Đại hội Đảng và sự chờ đợi của người dân

LUẬT SƯ TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA 08/01/2011 12:01 GMT+7

TTCT - Thập kỷ tới, người dân mong muốn những công bộc xứng đáng, tiêu biểu sẽ được lựa chọn để lãnh đạo đất nước, những quyết sách sáng suốt và hiệu nghiệm sẽ được thông qua, để họ cùng góp phần tạo ra và thụ hưởng những thay đổi tốt đẹp chính trên quê hương mình.

Năm 2011 có lẽ là thời điểm tốt nhất để tổng kết một chặng đường dài: 25 năm đổi mới đất nước với trọng tâm là kinh tế và xã hội, 15 năm thật sự hội nhập quốc tế cả chiều sâu và chiều rộng. 

null

 

Những thành tựu thật sự lớn lao: từ chỗ hằng năm phải xin viện trợ lương thực cho một dân số hơn 50 triệu người đến chỗ đủ lương thực nuôi sống 90 triệu người và còn xuất khẩu nhiều triệu tấn; GDP đầu người vượt mức 1.000 USD, đưa nước ta gia nhập đội ngũ các nước thu nhập trung bình; quan hệ ngoại giao mở rộng khắp thế giới, gia nhập WTO và hoàn thành trách nhiệm quốc tế trong những định chế toàn cầu và khu vực.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Nhưng cũng chí ít là từ năm năm qua, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên đương chức và hưu trí, các tầng lớp nhân dân đã phản ảnh những tín hiệu cần được phân tích nghiêm túc và kịp thời. 

Nhiều trong số những thành tựu trên đạt được với những cái giá khá đắt và nếu không thật sự chuyển đổi thì Việt Nam sẽ giậm chân tại chỗ trong cái bẫy thu nhập trung bình với những hệ lụy đáng lo.

Từ diễn đàn Quốc hội đã cho thấy: nợ quốc gia tăng ngấp nghé ngưỡng an toàn. Nhập siêu và lạm phát chưa có thuốc chữa đặc hiệu. Hiệu quả tăng trưởng thấp với ICOR lên đến 8, trong khi với cùng một tốc độ tăng trưởng, ở nhiều nước có trình độ tương đương chỉ là 4 hay 5. 

Nguồn ngoại tệ chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên thô, lao động rẻ và công nghệ thấp, môi trường bị hủy hoại với tốc độ nhanh. Căn nhà kinh tế thị trường đã được dựng lên, có nền móng, có tường, nhưng đã có lúc này lúc khác rung lên trước những cơn bão mạnh của kinh tế thế giới.

Đáng báo động không kém là bệnh dịch tham nhũng đi cùng với nạn hành dân và thiếu trách nhiệm ở những ngành, cấp khác nhau trong bộ máy công quyền. 

Giáo dục, vừa để đào tạo nguồn nhân lực đang thiếu và yếu, vừa để giữ vững những giá trị đạo đức và nhân văn trong mỗi gia đình, không ngừng xuống cấp và chưa có một lối ra cho trung và dài hạn, trong khi đối với một nước đang phát triển, một nền giáo dục tốt là giải pháp rẻ nhất và hiệu quả nhất để vươn lên.

Tình trạng thiếu công bằng trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng dãn ra làm cho một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào lao động, bất bình vì không được chia sẻ hợp lý thành quả và cơ hội của tăng trưởng, trong khi đã và vẫn tiếp tục trả giá cho nó.

Trong các dự thảo văn kiện của Đại hội XI, Đảng đã nhận thấy và nêu ra những yếu kém, vấn nạn trên đây, và cũng đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. 

Người dân muốn xóa đi cái khoảng cách giữa hiện trường và hội trường, để bộ máy lãnh đạo được thông tin xác thực hơn, cảm nhận đầy đủ những bức xúc của thực tiễn, từ đó đề ra những giải pháp và hành động chuẩn xác và quyết liệt như tình hình đòi hỏi.

Người dân muốn ngăn chặn nguy cơ những nhóm lợi ích tìm cách chi phối giềng mối quốc gia, bất chấp tương lai của dân tộc. Người dân không hài lòng trước những liệu pháp tình thế, những liều thuốc cấp thời, trong khi vấn đề lại đòi hỏi những chuyển đổi thực chất, mạnh mẽ, mang tính chiến lược. 

Người dân muốn chấm dứt sự chậm chạp, thiếu nhất quán để những ý tưởng tốt đẹp trong các văn kiện trở thành chủ trương, chính sách, pháp luật cụ thể, từ đó thành những chuyển biến có thực trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Để dân coi Đảng là mình

Thế giới đã khác đi rất nhiều trong 25 năm qua, đặc biệt là về trình độ khoa học và công nghệ, cũng như về chính trị và quan hệ quốc tế. Các dân tộc đã trưởng thành trong nhận thức về thể chế và con đường đi lên của mình, hợp tác và đối thoại đã trở thành phương thức quan hệ chủ đạo. 

Tuy vẫn còn chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tình trạng “mạnh hiếp yếu”, vẫn có cơ hội cho các nước chậm phát triển đuổi kịp và sánh vai với các quốc gia phát triển, nếu biết làm cho dân tộc mình khôn hơn, giỏi hơn, khỏe hơn và đồng thuận hơn. Trách nhiệm đó trước hết đặt lên vai đội ngũ lãnh đạo đất nước.

Trong kháng chiến, đảng viên xông lên trước làn đạn, cắn răng chịu đòn roi mà không ai nghĩ sau này thắng lợi mình được đền bù bằng địa vị, tiền tài, danh vọng, vì nhiều người không chắc mình còn sống đến ngày chiến thắng. Nhiều lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng đều bị đày ải trong lao tù, nhiều người bị xử tử.

Đảng viên khi ấy ít về số lượng nhưng có hàng triệu đồng bào nghe theo, làm theo, nuôi nấng, bảo bọc. 

Được như vậy là vì như Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: Đảng không có mục đích tự thân, Đảng sinh ra và tồn tại vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Đảng thật sự vì nước, vì dân, nên nhân dân đã chiến đấu và hi sinh cùng với Đảng. 

Trong máu lửa chiến tranh, người dân coi Đảng là của mình, Đảng là mình.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối của Đảng cũng đã từng cảnh báo rằng: công trạng trong quá khứ không thể là vật bảo đảm đương nhiên cho năng lực lãnh đạo và đạo đức cách mạng trong hiện tại. 

Tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng thật sâu sắc, nhưng nếu không được vun trồng, nuôi dưỡng hằng ngày, hằng giờ bằng hành động và thực chất thì cũng sẽ mai một.

Sự xa lạ, bàng quan dù chỉ manh nha trong mối quan hệ Đảng - nhân dân đã là một báo động đỏ đối với một đảng cách mạng. Với một đảng đang cầm quyền, đánh mất niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân sẽ dẫn đến nguy cơ mất chính quyền. Điều này đã được lịch sử minh chứng.

2011 là năm khởi đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. 

Người dân mong muốn những công bộc có tài, trung kiên với nước, tâm huyết với dân sẽ được lựa chọn để lãnh đạo đất nước, những kẻ tham nhũng, cơ hội sẽ bị thải loại, những quyết sách sáng suốt và hiệu nghiệm sẽ được thông qua, để người dân được cùng góp phần tạo ra và thụ hưởng những thay đổi tốt đẹp chính trên quê hương, xứ sở mình, và được hãnh diện là một dân tộc vừa anh hùng, vừa biết cách vươn tới thịnh vượng và văn minh bằng người. 

Nhưng phải nhanh lên, vì thời cơ và thời gian không chờ đợi chúng ta!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận