Chuyện những cái cồn sắp mất

DƯƠNG THẾ HÙNG 24/07/2012 20:07 GMT+7

TTCT - Hàng trăm năm qua, những cồn đất nổi lên giữa sông Tiền, sông Hậu đã hình thành làng quê, dân cư, ruộng đồng, vườn cây trên đó. Nhưng nay nước ngày càng dâng cao, dòng chảy tác động mạnh cùng với nạn khai thác cát bừa bãi, nhiều cồn đang đối đầu với nguy cơ sạt lở, chìm dần và biến mất.

Cồn Kiến nhìn từ trong đất liền - Ảnh: D.T.H.

Chúng tôi đi đò qua cồn Sơn nằm giữa sông Hậu (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vào một chiều mưa, nước lớn đong đầy. Cồn này chỉ cách bờ có vài trăm mét, mất năm phút đi đò. Nhưng ít ai ngờ cuộc sống người dân bên đó chẳng khác nào ở vùng sâu, vùng xa.

Cồn “3 không”

Chị đưa đò chỉ chúng tôi đường vô xóm nhà dân, qua con đường đất ngoằn ngoèo đắp cao hơn mặt ruộng gần 3m. “Ở đây chỉ đi bộ thôi, chớ xe cộ hổng có đường đi đâu” - bà Nguyễn Thị Út, trưởng khu vực 1, nói. 

Xóm nhà dân cất lọt thỏm sâu hơn mặt lộ, nhà nào cũng có bậc thang bằng đất hoặc lót đá để đi lên lộ. “Con lộ cũng là đê bao. 

Nhà dân cất dưới mặt ruộng trong đê, thấp hơn đê 2-3m. Cái đê này bao quanh hết chu vi cồn, dài hơn bốn cây số lận. Nhờ nó mà xóm nhà dân yên ổn, không thì nước ngập chìm hết” - bà Út giải thích. 

Chúng tôi đi bộ ra bờ sông Hậu. Quả là nước cao thiệt, sóng đánh ngấp nghé bờ đê. Nhìn trở vô xóm nhà, bên dưới đất khô ran, nhưng tôi không khỏi hoảng hồn khi so sánh mực nước bên ngoài với mặt đất bên trong. 

Nó chênh nhau cả thước. Nếu chẳng may đê bị bể, nước tràn vô thì cả cồn sẽ ngập chìm trong nháy mắt. Cả cồn có 83 hộ dân với hơn 400 người. Do sợ cồn “chìm” nên bà con đã bán đất bỏ đi khá nhiều.

Một đoạn sạt lở nghiêm trọng ở cồn Kiến - Ảnh: D.T.H.

Ở đầu cồn đã nghe tiếng nước chảy mạnh, tiếng sóng vỗ oàm oạp vô bờ. Một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ khá xinh xắn cất gần mé sông sẽ nhường chỗ cho ao nuôi cá tra do chủ nhà đã bán hết đất đai nhà cửa cho một chủ hầm cá.

Bà Nguyễn Thị Y, chủ căn nhà kế bên, nói rằng đất ở đây lở dữ lắm. Miếng đất 10 công giáp bờ sông Hậu của bà từ năm năm nay lở mất hết 6 công, năm nào cũng “ăn” vô 15-20m, bà phải dời nhà dần vô trong. 

Cứ mỗi lần dời như thế thì căn nhà cũng “xuống đời”, từ nhà tường còn nhà cây và giờ là nhà lá, diện tích chỉ hơn cái chuồng bò chút đỉnh. 

“Thế bà có nghe nói cồn này sắp mất không?”, bà trả lời: “Có chớ. Vừa lở vừa chìm sao hổng mất cho được. Nhưng mà đi đâu, làm gì sanh sống thì chưa nghĩ tới, bởi ở đây còn kiếm con cá cọng rau qua ngày”.

Chuyện học hành, chữa bệnh thì cồn này hoàn toàn không có. Mọi thứ đều phải chạy qua đất liền. Bà Y kể: “Ở đây nhà nào cũng có sẵn số điện thoại của chủ đò. Bệnh cấp cứu hoặc chửa đẻ nửa đêm thì “ới” cái là đi liền. 

Còn tụi nhỏ đi học mỗi ngày bằng đò đưa. Mấy năm trước cũng có trường, nhưng chỉ có hai lớp và hai cô giáo nên “hẻo” quá, chuyển hết qua đất liền”. Người dân ở đây “tiếng” là thành phố, nhưng thực tế cuộc sống như vùng sâu vùng xa.

Cồn “3 không” đúng là ở đây: không đường, không trường, không trạm. Nếu tính luôn 1/3 hộ dân không có điện, nước sạch để xài thì phải tới... “5 không”.

Nhà bà Y ở cồn Sơn di dời nhiều lần nay chỉ còn nhà lá - Ảnh: D.T.H.

Đất lở, nước dâng

Chúng tôi tiếp tục đi cặp bờ phải sông Tiền, từ TP Vĩnh Long dài xuống huyện Mang Thít. Bờ bên kia là huyện Chợ Lách (Bến Tre), giữa sông là những cái cồn nổi lên từ hàng trăm năm nay đã hình thành xóm làng, ruộng đồng, vườn cây, dân cư đông đúc. Đó là cồn Phú Đa, cồn Cái Gà, cồn Hang Chuột, cồn Kiến, cồn Bùn... Điểm giống nhau của các cồn là nguy cơ sạt lở và ngập chìm.

Thuê đò máy qua cồn Kiến (xã Tân Thiềng), nơi được coi là “đầu sóng ngọn gió” của vùng sạt lở, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thanh, 70 tuổi, người được bà con gọi là già làng. 

Ông Thanh nói ngay: “Cồn này đang có nguy cơ xóa sổ chớ chẳng chơi. Năm nào nước cũng ngập cao hơn năm trước một tới hai tấc. Mặt đất bên trong cồn “hũng” xuống như lòng chảo. Nếu hổng nhờ hệ thống đê bao chắc bị chìm từ lâu”.

Dẫn chúng tôi ra bờ đê bao được đắp đất cao chừng năm tấc, nằm sát mé bờ sông nước cuộn chảy ngày đêm, ông lấy cây sậy chỉ vô mớn nước còn đóng trên gốc nhãn rồi nói: “Năm ngoái nước lên tới đây, so với mặt đê còn một tấc nữa là ngập. Đêm nào tụi tui cũng cử người canh giữ”. Dưới lớp đất mới đắp đã có một lớp đất cũ cao khoảng ba bốn tấc, được đắp hồi năm trước đó.

Ông Thanh nói tiếp: “Năm nào cũng đắp cao lên vài tấc vậy để chống ngập mà nước cứ “leo” theo từng năm, khoảng cách ngắn dần. Tỉ như năm 2007 mực nước cách mặt đê 6 tấc, qua năm 2009 còn 4 tấc, tới năm 2010 còn 2 tấc, năm ngoái (2011) chỉ còn 1,2 tấc. 

Tụi tui lúc đó hoảng hồn trực chiến 24/24, hễ nước cao tới đâu là đắp đê lên cao tới đó, y như Sơn Tinh chống Thủy Tinh. Cứ cái đà này cỡ mười năm nữa là... hết đắp nổi. Nếu “buông” cho nước vô thoải mái là nguyên cái cồn chìm liền”.

Xáng cát đổ quân khai thác tận thu ở khu vực gần cồn Kiến - Ảnh: D.T.H.

Ông Nguyễn Văn Của, 96 tuổi, người sống trên cồn này từ nhỏ, nhớ lại: “Khoảng năm 1950-1960, cồn nổi lên cao lắm. Vì có nhiều kiến nên người dân đặt tên cồn Kiến. 

Người dân qua đây làm ruộng, làm rẫy, tỉa bắp, khoai, trồng mía mênh mông thiên địa. Không hề nghe nói đê bao đê biếc gì hết. Bây giờ ngày thường nước lớn là mặt đất trong đê thấp hơn ở ngoài năm sáu tấc, mùa lũ là cả thước. Hổng biết nước ở đâu mà lên cao quá cỡ”.

Đã vậy cồn còn bị nạn sạt lở nghiêm trọng. Càng lên đầu cồn, đất lở càng nặng, bờ sông bị lõm vô hình chữ C như miếng dưa hấu bị chuột cạp. Có chỗ đất lở lôi theo gốc cây ngã xuống, rễ cây nằm chõng chơ đưa lên trời, ngọn cây ngã rạp chìm trong nước nhìn đau lòng.

Ông Trần Văn Dứt, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tân Thiềng, cho biết miếng đất của ông từ năm năm nay đã lở mất 300m vô trong. Đất của ông hồi đó 25 công, giờ còn 12 công.

Không riêng gì cồn Kiến. Cách đó chừng 2km về phía hạ lưu, cồn Bùn và cồn Lác cũng sạt lở nghiêm trọng. Ở cồn Bùn khung cảnh vắng lặng, còn lác đác vài căn nhà của nhân công nuôi cá. Hầu như không còn hộ dân nào ở, dù hơn 10 năm trước cồn Bùn có tới 200 hộ sinh sống.

Ông Nguyễn Văn Tu Rê, chủ tịch UBND xã Tân Thiềng, cho biết địa bàn xã có ba cồn là cồn Kiến, cồn Bùn, cồn Lác thì cả ba đều sạt lở nghiêm trọng. 

Trong khoảng năm năm trở lại đây, mỗi cồn bị lở mất 5-8ha đất, trong đó cồn Bùn lở nhanh nhất, từ 25ha nay chỉ còn 7-8ha. Nguyên nhân là do nước chảy xói mạnh vô bờ và nạn khai thác cát bừa bãi.

Cuộc chiến với “cát tặc”

Theo số liệu của các sở tài nguyên - môi trường TP Cần Thơ, Bến Tre và Trà Vinh, trên sông Tiền và sông Hậu đang có nhiều cồn bị sạt lở nghiêm trọng. Các cồn bị sạt lở gồm cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt), cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cồn Bần Chát (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Riêng huyện Chợ Lách (Bến Tre) có sáu cồn gồm cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình), cồn Cái Gà (xã Long Thới), cồn Hang Chuột (xã Hòa Nghĩa), cồn Kiến, cồn Bùn, cồn Lác (xã Tân Thiềng) thì cả sáu đều bị sạt lở 5-10ha/cồn.

Tiếp xúc với chúng tôi, hầu hết bà con ở cồn Kiến đều có chung bức xúc trước nạn “cát tặc”. Ông Dứt cho biết trong 10 năm tỉnh Bến Tre cấp giấy phép khai thác cát (từ năm 2001-2010) thì cũng 10 năm đó, các cồn xung quanh bị lở muốn “bay” luôn. 

Bà con dẫn chứng bằng cách đưa chúng tôi lên đò ra giữa sông. Có thể thấy rõ mồn một tới năm chiếc cần cẩu xáng cát đang vươn lên hạ xuống múc từng ngoạm cát đưa lên sà lan, ngay sát đầu cồn đang bị sạt lở. 

Ngoài ra còn bốn chiếc ghe nhỏ - bà con thường gọi là “xáng cơm” - thò vòi xuống đáy sông hút cát lên ghe.

Ông Thanh bức xúc: “Bây giờ đã hết thời hạn rồi mà tụi nó vẫn ngang nhiên khai thác ngày đêm. Ban đêm tiếng máy chạy cùng với tiếng cần cẩu ngoạm cát nghe ì đùng tưởng như đang có công trường lớn trên sông Tiền vậy. Dân tụi tui la ó phản đối, thưa kiện đủ cách mà cứ trơ trơ. Tới nỗi đã xảy ra cuộc chiến gay gắt với họ”.

Năm 2009, các xáng tập trung tới 27 chiếc và men vô gần bờ khoảng 300m. Thế là dân tức quá kéo ra “nghênh chiến” với họ giữa dòng sông.

Ông Thanh kể tiếp: “Bà con lên xáng đập phá tơi bời đồ dùng của họ rồi bỏ đi, chủ xáng làm đơn thưa lên huyện đòi bồi thường. Huyện kêu dân tới xử, lúc đó trung tá Việt (Công an huyện Chợ Lách) hỏi tui (đại diện dân): “Dân chú gây thiệt hại tài sản chủ xáng, chú tính sao, bồi thường cho người ta chớ?”.

Tụi hỏi lại: “Vậy chớ mấy ổng khai thác cát gây lở đất thiệt hại mất gần 5ha đất của dân thì tính sao, có bồi thường cho dân không? Nếu bồi thường đất được thì dân tui bồi thường thiệt hại chủ xáng được”. 

Hai bên bàn cãi hồi lâu, thấy không “ra” nên mạnh ai nấy về. Sau đó không thấy ai kêu lên xử xét gì nữa. Còn bọn khai thác cát thì tạm lắng một thời gian, rồi sau đó lại lén lút đưa xáng ra múc. Tụi tui kêu xã, xã kêu huyện, huyện kêu tỉnh, rốt cục... bó tay. Giờ chú thấy đó, tụi nó nhởn nhơ khai thác như không”.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Rê cho biết: “Hiện nay Bến Tre đã ngưng cấp phép khai thác cát, các “cần” đang khai thác trên sông là do bên Vĩnh Long cấp phép. Họ lấn lậu qua địa phận Bến Tre”. Bà con nghe vậy chỉ còn nước nhìn nhau lắc đầu ngao ngán.

Không riêng bà con cồn Kiến mà hầu như dân ở các cồn trên sông Tiền, sông Hậu đều có chung bức xúc trước nạn khai thác cát bừa bãi, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, mà chính quyền các tỉnh hầu như chưa có giải pháp xử lý. 

Đã có nhiều vụ xung đột xảy ra giữa người dân và xáng cát như ở cồn Bần Chát (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)...

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, chánh văn phòng Phòng công tác biến đổi khí hậu (UBND TP Cần Thơ), nhận định: “Các cồn đang bị nước dâng cao gây ngập hơn mọi năm. Có nhiều nguyên nhân làm mực nước dâng: nước biển dâng do biến đổi khí hậu; mưa ở thượng nguồn nhiều cùng với việc có nhiều hồ, kênh mương nội đồng trữ nước lại tạo nguồn nước dồi dào; việc sử dụng nước ngầm nhiều gây sụt lún, nền đất thấp hơn”.

Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, việc khai thác cát vượt mức giới hạn cho phép làm lệch dòng chảy, mặt cắt lòng sông thay đổi dẫn đến sạt lở nghiêm trọng. 

Thường các xáng cát chỉ được cấp phép ở vị trí lòng sông sâu, nhưng họ vẫn áp sát mé bờ vì nơi đó cạn, dễ hút cát và nhẹ chi phí phương tiện, đồng thời khai thác theo kiểu tận thu. Nếu tình trạng này kéo dài, trong tương lai các cồn nổi trên sông bị xóa sổ là rất có thể xảy ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận