​Dấu son dệt may

TRẦN VŨ NGHI 12/07/2015 18:07 GMT+7

Từ con số vài chục triệu USD, xuất khẩu hàng dệt may VN vào thị trường Mỹ nay đã đạt xấp xỉ 10 tỉ USD và kỳ vọng đạt mức 20 tỉ USD trong 10 năm tới.

Ngành dệt may sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt khi TPP có hiệu lực. Ảnh TVN

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may VN vào thị trường Mỹ đạt con số cực kỳ nhỏ là 50 triệu USD năm 2000 (trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành là 1,89 tỉ USD). Con số này giảm còn 45 triệu USD vào năm 2001, rồi bất ngờ tăng vọt lên 975 triệu USD, chiếm đến 35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2002 - đúng một năm sau khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) có hiệu lực.

Từ năm 2002 trở đi, dệt may VN đã có bước nhảy gần như “thần tốc” vào thị trường Mỹ, liên tiếp xô đổ các cột mốc tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu được tính bằng đơn vị “tỉ đô”: đạt 1,97 tỉ USD (2003), 2,6 tỉ USD (2005), 6,11 tỉ USD (2010) và 9,8 tỉ USD (2014). Nếu so với kim ngạch của năm đầu tiên khi BTA có hiệu lực, đến cuối năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ đã tăng đến 907%, một mức tăng kỷ lục.

Riêng năm 2015, theo nhận định của Phòng Thương mại Mỹ tại VN (AmCham), kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt khoảng 10,6 tỉ USD và dự kiến đạt hơn 20,4 tỉ USD vào năm 2025.

Mức tăng trưởng này tiếp tục duy trì và kéo dài đến cuối năm 2014, có thể sẽ kéo dài thêm hai năm nữa, trước khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng đi vào thực thi. Nhưng theo ông Diệp Thành Kiệt -  phó chủ tịch Agtek, ngay cả khi TPP được thông qua, dệt may VN vào Mỹ sẽ khó đạt lại được mức tăng trưởng vượt bậc như giai đoạn mới có BTA.

Ông Kiệt cho rằng lúc BTA có hiệu lực với VN, xuất phát điểm của ngành dệt may trong nước quá thấp, lại thiếu công ăn việc làm nên BTA là một cơ hội rất lớn để mở rộng năng lực sản xuất ngành dệt may. Còn hiện tại, dù TPP được cho là một cơ hội rất lớn đối với ngành dệt may VN nhưng các điều kiện để hưởng mức thuế bằng 0% lại không đơn giản.

“Ngoài việc phải cạnh tranh với các nước Mỹ đang cho hưởng chế độ ưu đãi thuế quan (GSP), VN vẫn chưa chủ động được nguồn cung nguyên phụ liệu sản xuất. Nguồn cung lao động vẫn bị thiếu hụt và phân tán vào nhiều ngành khác. Các chi phí sản xuất và chi phí lao động cũng đang cao dần, nên sẽ là trở ngại không nhỏ để ngành dệt may VN đạt được tốc độ phát triển ngoạn mục như trước đây” - ông Kiệt phân tích.

Theo phân tích của các chuyên gia, cứ trong 100% kim ngạch xuất khẩu dệt may VN sang Mỹ, gần 70% do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tạo ra,

25-28% từ các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), phần còn lại là các doanh nghiệp cổ phần và tư nhân. Trong cơ cấu đơn hàng thực hiện theo phương thức FOB, có trên 70% buộc phải mua hàng theo sự chỉ định của đối tác nước ngoài, khoảng 30% tự tìm được nguồn cung nguyên liệu nhưng chủ yếu cũng do các công ty thương mại từ Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Trung Quốc đảm nhận. Phần giá trị gia tăng thực hưởng hoặc các yếu tố có thể tạo thành những điểm thuận lợi mà sản phẩm “Made in Vietnam” được hưởng từ TPP dành cho khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước là rất thấp.

Chính vì vậy, khả năng sản xuất trọn gói, từ thiết kế đến thành phẩm cho xuất khẩu tới nay vẫn chỉ là mục tiêu còn xa vời của ngành dệt may VN, khi doanh nghiệp thực chất làm được công việc này gần như chưa có. Phần lớn doanh nghiệp trong nước chủ yếu tham gia công đoạn thực hiện và hoàn thiện mẫu chứ không thể thiết kế từ A-Z.

Thực chất đây là một hình thức gia công nhưng ở mức độ cao hơn vì cũng được khách hàng tin tưởng. Và dù sao, đó cũng là bước đệm để doanh nghiệp trong nước tiến tới “đặt chân” được vào chuỗi giá trị sản xuất trọn gói.

Trước mắt, để hưởng được thuế suất bằng “0%” của TPP, các chuyên gia cho rằng việc đầu tiên cần phải thực hiện nghiêm túc, gấp rút là hoàn thiện công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may với việc đầu tư cho công đoạn sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, vải... Nếu không, VN vẫn chỉ là “sân sau” cho các doanh nghiệp FDI.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận