Dân tự lo chuyện an sinh

TTCT - Trong cái nghèo đeo bám nhiều thập niên qua, ở VN an sinh xã hội đã từ một thuật ngữ xa lạ trở thành một hệ thống chính sách quốc gia với những thành tựu đáng kể như tỉ lệ giảm nghèo. Nhưng khi VN đã được định danh là một nước thu nhập trung bình, an sinh xã hội vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được suy nghĩ trong những góc nhìn khác.


Rất nhiều phụ nữ ở nông thôn đến Hà Nội làm nghề bốc vác tại các chợ và chưa hề biết đến bất cứ loại bảo hiểm xã hội nào. Ảnh: Việt Hưng

Trong ngõ 133, phố Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) từng có một đôi vợ chồng già sinh sống. Ông già người nhỏ thó ngày nào cũng lên phố nhặt rác để nuôi người vợ mù lòa. 

Không con cái, họ đã sống với nhau ngót 20 năm trong một căn nhà xập xệ. Khi tôi đến tìm ông mới đây, chị bán rau đầu ngõ thở dài: “Ông Lê Văn Ba hả, ông ấy tử tế lắm nhưng ông mất cách đây mấy tháng rồi”.

Im lặng sống bần hàn

Ông Nguyễn Bá Linh - bí thư chi bộ khu dân cư số 5, người trực tiếp chăm sóc ông Ba khi ốm và sau khi ông mất - đã giúp đưa bà Thắm, vợ ông Ba, vào Trung tâm dưỡng lão Ba Vì. Ông Linh kể: “Năm 1994 tôi về đây sinh sống thì đã thấy ông Ba và vợ ở đây rồi”.

Ông Linh nói ông Ba là người gốc ở tận Bình Định, còn vợ ông Ba - mồ côi cha mẹ từ năm lên 10 - thì ở Thanh Hóa. Lấy nhau rồi, hai ông bà dắt díu ra Hà Nội kiếm sống. 

Vài năm sau bà Thắm bị mù, từ ấy ông Ba một mình ngày ngày đi khắp phố phường nhặt rác kiếm tiền nuôi vợ, làm lụng đến khi đã 80 tuổi và rồi trận ốm kéo dài chưa đầy một tháng mang ông đi. Khi ông Ba chết, bà con ở phố Tân Ấp góp tiền bạc lo hậu sự cho ông chu tất.

Ông Linh cho biết ông Ba không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp xã hội nào vì ông không đủ giấy tờ thủ tục. Ngót 20 năm ông làm cư dân ở phố Tân Ấp, đến khi nhắm mắt lìa đời, ngoài những tấm lòng hảo tâm của xóm giềng, đôi vợ chồng già ấy đã im lặng sống bần hàn trong căn phòng ọp ẹp. 

Chẳng ai nhận ông Ba thuộc hộ khẩu của địa phương nào cũng vì “ông ấy không có đủ giấy tờ”.

Mong được... nghèo

Cả nhà ông Đinh Văn Tỏ, ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có chung mong muốn: được là hộ nghèo. “Ba năm nay tui chỉ mong nhà mình đạt chuẩn hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí” - ông Tỏ thật thà.

Năm 2007, ông bị tai biến liệt nửa người, nằm viện cả tháng, tốn gần 5 triệu đồng. Bà Bùi Thị Sinh, vợ ông, rầu rĩ: “Có nghe xã, ấp vận động mua BHYT mà không mua nổi. 

Một suất tới 390.000 đồng, chạy gạo ăn mỗi ngày còn hụt hơi, lấy đâu tiền để mua”. Sau đó cứ vài tháng ông lại phải vào bệnh viện, mỗi lần như vậy tốn 2-3 triệu đồng. 

Giờ nợ nần tứ giăng, bà đành để ông ở nhà chịu đựng, không biết ông “đi” lúc nào. 

Chưa hết, lúc ông Tỏ nằm liệt, con trai ông là Đinh Văn Hóa bị tai nạn giao thông. Hóa may mắn thoát chết nhưng hộp sọ bị bể phải tới lui bệnh viện điều trị. Tới nay tiền thuốc men, viện phí gần 14 triệu đồng, cả nhà lậm sâu vào nợ nần.

Bà Sinh nói trong tuyệt vọng: “Năm ngoái có xin ấp, xã chứng nhận nhưng người ta nói hộ tui là cận nghèo chứ chưa nghèo”.

Ông Nguyễn Âu Châu, phó Ban nhân dân ấp Phú Thạnh, cho biết năm ngoái ấp đã đề nghị công nhận nhà ông Tỏ là hộ nghèo nhưng xã không chịu, lý do ông bà đang ở nhà... có tường. 

Căn nhà tường gạch xây thô, mái lợp tôn, cửa nẻo còn trống hoác xây được do có tiền hỗ trợ đền bù tái định cư, nhà cũ bị giải tỏa. Năm nay ấp tiếp tục đề nghị công nhận hộ này được nghèo, chưa biết xã có chấp thuận không vì phải chờ đợt xét duyệt cuối năm.

Ông Ngô Văn Long, phó Ban nhân dân ấp Phú Thạnh phụ trách xóa đói giảm nghèo, cho hay ông Tỏ không phải trường hợp cá biệt. Trong ấp, nhiều nhà có chung mong ước “được nghèo” để xin BHYT. 

Họ đều thuộc diện cận nghèo bởi “lỡ” có thu nhập hơn hộ nghèo chút đỉnh (thu nhập 200.000 đồng/người/tháng là nghèo, từ 201.000-260.000 đồng/người/tháng là đã sang cận nghèo). 

Ông Long đúc kết: “Một hộ bình quân năm người, mua BHYT cũng mất gần 2 triệu đồng. Bỏ ra một lúc ngần ấy tiền khi gạo ăn còn chạy bữa thì nhà nào mà hổng ngán? Mà có ai cho mua BHYT trả góp hay trả chậm đâu”.

An sinh nhờ hạt thóc

Ở thôn Ất (xã Hạp Lĩnh, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) có một quỹ “lương hưu” cho nông dân đã được duy trì mười mấy năm nay mà không cần cơ quan bảo hiểm, không có đóng góp tiền mặt của các cấp chính quyền, do những người có uy tín trong thôn đứng ra vận động thành lập. 

Mỗi nông dân tham gia góp 100kg thóc, được góp dần 10kg mỗi năm. Quỹ “lương hưu” nhỏ bé này đảm bảo cho những nông dân về già không còn sức lao động không lo bị đói.

Đây không chỉ là niềm an ủi lớn cho những người già có con cái đã tứ phương lập nghiệp, dù chỉ là 10kg thóc nhận được mỗi tháng, mà còn là chỗ dựa vay vốn cho không ít nông dân khác. 

Bí thư chi bộ thôn Ất Nguyễn Anh Hào cho hay nay quỹ đã có 509 hội viên, toàn là nông dân trong làng, với hơn 20 tấn thóc và 1 tỉ đồng. 

“Tôi có nghe nói đến bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng chẳng có ai đến thông tin chính thức và cách thức tham gia cụ thể ra sao nên cứ làm theo cách của mình thôi”.

Cũng nhờ cậy hạt thóc, cũng là ý tưởng của những người già trong bản, những kho thóc tình thương nằm rải rác vùng biên Việt - Lào tại Quảng Nam nay thành “của để dành” cho những ngày bão lũ cắt đường, lúc giáp hạt hay năm mất mùa. 

Người ít, kẻ nhiều, lúc được mùa góp thêm vài gùi thóc và phần nhận được có khi cũng chỉ 1-2 gùi thóc lúc đói, nhưng ít nhất người dân ở đó cũng có một chốn để trông vào mà yên bụng.

Ai đang đợi chính sách an sinh?

Dễ nhận thấy hầu hết chính sách an sinh xã hội hiện nay chủ yếu được thiết kế cho khu vực chính thức, nơi đang thu hút khoảng 20% lực lượng lao động. 

80% lao động thuộc khu vực phi chính thức nằm ngoài độ phủ của các chính sách này, trong khi họ là những nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương hơn cả.

Mục tiêu mở rộng diện bao phủ của an sinh xã hội tới phần đông các tầng lớp dân cư được đưa ra trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. 

Nhưng trong bối cảnh cơ cấu lao động đang chuyển dịch rất chậm, khu vực kinh tế phi chính thức có quá nhiều việc làm bấp bênh hiện nay, thực hiện mục tiêu này không đơn giản.

VN hiện có hơn 9,1 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, hơn 5,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp song chỉ có gần 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện (tính đến cuối năm 2009). 

Bảo hiểm thất nghiệp hiện tại cũng chỉ dành cho những lao động có hợp đồng từ một năm trở lên, do vậy nó gạt nhiều người ra khỏi diện được bảo hiểm việc làm. Trong khi đó, những người cần được trợ giúp hơn cả là những người có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp.

Mục tiêu 100% dân số được bảo hiểm y tế vào năm 2014 có thể thực hiện được nếu ngân sách mở rộng chi hỗ trợ cho những gia đình dạng cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế. 

Các nguồn ngân sách, xã hội hóa có thể được huy động để duy trì các chính sách bảo trợ xã hội. Song vấn đề nan giải nhất chưa có giải pháp cụ thể vẫn là việc mở rộng độ phủ của chính sách BHXH - trụ cột quan trọng để thực hiện an sinh xã hội bền vững.

Bà Nguyễn Lan Hương - viện trưởng Viện Khoa học - lao động và xã hội, nơi đang xây dựng đề án an sinh xã hội tổng thể giai đoạn 2011- 2020 và đề án an sinh xã hội cho nông dân - cho biết “sẽ đề xuất các cơ chế hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế... với mức cụ thể”. 

Chưa rõ bao lâu nữa sẽ có những cơ chế này và cách thực thi có gì mới.

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động quá chậm thời gian qua khiến vẫn còn một lượng lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức với việc làm bấp bênh, không có hợp đồng lao động, do vậy không có BHXH. 

Mà muốn tăng lượng người tham gia BHXH bắt buộc, trước hết phải chuyển được một lượng lớn lao động sang làm việc tại khu vực chính thức, có kiểm soát chặt chẽ việc tham gia BHXH. 

Để làm được điều này, đương nhiên các chính sách đào tạo hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn phải là các chính sách phát triển kinh tế để tạo ra nhiều việc làm hơn tại khu vực chính thức.

Hiện một số hoạt động đã được triển khai nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nhanh hơn như đề án đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm, trong đó có 600.000 lao động được đào tạo để chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ; đề án việc làm cho thanh niên... 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sự không nhất quán của các chính sách tạo việc làm đang kéo chậm sự chuyển dịch này, chẳng hạn các chương trình tín dụng ưu đãi tự tạo việc làm cho lao động nông thôn được mở ra khiến một lượng lớn lao động nông thôn không chấp nhận chuyển dịch.

Khu vực kinh tế phi chính thức đang đóng góp 20% GDP và dự báo tới năm 2015 sẽ có khoảng 14,4 triệu lao động cộng khoảng 25,7 triệu lao động là nông dân sẽ có gần 70% lực lượng lao động đang chờ chính sách an sinh mới. 

Mở rộng độ phủ của chính sách an sinh xã hội có thể chỉ đơn giản là thiết kế lại BHXH tự nguyện - vốn được sinh ra cho khu vực này - để chính sách đó thể hiện được sự ưu việt trên thực tế, thu hút sự quan tâm của người lao động, nhất là nông dân, thay cho hình ảnh buồn tẻ của một khoản tiền để dành lãi suất thấp nhận được lúc về hưu.


__________

Khi giới thiệu “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”, đoạn nói về an sinh xã hội (ASXH) có một câu gồm hai mệnh đề rất đáng chú ý: “Bảo đảm ASXH và phúc lợi xã hội... còn là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Tuy nhiên mức độ, quy mô, phạm vi ASXH và phúc lợi xã hội của các nước có sự khác nhau, tùy thuộc vào quan niệm, chế độ chính trị - xã hội, trình độ phát triển và chính sách của mỗi quốc gia”.


Ngày càng nhiều lao động ngoại tỉnh vào các thành phố lớn mong tìm việc làm và cơ hội đổi đời (ảnh chụp một người lao động trên phố Huế, Hà Nội). Ảnh: Mai Chi

Nếu trong mệnh đề thứ nhất ASXH được nhìn nhận như là nhiệm vụ phổ quát cho mọi quốc gia, thì mệnh đề thứ nhì nhấn mạnh sự khác biệt giữa các quốc gia về vấn đề này. 

Tất nhiên, không thể đòi một nước có GDP/đầu người chỉ 1.000 USD phải có chính sách ASXH ngang với một nước có GDP/đầu người cao gấp hai lần hay hai chục lần, song cũng cần nhận chân đâu là những khác biệt có thể thay đổi và phải thay đổi để không cứ mãi khác thiên hạ. 

Do lẽ nhiệm vụ và cũng là sứ mệnh thiêng liêng nhất của mọi nhà cầm quyền là “bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế - xã hội và môi trường... (và) không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân” như đã được định nghĩa trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội” này.

Ta khác thiên hạ chỗ nào?

Có nhiều thông số cho thấy sự khác biệt đó, như chỉ số GDP/đầu người hay chỉ số phát triển con người (HDI)... hoặc ngược lại như các chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), chỉ số hài lòng dịch vụ công... 

Trong kinh tế, tài chính cũng thế, các chỉ số cạnh tranh có lúc bị ta phản kháng, như vụ chỉ số tín nhiệm tài chính Fitch năm nay. 

Vấn đề không ở chỗ thanh minh hay phản kích loại chỉ số nào “nghịch nhĩ”, mà là tỉnh táo xem cần làm gì từ thực tại mà có cái đối với thiên hạ là “trái tai gai mắt”, đối với ta lại “không sao, chưa sao”.

Khác biệt có thể đến từ nhận thức hay thói quen, thậm chí từ một thói quen tốt. 

Một đơn vị sản xuất thuốc lá có thể được khen thưởng vì “thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo” song đứng trên góc độ toàn thế giới bài trừ thuốc lá, thành đạt của đơn vị này lại là tai họa đối với sức khỏe toàn dân, đồng thời là một lý do khiến bội chi ngân sách y tế (trong đó quỹ bảo hiểm y tế năm sau bội chi so với năm trước), đồng thời tạo ra nạn “nhân mãn” ở các bệnh viện do phải tiếp nhận ngày càng đông bệnh nhân - nạn nhân thuốc lá.

Cũng thế, vẫn thấy những trớ trêu như thắng lợi của ngành, nhóm này lại là thất bát của nhóm kia như “chuyện dài” giá lúa hằng năm. 

“Nhiều doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân ở 13 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ về vốn vay của Chính phủ để đảm bảo thu mua lúa với giá cả hợp lý cho nông dân... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Lượng - phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, thực tế người trồng lúa vẫn không được hưởng lợi gì”.

Đầu tháng 9, báo chí đã phải kêu lên giùm các nông dân: “Giá cao, không còn lúa bán” hoặc tường thuật xót xa: “Tại hội nghị giao ban sản xuất các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức chiều 23-7 tại Kiên Giang, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết với giá lúa như hiện nay nông dân đã có lãi. Trong khi đó, các địa phương cho rằng chẳng những nông dân không có lãi, thậm chí còn bị lỗ”.

Bi kịch trên của nông dân không hề do không có chủ trương, chính sách giúp nông dân. Trái lại, do không có sự đồng bộ trong việc phân bổ lợi ích giữa nhà nông và nhà buôn. 

Tương tự, người nuôi tôm, cá cũng không hơn gì: “Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong bảy tháng đầu năm 2010 các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 2,45 tỉ USD, tăng hơn 11,63% so với cùng kỳ năm 2009. Điều nghịch lý là xuất khẩu dù tăng nhưng lợi nhuận giảm và người nuôi thủy sản gặp không ít khó khăn”.

Còn nhiều nữa những chuyện đau đầu khác mà trong đó chỉ thoáng chốc nông dân đang đủ ăn đủ mặc, thậm chí dư ăn dư mặc có thể trắng tay như khi nước thải công nghiệp làm chết cá ở khắp các tỉnh thành hay qua những vụ tranh chấp nguồn nước sông Vu Gia (đã xảy ra), sông Thu Bồn (có thể xảy ra), giữa các công ty thủy điện và các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam... 

Các ví dụ trên cho thấy khác biệt lớn nhất có thể là khác biệt về nhận thức “làm sao cho xã hội được an ổn sinh sống và sinh nhai” chứ không đơn giản là khác biệt vật chất.

Nhận thức về ASXH theo hướng như vậy dường như vẫn chưa đầy đủ trong các thành phần, nhóm khác nhau trong xã hội vì vẫn thấy thực tế nhóm này bất cần nhóm kia. 

Vẫn thấy ở cấp địa phương - cấp trực tiếp thực hiện chính sách ASXH của Nhà nước - cũng có khi nhận thức ASXH chưa đầy đủ hay đúng đắn, thậm chí bị các lợi ích bè phái che khuất.

An sinh xã hội - Những góc tiếp cận khác

Và đây mới chỉ là khúc dạo đầu của sự phân hóa xã hội theo thứ lớp mà hậu quả là những xung đột lợi ích và mâu thuẫn... như đã bắt đầu thấy rải rác. 

Vụ hàng chục người dân xông thẳng vào khu ở của các công nhân thi công Nhà máy nước thải Thọ Quang (Đà Nẵng) ngày 29-8 là một ví dụ. 

Được biết trước đó trong quá trình thi công Nhà máy nước thải Thọ Quang đã bị sự cố vỡ bồn chứa làm một lượng lớn nước thải chảy thẳng ra môi trường gây bức xúc cho người dân địa phương. 

Hoặc trước đó hàng trăm người dân xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã quây kín Nhà máy ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), dùng gạch ném, đốt nhà kho của công ty vì không đồng ý với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng mở rộng nhà máy.

Nếu có một bộ (nông nghiệp và phát triển nông thôn) có đủ chức năng, quyền hạn và uy thế để cầm trịch công cuộc nuôi trồng, buôn bán lúa gạo, thủy sản cũng như các vấn đề khác về quản lý rừng, nguồn nước... thì các vấn nạn hằng năm trên sẽ không tái diễn, không chực đẩy nông dân vào cảnh khó nghèo hay tiệm cận nghèo.

Cũng thế, nếu có một lớp cán bộ địa phương có trình độ, có năng lực... thì vấn đề nhận thức sẽ dễ chuyển hơn. 

Vẫn biết học vấn không quyết định hết thảy nhưng vụ một lãnh đạo xã 40 tuổi bỗng dưng “lòi” ra cái bằng tú tài giả - và không phải là trường hợp duy nhất - không thể không làm nảy sinh những câu hỏi: làm thế nào có thể trao số phận của mấy ngàn dân, có khi lên đến cả vạn dân, xã ấy trong tay một lãnh đạo như thế? 

Lãnh đạo cỡ ấy làm sao đọc, hiểu các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước mà thi hành, vận dụng cho đúng, cho không tùy tiện? Làm sao biết và hiểu luật đủ để trị và an dân? Làm sao đủ hiểu biết để tránh làm những gì có thể bị xem là độc đoán hoặc bè phái?

ASXH còn có thể nhìn từ những góc độ đó thay vì các con số thống kê.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết sau hơn hai năm rưỡi triển khai chính sách BHXH tự nguyện, số lượng người tham gia loại hình bảo hiểm này rất thấp (cuối năm 2009 là 34.669 người, chiếm chưa tới 1% lượng lao động khu vực phi chính thức). 

Theo lý giải của Bộ Lao động - thương binh & xã hội, chủ yếu là do loại hình này “quá mới”, do “nhận thức chưa đầy đủ” của người lao động hay “tuyên truyền chưa tốt”...

Song các quy định hiện hành của BHXH tự nguyện được nhiều lao động cho là ngặt nghèo và không có lợi. Một lao động có thu nhập 2 triệu đồng/tháng, mỗi tháng đóng bình quân 22% thu nhập cho BHXH tự nguyện, tức 440.000 đồng/tháng, 105,6 triệu đồng sau 20 năm. 

Đến khi đó, họ được hưởng khoảng 900.000 đồng lương hưu/tháng. Con số này là khá ít so với quãng thời gian kéo dài 20 năm liên tục đóng bảo hiểm và những khoản trượt giá trong thời gian đó. 

Chưa kể người tham gia BHXH tự nguyện phải lo phí đóng hoàn toàn và chỉ được hưởng hai chế độ (hưu trí và tử tuất), trong khi người đóng BHXH bắt buộc được hưởng tới năm chế độ do Nhà nước hỗ trợ phí đóng.


__________

Trò chuyện với TTCT trong chuyến thăm VN cuối tháng 8, chuyên gia độc lập Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và đói nghèo cùng cực Magdalena Sepulveda cho hay bà ngạc nhiên khi nghe nhiều người dân nói cuộc sống của họ khó khăn hơn xưa dù cơ sở hạ tầng được cải thiện, dịch vụ y tế - xã hội cũng nhiều hơn...


Bà Magdalena Sepulveda. Ảnh: L.T.A.

“Tôi hi vọng VN sẽ đầu tư nhiều hơn cho cấu phần về bảo trợ xã hội, hỗ trợ xã hội trong chiến lược mới về phát triển kinh tế - xã hội”, bà M. Sepulveda nói khi đề cập câu chuyện an sinh xã hội của VN trong bối cảnh mới.

“Tôi rất vui khi bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy việc đảm bảo an sinh xã hội là một cấu phần quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong giai đoạn 2011-2020. 

Rất khó có thể thêm vào một khó khăn hay thách thức nào nữa ngoài những gì mà Thủ tướng đã chỉ ra”.

* Bà đánh giá thế nào về hệ thống an sinh xã hội tại VN hiện nay?

- VN đã có nhiều tiến bộ ấn tượng trong giảm nghèo được quốc tế công nhận. 

Nhưng tôi thấy phạm vi bao phủ của bảo trợ xã hội còn hạn chế, vì nhiều người không được hưởng lợi từ hệ thống an sinh xã hội, những lao động phi chính thức không được tiếp cận bảo hiểm xã hội. 

Hơn 60% dân số có bảo hiểm y tế nhưng lại gặp trở ngại trong việc sử dụng tấm thẻ này. 

Năm 2010, VN có 4% GDP được đầu tư vào bảo trợ xã hội nhưng phần lớn đầu tư này được chi trả bảo hiểm xã hội cho những người làm việc cho nhà nước. 

Tôi nghĩ Chính phủ cần cải thiện biện pháp để mở rộng hơn phạm vi bao phủ của hệ thống an sinh xã hội.

* Trong một báo cáo năm 2007, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc cho rằng an sinh xã hội tại VN đang lũy thoái, bà có thấy từ đó đến nay tình hình được cải thiện không?

- Tôi phải công nhận từ đó đến nay VN đã có nhiều tiến triển. Như ta thấy, VN đã thông qua Luật bảo hiểm y tế. 

Nhưng các bạn vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước mắt, như cần thêm nhiều luật và văn bản dưới luật để tăng tính toàn diện của bảo trợ xã hội, hỗ trợ xã hội hơn nữa. 

Tôi hi vọng khi thực hiện chiến lược mới phát triển kinh tế - xã hội thì VN sẽ đầu tư nhiều hơn cho cấu phần của bảo trợ xã hội, hỗ trợ xã hội.

Tôi đặc biệt quan tâm tới nhóm người dân tộc thiểu số. Do họ sống tại vùng xa xôi, hẻo lánh nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ xã hội. 

Tôi đã gặp gỡ và nói chuyện với người dân tại Hà Nội, Bắc Kạn, Quảng Nam. Người dân đã chia sẻ với tôi những khó khăn của họ từ chuyện thu nhập hạn chế đến việc thiếu nước sạch, vệ sinh, giáo dục, y tế, nhà ở, tham gia đời sống cộng đồng. 

Như vậy vấn đề ở những khu vực này là làm thế nào để người dân bắt kịp sự phát triển nhanh, mạnh của nền kinh tế thông qua tiếp cận dễ dàng hơn các loại hình dịch vụ.

* Vậy VN nên tập trung trước hết vào những vấn đề gì, thưa bà?

- VN cần có cơ chế đảm bảo hỗ trợ xã hội cho những nơi chịu đói nghèo cùng cực, để những người sống trong vùng này được tiếp cận với hệ thống dịch vụ xã hội. 

Chính phủ phải có cách xác định hộ nào đang sống trong tình trạng cùng cực, đảm bảo sự minh bạch trong chính sách được hưởng của họ cũng như cơ chế về khiếu nại để người cần hỗ trợ không bị gạt bỏ bên lề, nhất là khi thiên tai, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến VN.

Chính phủ cần nhận thức việc đầu tư vào những người đói nghèo cùng cực không phải hành động của tình thương mà là nghĩa vụ về nhân quyền. 

Đối với vùng dân tộc thiểu số, phải cung cấp thêm nhiều chương trình giảng dạy bằng ngôn ngữ dân tộc hoặc chương trình song ngữ... để họ có thể bắt kịp với quá trình phát triển nhanh, mạnh của nền kinh tế.

Các chiến lược về giảm nghèo hiệu quả luôn được xây dựng trên quan điểm chung là mọi người dân của VN phải được hưởng đầy đủ quyền dân sự, kinh tế, chính trị - xã hội và văn hóa. Đầu tiên là đảm bảo sự tham gia của người dân.

Một số cơ quan mà tôi tiếp xúc công nhận các chính sách xã hội sẽ không phát huy hiệu quả khi người dân không được tham gia quá trình tham vấn. 

Sự tham gia của người dân cần vượt qua sự tham gia của các tổ chức đoàn thể hay xã hội mà phải bao gồm những người nghèo, đặc biệt những người nghèo đói cùng cực, đồng thời VN cần đảm bảo sự minh bạch tiếp cận thông tin ở mọi cấp.

Chúng tôi nhận thấy việc thúc đẩy nhân quyền và chống đói nghèo không phải là điều mới mẻ ở VN. 

Những tiến bộ gần đây là minh chứng cho sự quan tâm của VN đến vấn đề này, chẳng hạn VN đã chấp nhận những khuyến nghị của báo cáo định kỳ toàn cầu - một ví dụ tốt về việc tiếp cận vấn đề nhân quyền mang tính xây dựng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận