Để cộng đồng kinh tế ASEAN là bữa tiệc

QUỲNH TRUNG- LÊ THANH 30/01/2015 05:01 GMT+7

TTCT - Năm 2015 được xem là giai đoạn nước rút để tiến tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến chính thức ra đời vào cuối năm nay, hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối.

Đồ họa: LAP

Đối với một số thành viên có xuất phát điểm thấp và năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện như Việt Nam, AEC mang lại các cơ hội to lớn để rút ngắn khoảng cách phát triển, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những thách thức vô cùng to lớn.

Thuế giảm, công nghiệp còn lẹt đẹt

Theo Tổng cục Hải quan, hiện ASEAN là đối tác cung cấp hàng hóa cho VN lớn thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của VN (sau Hoa Kỳ và EU). Tuy nhiên số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại giữa VN - ASEAN từ năm 2009 đến nay luôn nghiêng về nhập siêu. Theo số liệu trong chín tháng đầu năm 2014 của Tổng cục Hải quan, thâm hụt thương mại giữa VN - ASEAN đạt mức 3,35 tỉ USD, trong đó VN xuất khẩu hàng hóa trị giá 13,64 tỉ USD sang ASEAN và nhập khẩu 16,99 tỉ USD hàng hóa.

Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành tại thông tư 165/2014/TT-BTC mới đây, kể từ ngày 1-1-2015 có thêm 1.715 mặt hàng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á vào VN thuế suất còn 0%, theo cam kết của Việt Nam khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015-2018.

Các nhóm hàng cắt giảm thuế lần này thuộc các ngành nông nghiệp, thịt gia súc, nông sản, thủy hải sản, nhiên liệu (than)... Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, VN cắt giảm tổng cộng 8.574 dòng thuế (tương đương 90% biểu ATIGA) xuống mức 0%.

Việc VN tiếp tục cắt giảm sâu thuế quan năm nay làm tăng nỗi lo nhập siêu. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế trong nước nhận định rằng mức thuế quan đã cắt giảm vẫn chưa tác động nhiều đến cán cân xuất nhập khẩu giữa ASEAN - VN trong năm nay.

Bởi lẽ, VN vẫn còn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu đối với 7% biểu thuế các mặt hàng nhạy cảm như sắt thép, giấy, vải may mặc, ôtô, linh kiện phụ tùng ôtô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất... Những mặt hàng này sẽ có lộ trình cắt giảm thuế dài hơn, đến năm 2018 mới về mức 0%.

Ông Nguyễn Sơn, phó vụ trưởng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công thương, thừa nhận rằng trong quan hệ thương mại với ASEAN những năm gần đây, VN nhập siêu từ ASEAN, tuy chưa bức xúc, nóng bỏng như nhập siêu từ các thị trường khác như Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, ngành công nghiệp ôtô thuộc danh mục 7% biểu thuế các mặt hàng nhạy cảm là mối lo bởi Thái Lan, Malaysia, Indonesia có nền công nghiệp ôtô phát triển rất mạnh, giá cạnh tranh.

Ngoài ra, bốn mặt hàng là đường, muối, trứng gà, thuốc lá vốn được bảo hộ lâu nay, đến thời hạn 2018 cũng phải dỡ bỏ thuế. “Trong bốn mặt hàng trên, đường là thách thức lớn nhất vì hiện nay giá thành đường của VN rất cao trong khi đường của Thái Lan lại rất rẻ. Chính sách bảo hộ đường đã được duy trì 20 năm, thời gian đủ lâu để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phương pháp canh tác, hợp đồng với nông dân, quy hoạch vùng mía nhưng suốt 20 năm qua, ngành mía đường vẫn lẹt đẹt” - ông Sơn tỏ ra lo lắng.

Thái Lan là quốc gia thâm nhập thị trường Việt Nam sâu rộng nhất trong khối Asean. Hiện sản phẩm trong hầu hết lĩnh vực tiêu dùng, nông sản, dịch vụ... của người Thái đã có mặt ở Việt Nam Ảnh: Thanh Đạm

Nhiều doanh nghiệp quan ngại

Ông Nguyễn Sơn cho rằng AEC thực chất là tạo ra một sân chơi và tăng trưởng của mỗi nước sẽ còn tùy thuộc vào năng lực sản xuất của từng nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp VN vẫn chậm cải thiện năng lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội AEC mang lại.

Nhìn sang Thái Lan có thể thấy rõ sự năng động của doanh nghiệp trước thời cơ mới qua hàng loạt vụ mua bán, sáp nhập các công ty ở Việt Nam, Indonesia, Philippines. Điển hình là Tập đoàn SCG, ngoài thương vụ mua lại 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group ở VN, còn là tham vọng tiến vào thị trường Đông Nam Á trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và ximăng.

Theo TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN, sức cạnh tranh của hàng hóa VN rõ ràng ở thế yếu hơn khi tham gia AEC. Nhìn vào con số thống kê, thế yếu mà ông Thiên đề cập thể hiện rất rõ. Bà Nguyễn Thị Bích, vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết hàng hóa VN xuất sang thị trường ASEAN chủ yếu là điện thoại và linh kiện điện thoại (từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài), dầu thô...

Còn các mặt hàng mang tính thế mạnh xuất khẩu của VN như may mặc, da giày... vào được thị trường ASEAN với con số rất hiếm hoi. Thái Lan, Malaysia có sản phẩm tương đồng với VN nhưng chất lượng, mẫu mã lại cạnh tranh hơn rất nhiều.

Ông Lương Văn Thư, tổng giám đốc Công ty cổ phần may Đáp Cầu (Bắc Ninh), cho biết hiện nay công ty của ông cũng có xuất hàng may mặc sang Thái Lan, Singapore, Indonesia... nhưng tỉ lệ hàng xuất sang ASEAN nói chung chỉ chiếm vài phần trăm, trong khi đó hàng xuất sang Mỹ chiếm 60% và sang EU là 30%.

“Thực tế hàng vào ASEAN không dễ khi nhu cầu thị trường này không nhiều. Bên cạnh đó, hàng hóa nội địa của các nước ASEAN khá cạnh tranh. Còn tại thị trường nội địa, hàng may mặc các nước cũng không thể sang ta một cách ồ ạt bởi chúng ta vẫn có ưu thế là lao động giá rẻ. Chính vì thế, giá hàng may mặc trong nước vẫn đứng vững trên thị trường nội địa” - ông Thư nói.

Ở mặt hàng may mặc, tiếng là VN có thế mạnh xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, nhưng chủ yếu làm gia công thứ cấp cho các công ty Hàn Quốc, Đài Loan... Không nhiều công ty làm gia công trực tiếp với các thương hiệu lớn của châu Âu hay Mỹ. Thói quen đó khiến nhiều doanh nghiệp may mặc không thích thú với việc xây dựng thương hiệu tại thị trường ASEAN.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn tin tưởng AEC sẽ mang lại cho họ nhiều cơ hội. Ông Nguyễn Tôn Quyền, tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, cho rằng tham gia AEC sẽ rất có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu VN.

“ASEAN thành lập cộng đồng kinh tế là rất có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, trong đó có ngành gỗ VN. Bởi chính sách thuế nhập khẩu cắt giảm và về 0% sẽ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ giảm được chi phí, tăng sức cạnh tranh” - ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, sản phẩm của VN có nguồn nguyên liệu được nhập từ Myanmar, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào là rất lớn. Để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ VN đang xem xét xây dựng xưởng chế biến gỗ tại các nước này. 

“Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận sức ép cạnh tranh sẽ rất ghê gớm khi chúng ta hội nhập AEC. Bởi sản phẩm gỗ của VN còn kém hơn của Thái Lan, Myanmar, Singapore cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Nếu chúng ta không thay đổi, chắc chắn thị trường nội địa sẽ tràn ngập sản phẩm ngoại” - ông Quyền lo ngại.

Ông Quyền cho biết để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm gỗ VN, giải pháp căn cơ là tăng cường nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ở trong nước. Ông thông tin thêm rằng hiện nay VN mới chỉ đáp ứng 200.000ha rừng trồng nên trong tương lai cần cố gắng đưa lên 1 triệu ha để đáp ứng nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu thay vì nhập của các nước.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp phải tiết kiệm nguyên liệu, như hiện nay 1m3 gỗ làm ra 0,7m3 sản phẩm nhưng tới đây phải tăng lên 0,8-0,9m3 sản phẩm.    

VIỆT NAM CÓ 522 DỰ ÁN Ở ASEAN

Ông Vũ Văn Chung, phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, dẫn số liệu cập nhật mới nhất cho biết VN đã đầu tư vào tám nước ASEAN.

Các nhà đầu tư VN đã đầu tư 522 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 9,74 tỉ USD, chiếm 58,1% số dự án và 51,2% tổng vốn đầu tư của VN ra nước ngoài. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông lâm nghiệp, năng lượng, khai khoáng, bất động sản, tài chính, ngân hàng, viễn thông...

Trong khi đó các nước ASEAN đã đầu tư vào VN với 2.431 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 51,8 tỉ USD, chiếm 14,2% số dự án FDI và trên 21,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại VN. Đứng đầu các nước ASEAN đầu tư vào VN là Singapore với 1.312 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 31 tỉ USD (chiếm 53,9% tổng số dự án và 59,87% tổng vốn đầu tư đăng ký). Các nước Brunei, Lào và Campuchia đều đã có đầu tư vào VN.

Theo ông Chung, bốn quốc gia VN có hoạt động đầu tư lớn gồm Lào, Campuchia, Malaysia và Myanmar. Dẫn đầu là Lào với 248 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,73 tỉ USD; tiếp đến là Campuchia với 161 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 3,45 tỉ USD. . Điều ít người biết là VN đã đầu tư sang Malaysia 10 dự án với 754,68 triệu USD vốn đăng ký, chủ yếu ở lĩnh vực dầu khí.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei) tăng cường đầu tư vào các nước Campuchia, Lào, Myanmar, VN là đương nhiên, bởi các nước đi sau có trình độ thấp, cần nhiều vốn đầu tư để phát triển. Ông Thành cũng cho rằng Campuchia, Myanmar, Lào là thị trường đầu tư tiềm năng của VN trong các lĩnh vực như khai khoáng, nông nghiệp, công nghệ thông tin, thương mại.

QUỲNH TRUNG

Ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký Asean:

Dòng vốn đầu tư dịch chuyển tự do hơn

Theo lộ trình đến năm 2015 thì tất cả dòng thuế trong khu vực Asean sẽ phải về 0, trừ một số dòng đặc biệt sẽ được tồn tại đến năm 2018.

Như vậy đến năm 2015 AEC được thành lập thì lưu chuyển hàng hóa trong Asean sẽ không cần thuế, hàng hóa sẽ được lưu thông tự do, các dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển tự do hơn, các lĩnh vực dịch vụ cũng được tự do hóa mạnh, kể cả việc di chuyển lao động trong các nước Asean cũng sẽ được   tăng cường...

Với tất cả biện pháp đã triển khai đến nay cho thấy rõ trong việc giá trị thương mại nội khối tăng lên rất lớn so với năm 1990. Hiện nay giá trị thương mại nội khối giữa các nước Asean với nhau đã tăng lên 25%. Thương mại nội khối tăng lên, khoảng cách phát triển được thu hẹp, kết nối giữa Asean và Asean với các nước được tăng cường.

Tất cả điều này tạo nên một cơ sở vững chắc để chúng ta tin rằng AEC thành lập vào tháng 12-2015 sẽ tạo điều kiện cho tăng cường hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa các nước Asean với nhau và giữa Asean với các đối tác của mình.

VN là nước thu hẹp khoảng cách lớn nhất trong số các nước thành viên mới. VN đóng góp rất lớn trong giá trị thương mại nội khối. Trong những chương trình kết nối ASEAN, đặc biệt là chương trình kết nối hạ tầng, rất nhiều dự án kết nối VN được hưởng lợi, chẳng hạn dự án về hệ thống đường cao tốc Asean, hệ thống đường sắt nối Singapore với Côn Minh...

ĐÌNH DÂN ghi

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận