Chuyển động mới với đối tác cũ

DANH ĐỨC 06/03/2017 20:03 GMT+7

TTCT - Nhật Bản nay đang bắt đầu phải tự đứng trên hai chân mình ở một Thái Bình Dương đầy sóng gió. Trong bối cảnh đó diễn ra chuyến thăm Việt Nam kéo dài suốt một tuần của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko.

Nhật hoàng Akihito đến Hà Nội ngày 28-2-2017-AFP
Nhật hoàng Akihito đến Hà Nội ngày 28-2-2017-AFP


Ngày 20-1 vừa qua, đích thân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe loan báo chuyến công du này và nhận xét: “Nhật Bản từ lâu hoan hỉ với mối quan hệ gần gũi và thân tình với Việt Nam... Tôi tin chắc chuyến thăm này sẽ làm thắm thiết hơn nữa các quan hệ hữu nghị và thiện chí với Việt Nam”.

Có rất nhiều bình luận về ý nghĩa chuyến thăm, tùy góc nhìn và có lẽ cũng có thể nhìn nó trong góc độ các mối quan hệ của Nhật Bản hiện nay.

Với Ấn Độ

Tháng 11-2013, Manish Chand, tổng biên tập của India Writes, Ấn Độ, viết: “Những chuyến công du nước ngoài của các bậc vương giả thường chủ yếu mang ý nghĩa lễ tân, song chuyến thăm lần đầu tiên đến New Delhi của Nhật hoàng và hoàng hậu vào cuối tháng này lại là đặc biệt, đánh dấu thời khắc chuyển đổi trong quan hệ đang phát triển giữa Ấn Độ và Nhật Bản.

Chuyến thăm Ấn Độ sáu ngày sắp tới của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko là tín hiệu mạnh mẽ nhất từ Tokyo cho thấy quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản đang thấm đẫm sức nặng kinh tế và chiến lược.

Chuyến thăm đầu tiên này của hoàng gia Nhật còn quan trọng về chiều sâu trong bối cảnh... các nền kinh tế đầu tàu của châu Á cùng các nền dân chủ hướng ra biển đang phác thảo các đường nét về một châu Á tương lai trước sự quyết đoán của Trung Quốc và chính sách xoay trục được loan báo ồn ào của Mỹ”.

Nhận định trên của tổng biên tập India Writes hoàn toàn không mang tính lễ tân, mà là phản ánh chính xác cục diện quan hệ Ấn - Nhật bên trong châu Á vào cuối năm 2013.

Quả là Ấn Độ và Nhật Bản là hai “nền dân chủ hướng ra biển”. Một nước thì hai cạnh của tam giác bán đảo là biển, còn nước kia bốn bề toàn biển, nên biển là lẽ sống và nguồn sống.

“Dân chủ” không đơn giản trong ý nghĩa hình thức đi bầu đảng này, đảng kia, mà là trong ý nghĩa không nhánh quyền lực nào của nhà nước, hay không thế lực nào của nền chính trị đủ sức một mình tự tung tự tác.

Ở Nhật Bản, điều 9 hiến pháp cấm nước Nhật khai chiến còn nguyên giá trị, dù cho ông Shinzo Abe có định “hiếu chiến” tới đâu, như những cáo buộc từ Trung Quốc, ngài thủ tướng cũng không thể mặc tình quân sự hóa được nước Nhật, biến lực lượng phòng vệ Nhật thành một lực lượng mang tính cách tấn công.

Trên thực tế, điều 9 hiến pháp Nhật chỉ cho phép nước này đóng những tàu khu trục chở trực thăng như lớp Izumo hiện nay hoặc lớp Hyuga của lực lượng phòng vệ biển trước đây, chứ không được đóng tàu sân bay kiểu siêu hạng như thời thế chiến.

Các hạng mục tập trận của thủy quân lục chiến Nhật Bản, có thể xem là lực lượng “chủ chiến” nhất, cũng chỉ là đổ bộ giành lại đảo bị chiếm, chứ không phải đổ bộ chiếm đảo.

Cũng thế, Quốc hội Ấn Độ sẽ hậu thuẫn mọi kế hoạch quốc phòng trong mục tiêu phòng thủ, nhưng những ý đồ “tái chiếm lãnh thổ”, chủ động gây can qua, tỉ như ở các vùng tranh chấp với Pakistan hay Trung Quốc, chắc chắn sẽ khó lòng được thông qua.

Các “nền dân chủ hướng ra biển” đó, dù với chính phủ cầm quyền có vận động ráo riết tới đâu cũng không thể ung dung đeo đuổi những giấc mơ bành trướng quân sự.

Trong bối cảnh như thế, chuyến thăm Ấn Độ của Nhật hoàng và hoàng hậu năm 2013 bất quá chỉ trong khuôn khổ “tôi và anh sống ở hai đầu châu Á. Kế hoạch phòng thủ của anh ra sao?”.

Với Việt Nam và ASEAN

Nhật Bản sẽ đóng góp vào điều đó bằng cách theo đuổi triệt để nguyên tắc pháp trị trên Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Inada

Từ đó, có thể hình dung chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng và hoàng hậu đánh dấu một chuyển động ra sao trong quan hệ song phương.

Tất nhiên, không phải là bản sao của quan hệ Ấn - Nhật, do những khác biệt tự thân giữa Việt Nam và Ấn Độ, song nhất định “thân thiết” hơn lúc trước, như tính từ mà Thủ tướng Abe đã dùng.

Có thể thấy sự chuyển biến này trong gói tàu kiểm ngư cũ và tàu cá cũ mà Nhật cho Việt Nam cách đây chưa lâu, và gói tàu tuần tra đóng mới sắp tới sẽ tặng Việt Nam. Người Nhật rất thực tế trong tiêu dùng: cần thứ gì mới sắm thứ đó.

Chiếc Suzuki Wagon R mà người Việt vẫn chê là quá xấu và quá nhỏ, lại là xe bán chạy nhất ở Nhật từ năm 2003. Đường chật, đi xe nhỏ vẫn hơn - nước nghèo, ngại chi dùng đồ cũ?

Giữa tháng 11-2016, bên lề các hội nghị ASEAN ở Vientiane, Nhật Bản đã công bố “Tầm nhìn Vientiane” nhân cuộc họp bán chính thức lần thứ nhì các bộ trưởng quốc phòng ASEAN - Nhật Bản.

Tầm nhìn này là sáng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada, với đặc điểm nổi bật là sự công khai: Tokyo không giấu giếm bất cứ ý định nào về tương lai hợp tác quốc phòng Nhật Bản - ASEAN.

Tầm nhìn Vientiane nêu đường hướng cho sự hợp tác đó như sau:

...Đường hướng: Để đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực, hợp tác quốc phòng Nhật Bản - ASEAN trong tương lai sẽ tập trung vào ba điểm sau đây:

- Nhằm củng cố trật tự (khu vực) căn cứ trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong việc quản lý cách hành xử hòa bình giữa các quốc gia, Nhật Bản hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong việc duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải và hàng không.

- Nhằm thúc đẩy an ninh hàng hải vốn là nền tảng cho nền hòa bình và sự thịnh vượng của khu vực, Nhật Bản hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng năng lực tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), tìm kiếm cứu nạn (SAR) trên vùng biển và vùng trời.

- Nhằm đối phó với các vấn đề an ninh ngày càng đa dạng hóa, phức tạp, Nhật Bản hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng năng lực trong các lĩnh vực khác nhau...

(nguồn: Vientiane Vision: Japan’s Defense Cooperation Initiative with ASEAN)

Có soi xét kỹ tới đâu thì Tầm nhìn Vientiane từ đầu chí cuối cũng không thấy bất cứ động thái nào mang tính tấn công mà chỉ là phòng thủ. Chi tiết mang tính quân sự nhất, “hỗ trợ xây dựng năng lực tình báo, giám sát và trinh sát (ISR)... trên vùng biển và vùng trời” cũng chỉ nhằm mục đích phòng thủ.

Quan hệ mới với Mỹ

Quả là Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, tất nhiên là về kinh tế, nhưng ngày càng nhiều hơn là cả về quân sự và ảnh hưởng ngoại giao.

Tình hình Thái Bình Dương thêm phức tạp bởi từ hơn một tháng qua, đã xảy ra những thay đổi phi thường ở Washington. Hầu hết các nước trong khu vực giờ đều phải tự xem xét và điều chỉnh lại các quan hệ với Mỹ.

Tokyo đã nhanh chóng “ném đá dò đường” với cuộc gặp thượng đỉnh Shinzo Abe-Donald Trump ngay sau khi ông Trump đắc cử. Còn mới đây hơn, bộ trưởng quốc phòng hai nước cũng gặp nhau, và cuộc họp báo hôm 7-2 sau cuộc gặp của bà Inada gợi mở nhiều điều.

Hỏi: Tại cuộc gặp mới đây với Thủ tướng (Abe), ông Mattis (James Mattis, tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ) nói ông tin rằng hoạt động tự do hàng hải là phù hợp lợi ích chung và hoạt động đó cần được bảo đảm ở các đại dương…

Bà cho rằng việc mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) không có nghĩa là triển khai SDF ra nước ngoài. Phát biểu đó phải chăng phản ánh quan điểm SDF sẽ không tham gia vào hoạt động đảm bảo tự do hàng hải trong thời điểm này, hoặc rằng sự tham gia trong tương lai là không cần thiết?

Bộ trưởng Inada: Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hoạt động tự do hàng hải trong cuộc họp giữa hai bộ trưởng quốc phòng. Bảo đảm quyền tự do hàng hải trên biển Đông và an toàn cho các tuyến đường biển là vì lợi ích chung…

Tuy nhiên, không có kế hoạch phái SDF cùng thực hiện các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải. Tại Quốc hội, thủ tướng đã nhiều lần được hỏi về việc này và đã đưa ra một câu trả lời như thế. Từ góc độ chính sách, Nhật Bản không xem xét tham gia vào các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải.

Tuy nhiên, để mở rộng vai trò của mình, Nhật Bản sẽ đóng góp thông qua các hoạt động tỉ như hỗ trợ xây dựng năng lực - như đã làm ở Philippines và Việt Nam - cho các nước xung quanh biển Đông, và tiến hành diễn tập chung giữa Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) và hải quân Mỹ cùng các lực lượng nước ngoài khác trong vùng biển Đông Nam, chứ không phải là tham gia các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải.

Hỏi: Liên quan đến điều đó, bà có nói với Bộ trưởng Mattis rằng không có kế hoạch tham gia đảm bảo tự do hàng hải? Hoặc phía Mỹ có yêu cầu nào trong tương lai, theo như bà cảm nhận được?

Bộ trưởng Inada: Tôi đã bày tỏ ủng hộ tự do hàng hải, nhưng không có yêu cầu tham gia (từ phía Mỹ)…

Tuy nhiên, tôi có nói rằng Nhật Bản sẽ đóng góp vào điều đó bằng cách theo đuổi triệt để nguyên tắc pháp trị trên biển Đông qua việc tích cực tham gia vào các hoạt động như hỗ trợ xây dựng năng lực và tiến hành các cuộc tập trận chung.

Có thể nghĩ rằng nước Nhật vẫn chủ trương phòng thủ, chứ không định phiêu lưu quân sự. Chỉ có điều, Tokyo giờ phải chuẩn bị cho viễn cảnh họ phải tự lập nhiều hơn, thậm chí là phần lớn.

Với những ràng buộc của hiến pháp và nền dân chủ, Nhật Bản trước mắt chỉ có thể dừng lại ở việc hỗ trợ “xây dựng năng lực” cho láng giềng. Hơn nữa, mỗi quốc gia - giống như chính Nhật Bản - sẽ phải học lấy cách tự đứng vững trên đôi chân chính mình!■

Tìm sự ổn định nhờ thương mại

Cũng ngày 1-3, khi Nhật hoàng ở Việt Nam, vòng đàm phán kéo dài 5 ngày về Hiệp định thương mại tự do đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã khép lại ở Kobe, tây Nhật Bản.

Đó là lần đầu tiên đại diện của 16 nước RCEP, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và các nước ASEAN, gặp nhau kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). RCEP - của một khu vực 3,5 tỉ dân và GDP 22,6 nghìn tỉ USD - không phải là sự thay thế hoàn toàn cho TPP, nhưng với các thảo luận chi tiết về quyền sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ và gỡ bỏ thuế quan, cả 16 nước đều bày tỏ việc đạt được một thỏa thuận “càng sớm càng tốt”.

“Chúng ta nên ý thức đầy đủ về những diễn biến gần đây với nền kinh tế toàn cầu, những triển vọng kinh tế còn u ám, cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ” - Iman Pambagyo, đại diện đoàn Indonesia và là người đứng đầu ủy ban thảo luận thương mại RCEP, nói trong bài phát biểu khai mạc.

Vòng đàm phán đầu tiên về RCEP đã diễn ra từ năm 2013 và Nhật Bản có vai trò trong hiệp định này lớn hơn nhiều so với trong TPP. Quan trọng không kém, sự gắn bó về mặt kinh tế giữa các nước - nếu một hiệp định chung có thể đạt được - có thể góp phần vào việc giảm bớt các rủi ro địa chính trị trong khu vực. H.M.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận