Con đường dầu khí trên bộ

DANH ĐỨC 04/01/2004 04:01 GMT+7

TTCN - Có thể thấy trong năm 2003 cuộc tranh chấp con đường dầu hỏa trên biển (vùng Vịnh) cuối cùng cũng đã kết thúc. Giờ đây là cuộc tranh chấp con đường dầu hỏa trên bộ từ Trung Á sang châu Âu không qua lãnh thổ Nga. Tất nhiên, dầu hỏa chỉ là bề nổi vật chất, bên dưới đó chính là thế lực giành được: một khi nắm được đất nước dầu hỏa này trong tay thì có thể khống chế các nước khác.

Vùng Vịnh, Trung Đông đi vào dĩ vãng

Tất nhiên, bất trắc sẽ vẫn còn đó tại Iraq cùng với nguy cơ sa lầy của quân đội Mỹ và liên quân. Song rõ ràng là vùng Vịnh cùng các mỏ dầu khổng lồ nay đã thuộc về Mỹ và các đồng minh của mình.

Việc Nhật Bản nhất quyết gửi quân đến đây, dù là không chiến đấu, cho thấy đây chính là sự chia sẻ trách nhiệm bảo vệ mỏ dầu Iraq. 

Nhìn lại lịch sử vùng Vịnh sẽ thấy từ lâu rồi không còn gì nữa để tranh chấp tại đây. Cả hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 của Tổng thống Bush “bố” và 2003 của Tổng thống Bush “con” chẳng qua chỉ là “chuyện riêng” giữa ông Saddam và các chính phủ liên tiếp của Mỹ (xem hồ sơ: “Chuyện từ 20 năm trước” TTCN): ông Saddam có công thật đấy trong việc ngăn chặn giáo chủ Khomeiny và làn sóng “Hồi giáo nhập thế” từ Iran, song một khi ló mòi “anh chị” đe dọa các mỏ dầu ở các nước lân bang Saudi Arabia, Kuwait... thì “ăn đòn”. 

Thật ra, vùng Vịnh nói riêng và Trung Đông nói chung cùng các mỏ dầu đã thuộc về Mỹ từ sau khi hai cuộc “chiến tranh sáu ngày” năm 1967 và cuộc “chiến tranh Kippour” năm 1973 giữa Israel và liên quân các nước Ả Rập kết thúc với phần thắng áp đảo thuộc về Israel. 

Chính cuộc chiến tranh sau cùng này (chiến tranh Kippour) đã “ấn định tỉ số” cho Mỹ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông với Liên Xô (LX) cũ. 

Ngay từ năm 1956, ngày 29-10, đã nổ ra cuộc chạm trán lần thứ nhất: sau khi Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào Suez, Anh và Pháp đã cùng nhau rủ Israel động binh tấn công Ai Cập.

Lúc đó, Ai Cập mới tuyên cáo độc lập được ba năm (ngày 18-6-1953), vừa tống tiễn thực dân Anh xuống tàu về nước được bốn tháng (ngày 18-6-1956), có ngả qua LX là chuyện đương nhiên trong làn sóng giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa. 

Vào thời điểm đó, Ai Cập cần xây dựng đập nước Assouan để chỉnh dòng chảy của sông Nil nên xin Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Anh (cựu “chủ nhân”), còn nóng mặt vì mất thuộc địa Ai Cập, và Mỹ đâu dễ gì để cho WB trợ giúp Ai Cập. Để trả đũa, tổng thống Ai Cập Nasser ra lệnh quốc hữu hóa kênh đào Suez. 

Quyết định đó được hiểu như là đe dọa con đường dầu hỏa trên biển. Hậu quả là “trận đòn thù” bắt đầu ngày 29-10 sau đó là bởi liên quân Israel - Anh - Pháp, trong đó Israel đóng vai trò “lính xung kích” với ba mũi thiết giáp tấn công chỉ huy bởi tướng độc nhãn Moshe Dayan chiếm kênh đào Suez. Dằn mặt lần thứ nhất: chớ có đụng vào con đường dầu hỏa trên biển! 

Rồi Ai Cập cũng có tiền xây đập Assouan từ đồng vốn vay của LX. Ngày 15-1-1971, con đập lớn nhất thế giới này được khánh thành. Một cú “ghi bàn” của LX sau khi đã “mất mặt” vì cuộc chiến tranh giữa Israel và liên quân Ai Cập - Jordan năm 1967: quân đội các nước này đã không đương đầu nổi Israel và chỉ hôm trước hôm sau Israel đã bắn cháy rụi 800 xe tăng và 400 máy bay Ai Cập, tràn đến tận kênh đào Suez! Dằn mặt lần thứ nhì.

Tại sao trong cuộc chiến tranh năm 1967 Mỹ ra mặt, trong khi trong cuộc chiến tranh năm 1956 Mỹ chưa ra mặt? Khác biệt ở chỗ: vào thời điểm những năm 1950 Mỹ còn đang ngất ngây tự hào vì các nhà máy điện chạy bằng năng lượng hạt nhân của mình, Bộ Năng lượng Mỹ còn đoan chắc rằng nguồn năng lượng hạt nhân thừa sức đáp ứng được phần lớn nhu cầu năng lượng của nước Mỹ (điện thắp sáng, sưởi ấm, chạy máy...), còn lại là xăng xe hơi sẽ do các mỏ dầu ở Texas cung cấp. 

Sang đến thập niên 1960, sau các cuộc chạm trán ở Berlin, Cuba rồi thì VN, Bộ Năng lượng Mỹ mới điều chỉnh lại chính sách theo xu hướng “thắt lưng buộc bụng”: để dành nguồn dầu hỏa Alaska và trên lãnh thổ Mỹ (cho đến tận bây giờ cũng thế), khai thác dầu hỏa Trung Đông thay thế dẫn đến cuộc chiến tranh lạnh bùng nổ tại Trung Đông. 

Trong khi Israel đứng ra làm “lính xung kích” cho Mỹ, các nước Ả Rập, phần do xuất xứ cựu thuộc địa của mình cần dựa vào “đầu tàu” của phong trào giải phóng dân tộc là LX, phần do mối cựu thù truyền kiếp với Israel nên một mặt ngả về phía LX, một mặt liên minh với nhau đối đầu với Israel. 

Thế nhưng, cuộc chiến tranh Kippour năm 1973 đã dẫn đến một thay đổi sâu sắc hơn. Ai Cập, một lần nữa thất trận trước Israel, tổn thất nặng nề và nhiều nhất trong liên quân các nước Ả Rập. Tổng cộng thiệt hại lên đến 250 tỉ franc (khoảng 50 tỉ USD) từ “tiền túi” của mình. 

Ai Cập lại cứ phải hằng năm duy trì một lực lượng quân sự thường trực lên đến 750.000 người, phải chi tiêu đến 20% GDP cho quốc phòng, trong khi Israel có thể suốt đời làm tiền đồn cho Mỹ và lĩnh viện trợ quân sự lẫn kinh tế Mỹ. 

Lãnh đạo Ai Cập lúc bấy giờ là ông Sadate, thay cho ông Nasser (vị tổng thống của thời kỳ mới tuyên cáo độc lập, đã qua đời vào năm 1970) muốn ra khỏi tình trạng xung đột với Israel và (qua đó) với Mỹ. 

Hiệp định hòa bình Ai Cập - Israel năm 1978 ký kết giữa tổng thống Ai Cập Sadate và thủ tướng Israel Begin trước mặt tổng thống Mỹ Carter tại trại David (Mỹ). 

Có thể thấy thật chóng vánh, chỉ năm năm sau cuộc chiến tranh Kippour năm 1973, từ chỗ cắt máu ăn thề “đồng sinh đồng tử” liên quân Ả Rập đã tan rã. 

Cũng từ đó ảnh hưởng của LX (nay là Nga) tại các nước Ả Rập cũng vơi đi và Mỹ càng nắm chặt các giếng dầu Trung Đông. Sau đó là hiệp định hòa bình Jordan - Israel năm 1994. 

Từ đó liên hệ đến tình hình hiện nay càng có thể hiểu tại sao các nước Ả Rập lại “yếu ớt” và thiếu sự đồng thuận đến như thế mỗi khi phải lên tiếng về các vấn đề xung đột Israel - Palestine... 

Có thể thấy vùng Vịnh nói riêng và cả Trung Đông nói chung nay đã đi vào dĩ vãng. 

Cuộc thử nghiệm “để mặc cho cuộc xung đột Israel - Palestine thối rữa” từ ba năm qua kể từ khi ông Bush lên nhậm chức và cuộc chiến Iraq năm ngoái đã cho phép rút ra kết luận là Trung Đông có hòa bình lâu dài hay không cũng chẳng còn là một mối bận tâm đối với Mỹ chừng nào mà: 

1/ LHQ vẫn tiếp tục là một thực thể hữu danh vô thực, ít nhất cũng trong vấn đề chiến tranh / hòa bình giữa các nước 

- 2/ Các nước Ả Rập tiếp tục không còn là một lực lượng hợp nhất trong ý chí và trong hành động để có thể can thiệp vào cuộc xung đột Israel- Palestine hoặc các cuộc xung đột khác 

- 3/ Israel tiếp tục “đóng khung” được các xung đột trên lãnh thổ của mình và trên đất Palestine, không để lan sang Lebanon và Syria 

- 4/ Syria không để các nhóm Hồi giáo vũ trang (kể cả nhóm Hezbollah thỉnh thoảng có bắn tên lửa vào miền bắc Israel) đang tá túc tại đây đụng chạm trực tiếp đến các quyền lợi của Mỹ - 5/ Iran của thời kỳ “hậu giáo chủ Khomeiny” thôi không tiếp tục “xuất khẩu” cách mạng Hồi giáo. 

Tất nhiên, trừ phi Iraq - hậu chiến lại trở thành một vũng lầy như VN trước kia. Song, rõ ràng là đã không còn một tranh chấp ảnh hưởng nào từ phía Nga tại khu vực này như LX trước kia.

Con đường dầu khí trên bộ

Thế nhưng, dầu hỏa Trung Đông mới chỉ là một trong những nguồn cung cấp nhiên liệu của Mỹ, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ không ngừng tăng. Chính vì thế, từ chục năm qua sau khi LX tan rã, Mỹ nhanh chóng nhắm đến các mỏ dầu, khí ở các nước Trung Á trước kia thuộc LX cũ là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Bằng viện trợ kinh tế cho các nước này và cả cho nước Nga dưới trào tổng thống Eltsine, Mỹ đã ve vãn các nước này. Bằng hỗ trợ “dân chủ”, có khi bởi các tổ chức phi chính phủ lớn nhỏ, như kiểu của tỉ phú Soros, Mỹ đã lần lượt “nhào nặn” các định chế chính trị ở đây. 

Sự kiện ngày 11-9-2001 đã đột ngột mở cửa các nước này cho Mỹ nhảy vào trên bình diện quân sự với đề nghị “cùng chống khủng bố”. Tất nhiên, trong các nước cựu LX này vẫn có những tình cảm dân tộc chủ nghĩa, muốn tách rời khỏi ảnh hưởng Nga trong LX ngày nào. 

Những gì đã thấy tại Grudia vào tháng mười một năm ngoái, sự ra đi của tổng thống Chevardnadze trong sự bất lực của ngoại trưởng Nga Ivanov (đến Tbilissi chỉ để nói với ông Chevardnadze rằng quân đội Nga còn đóng trên đất Grudia sẽ không can thiệp cứu ông), cho thấy điều đó. 

Sự kiện Chevardnadze chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình mới: giảm ảnh hưởng Nga, tăng cường ảnh hưởng Mỹ tại khu vực Caucase, biển Caspienne, Trung Á. 

Mẫu số chung của các vùng này là dầu khí. Trước mắt là con đường dầu hỏa trên bộ từ Baku (Azerbaidjan) sang Tbilissi (Grudia) đến Ceyhan  (Thổ Nhĩ Kỳ). 

Đây sẽ là con đường dầu hỏa mới an toàn và “tiết kiệm” cho Mỹ rất nhiều nếu so sánh với con đường dầu hỏa Kirkuk (bắc Iraq) - Banias (Syria) - Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) mà hiện đang còn kẹt ở đoạn Syria vốn đang hậm hực vì chưa được trả cao nguyên Golan bị mất vào tay Israel trong cuộc chiến tranh năm 1967. 

Gọi là “tiết kiệm” do lẽ, như đã thấy qua những đe dọa tấn công Syria ngay sau chiến thắng Iraq, muốn nối đường ống dẫn dầu qua ngả Syria phải lật được Tổng thống Syria Bashar al-Asad, mà điều này sẽ gây tốn hao cả tiền bạc lẫn xương máu binh sĩ Mỹ.

Thế nhưng, dầu hỏa không chỉ là động cơ duy nhất khiến Mỹ nhảy vào “lãnh địa” cũ của  LX khi còn là một khối thống nhất. Nhảy vào được Trung Á chính là cầm chân được Nga, đồng thời nắn chính phủ các nước có gốc rễ Hồi giáo này theo chiều hướng chống khủng bố Hồi giáo. 

Muốn hay không muốn thì Nga cũng đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân và qui ước khổng lồ ngang với Mỹ. 

Trong thập niên trước Mỹ đã chi tốn rất nhiều để “giải thể” kho vũ khí hạt nhân của LX tại một số nước Trung Á thuộc LX cũ, còn kho vũ khí của Nga thì “kính nhi viễn chi”. 

Tại sao với những nước mới chỉ bị tình nghi là có vũ khí hạt nhân như Iraq, Iran, CHDCND Triều Tiên hay Lybia thì bị “làm tới”, còn trước Nga (và Trung Quốc trong một mức độ kém hơn) thì lại được gọi là “đối tác hòa bình”? Chẳng qua do kho vũ khí của Nga quá lớn, làm sao “nuốt” được! Tốt hơn là siết chặt vòng vây. 

Ngày trước, biên giới của NATO về phía Đông là Tây Đức, ngày nay là Ba Lan, về phía Bắc là các nước Baltic, mà hơn chục năm trước đây thôi còn chung chiến tuyến với Nga trong một khối Vacxava ngày nào! Từ hai năm nay là các nước Trung Á cho dù có phải trả một giá nào đó.

Dĩ nhiên là với lá cờ “chống khủng bố”. Chuyên san ngoại giao Foreign Affairs của Mỹ, số tháng 3-4-2002, đã cảnh báo: “Chính quyền  Bush cần sự giúp đỡ của Uzbekistan. Song Washington không được để cho những lợi ích tầm ngắn của cuộc hôn nhân này đem đến cho Uzbekistan một khả năng bành trướng lâu dài, nâng Uzbekistan lên thành một “bá quyền khu vực”, chỉ vì Hoa Kỳ cần có các căn cứ của Uzbekistan và các con đường liên lạc quá cảnh”. 

Không chỉ Uzbekistan mà còn cả Azerbaidjan, và tới đây là Grudia... Cuộc chiến tranh lạnh đã được tuyên  cáo là kết thúc, song không vì thế mà những tranh chấp không còn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận