TTCT - Khi tỉ lệ nợ công dưới 50% GDP, vài quan điểm cho rằng chưa đáng ngại. Từ năm 2009, nợ công bắt đầu vượt 50% GDP, có quan chức nói 60% mới đáng lo.

Thế rồi mức trần nợ công là 65% GDP đến năm 2020 lại được đặt ra. 

Nợ công chắc chắn sẽ chọc thủng trần này trước năm 2020, thậm chí là năm 2015. Ngay cả báo cáo của Chính phủ mới đây cũng cho thấy đến cuối năm 2014 nợ công sẽ là 60,3% GDP, dự kiến hết năm 2015 sẽ lên đến 64% GDP. 

Trên thực tế, nếu tính một cách đầy đủ và trung thực thì mức nợ công của Việt Nam đã vượt xa giới hạn trần mà chúng ta đề ra. Thâm hụt ngân sách hằng năm vẫn chưa được tính đúng và tính đủ, nếu tính cả các khoản thâm hụt ngoài ngân sách thì tỉ lệ bội chi chắc chắn sẽ vượt con số 5,3% GDP mà Quốc hội cho phép.

Những năm gần đây, nợ do Chính phủ bảo lãnh đang có xu hướng tăng nhanh kể cả về tốc độ và tỉ trọng. Điều đáng nói là vai trò của Quốc hội đối với các khoản nợ bảo lãnh này lại rất hạn chế.

Nói khác đi, Chính phủ được trao quyền cấp bảo lãnh nợ và khoản nợ đó được tính vào nợ công, tức trách nhiệm nợ quốc gia nhưng Quốc hội lại không có vai trò và thẩm quyền gì trong việc kiểm soát các nghĩa vụ nợ này cả.

Thể chế trao quyền của chúng ta không đi liền với trách nhiệm giải trình đầy đủ, không truy được trách nhiệm của người đứng đầu, ràng buộc ngân sách lỏng lẻo, kỷ luật tài khóa yếu kém.

Ta đang gặp một lỗ hổng quá lớn liên quan đến thể chế phân cấp và phân quyền đối với việc phân bổ ngân sách cũng như trách nhiệm quản lý nợ công ngay cả khi đã có Luật ngân sách và Luật quản lý nợ công.

Trong khi chiếc bánh ngân sách có hạn, cách chúng ta phân cấp và trao quyền tài khóa hiện nay đã tạo động cơ để nhiều cá nhân, tổ chức, các cơ quan nhà nước và cả chính quyền địa phương tìm cách bòn rút và xà xẻo chiếc bánh đó.

Chẳng hạn, cách thiết kế công thức phân chia trách nhiệm thu chi trong Luật ngân sách (2002) đang tạo động cơ cho chính quyền địa phương tăng chi tiêu càng nhiều càng tốt thay vì khuyến khích tiết kiệm và tối đa hóa nguồn thu ngân sách địa phương. Hệ quả là ngân sách trung ương đang phải gánh thâm hụt và nợ nần cho ngân sách địa phương. 

Cách phân bổ ngân sách cho các bộ ngành trung ương, các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp (kể cả đơn vị sự nghiệp có thu) cũng đang khuyến khích những cơ quan này tìm cách gia tăng chi tiêu mà không có động cơ tiết kiệm hay tối ưu hóa nguồn thu được giao tự chủ.

Việc phân bổ ngân sách dựa trên tiêu chí đầu người (đầu vào) thay vì kết quả công việc (đầu ra) cũng khiến bộ máy biên chế và số lượng công chức ngày càng phình ra, đi ngược lại mục tiêu tinh giản biên chế. 

Khó có cơ may nào để nợ công Việt Nam trở về mức dưới 65% GDP đến trước năm 2020 khi mà cơ sở kinh tế cho tăng trưởng bền vững của ta không có. Các khoản vay nợ thường được giải thích là để chi đầu tư phát triển nhưng nguồn để trả nợ vẫn tiếp tục lấy từ ngân sách, thay vì từ các dự án đầu tư công được tài trợ nợ chính phủ.

Vay nợ để chi đầu tư mà không tạo được nguồn để trả nợ thì không khác gì chi tiêu thường xuyên (vi phạm nguyên tắc tài khóa vàng). Hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đã vượt trên ngưỡng 25% thu ngân sách và dự kiến sẽ lên đến 32% vào năm 2015.

Nguồn trả nợ từ ngân sách cũng có nghĩa là người dân đang trả nợ thay Chính phủ. Trong lúc đó, nhiều người dân vẫn hằng ngày lam lũ kiếm sống mà không biết rằng mỗi người đang gánh trên vai khoảng 20 triệu đồng nợ công. 

Chúng ta liệu có cam lòng để lại cho con cháu một di sản có thể sẽ là đống nợ công khổng lồ?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận