Con heo và nỗi dè dặt tái đàn của nông dân

A LỘC - TRẦN MẠNH 08/06/2020 23:06 GMT+7

TTCT - Việc tái đàn heo trong nước sau dịch tả heo châu Phi (ASF) được xem là cốt lõi, giúp hạ nhiệt giá heo trong nước, nhưng người chăn nuôi và các địa phương vẫn dè đặt.

Một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiếm hoi tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai giữ được đàn heo sau đợt dịch tả heo châu Phi. Ảnh: A LỘC
Một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiếm hoi tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai giữ được đàn heo sau đợt dịch tả heo châu Phi. Ảnh: A LỘC

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung kiểm soát dịch tả heo châu Phi tái bùng phát, lây lan diện rộng. Theo bộ, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành buộc tiêu hủy gần 4.000 con heo.

Chỉ tái đàn ở các trang trại lớn

“Nuôi heo giờ trở nên quá rủi ro. Ai có heo bán thì nhanh giàu, nhưng nuôi con heo đến 100kg giờ không khác nào đánh bạc” - ông Trần Quang Trung, nông dân có thâm niên trên 20 năm nuôi heo ở Đồng Nai, cho biết. 

Bài toán của ông Trung rất rõ: nếu mua heo con bên ngoài, một con heo 8kg giờ đã có giá 3,4 triệu đồng, bằng giá con heo 100kg trước khi dịch bệnh, chuyện như không thể mà lại đang xảy ra.

Trong đợt dịch vừa qua, Đồng Nai đã tiêu hủy khoảng 450.000 con heo, chi gần 670 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Cuối tháng 3, tỉnh này công bố hết dịch ASF và chưa ghi nhận trường hợp nào tái phát. Đến nay, đã có trên 300 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tái đàn, tăng đàn heo.

Nhưng ông Huỳnh Thành Vinh - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai - lo lắng nguy cơ tái phát dịch rất lớn do hiện vẫn chưa có vắcxin phòng dịch. Do đó, việc tái đàn cần thận trọng.

Theo kế hoạch, Đồng Nai sẽ tăng đàn heo lên 2,5 triệu con. Tuy nhiên theo ông Vinh, quan điểm của tỉnh là không cho tái đàn trong khu dân cư, chỉ những trang trại đảm bảo tốt vấn đề an toàn sinh học mới cho tái đàn. Cơ sở chăn nuôi muốn tái đàn phải đăng ký với cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm soát.

Khan hiếm heo giống

Sau đợt dịch ASF kéo dài trong năm 2019, đàn heo nái và heo hậu bị của các hộ chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai hầu như không còn, chỉ các trang trại lớn, các doanh nghiệp nước ngoài giữ được đàn nái. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, trang trại này thường phân bổ con giống trong các chuỗi của mình, ít “chia sẻ” đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Do đó, heo giống cũng khan hiếm, giá bán bị đẩy lên rất cao. Nhiều hộ chăn nuôi dù muốn tái đàn, tăng đàn nhưng không thể mua được con giống. “Bầy heo vừa rồi tôi phải đặt cọc từ nhiều tháng trước, chấp nhận chi 100.000 đồng/con cho trung gian mới mua được heo nuôi. Tôi đang đặt cọc thêm một bầy heo giống mới, nhưng phải sau tháng 9 mới có hàng”, ông Cường - chủ trại chăn nuôi tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) - cho biết.

Dịch ASF tràn qua, đàn heo hàng trăm con của gia đình ông Sín A Minh - hộ chăn nuôi heo tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) - chỉ còn khoảng 10 con. Dù rất muốn tăng đàn nhưng ông Minh không thể mua được heo giống, phải tính toán để lại vài con heo đẹp làm nái nhằm chủ động được nguồn con giống.

Ông Cường cũng cho biết hiện một con heo con từ 6-10kg giá 3,3 triệu đồng, từ 23-25kg giá khoảng 3,8 triệu đồng/con. Cộng thêm các chi phí thức ăn, thuốc, công chăm sóc, hao hụt... giá thành một con heo khi xuất chuồng khoảng 6,6 triệu đồng. Theo ông Cường, với mức giá bán hiện nay, người chăn nuôi lãi 2-3 triệu đồng/con heo thịt. Do đó, nhu cầu tái đàn, tăng đàn rất cao.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, vì thế, vẫn cho rằng các biện pháp hành chính như ép doanh nghiệp giảm giá bán heo hơi hay cho nhập khẩu heo sống là không hợp lý, chỉ làm giảm tốc độ tái đàn heo trong nước. Phát triển chăn nuôi trong nước và giải quyết vấn đề con giống mới là biện pháp bền vững nhất giúp giảm giá thịt heo và ổn định thị trường trị giá 10 tỉ USD này. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận