Đã đam mê, không sợ trả giá

LÊ NGUYÊN MINH THỰC HIỆN 26/01/2014 03:01 GMT+7

TTCT - 2013 là năm bước ngoặt của Trần Hương Lan: nhận bằng tiến sĩ ở Pháp (đề tài tìm quark nặng sử dụng dữ liệu ghi nhận từ máy dò ATLAS tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu - CERN) hồi tháng 10, chỉ vài ngày sau cô được học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ của Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Đức DESY.

Ở tuổi 26, Hương Lan là một trong những nhà khoa học trẻ hiếm hoi của Việt Nam theo đuổi lĩnh vực khó này.

TS Trần Hương Lan dành rất nhiều thời gian để đọc sách và nghiên cứu tài liệu - © Samah Khalek

Để cho tư duy bay bổng

* Chúc mừng Hương Lan bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với một đề tài đang được cộng đồng học thuật quan tâm. Chắc phải có một lý do nào đó cho sự lựa chọn này?

- Đề tài luận án tiến sĩ của tôi là tìm quark nặng sử dụng dữ liệu ghi nhận từ máy dò ATLAS. Xin nói một chút về chuyên ngành này: đây là lĩnh vực nghiên cứu về các hạt cơ bản (những hạt mà cấu trúc bên trong chưa được biết đến) cấu thành nên vật chất và tương tác giữa chúng. Hãy hình dung nguyên tử đơn giản nhất là nguyên tử hydro, bao gồm một electron quay xung quanh hạt nhân.

Trần Hương Lan sinh năm 1987 ở Thanh Hóa, học vật lý ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Hè năm 2006, khi vừa học xong năm thứ nhất đại học, Hương Lan tham gia nhóm trợ lý thư ký cho hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần 6, được giáo sư François Le Diberder nhận hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Tốt nghiệp đại học năm 2009, Lan học thạc sĩ tại Đại học Paris 11 (Pháp) nhờ hai học bổng bán phần: một của ĐH Paris 11 và một của chương trình Gặp gỡ VN, rồi học và tốt nghiệp tiến sĩ (2010-2013) tại Đại học Paris 7.

Hạt nhân của nguyên tử có duy nhất một proton. Proton có cấu trúc bên trong bao gồm các hạt quark. Cấu trúc thành phần của electron cũng như quark chưa được biết đến nên chúng được xếp vào danh sách các hạt cơ bản. Trong Mô hình chuẩn (Standard Model) của vật lý hạt cơ bản cho tới hiện nay có tất cả 6 quark (với 6 phản-quark đi kèm) được xếp thành ba thế hệ.

Trong luận án tiến sĩ của mình, tôi xây dựng nên một phép phân tích hoàn chỉnh để đi tìm thế hệ quark thứ tư. Thế hệ quark mới này có đặc điểm là nặng hơn ba thế hệ quark. Việc tìm ra những hạt quark nặng có thể giúp trả lời rất nhiều câu hỏi quan trọng trong vật lý hạt cơ bản. Ví dụ điển hình nhất là khả năng giải thích được sự bất đối xứng giữa vật chất và phản vật chất trong vũ trụ. Tại sao vật chất lại chiếm ưu thế? Hay nói cách khác vì sao vũ trụ, trong đó bao gồm chúng ta, có thể tồn tại được? 

Tôi chọn đề tài này vì thấy vấn đề khá thú vị, giúp trả lời nhiều vấn đề hóc búa của vật lý hạt cơ bản và tương đối “mở”. Nghĩa là việc xây dựng phân tích số liệu cho vấn đề cụ thể này có thể được áp dụng cho các vấn đề khác.

Hơn nữa, khi bắt đầu làm luận án, số lượng người đi tìm hạt Higgs đã rất nhiều, nếu tham gia phân tích số liệu này tôi sẽ chỉ được làm một phần nhỏ, trong khi vấn đề tìm quark nặng khi đó khá mới. Vì thế, đề tài tiến sĩ giúp tôi học được nhiều hơn và có cái nhìn tổng quan hơn về cách xây dựng một phép phân tích số liệu hoàn chỉnh.

* Để đạt tới bước ngoặt hiện nay, Hương Lan đã có một thời gian dài học và làm việc cùng các đồng nghiệp nước ngoài. Bạn tâm đắc nhất điều gì trong quá trình đó?

- Sau bốn năm ở Pháp, điều tôi học được ở bạn bè và đồng nghiệp là sự dám nghĩ dám làm, dám để tư duy được tự do bay bổng, dám tự chất vấn bản thân và chất vấn người khác, kể cả giáo sư dạy mình. Tôi nhớ mãi năm học thạc sĩ ở Đại học Paris 11. Thông thường vào cuối mỗi học kỳ, người phụ trách chương trình thạc sĩ sẽ tổ chức một buổi họp để nghe nhận xét của sinh viên về tiến độ dạy và học, cách thức tổ chức thi cử...

Tôi rất bất ngờ khi sinh viên tự tin nói lên suy nghĩ của mình, không đồng tình với một số điểm như cách dạy của một vài môn học và cách ra đề thi. Điều đó khó thể thấy ở Việt Nam, khi sinh viên quen tư duy theo khuôn mẫu và ít dám bày tỏ ý kiến riêng.

Có thể nói môi trường làm việc là một yếu tố vô cùng quan trọng trong nghiên cứu. Cho rằng nghiên cứu khoa học chỉ ngồi một chỗ với sách vở và bị cô lập với thế giới bên ngoài là hoàn toàn sai lầm. Có hai tương tác cần thiết trong nghiên cứu khoa học cơ bản: tương tác với nhóm nghiên cứu cục bộ và tương tác với thế giới bên ngoài. Thông qua trao đổi với đồng nghiệp, những vấn đề khúc mắc sẽ được giải quyết theo cách tối ưu và nhanh nhất có thể, giúp đảm bảo cho những nghiên cứu không bị lỗi thời.

Tôi học xong đại học và đi du học luôn nên không có điều kiện được tham gia nghiên cứu khoa học ở nhà, do đó không thể đưa ra một nhận xét bao quát cho tất cả những ngành nghề nghiên cứu của Việt Nam. Tuy nhiên, riêng đối với nghiên cứu về vật lý hạt cơ bản, sự thiếu thốn là quá rõ ràng. Chúng ta hiện nay không có phương tiện làm việc và thậm chí không thể thành lập được một trung tâm để quy tụ những nhà nghiên cứu. Nghiên cứu riêng lẻ không đưa lại kết quả sẽ dần làm mất đi đam mê nghiên cứu.

Trong một vài năm tới, ngay cả nếu Việt Nam muốn thành lập nhóm để tham gia một số thí nghiệm lớn, chúng ta cũng không đủ nguồn lực. Điều này trở thành một vòng luẩn quẩn và giải pháp càng để lâu sẽ càng trở nên khó khăn.

Sao cho “cơm áo gạo tiền” không đè bẹp khát vọng khoa học

Hương Lan bán hàng lưu niệm dịp Noel 2013 để gây quỹ giúp trẻ em Việt Nam

* Có dịp cọ xát trên trường quốc tế, hẳn bạn từng suy nghĩ về chỗ đứng của khoa học Việt Nam, trăn trở về tương lai khoa học Việt Nam?

- Chúng ta vẫn có những người trẻ dấn thân vào những lĩnh vực khó và đạt được những thành công nhất định. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Có biết bao nhiêu bạn trẻ đã về Việt Nam và không vượt qua được thử thách về môi trường làm việc để rồi phải từ bỏ ước mơ đã chọn. Con đường đi tới việc được đi du học ngày càng rộng mở, bằng chứng là ngày càng có nhiều bạn trẻ đã có cơ hội đó. Nhưng câu hỏi hóc búa nhất vẫn là làm sao để họ quay về đất nước để cống hiến sức mình?

Một đất nước phát triển phải có nền tảng vững chắc, nền tảng đó phải dựa vào khoa học. Một đất nước chú trọng về phát triển kinh tế thuần túy sẽ chỉ đưa tới lợi ích trước mắt, nhưng về lâu dài việc xem nhẹ nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ đưa đến những hậu quả đáng tiếc.

Việt Nam trong những năm gần đây đã bắt đầu chú ý hơn đến nghiên cứu khoa học cơ bản nhưng vẫn chưa đủ. Nhiều bạn trẻ đi du học quay về nước đã từ bỏ để làm nghề khác. Điều này là bình thường trong những nước mà khoa học phát triển vì số lượng sinh viên bắt đầu theo học nhiều. Nhưng với một nước bắt đầu gần như từ số không thì đó là điều đáng lo ngại.

* Đào tạo và khuyến khích bạn trẻ làm khoa học, vấn đề khó nhất là gì?

- Khó nhất, theo tôi, có lẽ là thay đổi cách nhìn của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ, về nghiên cứu khoa học. Ở châu Âu, mỗi năm vài lần người ta tổ chức cho học sinh từ các bậc tiểu học đến trung học tới tham quan phòng thí nghiệm và làm những thí nghiệm nho nhỏ vô cùng thú vị. Niềm đam mê bắt nguồn từ đó.

Khi giới trẻ đam mê khoa học, tầm quan trọng của nó được khẳng định, người ta không còn nghĩ tới những nhà khoa học như những con mọt sách chỉ biết cắm cúi viết công thức hay dán mắt vào màn hình máy vi tính, có lẽ khi đó mới có nhiều bạn trẻ bước chân vào con đường này. Sau đó dĩ nhiên là làm sao để cho niềm đam mê được duy trì và phát huy, trong đó việc đảm bảo cho các nhà nghiên cứu một mức lương đủ sống là một yếu tố không thể không nói tới.

* Theo đuổi khoa học là một việc khó khăn nói chung, có khi còn phải “trả giá”. Với Hương Lan thì sao?

- Theo đuổi nghiên cứu khoa học là một việc thật sự khó khăn, ngay cả đối với nam giới cũng không dễ dàng. Tôi nghĩ làm việc gì đi chăng nữa, để đạt được thành công người ta cũng phải “trả giá”, chỉ là ở mức độ ít hay nhiều. Nhưng đúng là làm khoa học thì phải hi sinh nhiều hơn.

Ví dụ, cùng một mức lao động trí óc, người làm khoa học được trả công ít hơn so với nhân viên ngân hàng hay tài chính, hay là phải hi sinh thời gian cho rất nhiều hoạt động khác để miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm. Nhưng một khi đã là đam mê, những hi sinh đó có lẽ không thể gọi là “trả giá”. Nhất là khi đạt được một kết quả tốt nào đó trong công việc, niềm vui sướng và hạnh phúc thật khó diễn tả...

Nói thật lòng, nhà khoa học không cần làm giàu mà chỉ cần đủ sống. Nhưng nếu lương không đủ sống thì những lo nghĩ “cơm áo gạo tiền” sẽ đè bẹp khát vọng làm khoa học.

Sau khám phá hạt Higgs, một thành tựu lớn của khoa học và đã đoạt giải Nobel 2013, một câu hỏi đặt ra là “Có hạt gì hay hiện tượng gì ngoài hạt Higgs đó không?”. Luận án tiến sĩ của Lan trong phạm vi nhóm ATLAS đề cập đến câu hỏi đó và đạt được những kết quả là đã loại trừ một số mô hình ngoài mô hình chuẩn. Nhờ đó, Lan được làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Trung tâm DESY tại Đức, một trung tâm hàng đầu thế giới về vật lý năng lượng cao.

Tôi rất hi vọng Lan sẽ đem tài năng của mình về đóng góp vào sự phát triển khoa học của đất nước.

Giáo sư PHẠM QUANG HƯNG (Đại học Virginia)

Ở hội nghị Gặp gỡ Việt Nam năm 2006, Hương Lan đầy sáng kiến và đã dùng cơ hội này để gặp gỡ, trao đổi và học hỏi với các giáo sư dự hội nghị. Kiên nhẫn trên con đường học vấn mặc dù có nhiều khó khăn, Hương Lan đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong thời gian ngắn và được các giáo sư khen ngợi.

Hương Lan là một trong vài nghiên cứu sinh trẻ mà tôi đặt rất nhiều hi vọng trong tương lai để đóng góp vào công trình xây dựng nhóm vật lý năng lượng cao ở Việt Nam.

Giáo sư TRẦN THANH VÂN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận