩ là có mô hình châu Á như vậy. Nhưng xã hội châu Á khác xã hội phương Tây. Có sự khác biệt cơ bản giữa tư duy phương Tây và tư duy Đông Á về xã hội và chính phủ. Khi nói Đông Á, tôi nói Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam vốn là sự pha trộn giữa văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ.

Xã hội phương Đông tin rằng cá nhân tồn tại trong khuôn khổ gia đình. Anh ta không tách rời ra bối cảnh đó. Gia đình là một phần của gia đình rộng lớn hơn, rồi bạn bè, rồi xã hội. Người lãnh đạo hay chính quyền không cố cung cấp cho cá nhân những gì mà gia đình có thể.

Ở phương Tây, đặc biệt sau Chiến tranh thế giới II, chính phủ được coi là quá thành công, có thể hoàn tất mọi trách nhiệm mà vốn ở các xã hội kém hiện đại hơn, điều đó thường được thực hiện bởi gia đình. Cách tiếp cận này khuyến khích các loại hình gia đình mới như bà mẹ đơn thân chẳng hạn, tin rằng chính phủ có thể hỗ trợ thay cho người bố vắng mặt. Đó là sự táo bạo lớn.

Cách mà tôi - người Đông Á - sẽ tránh. Tôi sẽ không dám thử nghiệm vậy. Tôi không chắc hậu quả là gì và tôi không thích những hậu quả mà tôi thấy ở phương Tây. Anh sẽ thấy quan điểm này được chia sẻ rộng khắp ở Đông Á. Không phải chúng tôi không có các bà mẹ đơn thân ở đây.

Chúng tôi cũng rơi vào thách thức khi chúng tôi giáo dục phụ nữ, họ độc lập hơn về tài chính và không còn chấp nhận những cuộc hôn nhân không hạnh phúc nữa. Có sự lo lắng lớn khi chúng tôi có những thay đổi này, đặc biệt là gia đình. Đó là những viên gạch của xã hội.

Có câu của Trung Quốc khái quát vấn đề này: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân nghĩa là tự lo bản thân, tự rèn luyện, làm mọi việc để mình trở nên có ích; tề gia là lo lắng cho gia đình; trị quốc là lo lắng cho đất nước; bình thiên hạ là tất cả dưới bầu trời đều thái bình. Đó là quan niệm cơ bản của văn minh chúng tôi.

Chính quyền lên rồi chính quyền xuống, nhưng quan điểm này vẫn duy trì. Chúng tôi bắt đầu bằng sự tự túc của bản thân.

Trở về với cơ bản

Ông không tin khả năng chính quyền giải quyết được các vấn đề nghiêm trọng của xã hội, nhưng ông lại tin tưởng chính quyền có thể thúc đẩy kinh tế và phát triển công nghệ. Đó có phải là sự mâu thuẫn không?

- Không. Chúng tôi tập trung vào các vấn đề cơ bản ở Singapore. Chúng tôi dùng gia đình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tính toán cái mong muốn của mỗi người và gia đình anh ta vào kế hoạch của chúng tôi.

Ví dụ, chúng tôi đã giúp cải thiện được trẻ rất nhiều nhờ giáo dục. Chính phủ có thể tạo ra môi trường để mọi người có thể sống hạnh phúc, thành công và có thể thể hiện mình. Nhưng cuối cùng chính những gì họ làm với cuộc đời họ sẽ quyết định sự thành công hay thất bại về mặt kinh tế (của họ).

Mặt nữa, chúng tôi may mắn có văn hóa là niềm tin vào sự tiết kiệm, làm việc chăm chỉ, kính trọng cha mẹ, tôn kính gia đình mở rộng, và, trên hết, là tôn trọng tri thức và sự học.

Đương nhiên có nguyên nhân khác nữa cho thành công của chúng tôi. Chúng tôi có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế vì chúng tôi tạo điều kiện cho những thay đổi nhất định khi chúng tôi di chuyển từ xã hội nông nghiệp lên xã hội công nghiệp. Chúng tôi có lợi thế là biết kết quả nó thế nào khi nhìn vào phương Tây và Nhật Bản.

Chúng tôi biết mình đang ở đâu và biết mình đi đến đâu. Chúng tôi tự nhủ “phải nhanh lên, phải xem có thể đến đó nhanh hơn”. Nhưng rất nhanh, chúng tôi đối mặt với tình huống khác. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ đạt trình độ như Nhật Bản thì khi đó chúng tôi sẽ đi đâu tiếp? Làm sao chúng tôi có thể tăng tốc khi không biết mình sẽ đi đến đâu? Đó là tình huống mới.

Một số người nói rằng mô hình châu Á quá cứng nhắc để có thể thay đổi. Nhà xã hội học Mancur Olson lập luận đất nước lụn bại phần lớn do sự xơ cứng, ngại thay đổi của các nhóm, của các công ty, của lao động, của đồng vốn và chính quyền. Mô hình kiểu Mỹ thì rất linh động, để tự do buôn bán và thường xuyên thích nghi để phù hợp với thay đổi hơn là mô hình chính sách do chính quyền định hướng và hệ thống giá trị kiểu đạo Khổng.

- Đó là triết lý sống lạc quan, hấp dẫn và tôi hi vọng nó thành sự thật. Nhưng nếu anh nhìn các xã hội qua cả ngàn năm thì anh sẽ thấy những mô thức căn bản. Nền văn minh Mỹ xuất phát từ tổ tiên - những người hành hương, mô thức xã hội của họ là sự lạc quan và phát triển của chính phủ một cách tuần tự.

Lịch sử của Trung Quốc là của các triều đại, lên xuống theo sự mở rộng, suy sụp của các xã hội. Và qua tất cả thăng trầm đó, gia đình, gia đình mở rộng, các họ hàng, giống như cái bè cứu sinh của cá nhân. Các nền văn minh đã sụp đổ, các triều đại đã bị cuốn đi bởi các nhóm chinh phục khác nhau, nhưng cái bè cứu sinh này đảm bảo nền văn minh tiếp tục duy trì và đi tới giai đoạn mới.

Không ai ở xã hội phương Đông tin rằng chính phủ có thể cung cấp tất cả. Chính chính phủ cũng không tin là vậy. Trong cuộc khủng hoảng kinh hoàng nhất, kể cả trong động đất và gió bão, chính các liên hệ con người sẽ giúp bạn vượt qua. Nên quan điểm mà bạn nói rằng chính phủ luôn có khả năng tự làm mới mình trong các dạng thức mới thực tế chưa có trong lịch sử.

Nhưng gia đình và cách thức con người liên hệ thì có cấu trúc và có thể giúp tăng cơ hội tồn tại của các thành viên của nó. Điều đó đã được thử thách qua cả ngàn năm và trong nhiều tình huống khác nhau.        

Một yếu tố quan trọng của thành công kinh tế quốc gia trong quá khứ là văn hóa sáng tạo và thử nghiệm. Trong giai đoạn vươn lên đạt thịnh vượng và quyền lực, Venice, Hà Lan, Anh và Mỹ tất cả đều có không khí của tự do tư tưởng mà những ý tưởng mới, công nghệ mới, cách làm và sản phẩm mới có thể phát triển. Ở các nước Đông Á, tuy nhiên, chính quyền thường ngần ngại trước môi trường tự do tư tưởng này. Điều này có ảnh hưởng gì tới hiệu suất của nền kinh tế?

- Về mặt học thuật, điều đó nghe có vẻ như là kết luận hợp lý nhưng tôi không chắc mọi thứ diễn ra vậy. Người Nhật chẳng hạn không hề kém trong chuyện tạo ra các sản phẩm mới.

Tôi nghĩ các chính phủ nếu hiểu lý thuyết này và biết nhu cầu về việc thử nghiệm các lĩnh vực mới, phá vỡ các khuôn khổ hiện tại, họ có thể đảo ngược xu thế (giảm năng suất). Người Đông Á tất cả đều có chung tính kỷ luật rất cao, tôn trọng thầy giáo, không nói lại với thầy và thường học gạo, cần phải hiểu có nhu cầu tìm kiếm kiến thức như thế này để có công nghệ và sản phẩm mới.

Dù thế nào, trong thế giới mà liên lạc điện tử giờ là ngay tức khắc, tôi không thấy cảnh mọi người tụt hậu phía sau. Bất cứ thứ gì mới đều cũng lan đi rất nhanh, dù đó là công nghệ siêu dẫn hay là lối sống mới.

Một trong những yếu tố gây bất ổn nhất đối với hệ thống thế giới chính là sự vươn lên của một siêu cường mới. Liệu sự vươn lên của Trung Quốc có thích nghi được vào trật tự của Đông Á?

- Tôi không nghĩ chúng ta có thể nói chỉ về trật tự Đông Á. Câu hỏi là: liệu thế giới có phát triển được hệ thống mà một nước quy mô như Trung Quốc có thể tham gia vào hệ thống điều hành hòa bình và ổn định thế giới?

Khoảng 20-30 năm tới, tôi nghĩ các cường quốc sẽ phải thống nhất với nhau về cách kiểm soát hòa bình và ổn định, làm thế nào để tạo trật tự mà vừa hợp lý và vừa công bằng. Chiến tranh giữa các nước nhỏ không hủy hoại cả thế giới mà chỉ hủy hoại chính họ, nhưng xung đột lớn giữa các cường quốc sẽ hủy hoại thế giới rất nhiều lần.

Đó là những điều quá nguy hại và không nên nghĩ đến.

Tôi vẫn nghĩ con đường tiến lên tốt nhất là qua Liên Hiệp Quốc. Nó không hoàn hảo nhưng có gì thay thế không?

       

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận