Đền ơn đáp nghĩa không phải việc "xin - cho"

PHẠM VŨ THỰC HIỆN 28/07/2013 08:07 GMT+7

TTCT - Ngày 27-7 năm nay, lễ giỗ lần thứ hai những người tù đã hi sinh tại Côn Đảo trong hơn 100 năm nơi địa ngục trần gian này cũng là dịp mừng đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trao cho tập thể tù chính trị tại Côn Đảo thời kỳ chống Mỹ 1954-1975.

Đằng sau những sự kiện này là một nhân vật đã khá quen thuộc mà cái tên gắn liền với Côn Đảo: ông Bùi Văn Toản, cựu tù chính trị Côn Đảo, tiến sĩ sử học, Anh hùng lao động.

Phóng to
Các cựu tù thăm lại trại giam trong lễ giỗ lần thứ 1, năm 2012 - Ảnh: Tự Trung

Ông Bùi Văn Toản - Ảnh: Tự Trung

"Cả vạn người tù đã ngã xuống ở Côn Đảo, đa số không còn mộ phần, không tìm được ngày sinh, ngày mất. Một lễ giỗ chung được tổ chức hằng năm là tâm nguyện cháy bỏng của các cựu tù chúng tôi, thân nhân những người đã mất và những người quan tâm đến Côn Đảo - ông Toản bùi ngùi nói - Chúng tôi tạm chọn ngày 20-6 âm lịch làm giỗ với ý nghĩa tượng trưng, vì được phiên ra từ ngày 1-8-1942.

Trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, thống kê về 113 năm lịch sử nhà tù Côn Đảo, không ngày nào không có người tù bị chết vì đủ lý do. Khi xác định được chính xác thông tin về ngày mất của 3.200 người, chúng tôi đã chọn lấy ngày có nhiều người mất nhất trong tháng (ngày 1 - 124 người), tháng có nhiều người mất nhất trong năm (tháng 8 - 335 người), năm có nhiều người mất nhất trong lịch sử (năm 1942 - 1.048 người). Từ ngày ấy, đổi sang âm lịch là 20-6 cho hợp với phong tục Việt Nam là làm giỗ theo âm lịch”.

Năm ngoái, ngày 20-6 Nhâm Thìn (7-8-2012) lễ giỗ đầu tiên đã được cử hành long trọng theo truyền thống dân tộc tại đền thờ Côn Đảo. Năm nay, thật may mắn ngày ấy lại trùng với Ngày thương binh - liệt sĩ 27-7.

“Cách tính ngày như vậy có vẻ hơi kỳ lạ, các con số thống kê cũng chưa được đầy đủ, sau này có thể đối chiếu, tổng hợp và điều chỉnh cho khoa học hơn, nhưng cái chính là sự quan tâm và tấm lòng của mọi người. Các cựu tù chúng tôi hầu hết đã ở tuổi gần đất xa trời, cố gắng dành dụm từng đồng lương hưu để đóng góp tổ chức, tham gia, gom sức tàn đến thắp cây nhang ở Hàng Dương, lần nào cũng có thể là lần cuối. Chỉ mong anh em dưới ba tấc đất được ấm lòng và người đi sau sẽ tiếp tục những công việc này” - ông Toản tâm niệm.

“Khi xưa anh em chúng tôi chẳng có một giây để phân vân trước cái chết, giờ muốn sống cho trọn nghĩa cũng thật khó”.

* Nói là một nén nhang thôi nhưng ông đã bỏ nhiều năm ròng tự nguyện “ngồi đồng” trong các thư viện, kho lưu trữ… để tìm từng thông tin chi tiết về sự hi sinh của từng người tù chính trị Côn Đảo, ghi chép từng mẩu ký ức, tìm kiếm từng kỷ vật để làm nên những công trình nghiên cứu, tái hiện những chặng đường đấu tranh gian khổ, thầm lặng của người tù trong địa ngục trần gian Côn Đảo…

Ông còn bỏ nhiều công sức, lặn lội tìm kiếm gia đình, thân nhân người đã khuất để cung cấp một ngày giỗ cụ thể, mang công trình nghiên cứu đến tặng từng thư viện tỉnh để mọi người có thể tra cứu, kiên nhẫn với những bộ hồ sơ vinh danh, các hoạt động tưởng niệm… Động lực phía sau những công việc ấy hẳn phải rất thẳm sâu?

- Chẳng có động lực nào mạnh bằng thực tế tôi chính là người trong cuộc, là một thành viên của “dân tộc Tà Ru” Côn Đảo (“Tà Ru” tức “tù ra” - NV). Những năm tháng tuổi 20 của tôi trải qua ở trại câu lưu 6B Côn Đảo với những đợt tuyệt thực, đấu tranh đòi quyền tự chủ, một giọt nước cũng cứu được một mạng người và người tù sẵn lòng nhường giọt cam lồ cứu sinh ấy cho đồng đội…

Tôi còn sống đến ngày hôm nay biết đâu đã chẳng vì có những bạn tù hi sinh để che đòn, nhịn cho một miếng cơm, nhường cho vài hột muối? May mắn còn sống, và vì thế phải sống thay cho phần những người đã ngã xuống, phải nhủ mình rằng làm được gì để đền đáp được ơn ấy thì nhất định phải làm.

Một động lực khác cũng mạnh không kém chính là vì những bộ hồ sơ, thủ tục còn mang tính “xin - cho” để có được sự công nhận, vinh danh mà những người có công, hay thân nhân họ đang phải làm, trong nhiều trường hợp là rất phức tạp, nhiêu khê. Tôi thấy trong đó sự máy móc, vô cảm, bất công khi so với những gì mà những người đi trước đã mất mát, hi sinh không một chờ đợi, không một đòi hỏi.

Đền ơn đáp nghĩa là nhiệm vụ mình tự giao cho mình, tự nguyện mà làm, không phải việc để người phải “xin” và ta được quyền “cho”. Nghĩ vậy nên khi thực hiện những việc mình muốn làm từ tận đáy tim lại vấp phải những chuyện làm mình đau lòng thì những cản trở lại biến thành động lực.

* Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về “những cản trở lại biến thành động lực” ấy?

- Lấy ngay câu chuyện chúng tôi đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho các “ngôi sao sáng Côn Đảo”: Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu, Phan Trọng Bình, Phạm Quốc Sắc, Nguyễn Minh, Lê Văn Một… Các ông đã trải qua đợt đấu tranh hơn 1.000 ngày chống ly khai cực kỳ khốc liệt, là những người cuối cùng đã vượt qua hàng ngàn thử thách để đi đến thắng lợi, bảo vệ được khí tiết...

Câu chuyện của các ông ngời sáng trong ký ức những người tù Côn Đảo, là nguồn động lực vô cùng lớn cho chúng tôi trong những đợt đấu tranh với bản thân, với đối phương sau này. Tên của Lưu Chí Hiếu, người hi sinh sau cùng trước lúc đối phương phải lùi bước, đã được lựa chọn làm tên đảng bộ lao 1, trại 6B. Ông là anh hùng của chúng tôi từ những ngày ấy. Thế nhưng mấy mươi năm sau, việc truy tặng Anh hùng để con cháu các ông tự hào về cha ông mình lại quá nhiêu khê.

Chúng tôi phải vượt qua bao nhiêu rào cản, tranh luận về bao nhiêu luận điểm, chẳng hạn “Anh hùng lực lượng vũ trang” thì phải đúng là lực lượng vũ trang. Lúc hoạt động, các ông không thuộc quân đội, không thuộc công an, không có thành tích nổi bật trong chiến đấu thì không được công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang.

Chúng tôi cự: “Cuộc chiến tranh của chúng ta là toàn dân, toàn diện, nhà tù cũng là một mặt trận, mà là mặt trận khốc liệt vượt quá sức người. Đấu tranh trong nhà tù cũng như chiến đấu ngoài mặt trận. Nếu quy định về đối tượng phong Anh hùng thiếu toàn diện thì đó là lỗi Nhà nước, phải bổ sung”. Rồi lại được yêu cầu phải xác minh các hoạt động của từng ông trong từng giai đoạn, chúng tôi đi tìm, người có, người không, mấy mươi năm chiến tranh còn gì…

Người đầu tiên được truy tặng danh hiệu Anh hùng về thành tích đấu tranh trong nhà tù là ông Cao Văn Ngọc, hồ sơ mất sáu năm chuyển đi, chuyển đến, họp hành, trao đổi. Người thứ hai là Lưu Chí Hiếu, mất 13 năm. 26 người cựu tù mà trong đó tôi là trẻ nhất ký tên vào đơn đề nghị, sau 13 năm chỉ còn khoảng chục người...

* 13 năm để làm một hồ sơ truy tặng Anh hùng, thật quá nhiều kiên nhẫn và quá nhiều chịu đựng. Tôi đang tự hỏi một đời người cựu tù hết lòng vì đồng đội như ông thì sẽ làm được mấy hồ sơ như vậy?

- Thì đấy, nhiều bậc “trưởng lão” của chúng tôi, những người may mắn trực tiếp biết ông Lưu Chí Hiếu bằng xương bằng thịt đã mất, chỉ còn một mình ông Tư Cẩn (Trịnh Văn Lâu). Nhưng từ đó đã mở ra một quan điểm mới là có thể phong Anh hùng cho một người dựa vào thành tích đấu tranh trong tù. Chúng tôi “thừa thắng xông lên” làm hồ sơ cho 13 người nữa.

Năm 2012, bốn người trong số đó đã được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng, và có thêm danh hiệu Anh hùng cho tập thể tù chính trị giai đoạn chống Mỹ nữa. Như vậy, “gánh nợ” của chúng tôi với anh em còn chín trường hợp.

Trước đó, chưa có ai được phong Anh hùng dựa vào thành tích trong tù cả, người ra tù chỉ có kiểm điểm, xử lý, kỷ luật chứ chẳng được vinh danh. Kể cả ông Nguyễn Đức Thuận, người tù nổi tiếng trong tác phẩm Bất khuất, cũng chỉ được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2008. Người ta muốn một Anh hùng phải là anh hùng trong tất cả cuộc đời, như là một vị thánh. Và từ đó hàng trăm tiêu chí được đặt ra.

Tiêu chí là cần thiết, nhưng sự máy móc đến vô cảm đã đặt ra những quy định quá thiếu thực tế. Đến tận bây giờ vẫn còn có những cụ già tuổi tròm trèm 90 mang nỗi ấm ức không được công nhận là “lão thành cách mạng” vì thiếu những tiêu chí: có xác nhận của người hoạt động cùng thời, có lý lịch gốc, có tên trong lịch sử đảng bộ địa phương hoặc có hồ sơ lưu khi bị bắt…

Thử hỏi một thanh niên ở làng quê Việt Nam khi xưa vác tầm vông theo tiếng gọi cách mạng liệu có biết và đủ thời gian để chuẩn bị lý lịch cho mình? Còn mấy ai cùng thời, cùng hoạt động còn sống và minh mẫn đến bây giờ để xác nhận? Lịch sử đảng bộ địa phương phần lớn do những thế hệ sau biên soạn, làm sao biết hết từng người? Người không bị bắt hoặc khai tên khác khi bị bắt làm sao có hồ sơ lưu?...

Mà đó mới chỉ là công nhận lão thành cách mạng, có công với cách mạng, làm hồ sơ Anh hùng còn khó đến mức nào? Khi xưa anh em chúng tôi chẳng có một giây để phân vân trước cái chết, giờ muốn sống cho trọn nghĩa cũng thật khó.

* Có khi nào ông thấy nản lòng, muốn buông bỏ? Trong nhiều năm, mỗi lần gặp ông khi mới hoàn thành một tập sách, tổ chức xong một chương trình, lúc nào tôi cũng nghe ông nói “Hết lần này nữa thì thôi, nghỉ. Mệt lắm rồi, kiệt sức rồi”. Nhưng rồi lại thấy ông tiếp tục, và còn hăng say hơn…

- Nếu không được tôi luyện qua những năm tháng Côn Đảo thì chắc tôi cũng đã buông bỏ. Nhưng rồi mấy việc này cứ đeo đẳng như món nợ, như cái nghiệp, không trả không được. Mỗi lần đi tìm tư liệu là một lần thấy lại hình ảnh những người bạn tù hiện ra mồn một. Mỗi ngày xem tài liệu lại thấy mình hiểu sâu hơn một chút về Côn Đảo, về cha anh mình. Hồn vía của những ngày khốc liệt ấy như thấm vào máu, vào tim, vào óc, bỏ cũng chẳng được…

Đền thờ Côn Đảo đã xây xong rồi, lễ giỗ cũng đã được tổ chức và sắp thành thông lệ. Chúng tôi đang cố gắng để được khắc tên những người tù đã mất vào một tấm bia tưởng niệm. Chuẩn bị mọi thứ, chủ trương, kinh phí, danh sách đều xong rồi, lại vẫn vướng về quan điểm…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận