Cuộc đua khoáng sản cho năng lượng xanh

H. MINH 09/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Sau cú sốc giá dầu mới nhất, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh trên quy mô toàn cầu trong tương lai khá gần có vẻ là không tránh khỏi. Một hệ quả tất yếu là vai trò mới của các loại khoáng sản phục vụ cho cuộc chuyển đổi.

Giữa tháng 2 vừa rồi, trước khi chiến sự Ukraine bùng nổ, nước Nga đang bước vào một thời kỳ tăng tốc khai khoáng. Tỉ phú Alisher Usmanov đầu tự mạnh vào mỏ đồng Udokan ở Siberia, nơi cần phải san bằng cả một ngọn núi. 

Ở bình nguyên Bắc Cực, Công ty khai khoáng Kaz Minerals đã huy động đủ tiền mặt để khởi công Baimskaya - một mỏ đồng khác xa xôi tới mức cần một hải cảng, tàu phá băng và nhà máy điện hạt nhân nổi phục vụ riêng cho nó! 

Các dự án này đã trì hoãn nhiều năm vì chi phí quá lớn, nhưng do kỳ vọng về giá đồng trong tương lai - đồng được sử dụng cho mọi thứ từ lưới điện tới các turbine - khiến giá hiện tại tăng mạnh, các khu mỏ ở Nga giờ đã khả thi về mặt kinh tế.

 
 Mỏ đồng khổng lồ Udokan ở Siberia. Ảnh: AFP

Hiện các mỏ này đang gặp khó khăn do những lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan tới cuộc chiến mà Nga phát động tại Ukraine, nhưng giá đồng vẫn đang lập những đỉnh mới. Theo trang Macrotrends, giá đồng ngày 25-3 cán mốc 4,70 USD/pound, gấp 3 lần so với mức 1,53 USD/pound năm 2009.

Sự chuyển đổi cấp tập

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo năng lượng gió và mặt trời có thể chiếm 70% tổng sản lượng điện toàn cầu vào năm 2050, so với chỉ 9% năm 2020, nếu thế giới thực sự muốn đạt mức trung hòa carbon vào giữa thế kỷ. 

Điều đó đồng nghĩa nhu cầu với nhiều kim loại thương phẩm, như cobalt, đồng và nickel, sẽ tăng mạnh. Các kim loại này có mặt trong gần như mọi sản phẩm công nghệ năng lượng tái tạo của chúng ta hiện nay. IEA ước tính thị phần này sẽ tăng gấp 7 lần từ giờ tới năm 2030.

Cũng giống như nhiên liệu hóa thạch, sự chuyển đổi sắp tới sẽ là cấp tập. Sau Thế chiến II, từ 1940 tới 1970, tỉ lệ hydrocarbon (dầu mỏ và khí đốt) trong nguồn cung năng lượng ở các nước giàu tăng vọt từ 26% lên gần 70%, nhanh chóng thay thế thứ chất đốt là vua trước thế chiến: than đá. 

Những nền kinh tế một thời từng cằn cỗi của Trung Đông nhanh chóng chuyển mình thành các đại gia dầu mỏ. Từ 1970 tới 1980, GDP đầu người của Qatar và Saudi Arabia tăng lần lượt 12 và 18 lần.

Tìm hiểu và cố gắng dự báo các tác động này, báo Anh The Economist đã xây dựng một kịch bản đơn giản về việc sử dụng những hàng hóa thương phẩm liên quan tới năng lượng vào năm 2040, với giả thiết là sự ấm lên toàn cầu sẽ ở mức dưới 2°C vào năm 2100. 

Gói hàng hóa họ chọn gồm 3 loại nhiên liệu hóa thạch (dầu, khí đốt, than đá) và 7 thứ kim loại (nhôm, cobalt, đồng, lithium, nickel, bạc và kẽm) vốn có vai trò thiết yếu trong việc xây dựng nền kinh tế điện.

Theo đó, họ dự báo thế giới sẽ ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu vào năm 2040, do việc chuyển đổi sang điện gió và điện mặt trời. 

Tổng chi tiêu cho gói 10 loại hàng hóa kể trên sẽ giảm từ 5,8% GDP toàn cầu vào năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2040. Chi cho nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm một nửa, trong khi chi cho các “kim loại xanh” sẽ tăng gấp 3 lần về giá trị tuyệt đối.

Câu hỏi là những nước nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi này?

Kẻ được người mất

Theo The Economist, có thể chia các nước xuất khẩu khoáng sản vào ba nhóm. Nhóm một là những nước thắng cuộc, mà họ gọi là các “siêu cường xanh”. 

Úc chẳng hạn, có trữ lượng lớn cả 7 thứ quặng kim loại nói trên. Chile là nơi có 42% lithium và 1/4 đồng của thế giới. Congo có 46% trữ lượng cobalt toàn cầu (và hiện chiếm 70% sản lượng). Trung Quốc có nguồn nhôm, đồng và lithium lớn. Indonesia sở hữu nhiều núi nickel. Peru chiếm 1/4 trữ lượng bạc thế giới…

Nhóm thứ hai là các nước mà thu nhập từ tài nguyên sẽ không thay đổi nhiều, hoặc giảm một chút, bao gồm nhiều nước thuộc OPEC - Iran, Iraq và Saudi Arabia chẳng hạn - và Nga. Các nước khác như Mỹ, Brazil và Canada mất thu nhập từ năng lượng hóa thạch, nhưng bù đắp được bằng các mỏ khoáng sản lớn.

Nhóm mất nhiều nhất là các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Bắc Phi (Algeria, Ai Cập), hạ Sahara (Angola, Nigeria), châu Âu (Anh, Na Uy) và vùng Vịnh (Bahrain, Qatar).

Một số sự thay đổi đang diễn ra rồi. Hãng khai thác mỏ Anglo American dự kiến sẽ tăng sản lượng đồng thêm 50 - 60% tới năm 2030. 

Ở Kolwezi, một đô thị thuộc “vành đai cobalt” của Congo, những đứa trẻ bản xứ chào mọi dân nước ngoài bằng cách hét vang “nỉ hảo”. 

Nhiều công ty Trung Quốc đã thâu tóm những khu mỏ lớn nhất ở đây. Công ty xe điện hàng đầu thế giới Tesla thì đã sớm ký hợp đồng mua trước sản lượng tương lai ở các mỏ nickel tại Úc, Minnesota (Mỹ) và New Caledonia.

Cứ như thế, để hướng tới năng lượng xanh và tránh một thảm họa khí hậu, nếu không phải đào thứ này lên từ lòng đất thì ta vẫn sẽ phải đào thứ khác, hay như lời cựu bộ trưởng năng lượng Chile Juan Carlos Jobet: “Nếu chúng ta ngừng đào mỏ, chúng ta sẽ không thể cắt giảm khí thải”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận