Chúng tôi biết mình là một phần của tự nhiên

HẰNG MAI 03/03/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Câu chuyện của vợ chồng chị Trần Vũ Thanh Trâm, sinh năm 1982, ở xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, tỉnh Đắk Nông.

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố, không biết nhiều về nông thôn. Sau một biến cố cuộc đời, tôi tới tá túc một tuần trong một trang trại, được ôm đỡ và chữa lành. Phong cách sống và làm nông của vợ chồng người chủ trang trại gây ấn tượng với tôi, nên từ đó tôi mong ước được sống trong một trang trại như vậy. Bạn trai của tôi từng đi thăm những trang trại nhỏ xinh đẹp khi anh sống ở Mỹ cũng có mong muốn ấy. Chúng tôi cưới nhau và bắt đầu đi tìm đất.

Lúc ấy, cả hai đều ý thức được rủi ro là mình đang “cua rất gắt” trong cuộc đời, lại đang mông lung, nên chúng tôi - một anh kỹ sư cơ khí chế tạo máy và một cô nhân viên văn phòng - hiểu cần trang bị cho mình kiến thức nông nghiệp. Chúng tôi đi Israel vừa để học vừa để xem đó có phải là ý định bồng bột không. Sau vài tháng thực tập làm nông rất vất vả, cả hai thấy vẫn thích làm kinh tế nông nghiệp như các bạn Do Thái.

NHỮNG PHA “XỬ LÝ CỒNG KỀNH” THUỞ ĐẦU

Tháng 6 - 2014, chúng tôi mua 15ha đất. Đấy là vùng đồi trọc, hoang hóa sau khi rừng ở đó đã bị phá hết để trồng mì, hoa màu và cà phê thì đã cỗi. Một phần chưa có kinh nghiệm, phần khác vừa đi Israel về, khá tự tin rằng công nghệ sẽ giải quyết được mọi vấn đề, chúng tôi bắt tay vào mô hình trang trại trồng chuối laba để xuất khẩu.

Vợ chồng tôi “song kiếm hợp bích” - người lái máy xúc, người lái máy cày. Chúng tôi xới tung mảnh đất, dọn sạch từng cọng cỏ. Khi mùa mưa tới, đất mặt trôi đi hết, để lại những rãnh sâu ngoằn ngoèo, chằng chịt. Đến mùa khô, đất không có gì che phủ, khô cằn và rút nước rất nhanh, có tưới liên tục cũng không ăn thua. Vào mùa gió, không có tàu lá chuối nào nguyên vẹn. Thiếu nước nên chất lượng chuối bị ảnh hưởng. 

Tháng 7- 2016, xới đất trồng bơ và ca cao. Ảnh: NVCC

Sau hai năm, doanh thu không đủ bù chi phí đã bỏ ra cho 3 sào chuối, đó là chưa kể các chi phí đã bỏ ra để làm đường, làm nhà ở, nhà cho công nhân, nhà kho, mua máy cày, máy xúc …

Sau thất bại về chuối, chúng tôi chuyển qua trồng bơ và trồng ca cao dưới tán bơ. Nhưng lượng gió lớn, không có cây lớn che chắn, cây con yếu ở gốc và tả tơi ở ngọn nên tiếp tục chết. Gió thổi bay lớp đất mặt hiếm hoi còn sót lại đang nằm trơ trọi giữa nắng cháy, đất càng kiệt quệ.

Chúng tôi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, nhưng hệ thống này - dẫu rất tốn kém chi phí, kỳ công lắp đặt, hạch toán khấu hao tối thiểu 10 năm - đã tan hoang chỉ sau mùa khô đầu tiên do chuột và một số loài gặm nhấm cắn phá để tìm nước. 

Khe nước dồi dào dưới chân đồi đã cạn khô sau khi chúng tôi dọn sạch thực bì (chặt hết đám cây tạp và tre) ngay triền đồi phía trên khe nước để trồng cây. Không đủ nước để tưới, cây mới trồng chết hàng loạt.

Ngoài khó khăn về thổ nhưỡng, khí hậu, chúng tôi còn gặp thử thách về nhân lực. Nguồn lao động tại chỗ khan hiếm, chúng tôi phải thuê nhân công từ ngoài tỉnh. Họ từ xa đến không quen khí hậu, ít gắn bó với công việc và khá thụ động nên gây đình trệ tiến độ chung của cả trang trại.

Chúng tôi tìm tòi qua sách báo, mạng Internet và học kỹ thuật từ các chuyên gia. Chúng tôi chở củi từ đỉnh đồi xuống lò than ở chân đồi để đốt, xay, rồi lại vác ngược lên trên đỉnh để rải vào gốc cây. Đó là “một pha xử lý cồng kềnh”. Ba chồng tôi có lần đến thăm, gặp lúc vợ chồng tôi mặt mày nhọ nhem vì hầm than đã quay mặt đi lau nước mắt.

Thấy con trai mình - một kỹ sư cơ khí chế tạo máy từng sinh sống ở Mỹ - nay nhem nhuốc vì hầm than, ba chồng tôi rớt nước mắt. -Ảnh: NVCC

Vì ý thức được tác hại của chất hóa học đối với đất và người nên ngay từ đầu chúng tôi đã chọn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Nhưng không lẽ trồng cây mà không có phân bón? Chúng tôi lại bước vào hành trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học - một hành trình tốn kém cả thời gian, tiền bạc và là “một pha xử lý cồng kềnh” khác!

Hơn 3 năm miệt mài thử - sai, chúng tôi nhận được con số không tròn trĩnh. Mất 3 năm để chúng tôi hiểu rằng biện pháp kỹ thuật áp dụng trên mỗi mảnh đất phải dựa trên các đặc thù và nguồn lực sẵn có trên chính mảnh đất đó; rằng nền tảng của việc tái lập thảm thực vật không phải là công nghệ mà là tạo sinh khối tại chỗ, là che phủ, là tấp tủ. Phân vi sinh là vô nghĩa nếu đất không đủ độ ẩm, không được che phủ và thiếu sự đa loài làm nền tảng cho hệ vi sinh vật phát triển.

CÂY - NGƯỜI THẦY LỚN

Khi các bài học lần lượt hiện hình, lời giải cũng dần xuất hiện, và đó chính là cây - cây giữ nước.

Chúng tôi đào một cái giếng khơi, 8m giếng có 2m nước, đủ xài hàng ngày. Đến khi một người thân cho 1.000 cây vối, chúng tôi trồng đại trên 1.000m2 triền đất phía trên giếng. Sau gần 3 năm, đám vối chen nhau cao lớn và mực nước trong giếng đã lên 4m. Hóa ra những cây vối đã làm giàu cho nguồn nước mạch tuyệt vời như thế!

Chúng tôi có một hồ nước mạch giữa đồi, vì phía trên hồ là 1ha cao su và cây rừng tạp. Khe nước từng cạn vào mùa khô năm ấy vì chúng tôi chặt hết cây trên đồi, giờ đây, 3 năm sau, khi chúng tôi phủ xanh triền đồi bằng cây rừng đa loài và để cỏ dày giữ ẩm che phủ đất, nguồn nước đã dần trở lại.

Cũng mảnh đất ấy tháng 2-2021. Ảnh: NVCC

Khi chúng tôi trồng chuối để che bóng cho ca cao, người ta nói chuối sẽ làm nghèo đất và không cây nào cạnh tranh được với nó. Nhưng quan sát thấy đất nơi gốc chuối luôn ẩm nên chúng tôi trồng chuối gần cây rừng, cây ăn quả. Ban đầu cách 2m, bây giờ chỉ cách 20cm. Khi cây thân gỗ còn nhỏ, chuối giữ ẩm, che bóng, chắn gió. 

Khi cây lớn hơn, chuối được tỉa bớt lấy thân, lá ủ gốc. Những cây được trồng dưới tán chuối như thế lớn và khỏe mạnh gấp đôi cây đứng một mình. Và quan trọng hơn là vào mùa khô cũng không cần phải tưới.

Những chiêm nghiệm thực tế đó giúp chúng tôi tự tin thử nghiệm 1ha theo phương thức vườn rừng đa loài và đa tầng. Ngoài chuối, chúng tôi đưa cây tiên phong họ đậu phát triển nhanh như keo, muồng đen... để che bóng cho cây con, cố định đạm trong đất, cắt tỉa để tạo sinh khối tại chỗ, che phủ đất vào mùa khô. 

Giờ đây, sau những bài học của 3 năm đầu, chúng tôi chỉ trồng cây vào đầu mùa mưa và hạn chế xới xáo bề mặt. Khi trồng không bón phân lót, không múc hố lớn như trước mà chỉ khoan lỗ lớn hơn bầu một chút và làm sạch cỏ quanh hố trồng.

Vì muốn chủ động cây giống nên chúng tôi tự ươm cây lâm nghiệp, mất công sang bầu, dưỡng cây trong vườn ươm cả 6 tháng và giúp cây làm quen nắng theo tiến độ. Trong khi đó, chúng tôi lại thấy cây rừng tái sinh tự nhiên lớn như thổi mà mình chả phải làm gì. 

Cho nên sau đó, không quan trọng cây đó là cây gì, chỉ cần cây sống là chúng tôi dưỡng. Trong các tháng mùa mưa, chúng tôi dọn cỏ quanh gốc, cắt dây leo bám vào cây. Đến mùa khô, chúng tôi cắt cỏ tấp gốc, chừa lại ít cỏ để che phủ và giữ ẩm cho đất. Cây nào không biết tên thì chúng tôi hỏi người dân xung quanh. Hóa ra toàn cây quý: hương đen, trâm, xoan rừng...

Một năm sau, trên 1ha đó, cây phát triển rất khỏe mạnh. Chi phí được giảm thiểu, nhất là rất chủ động trong công việc vì chúng tôi có thể tự làm mà không phải thuê mướn nhân công. Đến năm vừa rồi, chúng tôi tự tin triển khai cách làm này trên những khu đất mà trước đây đã thất bại với việc trồng thâm canh cây bơ và ca cao ghép.

Hành trình trở về với tự nhiên của chúng tôi, cả lối sống và lối canh tác, đến lúc này đã không còn là một sự lựa chọn, mà đó là con đường tất yếu! Một cái cây phải len qua sỏi đá để cắm rễ sâu vào trong đất nếu muốn vươn cao. Chúng tôi cũng nhìn những vấp váp, thất bại ban đầu như những trải nghiệm cần thiết để vững vàng hơn trên con đường này. 

Cây rừng tái sinh tự nhiên lớn như thổi mà chủ vườn không cần phải làm gì. Ảnh: NVCC

Trên con đường ấy, chúng tôi từng bước nhận diện được đâu là tham cầu, đâu là nhu cầu. Chúng tôi đi từ những tham vọng ban đầu lớn lao đến việc đơn giản hóa và từng bước tự chủ những nhu cầu hàng ngày như việc chuyển sang ăn chay, tự trồng rau để ăn, gói ghém chi tiêu gia đình trong thu nhập từ vườn cà phê, tự tay làm vật dụng trong nhà từ nguyên liệu sẵn có trong vườn hoặc tái chế.

Sống ở vườn, chúng tôi đã học được bài học lớn nhất trong đời là quan sát quy luật tự nhiên để biết giới hạn bản thân và đặt mình vào đúng chỗ: chúng tôi là một phần của tự nhiên, nương tựa vào thiên nhiên để cùng nhau sinh tồn chứ không phải là chủ nhân của vạn vật trên mảnh đất ấy!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận