Cử tri cần ai?

QUỐC THANH - NGUYỄN TRIỀU 26/04/2011 04:04 GMT+7

TTCT - Cơ cấu, thành phần, số lượng người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND khóa VIII (2011-2016) đã được định hình. Vòng vận động bầu cử sắp tới sẽ là bước sát hạch đầu tiên đối với những đại biểu dân cử khóa tới, trước là để thấu hiểu cử tri cần gì ở họ, sau là để mang vào nghị trường tiếng nói của người dân.

Không phải là tất cả nhưng nhiều người nhất trí với ý kiến cho rằng hoạt động của cơ quan dân cử hay các đại biểu của dân đã có đóng góp tạo chuyển biến tích cực trong đời sống dân chủ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt hơn và tạo lòng tin ở cử tri. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không còn những chuyện đáng bàn.

Dân cần ai?

Ông hội đồng Đặng Văn Khoa ở TP.HCM nói rằng vẫn thấy một số hoạt động của cơ quan dân cử hay một số đại biểu còn khoảng cách khá xa so với mong đợi của cử tri và so với công việc đòi hỏi ở mỗi đại biểu. Chính ông nhìn nhận “xét về thời gian dành cho công việc của một đại biểu, bản thân tôi thấy chưa làm tròn trách nhiệm, chưa xứng đáng với những gì cử tri giao phó”.

Một số đại biểu vắng ở các kỳ họp, ít tham gia các cuộc khảo sát, giám sát, kể cả tiếp xúc cử tri... là một thực tế gây thắc mắc không chỉ với cử tri. Ngay cả những người trong cuộc như ông Nguyễn Đăng Nghĩa (đại biểu HĐND TP.HCM) cũng cho biết nhiều cuộc khảo sát, giám sát... mà ông trực tiếp tham gia đã vắng nhiều người đồng nhiệm của mình.

Ở hội trường lớn của Quốc hội cũng đã có những lần số đại biểu bấm nút biểu quyết hao hụt tới con số hàng chục. Đã thấy không ít vị đại biểu khi tiếp xúc cử tri thì buổi có buổi vắng, ra trước nghị trường thì rất “kiệm lời”, thậm chí ngay trong những cuộc họp tổ.

Đi họp vắng, đi giám sát cũng thưa nhặt thì thật khó mà đảm trách tốt từ việc tiếp xúc mật thiết với cử tri đến việc lặn lội đi “mắt thấy tai nghe”, ghi nhận chuyện bức xúc từ thực tế cuộc sống của dân. Nên vẫn ít thấy những vụ việc như ô nhiễm ở kênh Ba Bò, cư dân sinh sống dọc con kênh chứng kiến cảnh các đại biểu của họ như ông Đặng Văn Khoa, Nguyễn Minh Hương, Nguyễn Đăng Nghĩa... lặn lội tận nơi “truy tìm” những nguồn xả thải, tận mắt chứng kiến người dân “sống chung” với ô nhiễm hay âm thầm tìm hiểu phát hiện chuyện kho bãi bị bỏ hoang lãng phí.

Vẫn biết là ngoại trừ nhóm đại biểu chuyên trách, không phải ai trong số đại biểu kiêm nhiệm vốn chiếm số đông cũng đủ quỹ thời gian để theo đuổi cho tròn bằng ấy nhiệm vụ. Nhưng từ những câu chuyện thực như vậy, chuyện phân định quỹ thời gian của những đại biểu nhiệm kỳ tới để làm tròn chức phận dân cử sẽ phải khác.

Tiêu chuẩn của một vị đại biểu dân cử đã được quy định rất chi tiết trong luật. “Cử tri cần những người cháy bỏng, xem công việc đại biểu của mình cũng là công việc chính, chủ yếu trong quỹ thời gian có được. Đồng thời cần coi đây là cái nghề, cái nghiệp” - ông Đặng Văn Khoa đúc kết.

Kỳ sát hạch đầu tiên

Dù được giới thiệu ra ứng cử hay tự ứng cử, các ứng cử viên rồi sẽ đến lúc đứng trước dân để nói về chương trình hành động của mình, cũng là khi hứa những lời hứa đầu tiên. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, từ hơn 1.000 ứng viên, người dân sẽ chọn ra gần 500 đại biểu Quốc hội.

Tỉ lệ “chọi” chỉ 1-1, nhưng thực tế đây gần như là một cuộc thi, trong đó ứng viên phải tự khẳng định mình hội đủ các tiêu chuẩn của một đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, vượt trội hơn những ứng viên khác để cử tri tin tưởng dành cho mình lá phiếu ủng hộ. Ở TP.HCM, hơn 5 triệu cử tri tại 10 đơn vị bầu cử sẽ bầu chọn 30 đại biểu từ danh sách 52 ứng viên. Trung bình mỗi đơn vị bầu cử sẽ có hơn nửa triệu cử tri.

Đòi hỏi đầu tiên của cử tri là ứng cử viên phải đại diện được cho tiếng nói của họ. Nói là “đòi hỏi đầu tiên” bởi thực tế đã cho thấy nhiều ứng viên rớt ngay từ vòng sơ loại vì chưa thể hiện được phẩm chất này.

Sau vòng hiệp thương thứ hai tại TP.HCM vừa qua có đến 22 ứng viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội, hầu hết đều có lý lịch chuyên môn sáng rỡ nhưng nhiều người trong số đó lại không qua được “cửa” tín nhiệm của cử tri nơi cư trú hoặc nơi làm việc. Có ứng viên với năng lực chuyên môn tốt, chuyên làm việc cho những công ty ở nước ngoài nhưng lại rất xa lạ với bà con khu phố nên cử tri không có đủ điều kiện để đánh giá năng lực, phẩm chất và nhất là không tin người ấy có thể đóng góp gì cho khu phố, cho đất nước.

Nhưng áp lực hơn chính là việc mỗi ứng viên thể hiện mình ra sao để đủ sức thuyết phục cử tri giữ lại tên mình trên lá phiếu. Áp lực ấy cũng sẽ kéo dài suốt năm năm của nhiệm kỳ với lời nhắc phải thực thi chức trách của mình như thế nào để xứng đáng là người đại diện của nhân dân trong cơ quan quyền lực cao nhất. Nói cách khác, chính là để niềm tin họ nhận được hôm nay từ hàng triệu người dân không biến thành nỗi thất vọng sau này.

Trong buổi tiếp xúc cử tri cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII vừa rồi, một cử tri quận 1 (TP.HCM) hỏi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vì sao đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không tái cử. Chủ tịch nước chia sẻ: “Tôi hiểu bà con cử tri quý đại biểu ấy vì sự thẳng thắn, có trách nhiệm. Theo tôi, việc một đại biểu tái cử hay không là chuyện bình thường. Tôi tin Quốc hội của chúng ta sẽ có nhiều “ông Thuyết” khác cũng thẳng thắn và có trách nhiệm như thế!”.

Ở nơi này nơi khác, có không ít cử tri bày tỏ sự tiếc nuối vì những đại biểu mẫn cán của nhiệm kỳ vừa rồi không ra tái cử. Điều này một lần nữa cho thấy sự kỳ vọng lớn lao của người dân vào những tiếng nói độc lập, thẳng thắn và sắc bén trong nghị trường. Mỗi ứng cử viên hôm nay và mỗi đại biểu ngày mai phải hiểu và đặt mình trọn vẹn vào sự kỳ vọng đó!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận