Để hiểu thêm về vấn đề “MADE IN...” 

TUONG HUA 02/11/2017 13:11 GMT+7

TTCT - Câu chuyện lình xình của Khaisilk quanh cái mác “Made in...” cần được nhìn thêm ở góc độ kinh doanh và bảo vệ thương hiệu của DN Việt Nam. Cần hiểu rõ các khái niệm trong việc ghi nhãn mác xuất xứ hàng hóa để giảm thiểu rủi ro trong tranh chấp thương hiệu, giữ uy tín với người dùng... Hiểu biết này cũng hữu ích cho người tiêu dùng khi chọn lựa sản phẩm...

Đồ họa: M.N.
Đồ họa: M.N.

Hầu hết chúng ta đã rất quen thuộc với cụm từ “Made in...” vì nó xuất hiện gần như trên mọi sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam, kể cả hàng nhập khẩu.

Rất có thể nhiều người vẫn đang suy nghĩ đơn giản rằng hàng hóa được “hình thành, sản xuất” tại quốc gia nào thì “Made in” từ quốc gia đó. Có phải hàng được sản xuất tại Việt Nam thì “Made in Vietnam”, hàng được nhập về từ Mỹ thì “Made in USA”...?

“Made in” là “made in” nào?

Cụm từ “Made in...” được sử dụng trên nhãn mác sản phẩm để chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ quốc gia của một sản phẩm. Những hướng dẫn như vậy là do các quy định trong luật áp dụng, do cơ quan hành pháp ban hành. Những cơ quan hành pháp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn này bao gồm cơ quan hải quan, thuế, cơ quan quản lý thương mại (như bộ công thương, bộ thương mại)... tùy tổ chức bộ máy hành chính của mỗi quốc gia.

Việc sử dụng cụm từ “Made in...” trên nhãn mác sản phẩm là thuộc thẩm quyền lãnh thổ quốc gia nơi hàng hóa được bán ra. Bởi vậy, mỗi quốc gia sẽ có những quy định, chính sách hướng dẫn riêng về tiêu chuẩn, điều kiện để hàng hóa được phép sử dụng cụm từ này trên nhãn mác của nó.

Luật pháp Mỹ có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn để được ghi cụm từ “Made in USA” lên nhãn mác (label) sản phẩm. Nguyên tắc này mang tính phổ quát cao nên được nhiều nước trên thế giới áp dụng tương tự.

Cơ quan có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn và hướng dẫn ghi cụm từ “Made in USA” lên nhãn mác của sản phẩm là Ủy ban Thương mại liên bang (FTC), và bộ quy tắc này được gọi là “FTC’s Made in USA Policy”. Theo quy định của FTC, tất cả hàng hóa được bán hay quảng cáo tại thị trường Mỹ đều phải ghi rõ quốc gia xuất xứ. Hàng hóa nếu đủ điều kiện theo tiêu chuẩn Mỹ thì được phép ghi là “Made in USA”, nếu không đủ điều kiện này, phải ghi quốc gia xuất xứ của nó theo sau cụm từ “Made in...” hay “Products of...”.

Theo quy định của FTC, để một sản phẩm được ghi cụm từ “Made in USA” lên nhãn mác của nó, sản phẩm này phải thỏa mãn tất cả các tiêu chuẩn sau:

1- Hàng hóa này phải được bán ra, quảng cáo trên lãnh thổ liên bang Mỹ, bao gồm tất cả các tiểu bang và các đảo thuộc vùng lãnh thổ Mỹ...

2- Tỉ lệ nội địa hóa của hàng hóa phải chiếm tỉ lệ TOÀN PHẦN hoặc GẦN NHƯ TOÀN PHẦN (all or virtually all) của hàng hóa đó. Khâu chế tạo, sản xuất, lắp ráp cuối cùng để có một sản phẩm hoàn chỉnh phải được thực hiện trên lãnh thổ Mỹ. “Hàng hóa được bán ra trên lãnh thổ liên bang” được hiểu là các hàng hóa được bán theo hình thức bán sỉ hoặc bán lẻ và đầu sử dụng cuối là người tiêu dùng Mỹ. 

Hàng hóa có thể được bán theo hình thức bán hàng truyền thống hay bán qua mạng. “Hàng hóa được quảng cáo trên lãnh thổ liên bang Mỹ” được hiểu là những hàng hóa có thể đang hiện diện trên lãnh thổ Mỹ và cũng có thể là không, tuy nhiên đã có quảng cáo trên lãnh thổ Mỹ nhắm vào khách hàng Mỹ. Hình thức quảng cáo có thể là trên báo giấy, online, tivi show...

3- “Tỉ lệ nội địa hóa của hàng hóa phải chiếm tỉ lệ TOÀN PHẦN hoặc GẦN NHƯ TOÀN PHẦN (all or virtually all) của hàng hóa đó” được hiểu là tỉ lệ các nguyên vật liệu, bộ phận, công đoạn... hình thành nên sản phẩm được sản xuất, chế tạo toàn bộ tại Mỹ, hay chiếm tỉ lệ gần như toàn phần, và thường theo thực tiễn áp dụng thì tỉ lệ được xem là “virtually all” là thường từ 75% trở lên.

Tuy nhiên, cách tính tỉ lệ nội địa hóa của một sản phẩm để được ghi “Made in USA” không đơn thuần là con số các phần cấu thành sản phẩm như đơn vị khối lượng, đơn vị số lượng, mà phải được tính chuẩn xác và khoa học hơn.

FTC đã áp dụng cách tính tỉ lệ nội địa hóa theo giá thành sản phẩm, còn gọi là chi phí sản xuất của sản phẩm (costs of goods sold). Theo cách tính này, nếu phần chi phí để sản xuất ra một sản phẩm chiếm tỉ lệ từ 75% (virtually all) trở lên là xuất phát từ những chi phí sản xuất của các phần trong nội địa Mỹ, thì sản phẩm đó được xem là virtually all và được phép ghi “Made in USA”.

Lấy ví dụ: một chiếc áo thun sản xuất tại Mỹ và được gắn nhãn “Made in USA” thì tất cả các chi phí sản xuất của nó như phí mua sợi vải, phí in ấn, phí gia công, hay lương trả cho công nhân... tính gộp lại, trong đó phải có ít nhất 85% chi phí đầu vào là xuất phát từ chi phí các phần cấu thành chiếc áo thun từ nội địa Mỹ. 

Chi phí của các bộ phận cấu thành của chiếc áo thun như sợi vải, màu... được hiểu là giá mua vào của các phần đó. Tỉ lệ 75% nội địa hóa của một sản phẩm được gắn “Made in USA” chỉ là một trong những yếu tố để FTC đánh giá tính “virtually all” của sản phẩm đó thôi.

4- “Khâu chế tạo, sản xuất, lắp ráp cuối cùng để có một sản phẩm hoàn chỉnh phải được thực hiện trên lãnh thổ Mỹ” được hiểu là việc thực hiện khâu cuối cùng này phải có ý nghĩa và chiếm một tỉ lệ tương đối lớn trong tổng giá thành của sản phẩm.

Ví dụ: mua vải lụa cuộn về Mỹ, cắt ra, gia công để làm thành chiếc khăn tay... Nếu chỉ mua chiếc khăn lụa đã được gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh từ Trung Quốc, sau đó đưa về Mỹ, cắt bỏ nhãn “Made in China” sau đó gắn nhãn “Made in USA” vào thì KHÔNG được xem là “khâu chế tạo, sản xuất, lắp ráp cuối cùng để có một sản phẩm hoàn chỉnh phải được thực hiện trên lãnh thổ Mỹ”, và do vậy sản phẩm khăn lụa này không thể gắn nhãn “Made in USA” được.

Ví dụ điển hình là sản phẩm điện thoại iPhone của Apple, vì có khâu lắp ráp cuối cùng được thực hiện ở Trung Quốc nên phải được gắn nhãn “Made in China” hay “Assembled in China”.

Theo quy định của FTC, hầu hết hàng hóa tại Mỹ đủ tiêu chuẩn để được gắn nhãn “Made in USA” có thể lựa chọn gắn nhãn cụm từ này hay không gắn cũng được, và mặc nhiên được hiểu là “được làm ở Mỹ - Made in USA”. Tuy nhiên, theo FTC, những sản phẩm thuộc ngành công nghiệp xe hơi (bao gồm cả xe máy), dệt may, len sợi, và da thuộc bắt buộc phải gắn nhãn “Made in USA”.

Đối với hàng hóa nhập khẩu và bán tại thị trường Mỹ, FTC quy định buộc phải gắn nhãn nguồn gốc quốc gia, như “Made in...” hay là “Products of...”.

Thế nào là “assembled in”, “designed by”, “packaged in”?

Như vậy, theo quy định của FTC về việc nhãn xuất xứ nguồn gốc sản phẩm được bán ở thị trường Mỹ, thì có bốn nội dung bắt buộc phải tuân theo.

Đó là:

(1) Các loại hàng hóa bắt buộc phải gắn nhãn xuất xứ nguồn gốc quốc gia, bao gồm một số chủng loại hàng hóa được sản xuất tại Mỹ theo bắt buộc trên, và các chủng loại hàng nhập khẩu vào Mỹ. Cụm từ được dùng để gắn là “Made in...” hay “Products of...”;

(2) Các chủng loại hàng hóa được sản xuất tại Mỹ, không cần gắn nhãn “Made in USA”, nhưng vẫn được hiểu ngầm là “được làm tại Mỹ”;

(3) Những điều kiện, tiêu chuẩn để một sản phẩm được gắn nhãn “Made in USA” hay được xem là “được làm tại Mỹ”; và (4) Hai cụm từ sử dụng bắt buộc là “Made in...” và “Products of...” thay thế ngang bằng cho nhau.

Do vậy mới thấy có một số sản phẩm được bán tại thị trường Mỹ nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên, ví dụ nơi sản xuất cuối cùng, tỉ lệ nội địa hóa... thì bắt buộc phải gắn nhãn nguồn gốc xuất xứ quốc gia, cụm từ sử dụng bắt buộc là “Made in...” hay “Products of...”.

Tuy nhiên, do các sản phẩm này không đủ tiêu chuẩn để được gắn “Made in USA” nhưng có thể được lắp ráp tại Mỹ, hay thành phần nguyên liệu có một phần xuất xứ từ Mỹ, hoặc được thiết kế bởi công ty ở Mỹ nên nhà sản xuất thường gắn kèm các cụm từ như “Assembled in...”, “Designed by...”, “Packaged in...”, “Packaged by...”... nhằm mục đích làm tăng giá trị của sản phẩm dựa theo uy tín của công ty, của thương hiệu. Ví dụ rõ nhất là sản phẩm iPhone của Apple được bán ở Mỹ.

Như vậy, chỉ có các cụm từ “Made in...” và “Products of...” là bắt buộc sử dụng, còn các cụm từ khác như liệt kê trên đây là không bắt buộc, và việc lựa chọn sử dụng là tùy thuộc vào doanh nghiệp, căn cứ trên quá trình sản xuất thực tế của sản phẩm.

Như trên đã nêu, việc hướng dẫn và định ra tiêu chuẩn để ghi nhãn “Made in...” hay “Products of...” là thuộc thẩm quyền mỗi quốc gia. Do vậy, Trung Quốc có bộ quy tắc riêng, Việt Nam cũng có bộ quy tắc hướng dẫn, các tiêu chuẩn riêng về cách ghi nguồn gốc xuất xứ quốc gia cho sản phẩm “Made in Vietnam”.

Doanh nghiệp còn “mù mờ” về cách ghi nhãn mác, sẽ còn bị cho là “treo đầu dê bán thịt chó...”. Luật thương mại 2006, nghị định số 19/2006/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể và hướng dẫn cách ghi nhãn mác sản phẩm, nhưng có vẻ như việc áp dụng trên thực tế còn nhiều bất cập.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận