Cuộc chiến truyền thông mang tên “đại diện nước ngoài”

TƯỜNG ANH 06/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Chiếc găng tay Washington ném ra thách thức đã được Matxcơva chấp nhận nhập cuộc. Cuộc đấu này là gì?

Nhà phỏng vấn nổi tiếng Hoa kỳ Larry King phụ trách một chương trình trên RT. Liệu ông có bị ảnh hưởng bởi việc RT đăng ký là
Nhà phỏng vấn nổi tiếng Hoa kỳ Larry King phụ trách một chương trình trên RT. Liệu ông có bị ảnh hưởng bởi việc RT đăng ký là "đại diện nước ngoài" theo luật FARA?

 

Ngày 25-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn sửa đổi các điều 10 và 15 của đạo luật liên bang “Về thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin” và điều 6 của đạo luật “Về các phương tiện truyền thông đại chúng”.

Đây là các điều chỉnh luật liên quan đến việc kênh truyền hình quốc tế Nga RT chi nhánh Hoa Kỳ, sau đó là Đài Sputnik phát sóng ở Mỹ bị Washington yêu cầu đăng ký theo Luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA).

Matxcơva không úp mở, gọi hành động này là “biện pháp đối xứng” đáp trả các hành động của Washington đối với RT và Sputnik.

Trước đó, dưới áp lực của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ yêu cầu RT hoặc đăng ký là “đại diện nước ngoài” (foreign agent) hoặc phải chịu trách nhiệm pháp lý, ngày 13-11 RT đã phải đăng ký quy chế này với lời trần tình cay đắng của tổng biên tập Margarita Simonyan trên Twitter:

Giữa một vụ án hình sự và việc đăng ký (là đại diện nước ngoài), chúng tôi phải chọn cái sau. Chúc mừng tự do ngôn luận Mỹ và những ai còn tin vào điều đó!”.

Chủ tịch Đuma Nga Vyacheslav Volodin bình luận khi các điều chỉnh này được hai viện Quốc hội Nga thông qua trước khi trình lên tổng thống:

Chúng tôi đã thông qua một quyết định mà tất cả chúng tôi không thể thờ ơ. Quy chuẩn này vốn không có trong luật chúng tôi, nhưng có trong luật Hoa Kỳ. Chúng tôi nói về một đáp trả đối xứng rằng không thể hành xử như thế với các phương tiện truyền thông của chúng ta”.

Như vậy là chiếc găng tay Washington ném ra thách thức đã được Matxcơva chấp nhận nhập cuộc. Cuộc đấu này là gì?

“Đi mà hỏi người Mỹ ấy”

Việc Hoa Kỳ yêu cầu RT đăng ký quy chế “đại diện nước ngoài” nhằm mục đích gì? Thì đây, quyền trợ lý an ninh quốc gia Dana J. Boente, bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ, giải thích: “Người Mỹ có quyền biết ai đang hành động ở Hoa Kỳ để gây ảnh hưởng lên chính quyền Hoa Kỳ hoặc người dân, thay mặt các chủ nhân nước ngoài của họ”.

Tình hình căng thẳng hiện nay trong quan hệ Nga - Mỹ, khi Nga liên tục bị một số thế lực Hoa Kỳ cáo buộc tác động vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, khiến quan hệ hai nước gần như đóng băng sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, sức ép buộc RT phải đăng ký là “đại diện nước ngoài” cũng xuất phát từ cáo buộc này.

Trang web cánh tả World Socialist (WSWS) giải thích: “Yêu cầu của Bộ Tư pháp để RT đăng ký là “đại diện nước ngoài” nhằm làm mất đi tính cách hợp pháp của những nguồn tin, đe dọa các nhà báo và khách mời của RT, đồng thời tạo tiền lệ để đưa ra những hành động tương tự chống lại các hãng truyền thông ngoại quốc”.

Bình luận vụ việc, báo The Washington Post nhận định hai chiều. Việc buộc RT đăng ký như một đại diện nước ngoài “không cản trở khả năng phát sóng của RT, mà chỉ cung cấp sự minh bạch cho công dân Mỹ...

Cũng giống như người Mỹ có quyền biết những tập đoàn nào đang cố tác động đến luật pháp Mỹ, họ phải được thông tin những cách thức mà các nước đang cố gắng ảnh hưởng đến tiến trình chính trị Mỹ.

Theo một báo cáo gần đây của Hội đồng Đại Tây Dương, việc buộc RT tự thừa nhận mình là công cụ của chính phủ nước ngoài không phải là trấn áp tự do ngôn luận, mà thay vào đó phục vụ Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ bằng cách bổ sung thông tin có thể cho công chúng”. Nhưng mặt khác, The Washington Post cũng viết:

“Những người phê phán động thái buộc RT đăng ký là “đại diện nước ngoài” cho rằng việc này chẳng khác nào tạt gáo nước lạnh vào tự do ngôn luận, khiêu khích hành động trả đũa nhắm vào các nhà báo Mỹ đang làm việc tại Nga.

Nhấn mạnh việc FARA tự cho phép mình loại một số phương tiện truyền thông ra ngoài sự chi phối của luật này, các đại diện RT và Sputnik nhận định họ là những cơ quan báo chí không khác với BBC (được tài trợ từ Chính phủ Anh) hay Deutsche Welle (được Chính phủ Đức tài trợ), nhưng cả hai cơ quan này không bị buộc đăng ký là “đại diện nước ngoài” nên việc nhắm vào RT đã chỉ rõ một cách bất công về một “tiếng nói” không mong muốn...”.

Mặc dù những người ủng hộ Washington tuyên bố bước đi này chỉ nhằm, nói nôm na là, cho người Mỹ biết ai là ai, nhưng khuyến cáo của WSWS không phải là thiếu cơ sở.

Trang này đặt câu hỏi: Liệu những nhà báo Mỹ làm việc cho RT có bị buộc đăng ký như “đại diện nước ngoài”, chẳng hạn nhà phỏng vấn kỳ cựu Larry King, nhà báo đoạt Pulitzer Christ Hedge?

Mà đây chỉ là một vài trong cả danh sách với 2.300 cái tên - được Tổ chức đánh giá những giá trị châu Âu (European Values Think-Tank), trụ sở tại Cộng hòa Czech và do Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng các cơ sở liên kết với quỹ George Soros tài trợ - gọi là “những thằng ngu có ích” cho “nước ngoài thù địch”.

Một số cái tên khác trong danh sách này có thể kể: các nhà báo Julian Assange, Max Blumenthal, Seymour Hersh, Jeremy Scahill, Ed Schultz và Matt Taibbi cũng như các viện sĩ Noam Chomsky, Stephen Cohen cùng các nghệ sĩ Russell Brand và nhà làm phim Oliver Stone...

Vì thế mà trả lời những nhà phê bình khi Matxcơva thông qua các biện pháp đáp trả đối xứng, thành viên Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga) Andrey Klimov đã mát mẻ: “Ai không thích các biện pháp đáp trả này thì đi mà hỏi người Mỹ ấy!”.

Google và Facebook sẽ giúp “nhắc nhở”

Có một sự trùng hợp là khái niệm “agent” trong tiếng Anh lẫn tiếng Nga đều có hai nghĩa: vừa là điệp viên cũng vừa có nghĩa là đại diện, đại lý, ủy quyền của tổ chức nào đó. Và có lẽ sẽ không có gì để bàn vì “bánh ít đi, bánh quy lại” là chuyện thường tình trong chính trị thế giới.

Nhưng điều nhắc nhở người ta từ cuộc chiến truyền thông này là sự trở lại của kiểm duyệt trong một hình thái khác. Đầu tháng 11 này, Google đã loại RT ra khỏi danh sách các kênh “ưu tiên” trên YouTube, trong khi Twitter chặn tất cả quảng cáo của kênh này.

Thêm vào đó, Google đã có những thay đổi sâu rộng đối với công cụ tìm kiếm và dịch vụ tin tức, giảm đáng kể lưu lượng truy cập các website cánh tả, chống chiến tranh, trong đó có WSWS mà lưu lượng tìm kiếm đã giảm 74% kể từ tháng 4.

Hay Truthout - website tin tức phi lợi nhuận tập trung vào các diễn tiến chính trị, xã hội, sinh thái từ quan điểm tiến bộ cánh tả - cũng bị giảm 35% độc giả kể từ tháng 4.

Hoặc RealNews, kênh tin tức video và tư liệu, giảm 37% cùng kỳ. Ngày 22-11, Eric Schmidt, chủ tịch điều hành của công ty mẹ Google là Alphabet, đã xác nhận công ty Internet lớn nhất thế giới này đang hợp tác chặt chẽ với nhà nước nhằm chi phối kết quả tìm kiếm để kiểm duyệt các trang web phê bình Chính phủ Hoa Kỳ.

Gần đây hơn, theo Huffington Post, Facebook chẳng bao lâu nữa sẽ tung ra một công cụ giúp người dùng biết họ đã “like” hay “follow” bất cứ một nội dung mà trang xã hội này cho là “tuyên truyền của Nga”.

Công cụ này sẽ tiết lộ cho người dùng biết họ có tương tác với các tài khoản Facebook hay Instagram, được điều hành bởi Cơ quan nghiên cứu Internet, một công ty có trụ sở ở St. Petersburg và được tin là do Kremlin sử dụng để lan truyền các thông điệp chính trị suốt mùa bầu cử Mỹ vừa qua.

Những tiết lộ này cho thấy những người khổng lồ công nghệ tới đây sẽ cùng nhà nước tham gia việc quyết định những nội dung nào người dùng cần đọc và lọc “giúp” họ những thông tin tuyên truyền.

Vấn đề đặt ra ở đây - như nhà báo Alexandra Ellerbeck, điều phối viên chương trình Bắc Mỹ của Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ), nói - có hai việc: thứ nhất, do FARA thông qua đã rất lâu nên ngay cả CPJ cũng chưa thể tiên liệu những diễn tiến sắp tới của quy chế “đại diện nước ngoài” sẽ đưa báo chí đi về đâu; và thứ hai, chính quyền giờ đây đang quyết định “thông tin nào là báo chí, thông tin nào là tuyên truyền” thay cho chính người dùng.

Cuộc chiến truyền thông đang tiếp diễn. Một số nạn nhân của bước đi đối xứng Matxcơva, được RIA Novosti dẫn lời phó chủ tịch thứ nhất của phái “Nước Nga thống nhất” trong Đuma Nga Anfery Isayev giả định, là Đài châu Âu tự do, Hãng truyền thông quốc tế Đức Deutsche Welle, Đài tiếng nói Hoa Kỳ và CNN. Giống Alexandra Ellerbeck của CPJ, người ta không khỏi tự hỏi cuộc chiến này sẽ đi về đâu, nhưng điều có thể thấy trước: người chịu thiệt sẽ là độc giả!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận