Đại học - Cao đẳng ngoài công lập: Nóng bỏng xung đột lợi ích

TRẦN HUỲNH 05/08/2014 22:08 GMT+7

TTCT - Hàng loạt trường ĐH, CĐ ngoài công lập của Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, bất ổn, tới mức có nguy cơ ngừng hoạt động. Câu chuyện chính là từ xung đột quyền lợi tài chính.


Cuối năm 2013, chia rẽ tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM lên đỉnh điểm khi hỗn loạn xảy ra giữa các bên giành quyền kiểm soát cơ sở tại đường Nguyễn Trọng Tuyển - Ảnh: Minh Giảng

Trong 10 năm, từ 1998-2008, hàng chục trường ĐH, CĐ ngoài công lập được thành lập như một bước đi đáng mừng về việc mở rộng không gian giáo dục. 

Tuy nhiên, rất nhiều trường được phê duyệt thành lập khi thực chất là những trường “ba không”: không cơ sở vật chất, không giảng viên, không chương trình đào tạo. Đến mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ

GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với hàng loạt trường ĐH, CĐ với lý do tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao và thiếu trầm trọng giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ… Một số trường do mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường.

Liên tục thua lỗ

Ra đời với tham vọng “xây dựng thành một ĐH tư thục “hoa tiêu” hoạt động theo mô hình chất lượng cao…”, ngay từ đầu ĐH Phan Châu Trinh được UBND thị xã Hội An (nay là TP Hội An, Quảng Nam) cho mượn khu đất (diện tích 4,5ha) trong thời hạn năm năm (2005-2009) để đặt văn phòng, sau đó được địa phương cấp khu đất có diện tích hơn 40ha ở thôn 6 (xã Cẩm Thanh) để xây trường. Tuy nhiên, khu đất này hiện vẫn chưa được triển khai.

Mới đây, ông Nguyễn Sự, bí thư Thành ủy Hội An, cho biết địa phương này sẽ giao 15ha cho nhà trường để làm giáo dục với cam kết “chỉ làm giáo dục”. Cơ sở hiện tại của trường trước đây là Trường Quân chính (Tỉnh đội Quảng Nam cũ) với mấy khu nhà cấp bốn cũ kỹ, trường phải cải tạo và xây dựng một cách chắp vá ở đây.

Từ ngày thành lập (tháng 9-2006), ĐH Phan Châu Trinh liên tục phải bù lỗ, năm 2013 tổng số tiền lỗ của trường là 12 tỉ đồng, năm 2014 dự kiến lỗ khoảng 3,5 tỉ đồng. Tình trạng bất ổn kéo dài trong nội bộ trường, hội đồng quản trị (HĐQT) trường mất đoàn kết... khiến tháng 8-2010, Bộ GD-ĐT ra quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với ĐH Phan Châu Trinh với lý do trường “vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH tư thục”.

Tình trạng tuyển sinh èo uột mấy năm qua khiến trường càng thêm khó khăn chồng chất, có giai đoạn tưởng chừng phải ngưng hoạt động. Cuối năm 2012, ĐH Phan Châu Trinh đã phải tinh giản bộ máy để cân đối thu chi và duy trì hoạt động. Có lẽ với nhiều “tiếng tăm” như vậy nên chuyện thí sinh không chọn trường này để gửi gắm tương lai của mình cũng là điều dễ hiểu.

Ngày 11-7, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay, ĐH Phan Châu Trinh đã công bố lộ trình thực hiện “Mô hình ĐH phi lợi nhuận” đầu tiên tại Việt Nam. Trường cho biết: “Hiện nay trường đã vận động được một nhà tài trợ vĩnh viễn, không hoàn lại 1 triệu USD và 5 triệu USD bảo lãnh cho trường vay ngân hàng”.

Với mô hình ĐH phi lợi nhuận, lãnh đạo ĐH Phan Châu Trinh kỳ vọng xây dựng một nhà trường với mục tiêu vì người học, được điều hành bằng một hội đồng được bầu ra để đại diện cho tập thể. Nguồn thu chủ yếu của trường từ hiến tặng, tài trợ và học phí (thấp). Giá trị thặng dư sẽ không chia cho cổ đông mà đầu tư lại cho hoạt động nghiên cứu khoa học, học bổng, sinh hoạt của sinh viên…

Toàn bộ lợi nhuận được đưa vào hoạt động GD-ĐT và phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người chia sẻ cái nhìn lo ngại của ông Nguyễn Sự: “Ý tưởng sáng tạo ra trường tương đối vĩ đại và có chút gì lãng mạn nên cũng gặp những trở ngại vì thực tế chưa cho phép như vậy”.

Nhiều lần đổi chủ

Thời điểm năm 2012 trở về trước, Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM) cũng gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất yếu kém. Nhà trường đã bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do chưa có cơ sở đào tạo thuộc sở hữu của trường và tỉ lệ sinh viên/giảng viên vượt quá quy định. Điều đáng nói, sau 15 năm hoạt động đến thời điểm bị đình chỉ tuyển sinh, trường này vẫn chưa sở hữu được một mét vuông đất nào.

Trước đó, cuối tháng 10-2011, ĐH Văn Hiến tổ chức đại hội đồng cổ đông nhằm chuyển đổi sang trường tư thục. Nhưng ngay sau phần giới thiệu, đoàn chủ tịch liền bị nhiều cổ đông phản đối nên đại hội phải hủy giữa chừng. Khi đó các cán bộ, giảng viên cho rằng HĐQT nhà trường đã chấp nhận tùy tiện nhà đầu tư chiến lược...

Một số giảng viên của trường nói thẳng: “Lãnh đạo nhà trường không đủ năng lực và yếu kém dẫn đến bị ngưng tuyển sinh. Với lý do trên, HĐQT và một số lãnh đạo nhà trường đã định giá bán trường 75 tỉ đồng”.

Theo các giảng viên này, mức giá đó chỉ bằng 1/4 giá trị thật của trường (khoảng 314 tỉ đồng), gây thiệt hại cho nhà trường và quyền lợi cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu. Vì vậy một số giảng viên không đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho nhà đầu tư mới, đồng thời gửi đơn kiện tụng khắp nơi.

Đứng trước thực tế còn - mất, lãnh đạo ĐH Văn Hiến chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nhà đầu tư mới để cứu trường và cuối cùng, một “ông chủ mới” đã xuất hiện. Ngày 30-10-2012, Công ty Hùng Hậu chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược toàn diện và duy nhất cho ĐH Văn Hiến, tham gia hỗ trợ nhằm cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên và khắc phục khó khăn của trường. Và đây là lần thứ hai trường này được “sang tay” cho nhà đầu tư.

Một trường khác, CĐ Kinh tế - kỹ thuật Sài Gòn cũng liên tục bất ổn, mâu thuẫn trong nội bộ khá gay gắt xung quanh chuyện quyền lợi giữa các thành viên HĐQT nhà trường. Trường này cũng bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do hàng loạt sai phạm, trong đó nghiêm trọng nhất là việc nội bộ trường lục đục kéo dài.

Phải đến khi trường được “bán” cho nhà đầu tư khác và đổi tên thành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn (tháng 3-2014) thì tình hình mới đi vào ổn định.

Chỉ lo kiếm lợi nhuận

Theo GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM), có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng khó khăn hiện nay của các trường tư.

Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa rõ ràng đã tạo cơ hội cho một số người toan tính kinh doanh giáo dục, chỉ lo kiếm lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng. Thứ hai, cơ quan quản lý giáo dục buông lỏng quản lý, các trường được lập ra nhanh chóng nhưng không đủ điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ông cho rằng khuyến khích phát triển trường tư cần phải kiểm soát chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đây là thời điểm tốt để rà soát các trường, nhưng về lâu dài phải có hành lang pháp lý rõ ràng và Nhà nước cần có chính sách tốt đối với trường ngoài công lập.

 

Bất ổn triền miên

Sau vụ tranh chấp quyền lãnh đạo vừa qua tại Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), việc khắc phục những bất ổn tại trường vẫn đang hết sức khó khăn. Do hai năm liên tiếp bị đình chỉ tuyển sinh nên kể từ năm 2014, trường chỉ còn khoảng 1.000 sinh viên.

Mâu thuẫn lớn nhất đã đẩy nhà trường đến hoàn cảnh hiện nay vẫn đang tồn tại giữa tập thể cán bộ giảng viên cơ hữu nhà trường với nhà đầu tư (ông Đặng Thành Tâm - chủ tịch HĐQT và một số thành viên HĐQT đại diện quyền lợi nhà đầu tư), chưa giải quyết được.

Ngay sau khi trở lại vị trí chủ tịch HĐQT nhà trường, ông Đặng Thành Tâm tổ chức cuộc họp hội đồng ngày 24-10-2012 nhưng cuộc họp này diễn ra đơn phương với sáu thành viên HĐQT thuộc phía nhà đầu tư, bốn thành viên đại diện tập thể cán bộ giảng viên không tham dự vì cho rằng cuộc họp không hợp lệ.

Một cuộc họp khác được tổ chức sau đó cũng chỉ có các thành viên thuộc “phe” nhà đầu tư ngồi với nhau.

Ông Lê Văn Lý (hiệu trưởng nhà trường thời điểm đó) thừa nhận trong HĐQT nhà trường chia thành hai “phe” và không thể ngồi cùng nhau làm việc. Mỗi bên tự nhóm họp với nhau để đưa ra những quyết định riêng của mình. Vì vậy trường hiện vẫn như đang trong tình trạng có đến hai HĐQT.

Ngày 8-4, HĐQT Trường ĐH Hùng Vương tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để đề cử hiệu trưởng chính thức cũng như đưa ra các định hướng phát triển trường. Trong đại hội này, hai thành viên đại diện phần vốn góp hợp nhất không phân chia của Trường ĐH Hùng Vương (cổ đông đại diện tập thể) là ông Ngô Đình Linh và ông Trần Duy Linh bị loại bỏ tư cách cổ đông đại diện nhà trường, không được triệu tập tham gia đại hội.

Ông Tạ Văn Thành - thành viên HĐQT nhà trường - cho rằng hai người này có nhiều sai phạm nghiêm trọng nên không đủ tư cách tham dự đại hội và bị loại bỏ tư cách cổ đông. Phần tài sản của trường được chia cho 12 người đại diện để tham gia bỏ phiếu tại đại hội (phần tài sản này vẫn thuộc về trường, không thuộc về chủ đầu tư…).

Trong khi đó, ông Ngô Đình Linh lại khẳng định việc loại bỏ hai cổ đông đại diện tập thể là trái luật và “là hành vi chiếm đoạt tài sản có chủ đích”, đồng thời cho rằng cá nhân được bầu đại diện phần vốn góp thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia của Trường ĐH Hùng Vương chỉ bị loại bỏ tư cách cổ đông khi hội nghị cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu của trường bỏ phiếu không tín nhiệm và không giao quyền.

“Hơn nữa, hiệu trưởng tạm quyền của trường hiện nay đã quá thời hạn (theo quy định quyết định cử hiệu trưởng tạm quyền chỉ có hiệu lực trong vòng một tháng). Đến nay HĐQT đã ra nhiều quyết định cử hiệu trưởng tạm quyền. Chỉ có người sử dụng lao động (hiệu trưởng - người đại diện pháp luật) mới có thẩm quyền thành lập hội đồng kỷ luật người lao động.

Vì vậy tôi và ông Trần Duy Linh đương nhiên vẫn còn tư cách cổ đông. Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 8-4 đã được tổ chức trái luật do không đánh giá đúng và đủ phần vốn góp của các cổ đông”- ông Ngô Đình Linh khẳng định.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận