Cổ phần hóa DNNN: công bố chậm, giảm sức hấp dẫn

LÊ THANH - C.V.KÌNH 25/02/2014 23:02 GMT+7

TTCT - Cổ phần hóa gần 500 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ là bước chuyển quan trọng của nền kinh tế, giúp tăng hiệu quả, minh bạch.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), đề nghị cần công khai hơn, vì thực tế các nhà đầu tư vẫn... không biết doanh nghiệp nào sẽ được cổ phần hóa (CPH).

Tổng công ty Lương thực miền Bắc, một trong những tổng công ty lớn được cổ phần hóa thu hút sự chú ý của nhà đầu tư - Ảnh: Việt Dũng

Ông Hải nói:

- Hiện các nhà đầu tư tài chính và một số quỹ đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến quá trình CPH 432 DN được công bố tại hội nghị Tái cơ cấu DNNN ngày 18-2 của Chính phủ. Thế nhưng, thông tin hiện nay còn rất hạn chế, không có báo cáo tài chính, thậm chí danh sách các doanh nghiệp sẽ được CPH còn chưa có.

Quyết liệt nhưng chưa đủ...

* CPH 432 DNNN chỉ trong hai năm, theo ông, có khả thi? Cần làm gì để “lịch sử” CPH chậm mấy năm qua không lặp lại?

Hiện có nhiều nhà đầu tư lớn, quỹ lớn đề nghị VAFI cung cấp danh sách các doanh nghiệp sẽ CPH trong năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không biết lấy ở đâu.

- Tiến độ CPH trong ba năm qua được xem là rất trì trệ. Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo nếu DNNN chậm CPH thì chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc... sẽ bị cách chức. Như vậy là rất quyết liệt nhưng có lẽ chưa đủ.

Theo tôi, Chính phủ cần giao chỉ tiêu thực hiện CPH cho chính lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Cơ quan nào có doanh nghiệp CPH không đúng tiến độ thì nên quy định rõ hơn nữa cơ chế lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cũng phải chịu trách nhiệm, thậm chí cho thôi giữ vị trí đứng đầu. Bởi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên họ phải có trách nhiệm đôn đốc, tháo gỡ.

* Theo một số doanh nghiệp lớn như Petrolimex đã CPH thì việc bán thêm cổ phần để tăng vốn sẽ không mấy thuận lợi. Theo ông, có phải là nguồn tiền đang gặp khó?

- Không nên đổ hết khó khăn cho thị trường, cho khách quan. Với các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nhà nước đang quản lý giá như xăng dầu, điện... thì có vấn đề giá chưa theo thị trường. Nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải có thay đổi, đề cao hơn nguyên tắc công khai, minh bạch và tôn trọng thị trường, đổi mới quản trị.

Nhiều doanh nghiệp đã CPH nhưng cơ bản không có thay đổi gì, bộ máy vẫn thế, lợi nhuận không cao, chiến lược chung chung... thì nhà đầu tư nản là phải.

Cùng quá trình CPH, doanh nghiệp phải có thay đổi tích cực hơn, cho nhà đầu tư thấy rõ cố gắng tiết giảm chi phí, hạ giá thành, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp khác... Nếu làm được thế thì sức hấp dẫn sẽ cao hơn, thay vì chỉ dựa vào lợi thế thống lĩnh, độc quyền trong quá khứ mà nhiều khả năng sẽ mất trong tương lai.

* Thị trường ngay cả khi dung nạp được lượng cổ phiếu từ 432 doanh nghiệp bán ra, theo ông, cần làm gì để tăng được tối đa nguồn lực thu về, không bị thất thoát?

- Phải công khai, minh bạch. Nguyên tắc đấu giá công khai cần được tôn trọng. Và có đấu giá thì cũng phải công bố thông tin sớm, để tất cả những người quan tâm đều có đủ thời gian tham gia.

10%-20% không giải quyết được vấn đề

“Những tổng công ty trong lĩnh vực như du lịch, lữ hành, khách sạn, thương mại... Nhà nước không nên giữ cổ phần chi phối. Nhà đầu tư không hiểu lĩnh vực đó ảnh hưởng đến an ninh, chính trị thế nào. Nhà nước cứ giữ lại, nhà đầu tư sẽ hiểu có vấn đề lợi ích níu kéo từ các bộ ngành, rồi bộ máy cũ vẫn thắng thế nên sẽ ngần ngại đầu tư”

Ông Nguyễn Hoàng Hải

* Nhưng như ông nói, đến nay rất ít thông tin về việc CPH những doanh nghiệp đã công bố. Liệu có ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của CPH?

- Tôi thấy thông tin về việc CPH 432 DNNN vẫn còn quá ít. Mới chỉ có định hướng của Chính phủ, một vài cái tên. Danh sách cụ thể các doanh nghiệp sẽ CPH trong năm 2014-2015, mức độ cổ phần bán ra... để so sánh, đối chiếu thì lại chưa công bố, nhà đầu tư có muốn quan tâm cũng khó. Hiện có nhiều nhà đầu tư lớn, quỹ lớn đề nghị VAFI cung cấp danh sách các doanh nghiệp sẽ CPH trong năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không biết lấy ở đâu.

Việc CPH, nhất là với DNNN cần thông tin sớm vì nhà đầu tư còn cần thời gian để tìm hiểu, phân tích, đánh giá... chứ không phải thích là mua. Nếu công bố quá chậm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả việc đấu giá, thậm chí là cả mức giá bán cổ phần nhà nước. Nguồn lực thị trường có hạn, không nên “thử thách” thị trường.

* Theo ông, Nhà nước nên công khai sớm trước bao lâu, những nội dung gì?

- Việc công khai nên bắt đầu ngay từ lúc doanh nghiệp có quyết định CPH. Khi CPH, bản cáo bạch, thông tin về doanh nghiệp hiện nay rất nghèo nàn, thường chỉ có mục tiêu, kế hoạch. Chúng ta muốn bán cổ phần nhưng thông tin lại quá ít, nhiều doanh nghiệp kiên quyết không công bố báo cáo tài chính.

Cần yêu cầu doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính 3-4 năm trước thời điểm CPH, để nhà đầu tư còn có tài liệu kêu gọi vốn. Đặc biệt, cần công bố nhà đầu tư chiến lược sớm, tránh bán cổ phần rồi mới công bố mời gọi.

* Ngày 18-2, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát, bổ sung DNNN không giữ 100% vốn, doanh nghiệp cần thoái vốn nhiều hơn nữa. Có chuyên gia nói Nhà nước nên bán hết cổ phần ở những ngành không nhạy cảm để thu được giá tốt nhất. Ông nghĩ sao?

- Tôi đồng tình quan điểm này. Những ngành nghề không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, không nhạy cảm thì Nhà nước nên bán tối đa cổ phần, trao quyền kinh doanh cho xã hội. Những ngành tư nhân có thể làm tốt hơn thì không có lý do gì Nhà nước phải giữ, bởi chức năng của Nhà nước không phải là cạnh tranh với dân trong kinh doanh.

Lý do nữa, muốn thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tốt thì tỉ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ càng ít thì thường giá càng cao. Bởi nhà đầu tư chỉ có thể mua giá cao khi họ có quyền quyết định, hoặc có ý kiến đủ mạnh để doanh nghiệp hiệu quả lên, có “tương lai”. Chứ mua rồi mà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn thế, vẫn theo cách làm cũ thì nhà đầu tư không thật sự tin sẽ tăng hiệu quả, tăng lợi tức...

Đặc biệt, sẽ khó thu hút được đối tác chiến lược là những doanh nghiệp lớn nước ngoài có trình độ khoa học công nghệ cao... bởi với tỉ lệ cổ phần họ được sở hữu thì chỉ có quyền “nghe là chính”. Bằng chứng cho điều này là gần đây, tại nhiều doanh nghiệp mà nhà nước vẫn nắm giữ 50-70%, thậm chí 30% cũng không hấp dẫn nhà đầu tư dù giá cổ phần có rẻ.

* Nhưng nhiều ý kiến nêu thị trường khó khăn, vì vậy chỉ nên bán tỉ lệ hạn chế thôi?

- Thứ nhất, CPH được coi là biện pháp để nâng hiệu quả, thay đổi quản trị. Nên thực hiện CPH phải đủ mạnh để đạt mục đích đó. CPH 10-20% khó thay đổi được bản chất vấn đề.

Thứ hai, đừng lo và lấy lý do thị trường ảm đạm sẽ không bán được giá. Các nhà đầu tư rất đa dạng. Như nhà đầu tư tài chính chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Còn nhà đầu tư chiến lược cùng ngành nghề thì có thể sẵn sàng đầu tư vào cả những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ.

Nhiều DNNN trong diện CPH lần này là doanh nghiệp lớn, nắm giữ lâu năm những ngành, lĩnh vực quan trọng. Vì vậy, nếu CPH thật sự theo hướng “thân thiện” với thị trường, bám sát nhu cầu thị trường... thì nhiều khả năng ta sẽ thu hút được những nhà đầu tư chiến lược tốt, bán được với giá cao.

Ông Trần Bá Hoàn, chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc:

Nên giao ban một quý/lần về cổ phần hóa

Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) có lộ trình đến năm 2015 sẽ CPH xong. Hiện chúng tôi đã có đề án CPH trình Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn.

Theo tôi, chủ trương CPH đã được thống nhất và việc thực hiện sẽ không có vấn đề gì lớn. Vinafood1 dự kiến cuối năm nay sẽ CPH xong. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp có lợi thế nhà xưởng, đất đai... được nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp có rủi ro nên thu hút nhà đầu tư chiến lược không dễ.

Theo tôi, để đẩy nhanh CPH, có thể giao ban theo quý, do Ban đổi mới doanh nghiệp trung ương chủ trì để thường xuyên xem lại tiến độ. Cần phối kết hợp các bộ, ban ngành để thúc đẩy bởi quá trình CPH liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận