Để hiểu đúng những gì ông Trump vừa nói về Việt Nam

HỮU NGHỊ 05/07/2019 21:07 GMT+7

TTCT - Phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần rồi về Nhật Bản là một phát ngôn bốc đồng hay có chủ đích? Cũng thế, phát ngôn của ông về Việt Nam cần được hiểu như thế nào?

Ông Trump rất được lòng dân thợ mỏ than ở West Virginia, và mọi hành động cũng như lời nói của ông cần được soi chiếu dưới góc độ tranh thủ cử tri Mỹ. Ảnh: Fortune
Ông Trump rất được lòng dân thợ mỏ than ở West Virginia, và mọi hành động cũng như lời nói của ông cần được soi chiếu dưới góc độ tranh thủ cử tri Mỹ. Ảnh: Fortune

“Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta sẽ nhảy vào chiến đấu trong thế chiến thứ 3, sẽ bảo vệ nước Nhật, bằng mạng sống và của cải của chúng ta, song nếu chúng ta bị tấn công, người Nhật chẳng phải giúp chúng ta. Họ sẽ xem cuộc tấn công trên một tivi hiệu Sony”. 

Câu nói trên của ông Trump, cùng một số phát biểu khác tương tự, tỉ như chê trách Việt Nam là “kẻ lợi dụng”, được loan đi cùng khắp mặt báo thế giới hôm thứ tư 26-6, có khi được trích riêng rẽ, có khi gộp lại.

Nhào nặn truyền thông

Để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của những đe dọa, trách móc này, không thể không nhìn lại xem các phát biểu đó được đưa khi nào: Chỉ 2 ngày trước khi ông Trump sang Nhật dự Thượng đỉnh G20 do Thủ tướng Nhật Abe Shinzo chủ trì.

Phát biểu ở thời điểm đó đương nhiên gây sốc, song không gây bất ngờ: (1) nếu nhớ rằng đó vừa là cá tính của ông Trump, vừa là chiến thuật “đàm phán” của ông; (2) nếu biết rằng đó không hề là những phát biểu riêng rẽ, mà trong khuôn khổ một cuộc phỏng vấn dông dài đủ thứ chuyện trên Fox Business News sáng 26-6, trong đó ông Trump còn nhắm đến nhiều “đối tượng” khác nữa.

Phải nói ông Trump là một tổng thống Mỹ rất “đương thời”, trong ý nghĩa ông rất chủ động nắm bắt xu thế của thế giới hiện tại là sự bùng nổ thông tin, và ông đang dốc sức khai thác mọi kênh truyền thông để rồi chính ông làm tràn ngập thông tin theo ý ông, đối lập với điều mà ông chỉ trích là “Fake News Corp” (bè lũ tin giả), tức các hãng tin truyền thống và chủ lưu, vốn không ưa ông. Từ các mẩu Twitter rất cá nhân đăng hàng giờ cho tới các phỏng vấn trên “đài ruột” Fox News, lẫn các đài “không thân thiện” như ABC News, NBC..., bên cạnh kênh chính thức là các thông báo hay diễn văn qua Văn phòng báo chí Nhà Trắng.

Cứ thế, ông Trump tận dụng truyền thông tối đa. Các phát biểu khiến một số quốc gia “đồng minh và đối tác” của Hoa Kỳ (Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam) “lên ruột” tuần trước được đưa ra trong cuộc phỏng vấn của Maria Bartiromo trên Fox Business’ Mornings sáng 26-6.

Chính xác mà nói, ông Trump đã “mượn” chương trình này và Bartiromo để chuẩn bị cho chuyến đi dự G20 Osaka theo cách của ông: tấn công “phủ đầu” các “mục tiêu” mà ông muốn nhắm đến.

Giở lại cuộc phỏng vấn, sẽ thấy “dàn bài” câu hỏi lần lượt như sau: (1) ôn lại kết quả cuộc điều tra của nguyên công tố viên đặc biệt Robert Mueller với mục đích nhấn mạnh tính chính danh với cương vị tổng thống của ông Trump; và (2) câu chuyện tăng thuế với Trung Quốc, mà ông Trump tin chắc rằng ông sẽ đạt được thỏa thuận có lợi, giống như trước đó với Mexico.

“Chúng ta thì mở cửa (thị trường) còn Trung Quốc thì không. Trung Quốc đang phải trả giá cho điều đó... Họ đã phá giá tiền tệ của họ và đang đổ tiền vào nền kinh tế của họ, đổ tiền vào các công ty mà người Trung Quốc gián tiếp hoặc trực tiếp sở hữu, trong khi chúng ta không phải trả giá bất cứ gì... Tôi sẽ đưa ra các mức thuế bổ sung rất đáng kể nếu không đạt thỏa thuận. Có thể chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận, nhưng chừng này tôi cũng đã rất hạnh phúc rồi. Chúng ta đã thu lợi cả núi rồi, và thẳng thắn mà nói, đó không phải là một điều tốt lành cho Trung Quốc, mà là cho chúng ta...”. Cứ thế, ông Trump nã “pháo giàn” vào Trung Quốc, đối tác ông sẽ gặp ở G20.

Những quả bóng mềm

Nội dung cuối cùng của cuộc phỏng vấn, (3), mới là “các mục tiêu” khác. Truyền thông Mỹ có một khái niệm được gọi là “soft ball” (nghĩa đen: bóng mềm), tức là một quả ném nếu bóng quá dễ dàng cho tay đập, hay một câu hỏi dọn cỗ.

Bartiromo và ông Trump.

Bartiromo đã ném quả bóng mềm đó cho ông Trump với câu hỏi: “Tôi biết là Bộ trưởng (Ngoại giao Mike) Pompeo đang ở Ấn Độ gặp gỡ người đồng cấp của ông ấy. Ông cũng từng trao đổi với một số quốc gia Đông Nam Á. Xin cho biết những gì ông muốn thấy liên quan đến Nhật Bản, Ấn Độ và Đông Nam Á trong các thỏa thuận song phương”.

Ông Trump trả lời ngay không ngần ngừ đến nửa giây: “Chắc chắn rồi. Hãy để tôi bắt đầu với một tuyên bố chung. Hầu như mọi quốc gia trên thế giới này đều đang lợi dụng Hoa Kỳ khôn xiết. Thật không thể tin được, đúng không? Tôi phải nhận xét như vậy. Thật không thể tin được”.

Đến đây, ông Trump tuôn ra một tràng liên thanh: “Giống như ngay cả chuyện hiệp ước với Nhật Bản. Chúng ta có hiệp ước với Nhật Bản. Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta sẽ nhảy vào thế chiến thứ 3. Chúng ta sẽ lâm chiến và chúng ta sẽ bảo vệ họ. Chúng ta sẽ chiến đấu bằng sinh mạng và của cải của chúng ta. Chúng ta sẽ chiến đấu bằng mọi giá, đúng không? Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản đâu có phải giúp gì chúng ta. Họ có thể xem cuộc tấn công trên tivi Sony”.

Không nghỉ lấy hơi, ông Trump chuyển luôn từ Nhật chuyển sang một “mục tiêu” khác: “...Chuyện lợi dụng chúng ta về quân sự - lấy trường hợp NATO chẳng hạn, cũng vậy. Chúng ta chi trả gần 100% chi phí của NATO. (Vậy mà) người ta không biết điều đó. Chúng ta chi trả gần như 100%, bởi Đức không chi những gì lẽ ra họ phải chi, và trong 28 quốc gia (thành viên NATO), 7 nước còn được nhận tiền. Năm ngoái, tôi đã khiến họ phải bỏ tiền ra trả thêm 100 tỉ USD. Hãy hỏi Tổng thư ký NATO (Jens) Stoltenberg mà xem, ông ấy là fan hâm mộ tôi bậc nhất, ông ấy sẽ kể cho mà nghe...” (“Quả vậy, ông ấy quả có nói vậy” - Bartiromo nhanh chóng phụ họa, như trong một kịch bản viết trước).

Cuộc phỏng vấn, sau những trách móc đầy vẻ “kẻ cả” với Trung Quốc, Nhật Bản, NATO rồi Đức, vẫn chưa dừng lại.

“Vậy là ngài tổng thống đang làm việc về một thỏa thuận với châu Âu đúng không? Châu Âu sẽ là mục tiêu tiếp theo sau khi ông xong việc với Trung Quốc?” - Bartiromo lại nêu bóng cho đập lần nữa.

Cứ theo kịch bản như thế, cùng những ngôn từ và cách thức như thế, cuộc phỏng vấn được lái đến Việt Nam, vốn chỉ chiếm một phần nhỏ thời lượng.

Bartiromo: “Giờ thì ông đã có một số công ty Mỹ rút sản xuất ra khỏi Trung Quốc đưa sang Việt Nam. Đây có phải là điều mà ông nghĩ là các công ty Mỹ nên cân nhắc?”.

Trump: “Đúng vậy. Chà, rất nhiều công ty đang chuyển đến Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc”.

Bartiromo: “Quả thật thế”.

Trump: “Vì vậy, có một tình huống rất thú vị đang diễn ra ở đó, nhưng đó là sự thật. Nhiều công ty đang rút mọi thứ của họ ra. Xem thử đi. Một số công ty đang rút ra và làm những gì họ thực sự nên làm. Họ đang quay trở lại Mỹ. Họ đang quay trở lại Hoa Kỳ”.

Bartiromo “chêm”: “Ông có tính đánh thuế Việt Nam không?”.

Trump: “Chà, chúng ta đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam gần như là tồi tệ nhất - tuy nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc - nhưng gần như là kẻ lợi dụng tồi tệ nhất”.

Cần đặt tất cả những điều đó trong bối cảnh bài phỏng vấn, với tính cách và xuất thân là một nghệ sĩ trình diễn của ông Trump, cũng như bối cảnh là mùa bầu cử tổng thống ở Mỹ đã sắp bước vào giai đoạn quyết liệt.

Kiểu cách “quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn” của ông Trump cũng lộ rõ khi ông nhanh chóng “đổi tông” về Việt Nam: “Hiện họ (Việt Nam) đang mua rất nhiều than từ West Virginia, điều khiến tôi hạnh phúc. Bạn biết đấy, tôi yêu West Virginia và những người thợ mỏ”.

Bartiromo ngắt lời để khen: “Chà, ông quả đã giúp được rất nhiều cho các công ty than, các ngành công nghiệp”...

Trump: “Họ sẽ không trụ được sáu tháng nếu Hillary lươn lẹo đắc cử. Họ sẽ không tồn tại được sáu tháng đâu. Bây giờ ngành công nghiệp này một lần nữa lại sôi động, hoạt động tốt và chúng ta bán rất nhiều - bạn biết đấy, tiểu bang West Virginia của chúng ta, chúng ta có nhiều than và chúng ta bán rất nhiều than cho Việt Nam, nhưng Việt Nam là một kẻ lợi dụng”.

Thật không biết đường nào mà lần! ■

Nghệ thuật đàm phán

Sau Việt Nam, còn một lô một lốc những “mục tiêu” khác “ăn đạn” từ ông Trump. Có thể suy đoán, chuyện ông Trump “đe” Nhật, Đức, châu Âu và Việt Nam chỉ là một số trong nhiều “mục tiêu” của ông, chủ yếu là các “đối tượng” sẽ tham dự thượng đỉnh G20 Osaka 2 ngày sau đó.

Cách hành xử và những tuyên bố như thế không xa lạ với bất cứ ai đã đọc cuốn sách có lẽ là nổi tiếng nhất của ông Trump: Nghệ thuật đàm phán (dù do người khác chấp bút hộ).

 

 

Ở trang 56 là nguyên lý cơ sở: “Tôi nghĩ kinh doanh là khả năng bẩm sinh của mình. Điều đó là di truyền... chẳng liên quan gì đến tài năng. Người kinh doanh chỉ cần một chút thông minh, còn lại phần lớn là do bản năng của họ”.

Sau đó là chiến thuật: “Điều tệ hại nhất mà bạn có thể trải qua trong một thương vụ là cảm thấy tuyệt vọng khi thực hiện nó. Điều đó sẽ khiến đối phương xông lên tấn công, và bạn sẽ thất bại. Điều tốt nhất là bạn phải thực hiện nó với tất cả sức mạnh của mình, và khả năng ảnh hưởng là sức mạnh lớn nhất mà bạn có thể có... Đừng bao giờ thực hiện các thương vụ mà bạn không có khả năng ảnh hưởng đến chúng” (trang 65, 66).

Cuối cùng, “luật chơi” theo ông Trump là: “Tôi rất tốt với những người đối xử tốt với tôi. Nhưng khi người ta đối xử xấu, không công bằng hoặc lợi dụng tôi, tôi sẽ phản công rất mạnh” (trang 70); và: “Tôi chấp nhận chi tiền cho những gì cần phải mua, nhưng không chấp nhận chi nhiều hơn khoản tiền mình phải trả... Chi phí luôn là điều quyết định cuối cùng” (trang 73).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận