Đại học không vì lợi nhuận: Xương sống vẫn là đại học công

VŨ QUANG VIỆT 29/09/2015 16:09 GMT+7

TTCT - Bài viết “Ai hưởng lợi ở những trường phi lợi nhuận?” của TS Phạm Thị Ly trên TTCT số 35 (ra ngày 13-9-2015) đã nêu ra một vấn đề đáng quan tâm về mục đích và bản chất thành công của các trường đại học phi lợi nhuận, dựa trên tham khảo mô hình này ở Mỹ. TTCT giới thiệu lời bàn tiếp của TS Vũ Quang Việt - một nhà kinh tế, nguyên chuyên gia Liên Hiệp Quốc - về vấn đề này.

solv.pl
solv.pl

Nếu nhìn vào chất lượng thì giáo dục đại học không vì lợi nhuận ở Mỹ rất thành công nhưng cũng có thể nói là chúng chủ yếu phục vụ gia đình giàu và thành phần có tiền, dù đồng thời cũng đẩy mạnh được sự phát triển tri thức và khoa học kỹ thuật.

Những vấn đề thật sự

Nhà giàu cho tiền, được trừ thuế, con cái họ cũng được hưởng ưu đãi trong việc được nhận vào trường. Quan trọng nhất là trường loại này tạo cơ hội cho con cái người giàu tiếp xúc với giới lãnh đạo tương lai của nước Mỹ. Thường những người có tiềm năng lãnh đạo này có thể là con cái của giới lãnh đạo cũ, từ gia đình có máu mặt (như gia đình Rockerfeller, Kennedy, Bush chẳng hạn) và từ những thanh niên chứng tỏ khả năng lãnh đạo khi còn ở trung học.

Những trường không vì lợi nhuận này thường cung cấp học bổng cho con cái giới lãnh đạo nước ngoài để tạo mối quan hệ với con cái giới lãnh đạo Mỹ. Họ cũng thường cấp học bổng cho giới quan chức cấp trung các nước có tiềm năng đi lên, nếu không lấy bằng thì có chứng chỉ tham gia các chương trình huấn luyện. Tất nhiên họ cũng phải cấp học bổng cho dân nghèo nhưng sáng trí, đặc biệt là những thanh niên nghèo có tiềm năng lãnh đạo.

Tùy vào khuynh hướng của từng trường mà mỗi trường thiết kế chương trình tuyển dụng khác nhau. Và điểm học, điểm thi SAT chỉ là một vài trong nhiều tiêu chí chọn lựa. Hiện nay thậm chí có trường không đòi hỏi nộp SAT. Có trường nhắm vào chính trị, có trường nhắm vào tôn giáo...

Như vậy, trường đại học không vì lợi nhuận có phải là xương sườn của nền giáo dục Mỹ?

Không phải thế. Như đã nói, trường đại học không vì lợi nhuận chủ yếu nhằm phục vụ cho một khuynh hướng xã hội, chính trị, tôn giáo hay tầng lớp doanh nghiệp nào đó và đặc biệt là gia đình giàu có, dù chúng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển khoa học ở Mỹ.

Toàn bộ những trường không vì lợi nhuận cung cấp không nhiều hơn chỗ học cho 20% sinh viên cả nước Mỹ. Phần còn lại 80% là trường công. Trường vì lợi nhuận không đáng kể.

Có phải giáo dục đại học ở Mỹ không có vấn đề?

Không phải thế. Thực tế giáo dục đại học ở Mỹ đang khủng hoảng. Nó không đáp ứng được nhu cầu của đại đa số dân chúng cần có giáo dục đại học để thăng tiến. Khủng hoảng giáo dục đại học ở Mỹ có thể nhìn qua vài khía cạnh sau:

1. Các trường không vì lợi nhuận, chạy theo kiếm tiền đóng góp, do đó làm mọi cách để tăng các hoạt động phục vụ sinh viên nhằm lôi kéo sinh viên, để từ đó lôi kéo bố mẹ họ hoặc dân giàu bỏ tiền đóng góp. Học phí như thế ngày càng tăng vô tội vạ.

2. Tăng học phí ở trường không vì lợi nhuận có khuynh hướng đẩy học phí ở trường công, cạnh tranh để có cùng các tiện lợi cho hoạt động của sinh viên.

3. Dưới áp lực của khuynh hướng thị trường hóa quá đáng, chống vai trò của nhà nước ở Mỹ trong nhiều năm, ngân sách cho giáo dục đại học khắp mọi nơi ngày càng bị cắt giảm, các trường công phải tăng học phí, trong khi chất lượng có khuynh hướng đi xuống, kể cả ở những trường công hàng đầu lấy nhiều giải Nobel về khoa học ở Mỹ.

4. Chính khuynh hướng tăng học phí đã đẩy sinh viên vào nợ nần. Hiện tại số nợ của sinh viên vào năm 2014 đã lên tới 1.200 tỉ USD. Tình trạng nợ không trả được cũng tăng mạnh từ 7% năm 2007 lên 11,5% năm 2013. Không trả ở đây là tuyên bố phá sản (default), không trả được nợ.

Một cuộc điều tra cho thấy 23% sinh viên nói rằng không trả được nợ. Như vậy có thể tỉ lệ sinh viên không trả được sẽ còn tăng. Đó là chưa kể số nợ mà cha mẹ sinh viên phải vay để giúp con cái mình. Nhiều sinh viên học trường vị lợi nhuận thì vừa nợ, vừa không học xong.

Những phân tích trên cho thấy cần có vai trò của nhà nước trong việc xây dựng các trường đại học công, với mục đích nhằm tạo bình đẳng cơ hội cho dân chúng.

Như tôi đã có lúc viết, trường không vì lợi nhuận không phải là giải pháp cho giáo dục Việt Nam, và đại học tư vì lợi nhuận lại càng không. Nhưng không có lý do gì lại cấm cản, thậm chí cần khuyến khích. Nhưng nếu phải bỏ tiền, ngân sách chỉ nên bỏ tiền cho đại học công.

Chưa thấy có dấu hiệu gì cho thấy có thể cải cách được giáo dục đại học ở Việt Nam, dù Việt Nam đã bỏ ra rất nhiều tiền cho giáo dục, thậm chí bỏ tiền hàng vài trăm triệu USD xây dựng vài đại học mà ngay việc thu hút sinh viên giỏi cũng gặp khó khăn. 

Việt Nam có thể rút được bài học gì?

Để thăng tiến xã hội và phát triển kinh tế cần có giáo dục đại học với chất lượng cao. Đây là những điều Việt Nam cần mà hiện lại không có, thậm chí không có đến một trường đại học được coi là có chất lượng cao.

Do đó cần cải cách giáo dục đại học. Và rõ ràng là xương sườn của nền giáo dục đại học là đại học công. Đại học công không chỉ có vai trò quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất, ở các nước châu Âu mà cả ở Mỹ.

Truyền thống của giáo dục đại học là tự do học thuật. Nhà nước có thể cấp ngân sách, kiểm soát chi tiêu ngân sách, nhưng dạy gì và dạy như thế nào là quyền của các giáo sư đại học và chọn lựa của sinh viên.

Hướng cải cách này nhiều người đã nói, đề án của nhóm nghiên cứu về cải cách giáo dục của chúng tôi cũng đã đề ra (có thể coi trên Thời Đại Mới). Đề án này ra đời là do đề nghị của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã hoàn thành và trao đổi với ông trước khi ông mất. Đề án cũng bàn đến toàn bộ hệ thống giáo dục thay vì chỉ chú trọng đến đại học.

Tất nhiên, tự do học thuật là điều cần thiết để đại học ở Việt Nam có thể tiến ngang bằng đại học ở các nước tiên tiến. Nhưng dù không chấp nhận quan điểm trên thì điều gì đó làm đại học ở Việt Nam bị xếp vào cuối bảng xếp hạng các đại học trên thế giới? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận