Đại dịch COVID năm thứ hai: Thành bại luận anh hùng

DANH ĐỨC 24/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Năm ngoái, vào khoảng thời gian này đã sớm nổi lên những tiếng kèn thắng trận, không chỉ thắng COVID mà thôi. Một năm sau, cục diện đang phần nào cân bằng trở lại, cho thấy không có một mẫu mực quản trị đại dịch độc nhất.

Câu chuyện nguồn gốc dịch COVID-19, vẫn chưa thể loại trừ khả năng xuất phát từ một sự cố phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, mà tờ Le Monde 14-5 khui lại qua báo cáo của một số nhà khoa học trên đặc san Science 14-5, sẽ rất “ăn khách” nếu được công bố vào năm ngoái, bất kể tháng nào. 

Cách đây chưa lâu, Myanmar còn nhận viện trợ vaccine và thiết bị y tế từ Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

 

Cũng thế, cuộc điều tra cơ sở này của WHO đầu tháng 2 năm nay không được chú ý mấy, không chỉ vì độ xác thực và độ “mỏng” của các kết quả! 

Nay khi cuộc chiến chống COVID đã sang trang tại một số nước, khu vực, vấn đề đặt ra là “khôn sống, mống chết” trong cuộc sinh tồn không chỉ mang tính sinh học hay y học hiện giờ.

Không luận thành bại, thì luận bằng gì?

Cuộc chiến với COVID-19, có thể thấy, còn là cuộc chiến giành quyền bá chủ trong một thế giới của đại dịch. Ai cũng rõ vai trò của các chính phủ là gì trong cuộc chiến đó, bất luận nhìn từ góc độ nào. 

Những quả quyết của các tác giả Trung Quốc Jinrui Zhang (Trương Tân Thụy, Đại học Hà Hải, Nam Kinh) và Ruilian Zhang (Trương Tuệ Liên, Đại học Queensland, Úc), rằng “một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn là “nền tảng” để xác minh hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị đó” thật đáng chú ý.

Nghiên cứu của họ, tựa đề: “COVID-19 in China: Power, Transparency and Governance in Public Health Crisis” (tạm dịch: COVID-19 ở Trung Quốc: Quyền lực, sự minh bạch và quản trị công trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng) còn khẳng định: “Trong cuộc khủng hoảng này, sự thiếu nhận thức, kiến thức và chuẩn bị sẵn sàng sẽ khiến người dân và nhân viên y tế gặp rủi ro”. Hay như người Pháp vẫn nói: “Cai trị là tiên liệu”.

Song trong thực tế đã có không ít trường hợp không tiên liệu gì được, hoàn toàn bị bất ngờ, hoặc biết rồi mà không phản ứng đủ. Hôm 9-3-2020, tổng thống Mỹ lúc đó Donald Trump còn cho rằng “bọn truyền thông giả mạo và cánh hẩu của chúng, Đảng Dân chủ, đang làm tất cả để thổi phồng tình hình virus corona”.

Một phần bởi thế mà nghiên cứu nói trên viết: “Năm 2020 sẽ đi vào sử sách như một năm không chỉ cho thấy sức khỏe cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng, mà còn đánh dấu kỷ nguyên suy thoái về địa chính trị và thời điểm sụp đổ của hệ thống tân tự do trong thế kỷ mới này”. 

Ảnh: Skynews

 

Từ chống dịch tới ý thức hệ, và ngược lại, do đó, là một sự liên tưởng rất gần. “Cuộc khủng hoảng cho thấy những sai sót của sự thiển cận, sự bóc lột thái quá do lòng tin vào chủ nghĩa cá nhân”.

Quả thật, không gì có thể nằm ngoài chính trị. Một hệ thống quản trị nhà nước khác là điều mà báo chí Trung Quốc cũng đã không ngớt nhắc đến, như lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez hôm 14-4 vừa rồi: “Sự bùng phát COVID-19 là một thử nghiệm lớn đối với mô hình và năng lực quản trị của tất cả các quốc gia” (Tân Hoa xã).

Global Times thì còn hùng hồn: “Đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng sâu sắc trong hệ thống của phương Tây. Tuy nhiên, với một số nhân vật trong giới tinh hoa Hoa Kỳ… chẳng hạn như [Francis] Fukuyama, dù đã thừa nhận những thành tựu của Trung Quốc trong cuộc chiến COVID-19, nhưng họ lại coi những thành tựu này tách rời hệ thống của Trung Quốc". 

"Điều này cũng thể hiện thái độ chung của giới tinh hoa Hoa Kỳ, rằng thành tựu của Trung Quốc không phải là chiến thắng về thể chế. Mặc dù số ca tử vong và ca nhiễm COVID-19 được xác nhận là cao nhất trên thế giới, giới tinh hoa Hoa Kỳ vẫn không sẵn lòng thừa nhận rằng chế độ “dân chủ tự do” đã không giúp họ chống lại đại dịch một cách hiệu quả”.

Cuộc chiến vaccine

Song đó cơ bản đã là chuyện năm ngoái. Giờ thì ở Mỹ và châu Âu, sau hơn một năm “cấm túc”, tuần này, dân Pháp được đi quán xá, nối gót người Anh vừa được đi bar và ăn nhà hàng, trong khi dân Mỹ đang lần lượt bỏ khẩu trang. Tất cả nhờ vaccine.

Ảnh: Reuters

 

Tiến sĩ Ayoade Olatunbosun-Alakija, thành viên Liên minh cung cấp vaccine cho Liên hiệp châu Phi, đã mô tả sự xuất hiện như nấm sau mưa của các vaccine COVID hiện nay: “Phép mầu của khoa học hiện đại, nghiên cứu và đổi mới đã đưa vaccine đến với chúng ta sớm hơn nhiều so với dự đoán, sự kết hợp giữa ý chí chính trị ở cấp cao và những ưu đãi tài chính khổng lồ". 

"Các mối quan hệ đối tác công tư hiếm hoi và hợp tác quốc tế đã trở thành một viễn cảnh trong mơ đối với các nhà khoa học, khi họ cùng nhau nỗ lực hết mình và đưa một số “ứng viên” vaccine ra thế giới trong thời gian kỷ lục”, theo trang chủ của Diễn đàn OECD.

Nhưng bào chế được vaccine mới là bước thứ nhất, còn rất nhiều bước nối tiếp nữa. WHO ngay từ đầu đã căn dặn cả thế giới rằng “không phải vaccine sẽ ngăn chặn đại dịch, mà là tiêm chủng”. 

Vấn đề là làm sao “đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng”, đồng thời “đảm bảo cho mọi quốc gia đều nhận được vaccine và có thể triển khai vaccine để bảo vệ người dân của họ, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất”.

Điều đó cần đặt trong bối cảnh là ngay cả nếu sở hữu bản quyền vaccine được cung cấp miễn phí, không đồng nghĩa là các nước tự dưng sẽ có năng lực sản suất? 

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala trả lời: “Nếu bạn định sản xuất vaccine, bạn cần nhiều thứ hoạt động cùng lúc. Nếu không có chuyển giao công nghệ, việc sản xuất sẽ không hiệu quả”. WTO đang là nơi mà trái banh “miễn sở hữu trí tuệ vaccine” được đá tới đá lui.

Trên một bình diện khác, châu Âu và Hoa Kỳ có những chuẩn mực đăng ký vaccine và dược phẩm khác biệt, trên cơ sở các cơ quan cấp phép - FDA ở Mỹ và EMA ở châu Âu - đều độc lập, ít ra là tương đối, với nhà nước. Đó cũng là lý do họ không công nhận vaccine của Nga và Trung Quốc, vốn do nhà nước kiểm soát sản xuất.

Nghiên cứu “COVID-19 Vaccines And The Competition between Independent And Politicised Models of Regulation” (tạm dịch: Vaccine COVID-19 và cuộc cạnh tranh giữa các mô hình quản trị độc lập và bị chính trị hóa) của hai tác giả Eva Heims và Slobodan Tomic, Trường Kinh tế London, tóm tắt tình hình: “Trong khối các nước “không phải phương Tây”, việc thiếu độc lập trong hoạch định chính sách quản lý đã cho phép sử dụng vaccine để củng cố quyền lực và tính chính danh trong nước…" 

"Ở các nước đang phát triển vaccine dưới sự chỉ đạo của nhà nước - Trung Quốc và Nga - thiếu cơ chế quản lý độc lập đã dẫn đến việc ra quyết định cho phép phê duyệt vaccine nhanh chóng, sau đó được sử dụng cho việc “đi trước” nhằm cạnh tranh với phương Tây”.

Từ những điều đó, có hai kết luận rút ra từ tình hình mới năm nay: (1) không thể chống giặc bằng tay không; và (2) trật tự thế giới mới “theo COVID-19” vẫn chưa đến. Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là lâu dài.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận