TTCT - Thu hẹp sự cách biệt về giáo dục ở các vùng miền đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Nó ưu việt hơn nhiều so với chính sách xóa đói giảm nghèo.

Học sinh Trường THCS - THPT Võ Văn Kiệt (Phú Yên) - Ảnh: N.P.H.
Học sinh Trường THCS - THPT Võ Văn Kiệt (Phú Yên) - Ảnh: N.P.H.

Đầu năm học 2014-2015, tôi chuyển công tác đến Trường THCS - THPT Võ Văn Kiệt, huyện Sông Hinh, thuộc vùng cao tỉnh Phú Yên. Trường học khang trang, phòng học khá tiện ích, giáo viên đủ chuẩn, học sinh lễ phép thân thiện.

1. Mỗi sáng đến trường, tôi chạy xe máy trên con đường trải nhựa lượn qua những đồi nương trồng sắn, bắp, mía xanh rì. Xa xa sương chưa kịp tan, trông như những dải lụa vắt trên các sườn núi. Chim én đậu hàng dài trên dây điện cao áp dọc bên đường, ríu rít kêu.

Một vùng đất tươi tốt mang lại sự no đủ, nhưng để giàu có và văn minh thì đó mới chỉ là điều kiện cần. Tôi nghĩ đến giáo dục và nghề dạy học của mình. Con cái những nông dân cần mẫn kia phải được học hành đến nơi, phải đỗ đạt, phải dám dấn thân, đó mới là điều kiện đủ để nơi này phát triển. 

Học trò vùng cao, nữ sinh áo dài tha thướt ngày đầu tuần, nam sinh âu phục gọn gàng, tay cầm điện thoại nhiều chức năng: nghe nhạc, quay phim và lướt web. Khuôn viên trường còn có cả WiFi. Có khoảng cách nào giữa học sinh miền núi và học sinh ở phố?

Nhìn bên ngoài là vậy chứ tìm hiểu thêm thì có. Các em vui tươi đi học nhưng có thể bỏ học bất kỳ lúc nào. 

2. Một giáo viên kể: “Có học sinh học hành siêng năng, đùng một cái bỏ học. Tôi rủ thêm bí thư Đoàn trường đến nhà. Đến hai lần, hình như cha mẹ em tránh mặt, không gặp. Lần thứ ba, chưa vô nhà, ông phụ huynh tướng tá dữ dằn la: “Mấy ông mấy bà nhiều chuyện quá, con tôi nó học đến đó đủ rồi”.

Chúng tôi quay xe ra thấy em đứng nấp sau cánh cửa mục, nước mắt rưng rưng. Tôi nghĩ nếu việc học không quá tốn kém, cơ sự đã không xảy ra. Can thiệp để em được đến trường đang cần đến các cấp chính quyền”.

Một vùng đất hiếu học đâu có dễ tự nhiên hình thành, nó cần nhiều thế hệ (học sinh, phụ huynh, giáo viên) vun đắp, cần chính quyền địa phương chăm lo dài hạn với cái tâm trong sáng. Hãy dừng lại mọi tiêu cực, lợi ích trước cổng trường.

Một giáo viên khác lại bảo: “Ngược lại, lớp tôi chủ nhiệm có học sinh to xác, hiền lành, nhưng không thể theo kịp bạn bè ở những kiến thức cơ bản nhất. Tôi thật tình khuyên em nghỉ học ban ngày ở nhà giúp cha mẹ, tối đi học phổ cập. Em nói: Em muốn ở nhà đi làm lắm nhưng ba không cho, không đi học là ổng đánh”.

Một giáo viên được phân cho mảng điều tra phổ cập giáo dục, nói nhát gừng trước hội đồng nhà trường: “Toàn xã có 20 học viên bổ túc không chịu đến lớp, với lý luận em tôi nó học giùm tôi rồi, mà nếu thêm một học sinh nào nghỉ học từ trường ta thì coi như hỏng công tác phổ cập. Chừng đó thì ôi thôi huyện về, tỉnh về, kính thưa các cấp về, kiểm tra, kiểm điểm, khiển trách, cắt thi đua... rách việc lắm. Vậy, không để học sinh bỏ học giữa chừng là nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta”.

Một vùng đất hiếu học đâu có dễ tự nhiên hình thành, nó cần nhiều thế hệ (học sinh, phụ huynh, giáo viên) vun đắp, cần chính quyền địa phương chăm lo dài hạn với cái tâm trong sáng. Hãy dừng lại mọi tiêu cực, lợi ích trước cổng trường.

3. Tôi có chút lo lắng là số học sinh giỏi trong lớp quá ít. Đã vậy trường còn dồn học sinh học lực giỏi vào riêng một lớp với biện minh “sợ học trò khá học chung với trò yếu sẽ nản, xin đi”. Khi tôi vào dạy lớp kém hơn, các học sinh này dặn trước: “Thầy đừng chê tụi em học dở, tụi em bị thầy cô chê mắng mấy năm nay ớn quá rồi”. Ôi, nói trước vậy ai nỡ chê các em, mà sao ra nông nỗi?

Hỏi thì biết những học sinh giỏi kết hợp với gia đình kinh tế khá thường xin chuyển trường về miền xuôi trọ học. Một nam sinh, biệt danh “kỹ sư tuổi teen”, đoạt giải nhất tháng cuộc thi Sáng tạo học trò trên VTV6 đã “bị” ban giám hiệu một trường thành phố năn nỉ phụ huynh “xin” luôn.

Thôi cũng tốt cho các em, mong các em thành đạt và đừng quên quê hương mình còn nghèo.  

Làm giáo viên trước hiện tượng này ai cũng có chút gợn buồn. Hiệu trưởng lo lắng: “Nếu lớp 12 năm nay, mẻ lưới đầu tiên, kết quả không ra gì thì năm tới còn nhiều học sinh xin chuyển trường, xin thầy cô hết sức nỗ lực cho”.

Thu hẹp sự cách biệt về giáo dục ở các vùng miền đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Nó ưu việt hơn nhiều so với chính sách xóa đói giảm nghèo. Nó giảm bất ổn trong lòng dân và tạo sự công bằng, nghiêng về mặt tinh thần, cho những con em mà cha mẹ họ ngày trước đã phải gánh chịu.

Một người nghèo có học vấn căn bản coi sự chênh lệch về thu nhập không đến mức cay nghiệt và tin rằng tương lai tự mình có thể rút ngắn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận