Cuộc sàng lọc nghiêm khắc

NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN 25/08/2012 22:08 GMT+7

TTCT - Phía sau những rắc rối về chỉ tiêu tuyển sinh vào Trường ĐH Y dược TP.HCM và những lùng bùng “đào tạo theo hợp đồng”... là sức ép “hạ điểm tuyển thêm” của nhiều bậc cha mẹ, khiến Bộ GD-ĐT phải can thiệp.

Tuyển sinh và đào tạo cho ngành học đặc biệt này ở VN còn rất nhiều điều cần bàn, nhưng ít nhất cũng không được rời xa nguyên tắc số một của nó, giống như ở bất cứ quốc gia nào, là sàng lọc vô cùng nghiêm khắc để có những thầy thuốc có nghề và có tâm.

Phóng to
Sinh viên y năm 2011 Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (tp.hcm) thực hành tại khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học - Ảnh: Như Hùng

Lãnh đạo ngành y tế cũng như nhiều chuyên gia đầu ngành y lúc nào cũng cho rằng kỹ thuật và tay nghề điều trị của các thầy thuốc VN không thua gì thế giới. Điều đó chỉ đúng trong một số trường hợp chứ không thể bao quát cho toàn ngành y VN. Và rõ ràng điều chúng ta đang rất cần là một chất lượng dịch vụ đồng bộ ở các tuyến và các liên ngành. Nhưng cứ nhìn xuyên qua các vấn nạn của ngành y tế vừa qua, rõ ràng năng lực chuyên môn của các thầy thuốc VN có rất nhiều bất ổn.

Những điều kiện “cần” và “đủ”

Có thể lập luận rằng các trường y của VN luôn tuyển sinh đầu vào với điểm số cao, đến độ như kỳ tuyển sinh năm nay thí sinh đạt 25 điểm vẫn không có cơ may vào học thì đầu ra ắt phải có chất lượng. Câu trả lời là còn tùy thuộc vào phương thức tuyển chọn và cách đào tạo. Thí sinh có trình độ học vấn cao mới là điều kiện cần để tiếp thu tốt khối lượng kiến thức khổng lồ và “khó nhằn” của ngành y, họ còn cần đến rất nhiều “điều kiện đủ” để có thể thật sự trở thành thầy thuốc.

Bất luận nơi nào trên thế giới, nền y khoa có một vị trí rất đặc biệt trong xã hội do liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Thầy thuốc mang một trọng trách rất lớn là chịu trách nhiệm trước sinh mạng mà bệnh nhân giao phó. Chỉ một quyết định sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả và sự trả giá rất đắt không chỉ trên tính mạng của bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến gia đình họ, tạo thêm gánh nặng cho xã hội và trên chính sự nghiệp của thầy thuốc đó.

Để được như vậy, ta cần một bác sĩ có đầy đủ năng lực về chuyên môn, đủ đức độ, đủ khả năng xử lý tình huống về mặt chuyên môn và xã hội. Và để có được một thầy thuốc có năng lực thì cần phải có con người có tư chất của người làm nghề thầy thuốc và hệ thống đào tạo y khoa chuẩn mực.

Nói đến y khoa và đào tạo y khoa ngày nay là nói đến y học hiện đại hay chúng ta vẫn gọi là “Tây y” để phân biệt với một nền y học cổ truyền vốn lưu hành trong dân gian từ lâu đời. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của y học dân gian trong việc cứu chữa bệnh cho người dân cho đến khi chúng ta tiếp cận được với nền y học hiện đại, bắt đầu dưới thời thuộc Pháp. Nhưng rõ ràng nền y học hiện đại đã nhanh chóng đóng vai trò chính yếu trong việc phòng chữa bệnh cho con người trên toàn thế giới, mà VN không là ngoại lệ.

Đào tạo và thực hành y khoa hiện đại ở VN khó có thể tách rời, nói cách khác là khó có thể tự tạo cho mình một hướng đi riêng với nền y học hiện đại của phương Tây vì ta chưa hề có triết lý và nền tảng của y học hiện đại, mà vẫn chỉ là người đi học lại.

Họ đã đào tạo thế nào?

Cho nên để có thể làm thay đổi cục diện nền y tế và thực hành chữa bệnh ở VN mà đào tạo sắm một vai trò cốt tử, cũng nên biết thêm việc đào tạo và đào tạo liên tục y khoa ở phương Tây. Lấy trường hợp nước Úc - nơi có một nền y khoa được xếp vào loại hiện đại tân tiến trên thế giới - làm thí dụ.

Ở Úc không có thi tuyển đại học, thí sinh chỉ ghi danh và chờ tuyển, trừ ngành y khoa (bao gồm cả nha và dược). Đào tạo y khoa ở Úc có hai dạng. Thứ nhất là đào tạo hệ liên tục sáu năm, tuyển từ năm thứ nhất sau khi tốt nghiệp tú tài (hay THPT ở VN) - loại hình này là phổ biến. Dạng thứ hai là đào tạo bác sĩ y khoa như một hệ sau đại học, thí sinh muốn vào học dạng này cần phải có một bằng cử nhân trước. Nhưng ở bất cứ dạng nào, thí sinh ứng tuyển vào các đại học y khoa ở Úc không chỉ là những học sinh xuất sắc, nếu không nói là xuất chúng của Úc về học lực, mà còn phải trải qua kỳ thi tuyển và phỏng vấn.

Đối với loại hình đào tạo thứ nhất, vòng loại đầu tiên là điểm tú tài. Điểm tú tài lấy vào y khoa cao hay thấp tùy thuộc vào uy tín của mỗi trường. Các trường danh giá (như University of Melbourne, University of Sydney, The University of New South Wales) thì điểm vào sẽ cao hơn. Ở Úc, điểm tú tài cao nhất là thang điểm 100. Để có thể vào được y khoa ở các trường có tiếng thì điểm tú tài phải đạt tối thiểu 99,8 trở lên, có nghĩa là gần như tuyệt đối.

Ngoài ra, thí sinh còn phải đỗ kỳ thi tuyển gọi là UMAT (The Undergraduate Medicine and Health Science Admission Test). Kỳ thi UMAT không liên quan đến kiến thức môn học cụ thể mà đánh giá kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng xã hội của thí sinh, bao gồm ba phần: giải quyết vấn đề và giải pháp hợp lý, hiểu biết mọi người xung quanh và giải quyết tình huống không sử dụng ngôn ngữ (như dạng IQ test). Đối với loại hình đào tạo thứ hai, ngoài điểm tốt nghiệp của bằng cử nhân phải đạt xuất sắc, thí sinh dạng này cần phải trải qua một kỳ thi tuyển gọi là GAMSAT (The Graduate Australian Medical School Admission Test) bao gồm các môn sinh và hóa học, vật lý và tiếng Anh.

Qua hai vòng loại đó, thí sinh nào đủ tiêu chuẩn mới được mời phỏng vấn. Qua cuộc phỏng vấn, thí sinh phải chứng tỏ rằng việc lựa chọn ngành y là đúng đắn cũng như ngành y là “để cho mình”. Thường là từ năm học lớp 10, học sinh có hai tuần đi thực tập hướng nghiệp. Học sinh dự định vào y khoa thì đăng ký đến các bệnh viện. Sau hai tuần trải nghiệm, học sinh sẽ quyết định mình có thật sự muốn đeo đuổi nghề nữa hay không mà từ đó vạch ra chiến lược thi tú tài cho mình. Ngoài ra, thí sinh cũng phải trả lời các câu hỏi ứng xử tình huống. Nói tóm lại, thí sinh ứng thí vào ngành y phải chứng tỏ rằng mình là một người có tiềm năng trở thành một bác sĩ có tài và đức độ.

Số lượng sinh viên y khoa tuyển vào hằng năm tùy thuộc nhiều yếu tố, quan trọng nhất là do nguồn lực đào tạo. Điều này là một rào cản rất lớn đối với một số thí sinh hoàn toàn có khả năng mà không vô được y khoa. Nguồn lực thứ nhất cần có là cơ sở đào tạo trong trường đại học và cơ sở đào tạo liên tục cho đầu ra. Các trường y khoa ở Úc phải gắn liền với một cơ sở bệnh viện có khả năng đào tạo, gọi là bệnh viện giảng dạy.

Một trường y khoa có thể liên kết với một hay nhiều bệnh viện giảng dạy - những nơi phải có đủ điều kiện đào tạo được Bộ Y tế công nhận. Với sự liên kết đó, bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm về các môn lâm sàng và thực hành lâm sàng cho sinh viên. Nguồn lực thứ hai là ngân sách đào tạo của chính phủ dành cho ngành. Số lượng đầu vào của sinh viên y khoa bị khống chế bởi hai nguồn lực đó. Chính vì vậy mà ở Úc, mặc dù nhu cầu bác sĩ cao nhưng cũng không thể thu nạp đủ số lượng sinh viên y khoa.

Thời lượng và số lượng kiến thức phải tiêu tốn của sinh viên y khoa quả là “cơn ác mộng” đối với bất kỳ sinh viên nào ngoài ngành y. Ngoài một số lượng kiến thức khổng lồ phải hoàn tất, thời lượng học bắt buộc trong một ngày đối với sinh viên y khoa rất đáng kể. Ngoài việc đến lớp nghe giảng lý thuyết, làm bài tập, học nhóm, làm đề án, sinh viên phải đi thực tập ở các phòng thí nghiệm đối với các môn hỗ trợ, phải đến phòng mô hình hoặc bệnh viện để thực tập các môn liên quan đến bệnh lý và lâm sàng. Họ còn phải tham gia trực đêm mà không hề được nghỉ bù vào hôm sau như thầy thuốc.

Như vậy, một sinh viên y khoa ngoài sự ưu tú về mặt kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội cần có một thể lực bền bỉ và dồi dào để vượt qua cuộc thử thách dài hạn đó. Chỉ khi kiên định gìn giữ, theo đuổi thực hiện những tiêu chí và đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt như thế, cả người dạy và người học mới có thể nói đến một tương lai khác cho ngành y VN.

Liệu có tình trạng ưu tiên cho một số thí sinh nào đó vào ngành y khoa ở Úc không? Câu trả lời là có. Các học sinh phổ thông đến từ miền sâu miền xa được ưu tiên điểm đầu vào thấp hơn. Điều đó không có nghĩa là học lực họ thấp, nhưng đó là hệ số ưu tiên, vì một trường ở miền xa điều kiện thiếu thốn mà thí sinh ấy có thể đạt được 95 hoặc 96 điểm thì cũng ngang với học sinh ở thành phố đạt 99,8 hay hơn trong kỳ thi tú tài. Nhưng thí sinh chỉ được ưu tiên ở vòng sơ loại.

Vậy có khi nào đạt 99,5 điểm mà vẫn không qua được vòng sơ loại y khoa hay không? Câu trả lời là có. Vì điểm lấy của trường cao hơn điểm của thí sinh. Trước khi thi tú tài, học sinh cuối cấp 3 đã phải ghi tên ứng thí vào ngành mình yêu thích ở các trường đại học, dựa trên việc cân nhắc kỹ lưỡng học lực của mình mà đăng ký thứ tự ưu tiên vào các trường.

Thí sinh cần phải tham khảo điểm vào y khoa các năm trước ở trường đó, đối chiếu với học lực của mình. Nhiều thí sinh cũng “trượt đau” chỉ vì thiếu 0,5 hoặc thậm chí 0,05 điểm vẫn không vô được vòng loại, trong khi các bạn khác điểm thấp hơn nhưng có thể đậu vào y khoa của trường khác do điểm lấy thấp hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận