Đêm định mệnh

HÀM CHÂU 05/07/2012 07:07 GMT+7

TTCT - 5 năm - một quãng thời gian không thể coi là ngắn của tuổi thanh xuân - phải chăng Lệ Hằng đã hoàn toàn phí phạm do lao vào một... “cuộc kiếm tìm vô vọng”?!

Vành đai Kuiper (tranh của Don Dixon) - Ảnh: centralastronomyclass.pbworks.com/

Dù thế nào chăng nữa, Lệ Hằng vẫn tự dặn mình "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng" bởi vì "Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh". (*)

"Cứu" Gerard KuiperR

Quả vậy, trời không phụ lòng những ai bền chí!

Thành công bất ngờ ập đến, nhưng không phải vào buổi "bình minh" như lời bài hát mà vào một "đêm định mệnh", đêm 30-8-1992, đêm thứ hai Jane dùng máy ảnh số thế hệ mới. Chị như loài chim vạc quen "ăn đêm" mà!

Theo quy trình, hai người chụp ba tấm ảnh kế tiếp nhau về một khoảnh hẹp trên vòm trời. Mỗi lần mất 15 phút. Sau đó xem lại ba tấm ảnh ấy trên màn hình máy tính, coi thử có một vật thể nào đó đang thay đổi vị trí hay không. 

Nếu chỉ chụp hai tấm thì rất có thể chỉ ngẫu nhiên ghi lại hình ảnh của hai tia vũ trụ bất ngờ bay tới kính viễn vọng. Jane không bao giờ chỉ mới chụp được hai tấm đã dừng lại. Nhưng đêm ấy David bỗng nhiên dừng lại ở tấm ảnh thứ hai.

- Jane ơi - David nói - Xem đây, cái chấm sáng này không sắc nét như dấu vết tia vũ trụ. Nó mờ nhòe, có lẽ đó là hình ảnh một thiên thể lạ đang di chuyển...

Suốt hai tiếng đồng hồ sau đó, hai người lần lượt chụp tấm ảnh thứ ba, rồi thứ tư, và phóng to lên để thấy rõ hơn hình ảnh cái thiên thể lạ kia đang di chuyển mỗi lúc một xa hơn.

Sau này kể lại cái "đêm định mệnh" ấy, Jane Luu nói:

- David và tôi chẳng dám hi vọng gì nhiều! Bởi vì chúng tôi đã làm cái công việc chụp ảnh đơn điệu buồn tẻ ấy suốt năm năm rồi, mà chẳng "thấy" được một cái gì khác lạ cả!

Hai người bảo nhau hãy giữ cho đầu mình "lạnh" dù trái tim đang "nóng". Họ không vội công bố kết quả. Những đêm sau, họ lại quan sát, lại chụp ảnh, cho đến khi thu thập đủ chứng cứ vững chắc để có thể khẳng định rằng đó là một thiên thể mới, một tiểu hành tinh chưa ai từng khám phá.

Tiểu hành tinh ấy mang ký hiệu (15760)1992QB1. Đó là tiểu hành tinh đầu tiên tìm thấy trong vành đai Kuiper. Nó có đường kính rất lớn, tới 280km, bằng 1/8 đường kính của Diêm Vương tinh, quay xung quanh Mặt trời ở khoảng cách 6,6 tỉ km, xa gấp 44 lần khoảng cách Trái đất - Mặt trời.

Sau đó, hai anh chị còn sát cánh bên nhau nhiều năm nữa, và cùng Jun Chen - một nghiên cứu sinh trẻ người Trung Quốc - phát hiện thêm 27 tiểu hành tinh khác nữa.

Theo Jane Luu, số vật thể trong vành đai Kuiper có thể lên tới... 100 tỉ! Trong đó có khoảng 10.000 thiên thể cỡ lớn, với đường kính hơn 100km! Vành đai ấy cũng là nơi phát sinh các sao chổi ngắn hạn, được cấu tạo từ thiên thạch. 

Đây là nơi thuận lợi để nghiên cứu về thuở ban đầu hình thành Hệ mặt trời cách nay... 4,5 tỉ năm! Bởi lẽ các vật thể trong vành đai ấy là những thứ thừa thãi còn rơi rớt lại sau khi tạo nên các hành tinh.

Một nghiên cứu sinh khác, Michael E. Brown, kém Jane Luu 2 tuổi, bắt đầu tham gia nhóm nghiên cứu vành đai Kuiper. Michael phát hiện được thiên thể Eris có khối lượng lớn hơn cả Diêm Vương tinh (đường kính Diêm Vương tinh chỉ là 2.390km). 

Điều đó khiến cho Hiệp hội Thiên văn học quốc tế bèn đặt ra một lớp mới các thiên thể gọi là "hành tinh lùn" (dwarf planet), do khối lượng của chúng bé hơn nhiều so với các hành tinh.

Kết quả là Hệ mặt trời giờ đây chỉ còn lại tám hành tinh đúng chuẩn. Diêm Vương bị "giáng cấp" vì không đạt chuẩn, chỉ còn được coi là một thiên thể bình thường trong vành đai Kuiper, "bằng vai phải lứa" với các "hành tinh lùn" khác như Eris, Sedna!

Khám phá của nhóm David Jewitt, Jane Luu và Michael Brown về vành đai Kuiper được coi là một thành tựu đột phá, gây đảo lộn về nhận thức trong giới thiên văn học thế giới. Tổng khối lượng các hành tinh lùn và tiểu hành tinh trong vành đai Kuiper có thể lớn gấp hàng trăm lần tổng khối lượng của vành đai tiểu hành tinh nằm giữa các quỹ đạo của Hỏa tinh và Mộc tinh. Và kết quả là khối lượng của Hệ mặt trời cũng thay đổi nhiều...

Vành đai Kuiper không còn bị coi là một "phỏng đoán vu vơ vô căn cứ"! Jane Luu cùng David Jewitt đã "minh oan", đã "cứu" Gerard Kuiper khỏi bị dư luận chê cười...

David Jewitt (trái) và Jane Luu trên The Wall Street Journal sau khi họ được tuyên bố nhận giải thưởng Shaw

Tiểu hành tinh 5430 Luu

Để vinh danh Jane Luu, một tiểu hành tinh trong vành đai Kuiper được cộng đồng thiên văn học thế giới đặt tên là 5430 Luu (The asteroid 5430 Luu is named in her honor - Wikipedia). Thế là họ Lưucủa Lệ Hằng, người con gái Việt quê gốc ở Nam Định, Hải Phòng - những miền quê khoa bảng, nơi đã từng sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Thế Vinh - sẽ còn lại mãi trong lịch sử thiên văn học của nhân loại.

Chính vì thành công vang dội đó, ngày 31-5-2012, tại Oslo, Viện hàn lâm Khoa học và văn học Na Uy, Quỹ Kavli cùng Bộ Giáo dục và nghiên cứu Na Uy ra thông cáo báo chí cho biết: Ba nhà vật lý thiên văn David Jewitt, Jane Luu và Michael Brown sẽ được trao Giải Kavli về vật lý thiên văn năm 2012 "cho sự khám phá và mô tả vành đai Kuiper và những bộ phận cấu thành lớn nhất của nó; công trình dẫn tới một bước tiến lớn trong việc hiểu biết lịch sử hệ hành tinh của chúng ta". 

Giải Kavli gồm bằng chứng nhận, tấm huy chương vàng, kèm theo số tiền tổng cộng 1 triệu đôla Mỹ. Lễ trao giải thưởng Kavli sẽ diễn ra ngày 4-9-2012 tại Cung Hòa nhạc ở thủ đô Oslo, Vương quốc Na Uy.

Trước đó hai hôm, chiều 29-5-2012, tại Hong Kong, Quỹ giải Shaw cũng đã công bố danh sách những nhà khoa học được tặng ba giải Shaw năm 2012 về ba lĩnh vực: thiên văn học, sinh - y học và toán học.

Mỗi giải trong từng lĩnh vực được kèm theo tổng số tiền 1 triệu đôla Mỹ. Giải Shaw được giới khoa học thế giới coi là "Nobel của phương Đông" (Nobel of the East). Cũng như giải Kavli, giải Shaw không nhằm cạnh tranh mà nhằm bổ sung cho giải Nobel.

David Jewitt và Jane Luu là hai người được tặng Giải Shaw thiên văn học năm 2012 do "việc khám phá và mô tả những vật thể ngoài Hải Vương tinh, một kho báu khảo cổ học về thời kỳ xa xăm khi mới hình thành Hệ mặt trời, và đó cũng là nguồn gốc được tìm kiếm từ lâu về các ngôi sao chổi ngắn hạn". 

Quỹ giải Shaw ra đời năm 2002 tại Hong Kong, do nhà tỉ phú ngành truyền thông giàu lòng nhân ái Run Run Shaw (tên chữ Hán là Thiệu Dật Phu/ ) sáng lập. 

Năm nay, Thiệu tiên sinh (tức ngài Shaw) đã 104 tuổi mà vẫn minh mẫn, nghe đâu nhờ uống thuốc bắc và thực hành phép dưỡng sinh... Lễ trao giải Shaw sẽ diễn ra vào một ngày đầu thu năm 2012 tại Hong Kong, Trung Quốc.

Năm 2012 - Nhâm Thìn quả là năm "đại cát" đối với nhà vật lý thiên văn Lưu Lệ Hằng khi chị đồng thời được tặng hai giải thưởng danh giá bậc nhất thế giới, hai "Nobel thiên văn học".

Lưu Lệ Hằng thuộc kiểu người "mỗi ngày tôi chọn một niềm vui", ưa khám phá, trải nghiệm, không chỉ trong vật lý thiên văn cao siêu mà cả trong đời thường gần gũi. Chị thích chơi đàn cello, mê sách, giỏi tiếng Pháp chẳng kém gì thạo tiếng Anh, và lại còn thích viết lách văn chương nữa chứ.

Với túi tiền rất nhẹ của một nghiên cứu sinh, chị không ngại du lịch balô đến tận Nepal, bên dãy Himalaya ngất trời, nơi Đức Phật tĩnh tâm nhập định dưới tán lá cây bồ đề, thoát khỏi vô minh, thấu triệt diệu đế, đốn ngộ chân lý của muôn đời. 

Rồi chớp ngay thời cơ chính quyền Trung Quốc mở cửa biên giới Nepal - Tây Tạng, chị đặt chân lên "nóc nhà thế giới", nơi không khí rất loãng, đôi khi phải đeo bình ôxy. Ngồi trong thảo am, chị uống trà pha sữa bò yak với các nhà sư dòng Mật Tông, rồi vào làng dạy chữ cho các em nhỏ. Chị đến Mông Cổ, đi ngựa trên sa mạc và thảo nguyên, ngủ đêm trong lều du mục. Chị xuống tận miền nam lục địa đen thăm đảo quốc Madagascar...

Thế giới có biết bao nhiêu điều thú vị, lẽ nào Lệ Hằng lại ngồi yên một chỗ?...

Được một nhà báo Mỹ hỏi: “Chị có điều gì muốn gửi gắm đến các bạn trẻ trên thế giới?”, Lưu Lệ Hằng nói:

- Đức kiên trì dẫn dắt ta vượt qua những chặng đường xa thẳm, khiến ta không dừng bước. Thông minh xuất chúng ai mà chẳng muốn, song không mấy người trong chúng ta có được. Tôi nghĩ nếu yêu thích một điều gì đó thì bạn hãy luôn nghĩ tới nó, và rồi cuối cùng thế nào bạn cũng sẽ nảy ra một ý tưởng hay.

Ở một vài người ý tưởng hay xuất hiện từng ngày. Ở những người khác có khi phải chờ đợi cả năm. Bạn hãy bền lòng chờ đợi và không bao giờ ngừng nghĩ tới nó. Khi đã có ý tưởng hay, bạn hãy tự hỏi mình xem có dám thực hiện ý tưởng ấy không. Nếu bạn kiên trì thì nhất định rồi sẽ làm được một cái gì đó có ý nghĩa. Đam mê tức là bạn đã đi được nửa chặng đường đến đích.

David Jewitt, người đồng nghiệp gần gũi của tôi, thường nói: “Thiên hạ rất ưa dùng từ xuất sắc; ồ, nhà thiên văn kia rất xuất sắc. Không phải! Anh ta yêu thích công việc anh ta làm. Tất cả chỉ có thế thôi”.

__________

(*) Lời bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận