“Dành chỗ cho nước”

VÂN TRƯỜNG THỰC HIỆN 09/10/2014 22:10 GMT+7

TTCT - TS-KTS Trương Văn Quảng, phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, nhấn mạnh “chủ động dành chỗ cho nước” để góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững tại vùng ĐBSCL...

* Vì sao cần chủ động “dành chỗ cho nước”, thưa ông?

- Theo kinh nghiệm của Ấn Độ, Hoa Kỳ, New Zealand, đặc biệt là Hà Lan, xây dựng đô thị có “dành chỗ cho nước” rất hiệu quả.

Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi nước lũ, họ có các giải pháp tạo nhiều không gian cho nước, để nước xâm nhập vào các đô thị theo cách có thể kiểm soát được, qua đó giúp cải thiện khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước và đặc biệt là giảm được chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước.

Đặc trưng của ĐBSCL là sông, rạch ở khắp mọi nơi, nên hoàn toàn có thể áp dụng giải pháp chủ động và thân thiện “dành chỗ cho nước” này. Quy hoạch này không cho phép chúng ta can thiệp một cách thô bạo quy luật tự nhiên, phải đảm bảo dành chỗ cho nước “sống” và có sự kiểm soát chủ động của con người.

Quy hoạch “dành chỗ cho nước” đòi hỏi có tính khoa học cao và sự phối hợp đa ngành. Quy hoạch đô thị phải dựa trên “quy hoạch nước”, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch các lưu vực dòng chảy, thoát lũ, chỗ lên xuống của thủy triều.

Ngoài các khu vực chứa, thoát nước tự nhiên thì ở một số đô thị cũng cần có thêm hồ nhân tạo làm túi chứa nước khi triều cường, mưa to hay lũ. Hồ này cần phải có đủ năng lực dung nạp nước để chúng không làm ảnh hưởng đến đô thị.

Khi đến mùa khô hạn thì chính các hồ này sẽ cung cấp nước ngược trở lại làm cho môi trường sinh thái đô thị luôn ổn định. 

* Hình hài một đô thị “dành chỗ cho nước” sẽ như thế nào tại ĐBSCL?

- Lịch sử phát triển các đô thị vùng ĐBSCL từ thuở ban đầu đã gắn chặt với yếu tố “nước”. Các đô thị này về bản chất đã là “đô thị nước”, gắn chặt với sông nước rồi. Khi quy hoạch, xây dựng cần phải đặc biệt tôn trọng đặc điểm tự nhiên đó, trong đó có yếu tố sông, nước mà tự nhiên ban tặng. 

Tôi lấy ví dụ đô thị Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là thành phố nằm bên sông Tiền và có sông Bảo Định chạy qua giữa lòng thành phố rất thơ mộng. Từ hai con sông này có rất nhiều con rạch đi sâu vào trung tâm nội ô rồi lại hòa vào sông, rạch khác dẫn nước ra ngoại ô phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích mặt nước này trong nội ô đã bị lấn chiếm xây dựng hoặc đã bị san lấp. Nếu quy hoạch tốt, tôn trọng, khai thác tốt đặc điểm cấu trúc tự nhiên thì chắc chắn đô thị Mỹ Tho sẽ rất đẹp, rất thơ mộng...

Những đô thị khác cũng vậy, nếu không san lấp, lấn chiếm thô bạo các không gian mặt nước vốn có như kênh, rạch tự nhiên, quy hoạch chú trọng tới việc dành chỗ thích hợp cho nước thì tương lai sẽ có cấu trúc đô thị phù hợp, kiến trúc cảnh quan đô thị đẹp, có bản sắc. Khai thác tốt “yếu tố nước” còn tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn và sức cạnh tranh đô thị hiệu quả hơn... 

TP Cần Thơ đã quy hoạch theo hướng này. Đó là quy hoạch bảo tồn cấu trúc hệ thống mặt nước, không gian mở có khả năng chứa nước, thoát lũ theo tiêu chí thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các thành phần trong cấu trúc đô thị này là tập hợp khu đô thị, dịch vụ, thương mại, du lịch sinh thái xen cài với các khu cảnh quan sông nước tự nhiên, vùng chứa, thoát nước tự nhiên và vùng nông nghiệp kỹ thuật cao. 

* Khó khăn của hướng quy hoạch này là gì, thưa ông?

- Nhược điểm lớn nhất là phải xây dựng các chiến lược ưu tiên, có tầm nhìn xa, có sự kiên định, kiên trì thực hiện. Kiểu “tư duy nhiệm kỳ” như từng thấy ở nhiều địa phương, quy hoạch điều chỉnh theo ý chí lãnh đạo, muốn đặt dấu ấn cho mình... là không phù hợp. 

Nếu quy hoạch theo giải pháp “dành chỗ cho nước”, ngay bây giờ phải thống nhất cách tiếp cận, đổi mới tư duy và phương pháp lập, quản lý thực hiện quy hoạch. Trước mắt cần dừng ngay việc san lấp các kênh, rạch để xây dựng phát triển đô thị.

Về lâu dài thì giải tỏa những kênh, rạch bị lấn chiếm để có kế hoạch phục hồi hệ thống mặt nước trong tổng thể chung.

Đặc biệt trong quy hoạch phải có tính dân chủ, có sự tham gia của cộng đồng một cách đúng nghĩa. Với toàn vùng ĐBSCL, cần có nghiên cứu mang tính tổng thể, trong đó hai yếu tố sống còn của sự phát triển là “con người” và “nước” phải được đặt lên hàng đầu.

Chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập bộ phận đầu mối, điều phối các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL trên cơ sở thống nhất với các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương trong vùng về công tác phối hợp, liên kết ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu và nước biển dâng bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể theo chỉ đạo chung thống nhất của Ủy ban Quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu. 

Ngoại trừ TP Cần Thơ, quy hoạch chung của các tỉnh còn lại trong vùng ĐBSCL còn khá chậm trong khi áp lực biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng lớn. Quy hoạch xây dựng trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng đòi hỏi phải thật sự cẩn trọng, cân nhắc, nghiên cứu kỹ các số liệu và điều kiện của từng địa phương, không thể vì áp lực phải làm nhanh mà làm cẩu thả, thế hệ sau chúng ta sẽ gánh hậu quả.

Theo tôi biết thì các tỉnh cũng đang dồn sức lập quy hoạch vì họ ý thức được tầm quan trọng của công tác này.

Ông DƯƠNG QUỐC XUÂN  (phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận