“Cuộc thử nghiệm Thụy Điển”<> đã chấm dứt?

YÊN LAM 14/12/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Cách Thụy Điển đương đầu với đại dịch COVID-19 được mô tả như một cuộc thử nghiệm với cách làm “không giống ai”. Giữa đợt dịch vào mùa xuân 2020 và làn sóng thứ hai trong mùa đông này có gì khác mà Wall Street Journal (WSJ) hôm 7-12 phải giật tít: “Thụy Điển dừng cuộc thử nghiệm COVID-19”?

Thùng rác được dán thông điệp "Hiểm nguy vẫn chưa qua - Hãy giữ khoảng cách" trên đường ở TP Uppsala (Thụy Điển). Ảnh: Reuters

“Cuộc thử nghiệm COVID-19 của Thụy Điển đã kết thúc”, tờ báo Mỹ mở đầu bài viết, và phân tích: “Sau khi số ca nhiễm tăng mạnh vào cuối thu làm tăng số người nhập viện và tử vong, chính phủ đã ngưng nỗ lực chống dịch thông qua các biện pháp tự nguyện, vốn là độc nhất trong các quốc gia phương Tây”.

Trước đó, ngày 1-12, ban biên tập tờ The Washington Post ký tên dưới một bài viết trong mục Quan điểm tòa soạn với cái tít vỗ mặt: “Cuộc thử nghiệm chống phong tỏa của Thụy Điển đã thất bại. Giờ thì nước này đối mặt với một làn sóng đau đớn”. Bài viết cho rằng có nhiều bài học quan trọng rút ra được từ cách Thụy Điển đối phó với COVID-19, trong đó có “Đừng thử nếu muốn giữ mạng sống [của dân]”.

The Washington Post cho rằng cách làm của Thụy Điển, dưới sự dẫn dắt của nhà dịch tễ học đứng đầu cả nước Anders Tegnell, thoạt tiên rất hấp dẫn với các nước vì nó có vẻ như là một giải pháp thay thế phong tỏa vừa dễ làm hơn vừa giúp giảm được thiệt hại kinh tế và xã hội từ việc đóng cửa. Nhưng “làn sóng đau đớn” đổ ập lên Thụy Điển cùng với làn sóng dịch bệnh thứ 2 đã chứng minh điều ngược lại.

Cách làm từ đầu mùa dịch của Thụy Điển là không phong tỏa toàn quốc, không bắt buộc đeo khẩu trang (ngoại trừ trong bệnh viện), không đóng cửa trường học, cửa hiệu, nhà hàng, quán bar mà chỉ yêu cầu thay vì ra lệnh người dân tự nguyện tuân thủ các khuyến nghị về giữ vệ sinh và giãn cách xã hội.

Thế nhưng, cũng như những người láng giềng châu Âu khác, dân Thụy Điển bước vào mùa đông với nhiều lệnh giới hạn, từ cấm tụ tập đông người đến đóng cửa trường học, tất cả nhằm ngăn hệ thống y tế quá tải với bệnh nhân COVID-19. Tính đến ngày 7-12, quốc gia 10,2 triệu dân này ghi nhận 278.912 ca nhiễm và 7.067 ca tử vong liên quan đến COVID-19.

WSJ xem các biện pháp mới của Thụy Điển, áp dụng từ cuối tháng 11, “là dấu chấm hết cho cách tiếp cận kiểu “thả tay”, vốn đã giúp quốc gia Bắc Âu trở thành ví dụ điển hình trong cuộc tranh luận toàn cầu về việc nên ủng hộ hay chống việc áp dụng phong tỏa trong đại dịch”.

Những người ủng hộ “cách làm Thụy Điển” cho rằng làm thế sẽ có lợi cho nền kinh tế và tôn trọng các quyền tự do cơ bản của công dân, trong khi phe phản đối gọi thế là đánh cược trên mạng người. “Với sự thay đổi chiến thuật, Chính phủ Thụy Điển giờ đã về phe với những người ủng hộ giải pháp rằng ít nhất cũng phải có một vài giới hạn bắt buộc [thay vì tự nguyện]” - WSJ bình luận.

Những hành động “đổi chiến thuật” cụ thể là việc Thủ tướng Stefan Löfven yêu cầu trường cấp 3 phải chuyển sang học từ xa từ ngày 7-12 đến hết học kỳ hiện tại. “Điều này đang được thực thi để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh” - ông Löfven tuyên bố.

Mệnh lệnh này nối tiếp những thay đổi - theo chiều hướng nghiêm ngặt hơn - đã có trước đó: dân Thụy Điển không được tập trung thành nhóm quá 8 người (giới hạn trước đó là 50 người hoặc 300 người với một số sự kiện văn hóa, thể thao); quán bar và nhà hàng không được bán rượu sau 10h. Các quy định mới có hiệu lực từ cuối tháng 11-2020 đến cuối tháng 2-2021.

Thụy Điển trước giờ luôn phủ nhận các biện pháp thả lỏng là nhằm tạo miễn dịch cộng đồng; Stockholm khẳng định rằng chiến thuật chỉ nhằm làm chậm đà lây lan của virus để không làm quá tải hệ thống y tế. Trong tuần đầu tháng 12, hơn 460 trên tổng số 666 giường chăm sóc tích cực (ICU) với máy thở ở Thụy Điển có bệnh nhân nằm, trong đó có 237 nguời mắc COVID-19. Đây là lần đầu tiên kể từ mùa xuân, lượng bệnh nhân COVID-19 chiếm hơn 50% số giường ICU, theo trang The Local của Thụy Điển.

Nhưng như thế vẫn không buộc Thụy Điển chọn giải pháp phong tỏa. Như chính Thủ tướng Löfven tuyên bố chính phủ của ông “vẫn không tin vào việc phong tỏa toàn quốc”, và tin rằng “những biện pháp chúng tôi đã áp dụng… là đúng đắn”.

Ông Löfven cũng nói rõ lý do phải mạnh tay hơn trong làn sóng thứ hai: sự tự giác tuân thủ các khuyến nghị của người dân đã không còn sát sao như đợt dịch vào mùa xuân, vì thế số người tối đa được phép tụ tập phải giảm còn 8. “Đây là sự bình thường mới cho toàn xã hội. Đừng đến phòng gym, đi thư viện, tổ chức tiệc tối. Hãy hủy hết đi” - ông tuyên bố trong cuộc họp báo vào ngày 16-11, theo tường thuật của Reuters.

Như thế, nói thử nghiệm chấm dứt có vẻ không thật sự chính xác. Thụy Điển không quay 180 độ so với hướng đi ban đầu, mà chỉ điều chỉnh các biện pháp tương ứng với diễn biến mới. Thực tế, trong đợt dịch vào mùa xuân, hình thức học từ xa cũng đã áp dụng cho học sinh cấp 3 và đại học chứ không phải mới lần đầu được đưa ra vào mùa đông này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận