Dân Nga sống sao trong cấm vận?

D. KIM THOA 08/04/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài tuyên bố tạm dừng hoặc rút luôn khỏi Nga để phản đối "chiến dịch quân sự" do Matxcơva phát động tại Ukraine từ ngày 24-2. Những hệ lụy từ đây đã có thể quan sát thấy ngay lúc này, nhưng có những điều sẽ phải chờ thêm đánh giá.

Truyền thông phương Tây thời gian qua đưa nhiều bài viết phản ánh những tác động lớn tới đời sống của người dân Nga sau các lệnh trừng phạt ồ ạt của Mỹ và phương Tây. 

Những ảnh hưởng này được thể hiện ở phạm vi bao trùm, từ sự khan hiếm và tăng giá nhu yếu phẩm hàng ngày cho tới những gián đoạn đáp ứng nhu cầu sống cao hơn vốn đã định hình trong tầng lớp trung lưu ở Nga kể từ sau Chiến tranh lạnh. 

Đã có những ý kiến nhận định ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt ở quy mô chưa từng có tiền lệ này sẽ kéo lùi những tiến bộ của kinh tế Nga vài thập niên, thậm chí tiệm cận với thời Liên Xô (cũ). 

 
 Xếp hàng đợi vào cửa hàng McDonald

Song ở góc nhìn ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng tình thế khó khăn này có thể trở thành “chất xúc tác” làm mạnh mẽ thêm tinh thần dân tộc quyết liệt vốn là bản sắc của người Nga.

Lo tái diễn thiếu thốn ngày xưa

Những ngày qua, việc thường xuyên phải xếp hàng chờ cả tiếng để mua nhu yếu phẩm khiến nhiều người dân Nga lo lắng về tác động của chiến sự tại Ukraine đã ngày càng cụ thể. Hàng hóa không chỉ thiếu thốn mà giá cả cũng leo thang.

Những túi đường và bột kiều mạch bắt đầu biến mất trên các kệ hàng tại thành phố Saratov, tỉnh Saratov, Nga, từ đầu tháng 3, khoảng một tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. 

Do đó tuần trước, khi Văn phòng Thị trưởng Saratov thông báo sẽ tổ chức các phiên chợ đặc biệt để người dân mua nhu yếu phẩm, hàng trăm người đã đổ tới.

“Mọi người đang mách nhau kinh nghiệm để mua được đường. Chuyện này thật điên rồ” - anh Viktor Nazarov, một cư dân tại Saratov, nói với báo The Guardian (Anh) và cho biết bà anh đã giao cho anh cuối tuần trước “nhiệm vụ” tới các chợ để mua trữ nhu yếu phẩm.

“Chuyện này vừa buồn vừa tức cười. Kiểu như vừa một tuần trước đó mọi thứ còn tốt, nhưng giờ thì chúng tôi lại đang nói lại chuyện của những năm 1990, đi mua hàng tích trữ vì sợ hết mất”, anh tiếp. Sau một tiếng rưỡi xếp hàng, anh Viktor Nazarov cũng chỉ được mua một bịch 5kg đường.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho rằng việc thiếu hụt nhu yếu phẩm đó là do tâm lý mua gom tích trữ của một số người chứ không phải khan hiếm thực. Thống đốc vùng Omsk của Nga khẳng định: “Những gì xảy ra với đường hôm nay là nhằm tạo ra tâm lý hoảng loạn trong xã hội”.

Tờ báo Anh cho rằng những thiếu thốn hàng hóa đột ngột đó chỉ là tín hiệu báo trước một năm sẽ rất khó khăn với nước Nga và người dân Nga khi họ đối mặt mức giảm tăng trưởng lớn, lạm phát cao và bị cô lập gắt gao khỏi nền kinh tế toàn cầu.

“Tôi nghĩ chúng tôi đang dần quay lại với một Liên bang Xô viết (cũ)” - bà Elina Ribakova, phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế - một hiệp hội các tổ chức dịch vụ tài chính toàn cầu có trụ sở tại Washington, D.C., Mỹ - nói. 

Cho rằng chính phủ Nga sẽ còn tiếp tục đóng cửa với kinh tế thế giới, bà Ribakova cũng nói những khó khăn đó không phải là “cú sốc tạm thời”.

Chính phủ Nga khẳng định nhà nước vẫn đủ khả năng cung cấp đủ nguồn hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu người dân và việc tăng giá nhu yếu phẩm thời gian qua là do tâm lý trữ hàng đám đông và nạn đầu cơ.

“Giống như năm 2020, tôi muốn khẳng định với mọi người dân lúc này: Chúng ta hoàn toàn có thể tự cung cấp đủ lượng đường và bột kiều mạch. Không cần phải hoảng sợ và tích trữ những mặt hàng này, đang có đủ cho tất cả mọi người”, Phó thủ tướng Nga Viktoria Abramchenko nói trong phát biểu trước toàn dân.

Khép lại một thời?

Những ảnh hưởng từ chiến sự không chỉ xảy ra với người lao động có mức thu nhập khiêm tốn. Nó cũng tác động rất lớn tới tầng lớp trung lưu tại Nga. Với nhiều người Nga, ký ức về những trải nghiệm tiếp xúc đầu tiên của họ với các thương hiệu nước ngoài tại Nga từ cuối những năm 1980 dường như chỉ mới hôm qua.

Chị Svetlana Shapovaliants, một chuyên viên trị liệu kiêm tư vấn doanh nghiệp ở Matxcơva, vẫn nhớ như in lần cùng chồng tới xem gian hàng đầu tiên của Ikea - thương hiệu đồ nội thất nổi tiếng thế giới của Thụy Điển - khi hãng này lần đầu ra mắt ở Nga vào năm 2000.

Khi đó, vợ chồng chị còn đang sống trong một căn hộ xoàng xĩnh ở đường Ryazanskiy Prospekt, Matxcơva. Lúc đó, chị đã bỏ ra tới 4.000 rúp (khoảng 1/3 lương tháng lúc ấy) để mua một số hàng Ikea. 

Những món đồ này đã thực sự chinh phục họ. Về sau, khi đã có nhà mới và kinh tế khấm khá hơn, họ đã trang bị trong nhà toàn đồ nội thất Ikea.

Trong hơn 20 năm có mặt tại Nga, thương hiệu của Thụy Điển đã rất thành công với chuỗi 17 cửa hàng bao gồm cả ở Siberia. Ikea trở thành một trong những nhà vận hành các trung tâm thương mại lớn nhất ở các vùng ngoại ô những thành phố chính của Nga. 

“Ikea apartment” (căn hộ Ikea) thậm chí còn trở thành một cụm từ giới cho thuê nhà tại Nga thường dùng trên các trang web bất động sản như một cách quảng cáo cho tính trang nhã, hiện đại và sạch sẽ của sản phẩm cho thuê. 

Ikea đã không chỉ là thay đổi một thói quen mua sắm, mà còn là thay đổi cả quan niệm và phong cách sống.

Giờ đây, ở tuổi 47, chị Shapovaliants vẫn đang sống ở Matxcơva. Tuần trước chị đã trở lại cửa hàng của Ikea, nhưng lần này là để “chia tay”.

Giống như nhiều công ty nước ngoài khác, Ikea thông báo sẽ tạm dừng hoạt động chuỗi các cửa hàng của họ để phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Theo Trường Quản lý Yale, hơn 300 công ty đã tuyên bố rút khỏi Nga để phản đối chiến tranh, mặc dù vẫn có một số chỉ tạm dừng hoạt động bao gồm Ikea.

Chia sẻ với tờ Financial Times, chị Shapovaliants cho rằng, giống như khi khoảng 30.000 người xếp hàng bên ngoài cửa hàng đầu tiên của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Mỹ McDonald’s tại quảng trường Pushkin năm 1990 - sự kiện biểu trưng cho khởi đầu mới ở Nga khi kết thúc giai đoạn Chiến tranh lạnh, những đám đông khách hàng tới mua lần chót tại cửa hàng của Ikea hôm đó cũng giống như biểu tượng “khép lại một thời”.

Ba thập niên qua, nhiều công ty đa quốc gia đã dần trở thành những miếng ghép cơ hữu trong đời sống xã hội Nga. 

Miếng ghép đó ngày càng lớn cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và khấm khá lên của kinh tế Nga. Vấn đề mà giới quan sát đặt ra lúc này là việc các công ty phương Tây rút đi sẽ dẫn tới những hậu quả gì tiếp theo.

Với các chính phủ phương Tây đang muốn tìm kiếm các biện pháp phi quân sự để đối phó với Nga, họ hy vọng tác động tâm lý của việc đóng cửa, dừng hoạt động này sẽ làm tăng sức ép lên giới lãnh đạo Nga. 

Nhưng với không ít người dân Nga, họ tin rằng cuộc chiến mà nhà lãnh đạo của họ phát động chính là vì lợi ích và an ninh của đất nước.

Tinh thần dân tộc sẽ trỗi dậy?

Trên thực tế, từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Mỹ và phương Tây đã áp một loạt trừng phạt và điều này đã không còn lạ với nhiều người dân Nga.

Như tờ Financial Times đã chỉ ra, nhiều thương hiệu của Nga hiện có thể cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu đa quốc gia khi tung ra sản phẩm và dịch vụ với chất lượng không kém mà giá cả thì mềm hơn.

Với 847 cửa hàng, McDonald’s đã trở thành chuỗi nhà hàng nước ngoài dẫn đầu tại Nga trước khi tuyên bố dừng các hoạt động gần đây. Nhưng McDonald’s vốn đã đối mặt với thách thức cạnh tranh lớn trước các thương hiệu nội địa Nga như Dodo Pizza và Teremok. Nhãn hàng Ikea của Thụy Điển cũng phải “so kè” với các đối thủ lớn của Nga, trong đó có Hoff.

Bên cạnh đó, trước việc nhiều tài sản của Nga tại nước ngoài đã bị tịch thu, Chính phủ Nga đang tính toán việc có phương án đáp trả. Ngày 10-3, Tổng thống Putin nói Nga sẽ tìm “các giải pháp pháp lý” để tịch thu những tài sản của các công ty nước ngoài đặt tại Nga khi họ dừng hoạt động.

“Lý do gì mà tất cả những cửa hàng Pizza Hut và Ikea này vẫn chưa được quốc hữu hóa? Các cửa hàng, nhà kho, tiệm ăn phục vụ nhanh của họ ở trên đất chúng ta, người của chúng ta đang làm việc tại đó - vậy thì vấn đề là gì?”, biên tập viên Margarita Simonyan của kênh truyền hình Russia Today (Nga) viết trên Telegram ngày 8-3.

Ngày 10-3, thị trưởng Matxcơva, ông Sergei Sobyanin, thông báo chính phủ sẽ dành gói tín dụng ưu đãi 500 triệu rúp (5 triệu USD) cho các chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh của Nga “để lấp vào khoảng trống thị trường mà các chuỗi thương hiệu nước ngoài để lại”. 

Mạng lưới nhà hàng của McDonald’s có thể được thay thế bằng các cửa hàng nội địa trong khoảng thời gian từ 6 tháng tới 1 năm, theo ông Sobyanin nói, “nhất là vì nguồn thực phẩm do chính các nhà cung cấp của Nga đảm nhiệm”. 

Nhà xã hội học Alexander Filippov cho rằng việc các thương hiệu nước ngoài đóng cửa sẽ thúc đẩy người dân ủng hộ chính phủ nhiều hơn. “Tôi không nghĩ điều đó sẽ gây lên những tác động tiêu cực với chính phủ - ông nói - Tất cả chúng tôi đều đang ở chung trên một con thuyền”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận